Lá thư Canada

CHUYỆN ĐẦU

Bút Ký của Trà Lũ

Giới thiệu: Nhà văn Trà Lũ ở Toronto Canada, đất hiền hòa nên "chuyên trị" viết tùy bút về các loại đất, vì thế tên các phẩm của ông đều mang chữ Đất: Đất Mới, Đất Yêu Thương, Đất Lạnh Tình Nồng, Đất Thiên Đàng, Miền Đất Hứa... Văn của ông luôn vui tươi dí dỏm mà ý vị thâm trầm. Ông vốn chủ trương: một nụ cười bằng mười thang thuốc.

Cuối năm qua khi đọc tin Anh Chị Nguyễn Hữu Cúc ở San Jose đãi cơm 500 người Mỹ vô gia cư dịp Lễ Tạ Ơn, tôi đã xúc động và hãnh diện về người VN quá. Đầu năm nay, tôi còn xúc động và hãnh diện hơn khi nghe tin Đại Đức Thích Nguyên Thảo ở Vancouver, miền tây Canada, bán chùa để lấy tiền giúp nạn nhân Sóng Thần. Mà chẳng riêng gì tôi, chẳng riêng gì cộng đồng VN, nhiều người Canada da trắng cũng tỏ ra xúc động nữa và phục người VN quá chừng.

Chắc các cụ đã biết tin nổi cộm này rồi. Xin nói thêm : Thày bán được nửa triệu đồng, chính quyền Canada cho thêm ngay nửa triệu nữa, và số tiền một triệu này đã được trao cho Hội Hồng Thập Tự Canada vào trung tuần tháng Giêng vừa qua.

Người mua đất chùa là cộng đồng Phật Tử Tây tạng.

Xưa nay Canada có truyền thống rất tốt là hay đóng vai đối tác vơi các nhà hảo tâm. Anh cho một thì tôi cũng cho thêm một. Đó là lý do Thày Thích Nguyên Thảo có thêm nửa triệu nữa. Món quà thày tặng, từ nửa triệu biến ra một triệu chẵn.

Việc này giống y như thời thập niên 1980 trong việc bảo trợ thuyền nhân tỵ nạn VN. Lúc đó chính quyền Canada, ngoài con số chính thức bảo trợ 50 ngàn, còn cộng tác thêm với tư nhân, ai bảo trợ bao nhiêu thuyền nhân thì chính quyền Canada cũng bảo trợ thêm bấy nhiêu. Do đó mà Canada là nước dẫn đầu thế giới về việc tiếp nhận tỵ nạn VN. Chưa hết. Chính quyền còn mở cửa cho các người tỵ nạn ở Canada được bảo lãnh thân nhân, hoặc từ bên trại, hoặc thẳng từ quê nhà. Nhờ vậy mà con số người Việt ở Canada hiện nay đã lên tới 200 ngàn.

Việc bác ái của Thày Thích Nguyên Thảo chưa dừng ở đây. Trao tiền giúp nạn nhân Sóng Thần xong, thày được tin hải quân Trung Cộng bắn chết 9 ngư dân VN tại biển Đông ngày 8 tháng Giêng, Thày liền vét kho nhà chùa và gửi giúp ngay mỗi gia đình nạn nhân một ngàn đồng. Cũng chưa hết. Thày hứa sẽ bảo trợ dài hạn cho 2 người con của nạn nhân Trần Nghiệp Hùng. Tâm Phật là đây chứ ở đâu xa. Xin cúi đầu bái phục Thày Thích Nguyên Thảo và phật tử Chùa Hoa Nghiêm Vancouver.

Về phía người Canada cũng có một trường hợp rất đẹp mắt. Đó là cặp vợ chồng già Kroum Pindoff, 85 tuổi, đã giúp 5 triệu cho nạn nhân Sóng Thần. Mà việc giúp này buồn cười lắm. Ban đầu, khi vừa nghe tin thiên tai, ông bà đưa ngay cho Hồng Thập Tự Canada 100 ngàn. Mấy hôm sau xem phóng sự truyền hình, ông bà thấy thương các nạn nhân quá, nên đã tăng lên 500 ngàn. Và mấy hôm sau nữa, nhìn thấy thêm những thảm cảnh trên truyền hình, ông bà già đã cho đúng 5 triệu. Ông bà già hảo tâm này không phải sinh đẻ ở đây. Ông bà đều là di dân, đến đất Canada này năm 1955 với 2 bàn tay trắng. Ông gốc xứ Macedonia, bà gốc Đức. Nhờ sự chăm chỉ và nhờ trí thông minh, từ cái xe bán hàng cút kít trên đường, ông bà đã thành tỉ phú, chủ nhân 90 cửa hàng Music World trên toàn quốc. Lòng bác ái của ông bà không phải mới tỏ ra lần này, mà đã nhiều lần khác nữa. Tổng cộng số tiền ông bà đã trao cho Hội Hồng Thập tự là 50 triệu. Khi được hỏi sao ông bà rộng lượng như vậy, thì ông chồng trả lời ngay : Chúng tôi già rồi, mai ngày ra đi đâu có mang theo được tiền bạc. Lời nói thật chí lý và chí tình! Đúng là ông bà đang dùng tiền một cách rất khôn ngoan như Chúa dạy để mua cõi thiên đàng.

Cũng xin kể chuyện ông hàng xóm da trắng của tôi. Ông mới gặp tôi hôm qua và nói rằng ông đã thoát chết Sóng Thần, nhờ mẹ ông cứu. Ông còn một mẹ già, sức khoẻ bà cụ rất mong manh, do đó ông nảy ra ý tưởng mời mẹ đi dưỡng sức ở Á Châu. Ông đã chọn bãi biển Phukhet ở Thái lan để đưa mẹ tới. Nhưng mẹ ông đã từ chối với lý do rằng lễ Giáng Sinh là một lễ trọng truyền thống của gia đình, bàphải ở nhà mừng lễ này. Lời từ chối của bà đã cứu bà và cứu ông. Giá như bà cụ nhận lời và đi với ông thì cả 2 mẹ con đã vùi xác bên biển Thái Lan rồi.

Đúng là cái số mẹ con ông chưa chết, và đúng là sống chết có số. Một cô em họ của tôi cũng thoát chết trong đường tơ kẽ tóc. Vợ chồng cô nghỉ lễ Giáng Sinh ở đảo Maldives, chính nơi con sóng thần tràn tới. Mọi khi vào giờ đó thì cô đã ở bãi tắm, nhưng hôm đó không hiểu sao cô vẫn còn quanh quẩn trong phòng, phòng cô ở trên cao, nên vợ chồng cô thoát tử thần.

Việc này làm tôi nhớ chuyện nhà văn Nguyễn Thụy Long kể trong hồi ức 40 năm làm báo. Hôm đó ông ra Huế làm phóng sự chiến trường. Ông được máy bay chở ra mặ trận. Trên đường về, khi trực thăng sắp cất cánh thì có một thương binh cố lết tới xin cứu. Anh em ký giả kéo thương binh này lên và anh ngồi dưới sàn máy bay. Nguyễn Thuy Long mủi lòng nên đã nhường ghế cho thương binh này. Lúc đáp xuống bệnh viện, thấy anh vẫn ngồi lỳ trên ghế và đầu gục xuống, Nguyễn Thụy Long đến đánh thức anh và chuẩn bị giúp anh ra khỏi ghế. Ký giả Long thấy người anh lạnh toát. Thì ra anh đã chết. Anh đã bị một viên đạn bắn từ dưới đất lên, không biết từ lúc nào. Rõ ràng người thương bịnh xấu xố này đã chết thay anh.

Xin ngưng chuyện Sóng thần và tử thần để được nói tiếp về chuyện năm con gà, hãy còn nóng. Anh John, ông rể Canada da trắng trong làng nhậu của tôi, tỏ ra rất thích thú khi nghe các chuyện gà. Anh bảo trong văn hoá Canada, con gà không phải là một đề tài lớn và hấp dẫn. Người Canada vẫn coi thường và coi khinh con gà. Ghét ai và chê ai hèn nhát thì gọi ngươì đó là ‘Chicken !’. Món gà rẻ tiền, đãi ai món gà là đãi không sang. Thế mà trong văn hoá VN con gà được coi trọng và quý hoá.

Chắc Canada phải xét lại giá trị của con gà. Con gà là cái đồng hồ báo thức. Tiếng gáy cuả nó đã làm Thánh Peter trong Thánh Kinh giật mình tỉnh ngộ về tội chối Chúa. Tiếng gáy của nó đã cứu mạng Ông Mạnh Thường Quân và đoàn tùy tùng trong truyện Tàu.

Các cụ còn nhớ chuyện này chứ ? Chuyện kể rằng ngày kia Mạnh Thường Quân đi yết kiến vua Tần ở Hàm Dương vàdâng vua một cái áo cầu lông rất đẹp. Nhưng ông vẫn bị vua nghi kị vì nhiều kẻ gièm pha. Bà Yên Cơ, thiếp của vua, trông thấy lễ vật này thì mắt sáng lên. Bà thèm một cái như vậy.

Nhưng Mạnh Thường Quân không tìm đâu ra cái thứ hai. Ông ước gì có một cái áo quý đó nữa để lấy lòng bà mong bà to nhỏ với nhà vua để xoá tan nỗi nghi kị. Trong đoàn tùy tùng của Mạnh Thường Quân có người tài giỏi lẻn vào trong cung và ăn cắp được cái áo này. Ông đã đem tặng cho Yên Cơ. Sợ vua Tần biết được việc trộm áo, Mạnh Thường Quân và đoàn tùy tùng đang đêm bỏ trốn. Nhưng kẹt một cái là cổng thành còn khoá. Có tân khách trong đoàn biết nhái tiếng gà bèn gáy lên một tiếng. Gà chung quanh nghe tiếng gáy này tưởng là đã sáng nên cùng nhau gáy ầm lên. Quan coi thành nghe tiếng gà gáy thì cho rằng trời đã sáng nên ra hiệu mở cửa. Thế là Mạnh Thường Quân và đoàn tùy tùng kịp chạy thoát.

Đó là tiếng gà gáy cứu mạng. Mỡ gà còn là đồng hồ thời tiết nữa. Cha ông mình nói : Ráng mỡ gà thì gió, ráng mỡ chó thì mưa. Ráng mỡ gà, ai có nhà phải chống. Ráng là đám mây phản chiếu bóng mặt trời.

Con gà hơn con vịt về việc ấp trứng. Con vịt không ấp bao giờ. Chị vịt là vua lười. Hình như nó giao cái việc ấp trứng này cho loài người, và đôi khi nhờ luôn chị gà hàng xóm. Chị gà bao giờ cũng có đại tâm, chị không bao giờ xét xem trứng ấp có phải là trứng của mình, hay của gà khác, hay là trứng vịt. Khi trứng nở, gà mẹ thương yêu các con đồng đều. Nhiều khi gà mẹ dắt đàn con đi tìm mồi, một số con đã xuống bơi dưới nước. Hóa ra đây là những vịt con do mẹ gà ấp.

Nhờ việc ấp trứng này mà ta có trứng gà lộn, vịt lộn. Chị Ba Biên Hoà nghe tôi nói trứng thì cười ngất. Chị không bao giờ nói trứng, mà nói là hột, hột gà hột vịt. Trứng chỉ cái khác. Khổ thế cái ngôn ngữ Bắc Kỳ và Nam Kỳ này !Ông H.O. nghe tôi nói tới hột vịt lộn bèn cười hê hê. Thấy các bà kéo nhau xuống bếp làm món nhậu, ông liền nháy mắt rồi xin kể chuyện tiếu lâm ‘ Một lít ít hơn một xị’. Rằng có ông lính kia xa nhà đã lâu nay được phép đặc biệt về thăm vợ. Bà vợ xồn xồn thấy chồng về thì mừng quá bèn mua hột vịt lộn cho chồng xơi. Bà lại mua thêm một xị đế. Đêm đó anh chị đưa nhau lên tận mây xanh. Hôm sau, chưa đã cơn thèm khát lâu ngày, chị vợ cũng mua hột vịt lộn cho chồng xơi nữa, và lần này chị không mua một xị mà mua luôn một lít đế. Chị mua một lít vì chị nghĩ rằng tối qua mới có một xị mà mình đã ngất ngây lên mây, nay một lít thì chắc sẽ ngất ngây gấp trăm lần. Anh chồng nhậu say sưa và uống tì tì hết lít đế. Nhưng vì say quá nên đêm đó anh ngủ một giấc thẳng cẳng, quên hẳn bổn phận làm chồng. Chị vợ hụt hẫng, đấm ngực trách mình : hoá ra một lít ít hơn một xị !

Phe lliền ông chúng tôi nghe xong, phá ra cười. Ông ODP và anh John cười sặc sụa khiến phe các bà từ dưới bếp chạy cả lên nhà. Chị Ba Biên Hoà tra khảo chồng ngay : Các ông đang nói chuyện tầm bậy phải không ? Anh John mặt tỉnh bơ, trả lời : Mọi người cười vì câu trả lời của bác ODP hay quá sức. Anh hỏi về sự khác biệt giữa những tiếng đực cái và trống mái. Bác ODP trả lời ngay là con gì biết bay thì gọi là trống hay mái, như con chim trống chim mái, gà trống gà mái. Còn con gì chỉ đi dưới đất thì dùng tiếng đực tiếng cái, như con chó đực chứ không ai nói con chó trống, con mèo cái chứ không ai nói con mèo mái cả. Nhờ sự lanh trí này mà anh John thoát hiểm.

Để khỏa lấp, Anh John đố các bà gà Kosher, gà Halal là gà gì. Chẳng riêng gì các bà mà cả tôi nữa cũng đều không biết. Hoá ra cái anh John này thông thái thật. Gà Kosher là gà làm theo lối Do Thái. Gà này do chính tay các ông cố đạo Rabbi cắt cổ làm thịt theo nghi thức Do Thái Giáo. Còn gà Halal là gà do tay người Hồi Giáo làm, cũng theo nghi thức của Hồi Giáo.

Nhóm chúng tôi xưa nay nhậu gà thường xuyên nhưng chưa hề biết đến mùi gà Kosher hay Halal. Ông bà mình cho rằng trong con gà, phần ngon là ‘nhất phao câu, nhì đầu cánh’. Người Canada không đồng ý như vậy. Canada cho phần ngon nhất là cái ức gà. Theo thống kê, hằng năm mỗi người Canada trung bình xơi 30 kí thịt gà. Nhiều chứ. Xứ này là xứ nuôi bò và nuôi gà mà. Kỹ nghệ nuôi gà của Canada thật tiến bộ. Tôi có ông bạn làm trong nhà máy gà Flamingo ở Quebec. Ông cho biết mỗi giờ nhà máy làm xong 12 ngàn con. Một giờ nha, chứ không phải một ngày. Vừa cho thị trường trong nước, vừa xuất cảng sang Hoa Kỳ. Trước 1975, chân gà, lòng gà, xương gà thì vất đi hết. Nay họ không vất nữa. Đã có phe gốc Á Châu tiêu thụ. Từ 1990 trở đi, chân gà còn được xuất cảng sang Trung quốc nữa.

Ngày nay dân Canada ưa ăn loại gà ‘vegetarian chicken’ tức là gà chỉ nuôi bằng hỗn hợp thực vật, không nuôi bằng bất cứ phế phẩm động vật nào như bột thịt, bột xương hay bột mỡ. Và lối nấu thông dụng là gà bỏ lò. Dân Canada nhậu gà với salad, bánh mì, và rượu vang. Nhật Bản thì thích xâu thịt gà rồi nướng, gọi là món yakitori. Ăn cũng được, nhưng họ chỉ có mỗi một món đó là phổ thông. Cái bếp Canada và Nhật Bản thua xa cái bếp VN khi nấu món gà. Bếp VN làm gà nhiều món lắm : chiên, xào, cà ri, rút xương đút lò, hấp muối, BBQ, kho gừng, kho xả ớt, nướng lá chanh, hấp chao, xé phay, cháo gà, miến gà, phở gà, mì gà,bún măng, gà cơm tay cầm, gà nấu canh chua... Ấy là chưa kể món nhậu bình dân mà anh liền ông nào dốt nấu ăn cách mấy cũng biết làm, là gà luộc chấm muối với lá chanh.

Nhân cái không khí vui vẻ đầu năm, Cụ B.95 vừa đố cả làng nhậu một câu, tôi xin đố lại quý vị : ‘ Có chân mà chẳng có tay, Có hai con mắt ăn mày thế gian’ là con gì ? Vị nào chưa nghĩ ra ngay thì xin thưa đó là con gà. Cụ bảo đây là câu đố dân gian rất phổ thông ở miền quê ngoài Bắc của cụ.

Bây giờ xin kể chuyện thời sự xứ này. Nhiếu lắm. Thứ nhất là đoàn thể thao hockey thiếu niên Canada vừa đoạt giải vô địch thế giới, đè bẹp Nga, Thụy Điển và Phần Lan. Cuộc thi chung kết được tổ chức tại North Dakota bên Hoa Kỳ. Thứ hai là Canada đã gửi một phái đoàn rất hùng hậu sang quan sát cuộc bầu cử đợt hai vừa qua tại Ukraine. Ông John Turner, cựu thủ tướng Canada làm trưởng đoàn. Phái đoàn gồm những 500 người. Phải đông như vậy để ngăn cho được cái gian lận của phe thân Nga. Thứ ba là một công dân Canada gốc Trung Hoa đã được chọn làm phó toàn quyền tại tỉnh bang Alberta. Đó là ông Lâm Tá Minh, tên Canada là Normie Kwong. Ông Lâm năm nay 76 tuổi, là một nhân vật có uy tín ở miền dầu lửa va nông trại này. Tính đến nay, Canada đã có 2 vị gốc Trung Hoa giữ chức lớn. Thứ nhất là Bà Ngũ Băng Chi, tên Canada là Adrienne Clarkson, làm Quan Toàn Quyền, tức là thay mặt Nữ Hoàng ở Canada. Xin các cu nhớ hiện nay nữ hoàng bên Anh cũng là vua nước Canada. Ông Lâm Tá Minh làm phó toàn quyền, nghĩa là ông làm đại diện cho nữ hoàng ở một tỉnh bang. Cầu mong thế hệ thứ ba của người VN chúng ta cũng sẽ có người leo lên tới chức này. Con Rồng cháu Tiên chứ ít sao.

Đến đây có độc giả sẽ hỏi tôi rằng vậy bà Ngũ Băng Chi trên đây có phải là nhân vật vĩ đại nhất Canada không ? Thưa, không phải. Trên giấy tờ thì bà có chức lớn nhất, chức đại diện. Nhưng trong tâm hồn người Canada thì không phải bà. Đài truyền hình quốc gia CBC mới bỏ ra 7 tuần lễ thăm dò cả nước xem ai là người Canada vĩ đại nhất. Họ đưa ra 100 nhân vật nổi tiếng. Rồi chung kết là 10 vị, trong dó có những vị nổi danh khắp hoàn cầu như Alexander Graham Bell cha đẻ ra diện thoại, như BS Frederick Banting cha đẻ ra thuốc insulin chống bệnh tiểu đường, như Terry Fox người hùng chống ung thư, như cựu thủ tướng thông minh Pierre Trudeau, như Thoams Douglas... Cuối cùng, người được nhiều phiếu bầu nhất là ông Thomas Douglas, quen gọi là Tommy Douglas. Ông này là cựu thủ hiến tỉnh bang Saskatchewan, đảng trưởng đảng Tân Dân Chủ NDP, và điểm làm nhiều người yêu mến nhất : ông là cha đẻ ra chính sách y tế miễn phí cho mọi người. Bên Mỹ, rất nhiều chính khách muốn bắt chước Canada về mặt này mà không được.

Một nhân vật nữa, tuy không bằng Tommy Douglas trên đây, nhưng được rất nhiều người ái mộ đó là văn hào Pierre Berton. Ông vừa nằm xuống, thọ 84 tuổi. Ông là nhà văn, nhà báo, nhà viết sử và là nhà bình luận uy tín trên các đài truyền hình. Mặt nào ông cũng xuất sắc tột đỉnh. Ông mất ngày đầu tháng Chạp năm qua, đúng vào ngày Tổng thống Bush chính thức sang thăm viếng Canada. Tin ông mất, hình của ông, được báo chí đăng trang trọng ở trang nhất, át cả hình tổng thống Bush.

Tin thời sự cuối cùng trước tết con gà là cộng đồng VN ở thủ đô Ottawa, Montreal và Toronto biểu tình trước sứ quán Trung Cộng ngày 23. I. 2005 để phản đối hải quân TC đã bắn chết 9 ngư phủ VN ngày 8.I.2205 tại biển đông. Toà đại sứ VN ở Ottawa im re, các cụ ạ. Kỳ thế đấy !

Nghe tôi nói tới Tàu, bồ chữ ODP trong làng chúng tôi lên tiếng. Rằng xưa nay VN mình có thói quen cái gì Tàu viết cũng hay, cũng đúng. Nhất là việc viết sử. Khi chép về sử nước ta thời Bà Triệu, vì không tìm ra tài liệu nào khác, các quan chép sử VN đã chép y chang sử Tàu khi họ nói về vị anh hùng chống giặc Ngô này. Vì nhục nhã thua một nữ lưu VN 23 tuổi, người Tàu đã gọi bà là Triệu ẩu. Ẩu có nghĩa là con đê tiện, con điếm. Sử Tàu tả hình dáng Triệu tiểu thơ vú dài ba thước. Vô lễ quá sức ! Thế mà than ôi, Đại Việt Sử Ký Toàn Thư quyển 4 in năm 1679, và Đại Việt Sử Ký Tiền Biên in năm 1800, đều chép y chang sử Tàu ! Và nhiều sách sử VN ngày nay cũng gọi bà là Triệu Ẩu, chữ ẩu viết hoa, thay vì gọi đúng tên đúng chức của bà là Nhụy Kiều Tứớng Quân Triệu Thị Chinh. Bao giờ chúng ta mới tỉnh ngộ đây ?Rồi Ông ODP diễn thuyết tiếp : Năm nay là Ất Dậu. Cũng Ất Dậu 1285 năm xưa, chúng ta đã đánh tan quân Mông Cổ, không phải một lần, mà những ba lần. Oanh liệt biết chừng nào. Xưa Mông Cổ đánh thắng người Hán rồi lập ra nhà Nguyên và cai trị người Hán 100 năm, và sau đó, người Mãn Châu đánh thắng người Hán và lập ra nhà Thanh rồi cai trị 250 năm. Nhưng người Mông Cổ và người Mãn thanh đã bị Hán hóa, bị mất gốc. Còn VN ta, bị Tàu cai trị không phải 100 năm, không phải 250 năm mà những 1.000 năm, thế mà dân VN ta không bi Hán hóa, không hề bị mất gốc. Dân VN ta vẫn giữ được căn cước của giống nòi. Hiện nay Trung Cộng đang chiếm đất chiếm biển cuả ta và đang có mộng Hán hoá chúng ta, liệu chúng ta ngồi yên cúi mặt như Hà Nội hiện nay sao ?

Tin thời sự cuối cùng là chúng tôi vừa mất một người bạn quý : chủ nhân Hồ Anh Nguyễn Thanh Hoàng của VNTP đã thanh thản cỡi hạc ra đi ngày 22 tháng Chạp vừa qua. Biết ông tuổi trời đã cao và mang bệnh nan y, nhưng việc ra đi của ông vẫn gây xúc động. Dễ gì cộng đồng chúng ta có được một nhà làm báo kiệt xuất như ông. Dễ gì có được một người mắt xanh biết quý trọng bạn bè như ông. Dễ gì trên thị trường báo chí chúng ta có được một bán nguyệt san sống vững sống mạnh trong 50 năm như VNTP. Xin Cụ Hồ Anh trên cõi cao xanh phù hộ chúng tôi !

Một trong những người bạn tôi cũng tỏ ra rất sửng sốt về tin nhà báo Hồ Anh quy tiên là Bà Cao Xuân Châu Phố ở Cali. Các cụ đi học ở Saigon giữa thập niên 1950 chắc còn nhớ người đẹp hoàng tộc này chứ ? Bà là hoa khôi Chu Văn An những năm 1955-56 và luật khoa Saigon sau đó. Bà đẹp nổi tiếng đến độ người ta đã xin bà ngồi làm mẫu cho việc tạc tượng. Việc này gần đây tôi mới biết. Các cụ còn nhớ năm 1962 tại Bến Bạch Đằng Saigon có đài tượng Hai Bà Trưng không ? Thời đó, ai cũng bảo đó là hình mẹ con bà Ngô Đình Nhu. Tôi cũng nghĩ thế. Nhưng không phải. Đó là nét mặt Cao Xuân Châu Phố. Tác giả tạc tượng này là điêu khắc gia Nguyễn Văn Thế. Ông Thế đã chọn người đẹp xứ Huế làm mẫu đấy.

Bây giờ ngồi nghĩ lại, tôi cũng không ngờ lớp đệ nhất ban văn chương Chu Văn An 1955-56 ở Saigon năm xưa của tôi nhiều nhân tài như vậy. Nào Lê Văn đài VOA. Nào nhạc sĩ Cung Tiến. Nào giáo sư Văn Khoa Đỗ Đình Tuân ngươì đặt ra danh xưng ‘Little Saigon’ ở Cali. Nào dân biểu Dương Minh Kính học sinh Chu Văn An rồi lên làm hiệu trưởng Chu Văn An trước khi bước vào quốc hội. Nào Tiến sĩ Hoàng Xuân Hào thượng nghị sĩ. Nào hoa khôi Cao Xuân Châu Phố. Nào Tiến Sĩ Trần Ngọc Lợi Viện trưởng Hải Học Viện Nha Trang...

Chị Ba Biên Hoà thấy chúng tôi toàn nói chuyện nghiêm trang thì tự nhiên thèm tiếng cười. Chị xin tiếng cười. Liền có tức thì. Anh H.O.trong bàn nhậu xung phong ngay. Anh xin làm việc luận về chữ ‘Hôn’, với những cái nghĩa bị xuyên tạc, như thế này:

Hôn người là ‘Hôn Nhân’

Hôn con vật được cưng trong nhà là ‘Hôn Thú’

Mong được hôn là ‘Hôn Ước’

Mới hôn xong thì gọi là ‘Tân Hôn’

Hôn thêm một cái nữa là ‘Tái Hôn’

Hôn hai cái là ‘Song Hôn’

Hôn rồi đi xa gọi là ‘Ly Hôn’

Bị hôn nhưng kịp từ chối gọi là ‘Thoái Hôn’

Không cho mà cứ hôn đại gọi là ‘Cưỡng Hôn’

Hôn sơ sơ bên ngoài gọi là ‘Ngoại Hôn’

Hôn ké gọi là ‘Phụ Hôn’

Hẹn thời gian để hôn gọi là ‘Hứa Hôn’

Ông vua hôn gọi là ‘Hoàng Hôn’

Hôn từ giã gọi là ‘Từ Hôn’

Hôn không nói chi cả gọi là ‘Hôn Thầm’

Hôn bà mẹ gọi là ‘Hôn Má’

Vừa hôn vừa ngửi gọi là ‘Hôn Hít’

Hôn trong lễ cưới gọi là ‘Hôn Lễ’

Hôn trong mộng gọi là ‘Hôn Mê’

Hôn người lính gọi là ‘Hôn Quân’

Tập thể chia nhau hôn’ gọi là ‘Hôn Phối’

...

Người cười nhiều nhất và tỏ ra thích nhiều nhất không phải là Chị Ba Biên Hòa mà là anh John chồng chị. Anh đã lấy sổ ra ghi chép những tiếng ‘Hôn’ này rất cẩn thận. Ông H.O. cho biết ông chép được bài ‘nguỵ hôn’ này từ báo Mekong bên Nhật của học giả Đỗ Thông Minh. Anh John bảo không ngờ cái tiếng Việt của nhà vợ nó phong phú quá như vậy.

Kỳ họp tân niên vừa qua, lúc ăn bánh chưng, bà Cụ B.95 hỏi anh rằng trong tiếng Việt anh thích cái gì nhất. Anh trả lời ngay : cháu thích nhiều thứ lắm, chẳng hạn cái đuôi-iếc. Nó chắp vào đuôi tiếng nào thì nó làm nhẹ cái không khí của tiếng đó đi. Từ có 2 tiếng là thêm đuôi iếc vào được, như bánh chưng bánh chiếc, nước mắm nước miếc, ăn phở ăn phiếc, ti vi ti viếc, tú tài tú tiếc, đi lễ đi liếc...

Chuyện anh John học tiếng Việt và nhìn ra nhiều điều thú vị còn dài lắm, xin khất các cụ về sau.

TRÀ LŨ