Chúa Kitô, Linh Mục Thượng Phẩm - CN XXX QN - B
(Gr 31,7-9; Hr 5,1-6; Mr 10,46-52)

Với Chúa Nhật XXX thường niên, Giáo Hội mời gọi chúng ta đặt niềm tin và hy vọng vào Chúa Kitô, Linh Mục Thượng Phẩm và Trung Gian của loài người. Với tư cách này, Chúa Kitô mở mắt cho chúng ta để nhìn thấy những việc kỳ diệu mà Người đã làm cho chúng ta trong cuộc sống.

1- Loan báo và hiện thực
Trong bài đọc I Chúa Nhật này, tiên tri Giêrêmia loan báo sứ điệp tin vui về việc Thiên Chúa sẽ thực hiện những kỳ công để giải thoát và quy tụ dân Người về với nhau, đó là nền tảng của hy vọng tảng cho sự giải phóng và tồn tại. Ở đó chúng ta tìm thấy những hình ảnh của sự phục hồi, đổi mới, và hòa bình. Tuy nhiên, ơn cứu độ và bình an đó chỉ đến từ Thiên Chúa.
Ở bài đọc II, tác giả thư Do Thái nói về chân dung và vai trò của linh mục. Trước hết, linh mục là người “được chọn trong số người phàm” (Hr 5,1). Vì thế, linh mục không phát xuất hoặc rơi xuống từ trời, nhưng là một con người, ngài có gia đình và lịch sử giống mọi người.
“Được chọn trong số phàm nhân” cũng có nghĩa là linh mục được tạo dựng nên như bao nhiêu thụ tạo khác: với những cảm xúc, khó khăn, những bất trắc và yếu đuối như mọi người khác có. Kinh Thánh nhìn thấy trong những yếu tố này như một lợi ích cho người khác, chứ không phải là nguyên cớ cho những gương xấu. Quả thật, theo cách thức này, linh mục sẽ sẵn sàng hơn để cảm thông với người khác, vì linh mục cũng có những yếu đuối. Linh mục xét như là một con người nên cũng có những nhu cầu nhân bản, nhưng cầu này được sống với tình thần Tin Mừng khác biệt với các nhà xã hội và chính trị.
Hơn thế, “được chọn trong số phàm nhân,” linh mục “được đặt lên làm đại diện cho loài người, trong các mối tương quan với Thiên Chúa, để dâng lễ phẩm cũng như thế vật đền tội.” Điều này có nghĩa là linh mục thay thế người khác và được cắt đặt để phục vụ họ. Phục vụ gắn liền với chiều kích sâu xa nhất của con người, là định mệnh vĩnh cửu. Thánh Phaolô tóm tắt sứ vụ linh mục trong câu này: “Vậy chớ gì thiên hạ coi chúng tôi như những đầy tớ của Đức Kitô, những người quản lý các mầu nhiệm của Thiên Chúa” (1 Cr 4,1). Linh mục được cất đặt để phục vụ giáo xứ. Nhờ linh mục, giáo xứ là điểm quy tụ mạnh nhất trong đời sống chúng ta.
Chúng ta vừa phác thảo cái nhìn tích cực về dung mạo của linh mục. Tuy nhiên, thực tế như chúng ta biết, không phải luôn như thế. Ngày hôm nay thỉnh thoảng chúng ta nghe những thông tin về những gương xấu tồn tại trong Giáo Hội liên quan đến các giáo sĩ, do sự yếu đuối và bất trung của linh mục, đó là thực tại mà Giáo Hội có thể không làm gì hơn ngoài việc xin ơn tha thứ.
Nhưng có một sự thật mà chúng ta cần phải ghi nhớ về những phúc lành thiêng liêng cho con người qua các linh mục. Xét như một phàm nhân, linh mục có thể mắc sai lầm, nhưng những việc linh mục làm tại bàn thờ hoặc trong tòa giải tội, mang lại những giá trị và hiệu quả lớn lao biết bao. Thiên Chúa vẫn tiếp tục ban ơn sủng cho con người qua các linh mục, dầu họ có sự bất xứng. Chính Chúa Kitô rửa tội, cử hành, tha thứ, ban hơn; linh mục chỉ là phương tiện thôi.
Theo ý nghĩa đó, tôi thích nhắc lại những lời của một linh mục nhà quê nói ra trước khi chết, do nhà văn Georges Bernanos viết: “Tất cả đều là hồng ân!” Cả sự khốn nạn say rượu xem ra đối với ngài cũng là một hồng ân, bởi vì nhờ đó mà ngài có lòng thương cảm hơn đối với người say rượu. Thiên Chúa không đòi hỏi những người đại diện của Người trên trái đất phải hoàn hảo tuyệt đối, nhưng Người muốn họ phải là người có lòng thương xót.

2- Chúa Giêsu, mô mẫu lý tưởng của linh mục
Bài Tin Mừng hôm nay tường thuật lại việc Chúa Giêsu chữa cho người mù tên là Batimê, ở Giêricô. Batimê đã không bỏ lỡ cơ hội để xin ơn giải thoát và chữa lành. Anh nghe biết rằng Chúa Giêsu đi qua, anh hiểu rằng đây là cơ hội lớn lao cho đời anh và anh đã hành động ngay lập tức. Anh bắt đầu kêu lên rằng: “Lạy ông Giêsu, Con vua Đavít, xin dủ lòng thương tôi” (Mc 10,48). Những người xung quan phản ứng lại hành vi của anh, họ “quát nạt bỏ anh ta im đi, nhưng anh ta càng la lớn.” Điều này hiển nhiên minh chứng rằng ước vọng sống khỏe mạnh không phải luôn được chấp nhận: nỗi thống khổ đó luôn ẩn dấu, không được nói ra, không được làm quấy rầy cuộc sống của những ai đang khỏe mạnh.
Hạn từ “mù” cũng đã được thay đổi theo nhiều ý nghĩa tiêu cực cả thể lý và tinh thần. Ngày nay, người ta thường có khuynh hướng nói về sự mù lòa luân lý và tinh thần, đó là sự thiếu hiểu viết và vô cảm. Batimê không mù xét về phương diện này; anh chỉ bị khiếm thị thể lý thôi. Anh thấy bằng con tim còn tốt hơn cả những người ở xunh quanh anh, bởi vì anh có một đức tin và niềm hy vọng đáng trân trọng. Hơn nữa, cái nhìn nội tâm của đức tin này giúp anh lấy lại cái nhìn bên ngoài về mọi sự. Chúa Giêsu nói với anh ta: “Anh hãy đi, lòng tin của anh đã cứu anh!” Đức Giêsu xuất hiện với anh như là Đấng Cứu Độ và Người đã chữa lành anh khỏi sự mù lòa thể lý. Đó là một phép lạ của lòng tin.

3- Như anh mù Batimê
Người mù Batimê đại diện cho tình trạng nhân loại chúng ta luôn tìm kiếm sự chữa lành và ơn giải thoát khỏi sự yếu đuối, bệnh tật, nghèo nàn và tội lỗi. Sự mù lòa của chúng ta có lẽ không phải là khiếm thị thể lý, nhưng có thể là về tinh thần. Đó là bất cứ điều gì giới hạn và ngăn cản chúng ta đạt tới hoặc phát huy những năng lực trong đời sống mình. Để giải thoát khỏi sự mù lòa này, trước hết, chúng ta phải khiêm tốn nhận biết rằng chúng hiện hữu. Thứ đến, chúng ta cần lưu ý rằng Batimê không phải được chữa lành rồi mới tin, nhưng vì anh đã tin nên mới được chữa lành. Anh tỏ ra khiêm nhường xan xin Chúa giúp đỡ. Có một câu nói rất đơn sơ rằng: Chỉ có chúng ta mỏi mệt cầu nguyện, còn Chúa không bao giờ mỏi mệt để lắng nghe bạn cầu nguyện.”
Vì thế, sứ điệp Tin Mừng hôm nay là: Chúa Kitô là Linh Mục tối cao và Trung Gian giữa chúng ta với Chúa Cha, Người luôn sẵn sàng lắng nghe, chữa lành và giải thoát chúng ta khỏi bất cứ điều gì giới hạn và làm chúng ta mù lòa. Người muốn chúng ta nhìn thấy rõ ràng. Nhưng để thấy rõ ràng, cần có đức tin vào Chúa Kitô.
Tuy nhiên, cũng như Batimê, chúng ta phải khiêm tốn kêu lên: “Lạy ông Giêsu, Con vua Đavít, xin dủ lòng thương tôi.” Đừng vì lòng tự cao tự đại, đừng vì đám đông làm ngăn cản chúng ta đến với Chúa Kitô. Vì Thánh Vịnh có nói: “Người nghèo kêu xin, Chúa lắng nghe lời họ” (Tv 36,4).
Cuối cùng, nếu chúng ta kêu cầu Chúa Kitô với niềm tin tuyệt đối. Chắc chắn Người lắng nghe chúng ta: “Vì tất cả những ai kêu cầu danh Đức Chúa sẽ được cứu thoát” (Rm 10,13). Vì thế, hôm nay, với tất cả niềm hy vọng, chúng ta hãy hát lên: “Chúa đã làm cho chúng ta biết bao điều kỳ diệu, nên chúng ta mừng rỡ hân hoan.” Amen!