Có khoảng 300,000 người Công Giáo ở Đài Loan, tức là khoảng hai phần trăm dân số.

Sự phân chia Trung Hoa thành Trung Quốc và Đài Loan bắt đầu từ năm 1949, sau khi các lực lượng quốc gia triệt thoái khỏi Hoa lục sau những thất bại trên chiến trường trong cuộc chiến chống cộng sản tại đại lục. Đài Loan chính thức được gọi là Cộng hòa Trung Hoa hay Trung Hoa Dân Quốc, trong khi Trung Quốc được gọi là Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa.

Tòa Thánh đã có quan hệ ngoại giao với Cộng hòa Trung Hoa từ năm 1942, và tiếp tục giữ quan hệ này với Đài Loan. Tòa Thánh hiện không có quan hệ ngoại giao chính thức với Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa, từ sau khi cộng sản kiểm soát đại lục sau khi kết thúc cuộc nội chiến vào năm 1949 .

Hôm 22 tháng Chín, đại diện của Tòa Thánh và chính phủ cộng sản Trung Quốc đã ký một thỏa thuận tạm thời về việc bổ nhiệm các giám mục Công Giáo. Thỏa thuận này, theo thông cáo của Tòa Thánh đưa ra sau đó, “sẽ tạo ra điều kiện cho sự hợp tác song phương ở cấp độ lớn hơn”.

Phát ngôn viên Vatican Greg Burke nhấn mạnh rằng thỏa thuận tạm thời hướng đến các mục tiêu “mục vụ chứ không phải là chính trị” và sẽ cho phép “các tín hữu có các giám mục hiệp thông với Rôma nhưng đồng thời cũng được chính quyền Trung Quốc công nhận.”

Có khoảng 12 triệu người Công Giáo ở Trung Quốc, nhưng trong nhiều thập kỷ qua, họ đã bị chia thành Giáo hội thầm lặng hiệp thông hoàn toàn với Tòa Thánh, đôi khi với giá phải trả là sự bách hại của bọn cầm quyền; và Giáo hội do Hiệp hội Công Giáo Yêu nước kiểm soát. Hiệp hội Công Giáo Yêu nước là cơ chế do Mao Trạch Đông đẻ ra từ năm 1957 nhằm thiết lập một Giáo Hội thoát ly hoàn toàn khỏi Tòa Thánh. Các Giám Mục Trung Quốc đôi khi được tấn phong mà không có sự chấp thuận của Đức Giáo Hoàng. Một số vị lại là thành viên của Quốc hội Nhân dân Trung Quốc.

Tháng Năm vừa qua, các giám mục Đài Loan đã thực hiện chuyến thăm ad-limina đầu tiên của các ngài trong 10 năm qua.

Trong chuyến thăm này, các giám mục Đài Loan đã mời Đức Giáo Hoàng Phanxicô đến thăm đất nước các ngài nhân dịp Đại hội Thánh Thể, dự kiến sẽ diễn ra vào tháng 3 năm 2019.

Đã có nhiều mối quan tâm giữa một số nhà lãnh đạo chính trị Đài Loan rằng Toà Thánh sẽ từ bỏ quan hệ ngoại giao với Đài Loan nếu có được một thỏa thuận ngoại giao với Trung Quốc. Đền nay, Trung Quốc vẫn coi Đài Loan là một tỉnh nổi loạn, không phải là một quốc gia có chủ quyền.

Trong quá khứ, Trung Quốc đã yêu cầu các quốc gia khác chấm dứt công nhận ngoại giao với Đài Loan như là một điều kiện tiên quyết để tăng cường hợp tác kinh tế hoặc chính trị. Đến nay, Tòa Thánh là một trong những thực thể nổi bật nhất vẫn còn công nhận đảo quốc này. Theo Agence France Presse, Tòa Thánh là đồng minh chính thức duy nhất của nước này ở châu Âu. Đài Loan đã mất năm đồng minh kể từ năm 2016. Các nước đang phát triển như El Salvador, Panama và Cộng hòa Dominica đã phải cắt đứt quan hệ ngoại giao với Đài Loan dưới áp lực của Bắc Kinh.

Tòa Sứ Thần Tòa Thánh ở Đài Bắc đã không được lãnh đạo bởi một vị Sứ Thần Tòa Thánh từ ngày 25 tháng 10 năm 1971, khi Liên Hợp Quốc ngừng công nhận chính phủ Đài Bắc là chính phủ hợp pháp của Trung Hoa. Vào thời điểm đó, Tòa Thánh đã chuyển Sứ Thần Tòa Thánh khỏi Đài Bắc và đến nay vẫn chưa chỉ định người kế nhiệm. Sứ vụ ở Đài Bắc từ năm 1971 đến nay đã được điều hành bởi một viên Tham Tán Tòa Sứ Thần (Chargé d’affairs).

Đức Tổng Giám Mục Gioan Hồng Sơn Xuyên (John Hung Shan-chuan - 洪山川) của Đài Bắc, nói với Reuters vào tháng 3 vừa qua, rằng Giáo hội ở Đài Loan đã không trông đợi Toà Thánh và Trung Quốc đại lục thiết lập quan hệ ngoại giao với nhau, vì điều ấy chỉ nên xảy ra nếu hai bên chia sẻ “những giá trị chung với nhau”.

“Các giá trị mà Vatican hướng đến khác xa với những giá trị được Đảng Cộng sản Trung Quốc đề cao. Việc xây dựng quan hệ với Vatican đòi hỏi nhà cầm quyền Hoa Lục phải tôn trọng các giá trị bao gồm cả tự do và dân chủ,” ngài nói.


Source: Catholic Herald - Taiwan offers second invitation to pope following Vatican-China deal