Theo báo New York Times (tác giả Jason Horowitz) thì qua 2 bức thư gửi cho một trong 4 HY đã viết thư xin ĐGH Phanxicô giải thích những điều họ đang bối rối (dubia), ĐTC Benedictô đã khiển trách họ là “sự giận dữ” cuả họ làm cho toàn bộ Giáo Hội bị lâm nguy. Tuy không trực tiếp liên hệ đến âm mưu ‘nổi loạn’ mới đây mà một TGM đã kêu gọi ĐGH Phanxicô từ chức, ĐTC Benedictô viết trong lá thư rằng "Trong sự hỗn loạn này một sự kích động mới đang dần được tạo ra", tạo ra tình thế với nhiều ‘giáo hoàng hồi hưu’ sẽ làm cho quyền lực giáo hoàng rơi ra từng mảnh.

Xin chuyển đến quí độc giả bản phiên dịch như sau:


Ngày 20 tháng 9 2018

ROME: Bức thư hồi tháng trước, trong khi kêu gọi Đức Giáo Hoàng Phanxicô từ chức vì những cáo buộc đã che đậy cho một Hồng Y Mỹ phạm tội lạm dụng tình dục, cũng đồng thời là một lời kêu gọi công khai nhắm vào những người Công Giáo bảo thủ, vẫn cảm tình với vị giáo hoàng trước đó, GH Benedictô XVI. Trong nhiều năm qua, những người ấy đã dùng tên cuả vị cựu giáo hoàng như là một lá cờ lệnh (battle standard) làm mốc trên các giao thông hào cuả cuộc chiến tranh tư tưởng.



ĐTC Benedictô dường như muốn họ hãy vất bỏ những lá cờ đó.

Trong 2 bức thư riêng (gửi cho vị Hồng Y) được công bố vào thứ năm hôm nay bởi tờ báo Bild ở bên Đức quốc, ĐTC Benedictô, đã nghỉ hưu và vẫn cố gắng giữ yên lặng trước những tranh cãi về khả năng lãnh đạo của ĐGH Phanxicô, nói rằng "sự giận dữ" cuả những người tôn phục mình đang làm nhơ nhuốc cho cả triều đại cuả ngài.

“Tôi có thể hiểu rõ nỗi đau sâu xa mà sự kết thúc triều đại giáo hoàng của tôi đã gây ra cho ‘quí huynh’ và nhiều người khác. Nhưng đối với một số người - và tôi nghĩ có vẻ như đối với huynh nữa- cơn đau đã trở thành giận dữ, không chỉ ảnh hưởng đến sự thoái vị mà còn ảnh hưởng đến chính bản thân tôi và toàn bộ triều đại giáo hoàng của tôi nữa, ” là những lời ĐTC Benedictô viết vào ngày 23/11/2017 cho Đức Hồng Y Walter Brandmüller của Đức. “Bằng cách này, chính triều đại giáo hoàng (cuả tôi) đang bị hạ thấp và cùng hoà nhập chung vào nỗi buồn trước tình hình Giáo Hội ngày nay.”

Những yêu cầu xin xác thực về các lá thư đã không được đại diện của ĐTC Benedictô hoặc cuả ĐHY Brandmüller trả lời. Tuy nhiên báo Bild Đã cung cấp toàn bộ các bức thư cho The Times.



HY Brandmüller là một trong 4 Hồng Y đã ký một lá thư “dubia” vào năm 2016 - tiếng Latinh nghiã là “nghi ngờ” - yêu cầu ĐGH Phanxicô làm rõ về sự sẵn sàng của ngài để mở cánh cửa cho những người Công Giáo ly dị và tái hôn có thể rước lễ, mà những ‘người nghi ngờ’ cho rằng là đi ngược với giáo luật.

Lá thư dubia tạo ra sự chú ý trên toàn thế giới và đã được coi như là một bàn ‘tuyên ngôn độc lập’ chống lại ĐGH Phanxicô, và những người ký tên, cầm đầu là Hồng Y Raymond Burke, đã nhiệt tình ủng hộ bức thư của Tổng Giám Mục Carlo Maria Viganò, kêu gọi ĐGH Phanxicô từ chức.

(TGM) Viganò nói rằng (ĐTC) Benedictô đã áp đặt các biện pháp trừng phạt trên Hồng Y Theodore E. McCarrick, cựu tổng giám mục Washington, vì hành vi sai trái tình dục, nhưng ĐTC Phanxicô đã dỡ bỏ những hình phạt đó. Những người bảo vệ ĐGH Phanxicô nói rằng không có bằng chứng nào cho thấy có lệnh trừng phạt được đặt lên McCarrick, đã từ chức vào tháng Bảy, và chỉ ra nhiều bằng chứng dồi dào rằng ông ta không cư xử như thể ông bị giới hạn. Cả hai vị giáo hoàng, hiện tại lẫn vị về hưu, đều không có bình luận.

Một phần động lực của (TGM) Viganò trong việc xuất bản bức thư là để giải cứu (ĐTC) Benedictô, người mà ông cảm thấy bị các nhà báo Ý đối xử không công bằng so với ĐGH Phanxicô, theo Marco Tosatti, nhà báo người Ý đã giúp vị tổng giám mục soạn thảo lá thư.

Trong nhiều năm qua, các Hồng Y bất đồng chính kiến và những người ủng hộ họ đã tìm cách đặt chính nghiã cuả họ trên khuôn mẫu (ĐTC) Benedictô, người hứa sẽ vẫn "ẩn mình với thế giới" sau khi từ chức năm 2013, mà lúc đó ngài đã lấy cớ là vì sức khỏe và năng lượng suy yếu của mình. ĐGH Phanxicô, 81 tuổi, vẫn có những cuộc gặp gỡ công khai để thăm hỏi Benedictô, 91 tuổi, tạo ra nhiều cơ hội chụp ảnh về ‘hai mảnh áo trắng,’ và ấn tượng không hề có căng thẳng.

Nhưng (ĐTC) Benedictô, vị giáo hoàng từ chức đầu tiên trong gần 600 năm, từ chối đã hoàn toàn từ bỏ chức vị giáo hoàng, lấy danh hiệu là "giáo hoàng danh dự" và tiếp tục sống ở Vatican. Ngài nói trong cuộc họp chung cuối cùng “Cái chữ 'luôn luôn' thì cũng là 'mãi mãi' - không còn có thể trở lại cuộc sống riêng tư nữa. Quyết định từ chức của tôi … không thu hồi điều này, ”.

Đối với nhiều người ủng hộ ĐGH Phanxicô, sự hiện diện của (ĐTC) Benedictô tạo ra một cái bóng không được hoan nghênh đối với ĐGH Phanxicô và trao giấy phép và sự trợ lực cho kẻ thù của ngài, mặc dù vị cựu giáo hoàng đã giữ một phong cách rất thấp. Những người ủng hộ ĐTC Benedictô nói rằng, bằng cách sống xa công chúng đằng sau bức tường Vatican, ngài đã thực sự tránh việc tạo ra một trung tâm quyền lực đối chọi.

Nhưng riêng tư, thì những người ủng hộ kiên quyết nhất của (ĐTC) Benedictô đã thất vọng với ngài về việc từ chức và cho phép cuộc bầu cử GH Phanxicô, một nhân vật nghiêng nhiều về mục vụ mà ít lý thuyết, họ nghĩ rằng ngài đang làm giáo hội đổ nát. Họ đổ lỗi cho (ĐTC) Benedictô vì thiếu ý chí chiến đấu và mau cuốn cờ bỏ chạy khi phải đối mặt với những áp lực gia tăng bên trong Vatican, đặc biệt là sau khi ngài nhận được một hồ sơ 300 trang của ba Hồng Y mà nhiều người trong Vatican tin rằng có chứa đựng chi tiết về một tổ chức ‘vận động hành lang’ đồng tính rộng lớn trong giáo hội.

Trong một cuộc phỏng vấn vào tháng 10 năm ngoái với tờ báo Đức Frankfurter Allgemeine Zeitung, HY Brandmüller đã bày tỏ sự thất vọng đó một cách công khai.

"Cái mẫu người gọi là ‘giáo hoàng danh dự’ đã không tồn tại trong toàn bộ lịch sử của giáo hội," ông nói. "Thực tế là một vị giáo hoàng đã lật đổ một truyền thống 2.000 năm và quăng nó trên các Hồng Y là chúng tôi."

Ông nói rằng ông đang thưởng thức một bữa tiệc tối thú vị trong dịp lễ hội cuả nước Đức đúng vào lúc nghỉ hưu của Đức Giáo Hoàng vào năm 2013. “Chúng tôi vừa mới ăn khai vị và đang chờ thêm một vị khách thì một nhà báo gọi ĐT với một câu hỏi: Ngài đã nghe chưa? Tôi đã nghĩ đó là một tin tức làm trò đùa cho dịp lễ hội. ”

(ĐTC) Benedictô, thường ăn nói nhẹ nhàng nhưng cũng có lúc hài hước, đã không thích thú (với lời phát ngôn trên). Ngài viết cho Brandmüller rằng "Trong sự hỗn loạn này một sự kích động mới đang dần được tạo ra", và có thể truyền cảm hứng cho nhiều cuốn sách như "The Abdication", bởi Fabrizio Grasso, lập luận rằng có nhiều ‘giáo hoàng hồi hưu’ sẽ làm cho quyền lực giáo hoàng rơi ra từng mảnh.

(Trong cuốn sách, Grasso viết, "Ngay cả những người có ít tưởng tượng, cũng không khó mà tưởng tượng một tương lai gần có thể có nhiều giáo hoàng danh dự, và do đó, một câu lạc bộ giáo hoàng độc quyền, không thể nào khác hơn là một quốc hội của Nhà nước Vatican. ”)

(ĐTC) Benedictô viết, "Tất cả điều này làm tôi lo lắng, và chính vì điều này mà lời kết cuả cuộc phỏng vấn FAZ của huynh khiến tôi bất ổn, bởi vì cuối cùng nó sẽ gây ra những tâm trạng tương tự."

Những lời trên là ở bức thư thứ hai cho HY Brandmüller. Bức thư đầu tiên, ngày 9 tháng 11 năm 2017, thì sắc nhọn hơn, vì là một phản ứng lập tức cho cuộc phỏng vấn của vị Hồng Y.

“Thưa Ngài!” ĐTC bắt đầu. “Ngài nói rằng với chữ 'giáo hoàng danh dự,' tôi đã tạo ra một nhân vật đã không tồn tại trong toàn bộ lịch sử của nhà thờ ư?. Ngài biết rất rõ, tất nhiên, nhiều giáo hoàng đã thoái vị, mặc dù là hiếm. Sau đó họ là gì? 'giáo hoàng danh dự? Hay là gì vậy? ”

Ngài đã trích dẫn trường hợp của (ĐGH) Pius XII, đã lo sợ bị Đức Quốc xã bắt và chuẩn bị từ chức nếu sự việc xảy ra.

"Như Ngài đã biết, (ĐGH) Pius XII đã chuẩn bị một tuyên bố trong trường hợp Đức Quốc xã bắt giữ ngài, đó là từ lúc bị bắt, ngài sẽ không còn là giáo hoàng nữa mà chỉ là một Hồng Y," (ĐTC) Benedictô viết. “Trong trường hợp của tôi, chắc chắn sẽ không hợp lý nếu chỉ đơn giản là trở lại làm một Hồng Y. Vì sau đó tôi sẽ phải liên tục tiếp xúc với giới truyền thông như một vị Hồng Y - thậm chí còn nhiều hơn thế bởi vì mọi người sẽ thấy tôi là cựu giáo hoàng. ”

Ngài nói thêm, "Dù có hay không, điều này có thể có những hậu quả khó khăn, đặc biệt là trong bối cảnh của tình hình hiện tại."

Không rõ (ĐTC) Benedictô gợi ý nghĩa gì với chữ “tình hình hiện tại”, nhưng một số người đã giải thích nó có nghĩa là sự nản trí với ĐGH Phanxicô cuả nhiều người ủng hộ ngài (DTC Benedictô). (ĐTC) Benedictô dường như muốn nói rằng là một vị cựu giáo hoàng, ngài tránh được những tình huống chính trị như vậy.

“Với cương vị 'giáo hoàng danh dự,' tôi cố gắng tạo ra một tình huống mà tôi hoàn toàn không thể tiếp cận với giới truyền thông và trong đó hoàn toàn rõ ràng rằng chỉ có một giáo hoàng mà thôi,” Ngài viết. "Nếu Ngài (HY Brandmüller) biết hơn, và tin rằng Ngài có thể đánh giá một trong những giải pháp tôi đã chọn, thì xin vui lòng cho tôi biết."

Sau khi (HY) Brandmüller dường như cầu xin sự tha thứ của (ĐTC) Benedictô và giải thích nỗi đau cuả vụ từ chức đã gây ra cho ông và những người bảo thủ như thế nào, vị giáo hoàng danh dự đã viết lá thư thứ hai. Kết luận bằng lời nói, “Chúng ta hãy cầu nguyện, như huynh đã làm ở phần cuối lá thư, xin Chúa đến trợ giúp giáo hội cuả Người. Với phước lành tông đồ của tôi, (ký tên) Bênêđictô XVI của huynh. ”