“Tự bản chất, Giáo Hội lữ hành là truyền giáo”. Lời Thánh Công Đồng xác quyết trong phần mở đầu của Sắc Lệnh về Truyền Giáo Ad Gentes, đã thôi thúc Giáo Hội tại Việt Nam quan tâm và dấn thân cho công cuộc truyền giáo mỗi ngày một hơn.

Cuộc Hội Thảo Loan Báo Tin Mừng Toàn Quốc tại Trung Tâm Mục Vụ Huế diễn ra từ ngày 3/9 đến 6/9/2018 vừa qua là một trong những nỗ lực để “giúp cho người tín hữu giáo dân tham gia sứ mạng này kết quả hơn”. Đức Cha Anphong, chủ tịch UBLBTM đã nêu rõ điều này trong bài thuyết trình khai mạc Hội Thảo.

Bài trình bày của Đức Cha Anphong gổm ba phần rõ rệt: Huấn Quyền về vai trò của người tín hữu giáo dân trong sứ mạng Phúc Âm hóa; Nhận định về việc người giáo dân tham gia sứ mạng Phúc Âm hóa tại Việt nam hiện nay; Những đề xuất để việc tham gia này kết quả hơn.

Trong phần I, Đức Cha trưng dẫn các Hiến chế và Sắc lệnh của Thánh Công Đồng chung Vaticanô II, các Tông huấn của Đức Giáo Hoàng Phaolô VI, Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, Đức Giáo Hoàng Biển Đức XVI và Đức Giáo Hoàng Phanxicô. Từ đó ngài phân tích sứ mạng của người tín hữu giáo dân, việc gắn kết với Chúa trong sứ mạng Phúc Âm hóa, các lãnh vực hoạt động của người giáo dân, việc hợp tác, liên đới trong Giáo Hội để làm chứng tá…

Trình bày một số nhận định về việc người giáo dân tham gia sứ mạng Phúc Âm hóa tại Việt nam hiện nay, Đức Cha nói rõ người giáo dân ngày càng ý thức về sứ mạng loan báo Tin Mừng, nhưng “lực bất tòng tâm” vì có quá nhiều trở ngại. Đức Cha thẳng thắn chỉ ra trở ngại lớn nhất là “Giáo Hội Việt nam ở dưới chế độ cộng sản vô thần”. Khó khăn thứ hai là “nhiều giáo dân Việt nam vẫn có tâm thức giữ đạo cho riêng mình”. Do đó công cuộc Phúc Âm hóa chưa mang lại kết quả khả quan.

Trong phần đề xuất, ngài nhấn mạnh đến sự dấn thân của người tín hữu giáo dân. Phải làm sao để mọi người giáo dân ý thức sứ mạng của mình, “không được thoái thác, ù lì, cầu an, mà phải sẵn sàng nhập cuộc. Đức Cha nhấn mạnh phải làm sao “hun đúc nhiệt huyết Phúc Âm hóa” nơi người tín hữu”. Ngài cũng lưu ý đến việc huấn luyện, đào tạo giáo dân, sự hợp tác giữa các thành phần dân Chúa.

Mong muốn của Đức Cha là “sau cuộc hội thảo, hoa trái của nó sẽ được triển nở”, “mọi người phổ biến và triển khai những suy tư và quyết định của cuộc hội thảo”.

Ngoài các bài thuyết trình trong Hội thảo, việc tham gia thảo luận và đóng góp ý kiến của các tham dự viên (gồm 53 linh mục, 40 tu sĩ và 33 giáo dân) góp phần làm nên thành công của Hội thảo.

Đặc biệt, các tham dự viên đều được nhận các tác phẩm rất quan trọng cho sứ mạng Phúc Âm hóa do chính Cha Đaminh Ngô Quang Tuyên, Tổng Thư Ký UBLBTM dịch ra Việt ngữ, trong đó có Tông huấn Hãy Vui Mừng Hân Hoan (Gaudete et Exultate) của Đức Thánh Cha Phanxicô, Tông thư Maximum Illud về việc truyền bá Đức Tin trên khắp thế giới của Đức Thánh Cha Biển Đức XV, cuốn Loan Báo Tin Mừng Hôm Nay của Pierre Diarra, Ơn Cứu Độ của Đức Kitô, Giáo Hội và các Tôn Giáo khác dưới ánh sáng Công Đồng Vatican II của Cha Fabrizio Meroni. Cha Meroni là Tổng Thư ký của Hội Giáo hoàng Truyền giáo (PMU), là thuyết trình viên trong Hội thảo Truyền giáo này.

Các tác phẩm này sẽ là nền tảng cho suy tư cũng như hoạt động loan báo Tin Mừng, góp phần kéo dài hiệu quả của Hội thảo như Đức Cha Anphong mong ước khi kết thúc bài thuyết trình của ngài.

Trong ba ngày hội thảo, tham dự viên nghe và thảo luận các bài thuyết trình, đồng thời nêu cảm nhận cũng như đề nghị của mình về công cuộc truyền giáo. Tham dự viên cũng được nghe những kinh nghiệm truyền giáo thực tế rất quý giá của Cha Gioan Baotixita Trương Thành Công, giáo phận Cần thơ. Cha đưa ra vài hướng dẫn giúp giáo dân thực thi sứ vụ thừa sai: qua công tác Bác Ái Truyền Giáo và Kết Thân, Thăm Viếng anh em lương dân. Cha cũng chia sẻ kinh nghiệm giúp dạy giáo lý dự tòng hiệu quả, làm sao cho anh chị em dự tòng hăng hái học hỏi giáo lý.

Những ngày Hội thảo Truyền Giáo khép lại, đồng thời mở ra một con đường mới mẻ, thôi thúc người tín hữu giáo dân lên đường thi hành sứ mạng của mình, một sứ mạng cao cả và cấp bách, làm thành bản tính của Hội Thánh Chúa Kitô.

Nguyện xin Chúa Thánh Thần ban cho từng người tín hữu ngọn lửa tin yêu và nhiệt thành truyền giáo, để mọi người đều mở cửa đi vào giữa lòng thế giới “giảng dạy cho muôn dân” như lệnh truyền của Chúa Giêsu Kitô, Chúa chúng ta.

Gioan Lê Quang Vinh