Máy yếu hay Internet chậm xin nhấn vào nút Play bên dưới đây
1. Đức Thánh Cha bác bỏ những cáo buộc chống lại ngài của cựu sứ thần Tòa Thánh tại Hoa Kỳ

Đức Thánh Cha Phanxicô đã bác bỏ tuyên bố của một cựu sứ thần Tòa Thánh tại Hoa Kỳ rằng ngài đã được thông báo vào năm 2013 về những cáo buộc liên quan đến những hành vi tình dục sai trái của nguyên Hồng Y Theodore McCarrick.

Đức Thánh Cha Phanxicô đã kêu gọi giới truyền thông nên đưa ra những nhận xét khách quan trên cơ sở những phán đoán hợp lý về một tài liệu đang gây chấn động dư luận đã được Đức Tổng Giám Mục Carlo Maria Viganò, nguyên là Sứ Thần Tòa Thánh tại Hoa Kỳ, công bố. Tuy nhiên ngài sẽ không trả lời những cáo buộc này.

“Tôi sẽ không nói một lời nào về chuyện này,” Đức Thánh Cha với các phóng viên trên chuyến bay từ Dublin về Rôma chiều tối Chúa Nhật 26 tháng 8. “Tôi tin rằng bản tuyên bố tự nó đã nói về mình. Và bạn có khả năng của một ký giả để rút ra những kết luận riêng của mình”

Trong một cuộc họp báo kéo dài 44 phút trên chuyến bay, Đức Giáo Hoàng nói rằng ngài đã đọc chứng từ dài 11 trang của Đức Tổng Giám Mục Viganò vào sáng Chúa Nhật, và nói thêm “Tôi phải nói với các bạn một cách chân thành rằng, tôi phải nói điều này, với các bạn và tất cả những ai quan tâm, hãy đọc bản tường trình cẩn thận và đưa ra quyết định của riêng bạn.”

Đức Thánh Cha Phanxicô sau đó nói thêm với nhà báo đã hỏi câu hỏi này trên chuyến bay: “Tôi đang chờ nhận xét của bạn về tài liệu, tôi mong muốn như thế.”

Trước đó, trong một diễn biến gây sững sờ, Đức Tổng Giám Mục Carlo Maria Viganò, người từng là Sứ Thần Tòa Thánh tại Hoa Kỳ từ 2011 đến 2016 đã gởi cho các cơ quan truyền thông Công Giáo một chứng từ dài 11 trang A4 viết bằng tiếng Ý.

Theo Đức Tổng Giám Mục Viganò, từ năm 2009 hay 2010, Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô thứ 16 đã áp đặt các biện pháp trừng phạt nguyên Hồng Y McCarrick tương tự như những gì mà Đức Giáo Hoàng Phanxicô áp đặt hôm 20 tháng 6 vừa qua, và đích thân Đức Tổng Giám Mục Viganò đã nhắc lại những biện pháp này với Đức Giáo Hoàng Phanxicô vào ngày 23 tháng 6 năm 2013, sau khi Đức Thánh Cha Bênêđíctô thứ 16 thoái vị.

Đức Tổng Giám Mục Viganò cáo buộc Đức Thánh Cha Phanxicô “tiếp tục bao che” cho McCarrick đến mức ngài không những “không tính đến” các biện pháp trừng phạt do Đức Bênêđíctô đưa ra mà còn coi McCarrick là “cố vấn đáng tin cậy” của mình.

Đức Tổng Giám Mục Viganò còn cáo buộc rằng McCarrick sau đó khuyên Đức Giáo Hoàng Phanxicô bổ nhiệm một số giám mục cao cấp trong hàng giáo phẩm Công Giáo Hoa Kỳ, trong đó có Hồng Y Cupich ở Chicago và Hồng Y Tobin ở Newark.

Cựu sứ thần đã kết thúc chứng từ của mình bằng cách kêu gọi Đức Giáo Hoàng từ chức, cùng với tất cả các giám mục đã “bao che” cho McCarrick.

2. Tuyên bố của Chủ Tịch HĐGM Hoa Kỳ sau những cáo buộc do Đức Tổng Giám Mục Carlo Maria Viganò đưa ra

Theo sau những cáo buộc nghiêm trọng do Đức Tổng Giám Mục Carlo Maria Viganò, nguyên là Sứ thần Tòa Thánh tại Hoa Kỳ từ năm 2011 đến năm 2016, đưa ra, Đức Hồng Y Daniel N. DiNardo, chủ tịch Hội Đồng Giám Mục Hoa Kỳ đã triệu tập Ủy ban Thường trực của Hội đồng Giám Mục vào ngày thứ Hai 27 tháng 8 và đưa ra tuyên bố sau

Trong tình hiệp thông với Đức Thánh Cha, tôi và Ủy ban Thường trực của Hội đồng Giám mục Công Giáo Hoa Kỳ, đón nhận lời khích lệ của ngài rằng “vết thương vẫn đang mở [của tội ác lạm dụng] này thách thức chúng ta phải mạnh mẽ và quyết liệt trong việc theo đuổi sự thật và công lý”.

Hôm mùng 1 tháng Tám, tôi đã hứa rằng Hội Đồng Giám Mục Hoa Kỳ sẽ theo đuổi đến cùng nhiều vấn nạn được đặt ra xung quanh hành vi của Tổng Giám mục McCarrick với toàn bộ quyền hạn của mình; và khi đã đến tận cùng giới hạn thẩm quyền của mình, Hội Đồng Giám Mục sẽ đạo đạt lên những vị có thẩm quyền cao hơn. Vào ngày 16 tháng 8, tôi đã kêu gọi có một cuộc Thanh Tra Tông Tòa, làm việc cùng với một ủy ban giáo dân quốc gia được ban cấp thẩm quyền độc lập, để tìm kiếm sự thật. Hôm qua, tôi đã triệu tập Ủy ban Thường trực một lần nữa, và Ủy ban tái khẳng định lời kêu gọi một cuộc thanh tra khẩn cấp và toàn diện về những lý do tại sao sự thất bại đạo đức nghiêm trọng của một giám mục anh em lại có thể được dung thứ trong thời gian quá lâu và đã không có gì ngăn cản việc thăng tiến của người ấy.

Bức thư gần đây của Tổng Giám mục Carlo Maria Viganò khiến cuộc thanh tra này càng trở thành một vấn đề trung tâm và cấp bách. Các câu hỏi được nêu ra xứng đáng được có những câu trả lời và kết luận dựa trên bằng chứng. Nếu không có những câu trả lời đó, những người vô tội có thể bị bôi xấu bởi những cáo buộc sai trái và những người có tội có thể ung dung lặp lại những tội lỗi trong quá khứ.

Tôi rất tha thiết được có một buổi triều yết với Đức Thánh Cha để nhận được sự hỗ trợ của ngài cho kế hoạch hành động của chúng ta. Kế hoạch đó bao gồm các đề xuất chi tiết hơn để: tìm ra những câu trả lời này, tạo điều kiện thuận lợi hơn cho việc báo cáo các hành vi lạm dụng và những hành vi sai trái của các giám mục và cải thiện các thủ tục giải quyết khiếu nại chống lại các giám mục. Lấy cảm hứng từ lá thư gần đây của Đức Thánh Cha gởi cho toàn thể dân Chúa, và tự sắc “As a Loving Mother” - “Như một Người Mẹ Từ Ái”- của ngài hai năm trước, tôi tin tưởng Đức Thánh Cha Phanxicô sẽ chia sẻ mong muốn của chúng ta muốn có hiệu quả cao hơn và minh bạch hơn trong vấn đề kỷ luật giám mục. Chúng tôi lặp lại tình cảm yêu mến của chúng tôi đối với Đức Thánh Cha trong những ngày khó khăn này.

Đối với những người bị lạm dụng và những gia đình có người thân yêu bị lạm dụng, tôi xin lỗi. Anh chị em không cô đơn. Từ năm 2002, hàng trăm nhân viên được đào tạo chuyên nghiệp trên toàn quốc đã làm việc với Giáo Hội để hỗ trợ những người bị lạm dụng và ngăn chặn sự lạm dụng trong tương lai. Trên toàn quốc, Giáo hội có chính sách tuyệt đối không khoan dung đối với các linh mục và phó tế lạm dụng, và những chính sách về đào tạo môi trường an toàn, kiểm tra lý lịch những người làm việc với trẻ em, các điều phối viên hỗ trợ những nạn nhân, và nhanh chóng báo cáo với chính quyền dân sự, cũng như các ủy ban điều tra do giáo dân điều hành ở các giáo phận.

Nói cách khác, chúng tôi đã làm ngã lòng anh chị em. Điều này đặc biệt nghiêm trọng trong trường hợp những người lớn bị quấy rối tình dục bởi những người ở các vị trí quyền lực, và trong trường hợp của bất kỳ hành vi lạm dụng hoặc quấy rối do một giám mục gây ra. Chúng tôi sẽ làm tốt hơn. Giáo Hội càng bị vùi dập trong bão tố, tôi càng được nhắc nhớ rằng nền tảng vững chắc của Giáo Hội là Chúa Giêsu Kitô. Những thất bại của con người không thể dập tắt ánh sáng của Tin Mừng. Lạy Chúa, nhờ lòng thương xót của Người, xin chỉ cho chúng con thấy con đường đến ơn cứu rỗi.

Ngày 27 tháng 8, 2018

+ Đức Hồng Y Daniel N. DiNardo

Tổng Giám Mục Galveston-Houston

Chủ tịch Hội đồng Giám mục Công Giáo Hoa Kỳ

3. Đức Tổng Giám Mục Gänswein bác bỏ tin của New York Times nói Đức Bênêđíctô xác nhận cáo buộc của Đức Tổng Giám Mục Viganò là đúng

Đức Tổng Giám Mục Georg Gänswein, thư ký riêng của Đức Giáo Hoàng danh dự Bênêđíctô thứ 16, đã bác bỏ tuyên bố cho rằng Đức Giáo Hoàng danh dự đã xác nhận các cáo buộc của Đức Cha Carlo Viganò cựu Sứ Thần Tòa Thánh tại Hoa Kỳ là đúng.

“Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô thứ 16 chưa hề đưa ra lời bình luận nào về 'bản ghi nhớ' của Đức Tổng Giám Mục Viganò và sẽ không làm như thế đâu”, Đức Tổng Giám Mục Gänswein nói với tờ Die Tagespost của Đức. Tuyên bố cho rằng Đức Giáo Hoàng danh dự đã xác nhận những cáo buộc này là không có cơ sở. “Tin giả thôi!” Đức Tổng Giám Mục Gänswein nói.

Đức Tổng Giám Mục Gänswein đã đề cập đến một báo cáo trên New York Times trích dẫn một thành viên trong kênh tin tức Mỹ “EWTN” thường trú tại Rôma, là Timothy Bush. Theo ông, Đức Giáo Hoàng danh dự Bênêđíctô thứ 16 đã xác nhận những lời cáo buộc được đưa ra trong bản tuyên bố dài 11 trang của Đức Tổng Giám Mục Viganò.

Đức Tổng Giám Mục Viganò tuyên bố rằng cả Đức Giáo Hoàng Phanxicô và các quan chức Vatican cao cấp khác đã được thông báo từ năm 2013 về những cáo buộc lạm dụng chống lại cựu Hồng Y Theodore McCarrick. Đức Cha Jean-Francois Lantheaume, cựu đệ nhất tham vụ tại toà sứ thần Tòa Thánh ở Washington D.C cũng xác nhận như vậy.

Đức Tổng Giám Mục Viganò cáo buộc Đức Thánh Cha Phanxicô đã “tiếp tục bao che” cho McCarrick đến mức ngài không những “không tính đến” các biện pháp trừng phạt do Đức Bênêđíctô đưa ra mà còn coi McCarrick là “cố vấn đáng tin cậy” của mình.

4. Lễ nghi tạm biệt Ái Nhĩ Lan

Lúc 18:30, Đức Thánh Cha đã ra Sân bay Quốc tế Dublin để đáp máy bay về lại Rôma kết thúc tốt đẹp chuyến tông du thứ 24 của ngài bên ngoài lãnh thổ Italia.

Những hình ảnh quý vị và anh chị em đang xem thấy đây là lễ nghi tiễn biệt diễn ra tại phi trường quốc tế Dublin.

Lúc 18:45 Đức Thánh Cha đã khởi hành bằng máy bay trở lại Rôma. Vào lúc 23 giờ ngài đã về đến sân bay quân sự Ciampino của Rôma. Từ đó, ngài dùng trực thăng để về lại Vatican.

5. Cảm tưởng của danh ca Andrea Bocelli khi hát tại cuộc gặp gỡ thế giới các gia đình ở Dublin

Hôm 25 tháng 8, trong Lễ Hội gặp gỡ quốc tế các gia đình tại sân vận động Croke Park, danh ca Andrea Bocelli đã hát cho Đức Giáo Hoàng Phanxicô và cho hàng trăm ngàn gia đình tham dự Đại Hội Gia Đình Thế Giới. Trong một cuộc phỏng vấn độc quyền với Vatican News, danh ca khiếm thị này đã nói về tầm quan trọng của đức tin, gia đình và âm nhạc.

Danh ca người Ý có giọng nam cao (tenor) đã từng hát trong cuộc gặp gỡ thế giới các gia đình vào năm 2015, tại Philadelphia. Lần này anh sẽ hát tại công viên Croke ở Dublin, sử dụng âm nhạc để truyền đạt thông điệp của sự kiện và, như anh nói, là để các gia đình có “một kỷ niệm đẹp mang về nhà”.

Tin tức về sự tham gia của Bocelli tại cuộc gặp gỡ các gia đình thế giới đã tạo ra rất nhiều phấn khởi trong số những người hâm mộ anh và khiến các nhà tổ chức lạc quan hy vọng. Nhưng chàng nghệ sĩ cũng có một số ý tưởng cá nhân về ý nghĩa của sự kiện này.

“Khi bạn lên trên sân khấu”, Bocelli nói, bạn “cho đi và nhận được rất nhiều”. Khi một nghệ sĩ biểu diễn thành công, “khán giả phản ứng với một tình cảm trìu mến và biết ơn, điều đó thật đáng hài lòng”.

Bocelli nói rằng anh hy vọng trường hợp này sẽ xảy ở Ái Nhĩ Lan, quốc gia anh đặc biệt ưa thích, và là nơi anh có nhiều người hâm mộ.

Đức Giáo Hoàng Phanxicô thường thách thức các gia đình trở nên một nguồn mạch và một gương sáng về niềm vui cho thế giới. Andrea Bocelli tin rằng âm nhạc và ca hát có thể đóng góp cho gương sáng đó. Trong trường hợp của anh, mục đích của các bài hát, “là để trao ban niềm vui, mang đến một khoảnh khắc nhẹ nhàng trong đó tinh thần có thể bay bổng và suy tư về ý nghĩa của cuộc sống, về những điều thực sự quan trọng”.

Mối liên hệ rõ ràng nhất giữa đức tin và các ca khúc đã được thánh Augustionô trình bày trong câu nói nổi tiếng của ngài: “Hát là hai lần cầu nguyện”.

6. Hậu quả bi đát của Phúc trình Pennsylvania: linh mục hiền lành thánh thiện bị đánh bất tỉnh trong phòng thánh

Một linh mục Công Giáo nghi lễ Byzantine đã bị tấn công vào hôm thứ Hai ngay trong phòng thánh sau thánh lễ buổi sáng.

Cha Basil Hutsko đã bị chấn thương ở đầu trong vụ tấn công tại nhà thờ St Michael, ở Merrilville, Indiana. Ngài đang trải qua các cuộc kiểm tra y khoa để xác định mức độ thương tích.

Kẻ tấn công, vẫn chưa bị bắt và chưa thể xác định là ai, đã tấn công cha Hutsko từ phía sau.

Cha Thomas Loya, giám đốc Văn phòng Tôn trọng Cuộc sống của Giáo phận Công Giáo nghi lễ Byzantine Ohio cho biết:

“Kẻ tấn công đã bóp cổ ngài và đập đầu ngài xuống đất khiến ngài bất tỉnh nhân sự. Trước khi bất tỉnh, cha Basil nghe kẻ tấn công nói: ‘Cú này là để trả thù cho tất cả trẻ con!’”

Cha Basil tin rằng hung thủ muốn ám chỉ đến những vụ tai tiếng lạm dụng tình dục đã được nêu trong phúc trình Pennsylvania; và các nơi khác.

“Cha Hutsko, ở độ tuổi 60, là một linh mục thánh thiện không có chút tai tiếng nào.” Cha Loya cho biết như trên khi nói chuyện với Catholic News Service trong một cuộc phỏng vấn qua điện thoại vào ngày 21 tháng Tám.

Cha Hutsko ở một mình trong nhà thờ sau khi hoàn thành phụng vụ buổi sáng vào thời điểm xảy ra vụ tấn công. Kẻ tấn công chắc hẳn là cao to và khá mạnh, bởi vì cha Hutsko là một người cao lớn và rất khỏe mạnh. Kẻ tấn công đeo găng tay, không để lại dấu vân tay nên việc truy tìm hung thủ rất khó khăn.

Cuối cùng cha Hutsko tỉnh dậy. Ngài cảm thấy hơi lảo đảo và báo cáo sự việc với cảnh sát.

“Cảnh sát đến, nhưng họ vẫn không tìm ra hung thủ.” Cha Loya nói.

“Khi tôi nói chuyện với ngài tối qua, ngài cho biết cảm thấy bất an trong một khu vực mà ngài cảm thấy rất bình an trước đó.”

Cha Loya kết luận rằng: “Cha Hutsko là một nạn nhân ngẫu nhiên vô tội - một mục tiêu ngẫu nhiên. Tất cả các giáo sĩ bây giờ phải cảnh giác. Không hoang tưởng, nhưng cảnh giác.”

7. Giám Mục Anh đề nghị Đức Thánh Cha triệu tập khẩn cấp Thượng Hội Đồng Giám Mục về tội ác lạm dụng tính dục

Đức Cha Philip Egan của Giáo phận Portsmouth, ở miền nam nước Anh, đã viết thư cho Đức Giáo Hoàng để yêu cầu ngài triệu tập một Thượng Hội Đồng Giám Mục Ngoại Thường để giải quyết cuộc khủng hoảng lạm dụng tính dục đang làm điêu đứng Giáo Hội.

Bức thư đã được gửi đến Đức Thánh Cha vào ngày 22 tháng Tám, và được công bố trên trang web của Giáo phận Portsmouth. Đức Cha Egan nói rằng đề xuất của ngài nảy sinh bởi những vụ tai tiếng tình dục gần đây ở Mỹ, đặc biệt là sau khi báo cáo của bồi thẩm đoàn Pennsylvania được công bố, cũng như các trường hợp khác ở Ái Nhĩ Lan, Chí Lợi và Úc.

“Lạm dụng tình dục bởi hàng giáo sĩ dường như là một hiện tượng hoàn vũ trong Giáo Hội,” Đức Cha Egan viết trong thư gởi cho Đức Giáo Hoàng. “Là một người Công Giáo và là một Giám mục, những điều được phơi bày này làm tôi đau buồn và cảm thấy nhục nhã.”

Đức Cha Egan nói rằng, bên cạnh những cảm giác này, ngài cảm thấy bị thôi thúc phải đưa ra một “gợi ý mang tính xây dựng” hơn và xin Đức Giáo Hoàng cân nhắc việc triệu tập một Thượng Hội Đồng Giám Mục về đời sống và công việc mục vụ của hàng giáo sĩ.

Đức Cha Egan đề nghị rằng một Thượng Hội Đồng Giám Mục như vậy có thể được tổ chức sau những “công nghị ở địa phương”, trong đó các Giám Mục tham dự và lắng nghe ý kiến của anh chị em giáo dân. Công nghị ấy được điều hành hoàn toàn bởi các thành viên giáo dân là những người có chuyên môn cụ thể về các vụ lạm dụng tính dục, và những người tham gia vào việc hình thành chính sách bảo vệ trẻ em và những người dễ bị tổn thương khác.

Kết quả của các cuộc họp này có thể được đưa vào tài liệu làm việc chính thức của Thượng Hội Đồng Giám Mục ở Rôma.

Các chủ đề được đề xuất cho Thượng Hội Đồng Giám Mục thảo luận có thể bao gồm “căn tính linh mục [hoặc] giám mục” và đưa ra các hướng dẫn về “lối sống và những hỗ trợ cho việc tuân giữ luật độc thân”, đề xuất ra các “quy tắc sống cho các linh mục [và] các giám mục” và thiết lập “các hình thức giám sát hàng giáo sĩ”

Theo Đức Cha Egan, kết quả của Thượng Hội Đồng Giám Mục về Giáo Sĩ có thể được dùng trong việc thay đổi giáo luật và giúp các giáo phận soạn thảo “các quy luật dành cho giáo sĩ”.

Đức Cha Egan phàn nàn rằng trong khi các chủng viện có nhiều cấu trúc và phương tiện hỗ trợ cho việc giám sát và đánh giá các chủng sinh, các giám mục địa phương không có những phương tiện như thế để giám sát hàng giáo sĩ.

“Cần phải tạo ra các cơ hội để giúp các giám mục trong trách nhiệm của họ đối với hàng giáo sĩ và giúp các giáo sĩ nhận ra rằng họ không phải là ‘những người hoạt động độc lập riêng lẻ’ nhưng là các thừa tác viên chịu trách nhiệm tuân theo sự chỉ đạo và lãnh đạo của giáo phận.”

8. Đức Cha Robert Morlino nói: Căn nguyên của các cuộc khủng hoảng lạm dụng tình dục là thứ văn hóa đồng tính

Lên tiếng về các cuộc khủng hoảng lạm dụng tình dục gần đây, Đức Cha Robert Morlino Giám mục Madison, Wisconsin, nói rằng Giáo Hội Công Giáo phải tái xác nhận những xác tín của mình để có thể chỉ ra tội lỗi và từ khước tội lỗi. Đồng thời, Giáo Hội cũng phải thừa nhận và nhổ tận gốc một thứ văn hóa đồng tính giữa một số giáo sĩ đã và đang gây ra những tổn hại lớn lao cho Giáo hội.

Đức Cha Robert Morlino cũng kêu gọi người Công Giáo tham gia với ngài trong các hành động phạt tạ vì các hành vi tội lỗi và vô đạo đức về tình dục giữa các phó tế, linh mục và giám mục Công Giáo.

“Trong một thời gian dài chúng ta đã giản lược thực tại tội lỗi - chúng ta đã từ chối gọi tội lỗi là tội lỗi - và chúng ta đã miễn tội cho những lỗi lầm nhân danh một khái niệm sai lầm về lòng thương xót. Trong nỗ lực nhân danh nhu cầu cởi mở hơn với thế giới, chúng ta đã trở nên quá sẵn sàng để từ bỏ Đường, Sự Thật và Sự Sống. Để tránh gây bất bình, chúng ta bán đứng chính chúng ta để nói những lời ngọt ngào và dịu dàng với những người khác” Đức Cha Robert Morlino đã viết như trên trong một bức thư mục vụ được công bố hôm 18 tháng Tám.

Đức Cha Morlino cho biết ngài đau buồn tột độ khi đọc những câu chuyện về lạm dụng tình dục trong báo cáo của bồi thẩm đoàn Pennsylvania được công bố hôm 14 tháng 8, và những cáo buộc chống lại cựu Hồng Y Theodore McCarrick, là người bị buộc tội lạm dụng tình dục trẻ em, cũng như tấn công tình dục và ép các linh mục, chủng sinh quan hệ tình dục với mình trong nhiều thập niên.

Đức Cha Morlino đặc biệt thẳng thắn trong đánh giá của ngài về nguyên nhân của những tội ác này: “Trong những tình huống cụ thể này, chúng ta đang nói về những hành vi tình dục biến thái – hầu hết là những hành vi tính dục đồng tính - của các giáo sĩ. Chúng ta cũng đang nói về các hành vi dụ dỗ đồng tính và lạm dụng tính dục các chủng sinh và các linh mục trẻ bởi các linh mục, giám mục và Hồng Y đầy quyền thế. Chúng ta đang nói về những hành vi và hành động của một số người, nói ngắn gọn, là những người có chức thánh, không chỉ vi phạm những lời hứa thiêng liêng họ đã tuyên hứa, mà còn chà đạp lên luật luân lý tự nhiên áp dụng cho tất cả mọi người. Nói quanh co che đậy bằng bất cứ điều gì khác sẽ chỉ là lừa dối và làm vấn đề trầm trọng hơn nữa.”

“Đã đến lúc phải thừa nhận rằng có một thứ văn hóa đồng tính luyến ái trong hàng giáo sĩ Giáo Hội Công Giáo đang gây ra những tàn phá lớn lao trong vườn nho của Chúa. Giáo huấn của Giáo hội minh định rõ ràng rằng khuynh hướng đồng tính tự nó không phải là tội lỗi, nhưng tự bản chất đó là một sự rối loạn khiến cho bất kỳ người đàn ông nào bị ảnh hưởng bởi khuynh hướng này không thể trở thành một linh mục”, ngài nói thêm.

Đức Cha Morlino đã viết thư cho các chủng sinh trong giáo phận của ngài rằng họ nên thông báo ngay cho ngài biết về bất kỳ hành vi lạm dụng tình dục, ép buộc, hoặc những hình thức vô luân mà họ là nạn nhân hay họ chứng kiến trong các chủng viện.

“Tôi sẽ ra tay ngay lập tức và mạnh mẽ. Tôi sẽ không chấp nhận điều này trong giáo phận của tôi hoặc bất cứ nơi nào tôi gửi người đến để được đào tạo”.

Đối với các linh mục của Madison, Đức Cha giải thích kỳ vọng của ngài rằng mỗi người phải “sống trong chức tư tế của mình như một linh mục thánh thiện, một linh mục làm việc chăm chỉ, và một linh mục thuần khiết và hạnh phúc - như chính Chúa Kitô đang kêu gọi anh em làm. Hãy sống một cuộc sống thanh bần và khiết tịnh để anh em hoàn toàn có thể trao ban sự sống của mình cho Chúa Kitô, Giáo Hội và những người mà Ngài đã kêu gọi anh em phục vụ. Chúa sẽ ban cho anh em những ân sủng cần thiết để có thể làm như vậy.”

Đức Cha Morlino cũng viết thư cho anh chị em giáo dân, yêu cầu họ báo cho ngài biết bất kỳ trường hợp lạm dụng tình dục hoặc vô đạo đức nào mà họ có thể biết.

Đức Cha đã kết thúc lá thư của ngài với một lời kêu gọi thánh thiện và cầu nguyện.

“Hơn bất cứ điều gì khác, chúng ta trong tư cách là một Giáo Hội phải chấm dứt việc chấp nhận tội lỗi và sự dữ. Chúng ta phải loại bỏ tội lỗi khỏi cuộc sống của chính mình và hướng về sự thánh thiện. Chúng ta phải từ chối im lặng khi đối mặt với tội lỗi và tà ác trong gia đình và cộng đồng của chúng ta và chúng ta phải đòi hỏi các mục tử của chúng ta - bao gồm cả chính tôi - rằng bản thân các ngài phải quyết chí ngày này qua ngày khác hướng đến sự thánh thiện. Chúng ta phải luôn làm điều này với sự tôn trọng yêu thương đối với các cá nhân nhưng với một sự hiểu biết rõ ràng rằng tình yêu đích thực không bao giờ có thể tồn tại nếu không có chân lý.”

“Tôi yêu cầu tất cả các bạn tham gia cùng tôi và toàn bộ giáo sĩ của Giáo phận Madison trong việc thực hiện các hành động công khai và cá nhân để phạt tạ Trái tim chí thánh của Chúa Giêsu và trái tim vô nhiễm của Đức Maria vì tất cả tội lỗi tình dục ghê tởm của các thành viên trong hàng giáo sĩ”

9. Đức Hồng Y Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh nhận định về chuyến tông du Ái Nhĩ Lan của Đức Thánh Cha

Đức Hồng Y Pietro Parolin, Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh, đã có cuộc phỏng vấn với Vatican News về chuyến tông du Ái Nhĩ Lan sắp tới của Đức Thánh Cha Phanxicô trong khuôn khổ Cuộc Gặp gỡ các Gia đình Thế giới. Trong cuộc phỏng vấn này, ngài đã đề cập đến một số vấn đề chính bao gồm nạn lạm dụng tình dục của hàng giáo sĩ ở Ái Nhĩ Lan và các nơi khác, tầm quan trọng của gia đình trong xã hội ngày nay và sự đóng góp của các gia đình Kitô trong đời sống của Giáo hội.

Thưa Đức Hồng Y Parolin, Đức Thánh Cha Phanxicô sẽ đến Ái Nhĩ Lan để dự Cuộc Gặp gỡ các Gia đình Thế giới. Chủ đề gia đình ngày càng trở nên là chủ đề tập trung trong triều Giáo hoàng của ngài. Chúng ta có thể mong đợi thêm những gì sau Thượng Hội Đồng Giám Mục về Gia Đình và Tông Huấn Amoris Laetitia?

Tôi nghĩ rằng Đức Thánh Cha trước hết sẽ tái khẳng định Tin Mừng của gia đình, đó là chủ đề của Thượng Hội Đồng Giám Mục về Gia Đình. Tin Mừng của các gia đình có nghĩa là tập trung và nhấn mạnh vị thế cần thiết của gia đình trong xã hội và trong Giáo Hội đương đại. Và kế đó là hỗ trợ sứ mệnh của gia đình trong thế giới ngày nay, một sứ mệnh yêu thương, chung thủy, giáo dục và tạo ra sự sống mới. Nhưng tôi chắc chắn rằng sự hiện diện tương tự của Đức Thánh Cha sẽ là sự khích lệ cho các gia đình trong nỗ lực đem tình yêu đến thế giới này và thực sự giúp các cá nhân và xã hội đạt tới hạnh phúc mà mọi người đang tìm kiếm.

Thưa Đức Hồng Y, theo ý kiến của ngài, sự đóng góp lớn nhất mà các gia đình Kitô có thể mang đến cho Giáo Hội ngày hôm nay và cho những người không có kinh nghiệm cá vị về đức tin là gì?

Như tôi đã nói trước đây, tôi nghĩ rằng, điều quan trọng là phải làm chứng cho niềm vui Phúc Âm. Khả năng tiếp cận với người mình thương mến là một khả thể đặc biệt để truyền đạt đâu là những gì mang lại hạnh phúc trong thế giới này - trước một thế giới chúng ta trải nghiệm quá nhiều lần sự cô đơn và cô lập, là một vấn đề lớn ngày hôm nay. Sau đó, gia đình có sứ mệnh và vai trò mang lại cảm thức về tình hiệp thông, tình yêu thương, cảm thức tôn trọng cuộc sống cá nhân và cộng đồng. Tôi nghĩ rằng đó là những đóng góp thiết yếu mà các gia đình và đặc biệt là các gia đình Kitô có thể mang đến cho thế giới.

Thưa Đức Hồng Y, các chủ đề tế nhị như di cư, khủng hoảng gia đình và thái độ đối với người đồng tính cũng sẽ được đề cập đến tại Cuộc Gặp gỡ các Gia đình Thế giới ở Dublin. Giáo hội phải nói gì ngày hôm nay với những người không chia sẻ những giá trị và tầm nhìn của mình về thế giới?

Vâng, dĩ nhiên, Giáo Hội phải tiếp tục đề nghị chân lý và vẻ đẹp của Tin Mừng về gia đình, với niềm tôn trọng, và với tình cảm yêu thương. Giáo Hội phải tiếp tục làm như vậy và đặc biệt là phải đưa ra các gương sáng. Tôi nghĩ rằng điều quan trọng là phải tháp tùng với những người trong những tình huống của họ như Đức Thánh Cha đã nói từ đầu triều giáo hoàng của ngài rằng Giáo Hội là một bệnh viện dã chiến. Chúng ta phải tận dụng cơ hội chăm sóc mọi người, tháp tùng với họ, đặc biệt là bắt đầu lắng nghe họ và thiết lập một cuộc đối thoại với họ.

Đức Thánh Cha đã nhiều lần đòi hỏi rằng các gia đình phải được hỗ trợ bởi các định chế với các chính sách phù hợp. Chúng ta cần bắt đầu từ đâu, thưa Đức Hồng Y?

Chuyện này không phải là dễ dàng đâu. Tốt hơn là chúng ta nên bắt đầu với chính mình, tôi nghĩ rằng Đức Thánh Cha đã nói nhiều lần rằng chúng ta phải bắt đầu từ chính chúng ta, từ gia đình của chúng ta. Sau đó, chúng ta phải thực sự quan tâm đến việc chuẩn bị bí tích hôn nhân cho những người trẻ và tháp tùng với các gia đình - đặc biệt là khi họ rơi vào những tình huống căng thẳng và xung đột. Và tất nhiên đây là một dấu chỉ tình yêu của Chúa Giêsu Kitô. Đức Thánh Cha nói rằng Giáo Hội đã làm rất, rất nhiều theo nghĩa đó, nhưng vẫn còn nhiều việc cần làm theo hướng này. Tôi nghĩ rằng phần thứ hai là Giáo hội, với tiếng nói tiên tri của mình, cũng phải nhắc nhở các chính khách, những người hoạt động trong chính trường, trong các định chế, rằng họ có nhiệm vụ hỗ trợ các gia đình và đáp ứng những mong đợi và nhu cầu của họ.

10. Đức Hồng Y Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh lên tiếng về tội ác lạm dụng tính dục của các giáo sĩ

Tiếp tục cuộc phỏng vấn, Đức Hồng Y Pietro Parolin, Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh đã trả lời câu hỏi sau:

Thưa Đức Hồng Y, Ái Nhĩ Lan đã thay đổi rất nhiều kể từ chuyến tông du cuối cùng của Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II vào năm 1979. Quốc gia này đã in hằn những câu chuyện khủng khiếp về nạn lạm dụng tình dục của giáo sĩ và những người khác. Đất nước này cũng đã bị sốc bởi báo cáo gần đây tại Pennsylvania. Đức Hồng Y muốn nói gì với người dân Ái Nhĩ Lan về vấn đề này?

Thật khó nói lên lời, bởi vì vụ tai tiếng lạm dụng tình dục này đã thực sự ảnh hưởng, và tiếp tục ảnh hưởng đến chúng ta, đến mọi người và nó có tác động tàn khốc đến cuộc sống và chứng tá mà Giáo Hội trao ra cho thế giới. Như Đức Thánh Cha Phanxicô nhắc nhở chúng ta nhiều lần, và ngài tiếp tục nhắc chúng ta như thế, nhiệm vụ đầu tiên của chúng ta là chăm sóc những người đã bị hại - những nạn nhân của hiện tượng bi thảm này. Tôi nghĩ rằng Giáo hội ở Ái Nhĩ Lan đã nhìn nhận những thất bại của mình và đồng thời đã đưa ra các biện pháp để ngăn chặn trong tương lai những gì đã từng xảy ra trong quá khứ. Và rồi, trên khuôn khổ này, chú ý đến các nạn nhân, nhìn nhận và ăn năn về những gì đã xảy ra trong quá khứ. Và trong nỗ lực để ngăn chặn những điều như vậy có thể tái diễn, tôi nghĩ rằng chúng ta phải hãy xem cuộc hành trình của Đức Thánh Cha như một hành trình của hy vọng, để giúp Giáo Hội ở Ái Nhĩ Lan và các gia đình nói chung tham gia vào một cuộc hành trình với một niềm hy vọng là chúng ta thực sự có thể thay đổi và chúng ta có thể xây dựng một xã hội trong đó các trẻ em và người dễ bị tổn thương được an toàn, chắc chắn và thực sự Giáo Hội có thể đóng vai trò của mình nếu chúng ta sống theo Tin Mừng.