VỰC ĐẠO

Nhân cuộc về thăm xứ đạo Trà Câu, thăm Vực Đạo, nơi giáo dân Trà Câu bị dìm chết trong biến cố Văn Thân 1885

Con nắng cuối hè dường như đang hối hả đổ xuống trên những cánh đồng vàng xanh của vụ lúa hè thu đang mùa thu hoạch. Thoang thoảng mùi hương lúa mới hoà quyện với mùi ngai ngái của rơm tươi ngâm nước, như đang lôi kéo tâm thức của một kẻ đang về thăm quê quay lại với bao hoài niệm, ảnh hình… của một thời bé dại…!

Xem Hình

Vâng. Tôi đã về đây, trên những con đường quê hương Trà Câu (Phổ Văn, Đức Phổ, Quảng Ngãi) mà nửa thế kỷ về trước, đã ghi đậm bao dấu chân quê mỗi ngày hai buổi đến trường qua bãi cỏ Gò Dong, những lần theo bạn thả bò trên gò Cúc, mùa hè đi câu cá rô, cá suốt dọc “mương” Trà Câu, hay cá chốt, cá thác lác ở sông “Sau” hay xuống tận bờ hữu ngạn sông Thoa dưới “Bến Đò Mốc”…

Nhắc tới sông Thoa, Bến Đò Mốc, tự nhiên ký ức ùa về “xúm lại” nghe chuyện kể của mẹ tôi về thời “Bắt Đạo”.

Dĩ nhiên chuyện mẹ kể được được Ông Bà Ngoại lưu truyền không như một chuyện cổ tích mà như những chứng nhân liên hệ trực tiếp. Và nếu căn cứ vào thời gian diễn ra cùng với ngưỡng tuổi của ông bà ngoại lúc đó, thì câu chuyện “Bắt Đạo” chính là cuộc “bách Hại Công Giáo” của phong trào Văn Thân – Bình Tây Sát Tả khởi sự từ năm 1885.

Khu vực miền Trung, đặc biệt với các tỉnh Phú Yên, Bình Định, Quảng Ngãi, Quảng Nam (Bao trùm toàn bộ địa bàn mục vụ của Giáo phận Qui Nhơn và Đà Nẵng ngày nay), cuộc bách hại của Văn Thân đã gây ra thiệt hại và tàn phá khủng khiếp cho Đạo Công Giáo, qua những con số được thống kê sau đây :

“Trong cuộc sát hại của Văn Thân năm 1885, Giáo phận Đông Đàng Trong đã bị tổn thất nặng nề nhất từ trước đến nay. Về nhân sự: 8 thừa sai Pháp, 7 linh mục Việt, 60 thầy giảng, 270 nữ tu, trên 24.000 giáo dân đã bị sát hại hoặc bị chết vì đói khát, bệnh tật, khi lẩn trốn nơi rừng thiêng nước độc, cũng có người lập nghiệp nơi khác không trở về. Về cơ sở vật chất: Tòa Giám mục Làng Sông, 225 nhà thờ và nhà nguyện, 10 phước viện, 2 chủng viện (Làng Sông và Nước Nhỉ), 17 cô nhi viện, 2 phòng phát thuốc, 1 nhà in, 4 nông trại, bị phá hủy. Số giáo dân trước cuộc sát hại của Văn Thân năm 1885 là 41.828 người, chỉ còn lại khoảng 17.000 vào cuối năm 1885. Số tín hữu tại các tỉnh trong Giáo phận trước và sau cuộc sát hại của Văn Thân được ghi nhận như sau:

Tại Quảng Nam: từ 5.428 còn lại 5.000; tại Quảng Ngãi: từ 6.600 còn lại 1.000; tại Bình Định: từ 16.940 còn lại 8.000; tại Phú Yên: từ 6.890 còn lại 1.109, tại Khánh Hòa: từ 2.848 còn lại 800; tại Bình Thuận: từ 1.892 còn lại 400.” .

Trà Câu, một cộng đoàn nhỏ bé, tập trung hầu hết trong một góc phía tây của thôn Tập An Bắc cọng thêm một phần của thông Đông Quan, cả hai thuộc địa bàn hành chánh xã Phổ Văn, cũng đã đi qua đoạn đường “Bắt Đạo” với bao nhiêu máu xương và nước mắt mà chứng tích “VỰC ĐẠO” và chuyện kể liên quan vẫn còn sống mãi với thời gian.

“VỰC ĐẠO” (Còn có tên là “Vực Ô Rô”), nằm ở đoạn cuối của sông Thoa, cách “Bến Đò Mốc” khoảng hơn 1 cây số xuôi về hướng Đông Nam, trước khi hợp lưu với các nhánh sông khác như Lò Bó, Sông Trường, Trà Câu, đổ ra cửa biển Mỹ Á.

Nơi khúc sông nầy ngày xưa sâu thăm thẳm và cũng rộng mênh mông nên được mang biệt danh “Vực Ô Rô”. Thuyền bè ngư dân đánh cá khi đi qua đoạn Vực nầy đều hoang mang, lo ngại. Ai số xui phận bạc rơi xuống vực này coi như chết chắc, xác chìm lĩm mất tăm.

Cũng vì “đặc điểm thuận lợi chết người đó”, những người Văn Thân đã điệu một số khá đông tín hữu Công Giáo Trà Câu xuống đoạn sông nầy và ném xuống vực kèm theo những phiến đá nặng cột quanh “giỏ chiêng đựng người” để ai nấy hết đường cục cựa !

Má còn kể thêm rằng : Ngay lúc các tín hữu chìm xuống, thì không biết, do giây buộc không chặt hay nhờ sức mạnh kinh người và tài bơi lội có cở, một giáo dân đã trồi ngay lên mặt nước chẳng xa bờ bao nhiêu. Lập tức, một “Văn Thân” xốc cây mác nhắm ngay đầu nhận lại xuống nước. Lúc đó trên bờ, ai cũng nghe người giáo dân đã từ tốn quát lại : “Thì để từ từ tao chết chứ làm gì dữ dẫy mầy” ! Và rồi, ông cũng đã chìm xuống trước sức ép của gươm, giáo, mác…cùng hàng trăm những người bắt đạo đang hò reo, quát tháo trên bờ.

Đặc biệt má không quên kể rõ đoạn cuối câu chuyện “Vực Đạo” nầy : Chính người bắt đạo Văn Thân đó, sau có một người con trai trở lại Đạo và làm biện, người ta gọi là Biện Học. Sau nầy, ông bà Biện Học có một người con gái đi tu Dòng Phaolô Đà Nẵng, tức soeur Irêné Lành (đã qua đời).

Còn một chi tiết khác liên quan đến cuộc bách hại nầy nếu không kể lại thì cũng uổng : Như đã kể trên, khi Văn Thân “đánh Trà Câu”, một số ném ngay xuống giếng lấp đất, một số đem trói ké đào một hào dài chôn sống. Ngày xưa, mỗi năm đến dịp các Đẳng, cả họ đi “giẩy mả”, thì hai cái ngôi mộ tử đạo phải được giẩy đầu tiên : một mộ tròn (chôn giếng) và một mộ dài (chôn hào). Ông cố ngoại của tôi cùng một số bà con Trà Câu khác có mặt trong nhóm tử đạo nầy.

Ngày trước đó, bà cố ngoại tôi dẫn hai cậu con trai (Ông ngoại tôi (Nguyễn Mão, sinh 1878) và ông anh hai (Nguyễn Chưỡng, sinh 1875) xuống vùng “đất cát” bên kia Bến Đò Mốc, vô cấm Bàng An rậm rịt cây cối để ẩn núp. Sau buổi sáng Văn Thân dìm chết giáo dân tại Vực Ô Rô, và trước đó tàn sát tại họ chính Trà Câu, bà cố Ngoại ban đêm dẫn hai cậu con trai lần mò ra lăng thờ cá voi gần biển để trốn. Khuya hôm đó, nghe tiếng chó cào cấu và tru bên ngoài, Bà Cố Ngoại thức dậy ra xem thử : kìa chú chó trên nhà Trà Câu tìm tới báo tin. Bà Cố Ngại biết chắc : thế là tiêu hết rồi….!

Kể từ sau biến cố Văn Thân đó, Vực Ô Rô được cả người dân lương giáo gọi là “VỰC ĐẠO” và danh xưng này vẫn còn mãi cho đến hôm nay.

Má còn kể thêm một chuyện khá hi hữu rằng : Vào một đêm vụ làm mùa tháng ba, khi nước về đồng và ếch nhái xuất hiện. Cả dân Trà Câu toả ra đồng soi ếch, bắt nhái. Ba má cũng có mặt trong cuộc soi nhái tháng 3 đông vui nầy. Đêm đó, cứ men theo đường nhái dẫn lần đến tận bờ Vực Ô Rô lúc nào không biết. Khi nhìn xuống mặt sông, cả hai thấy cả một vạt đèn lung linh sáng cả khu Vực Đạo. Linh tính báo rằng : Đây chính là những ngọn đèn của các vị tử đạo. Cả hai người làm dấu đọc kinh và âm thầm lui bước…!

Lần nầy, người dẫn tôi tới Vực Đạo không là những chú nhái cơm, nhái bén, mà là một ông bạn học lương dân, mới gặp lại gần tròn nửa thế kỷ. Chính anh bạn nầy, cứ mỗi khi sang canh 1 (khoảng 1 giờ sáng) đã cùng vợ thả lưới trên dòng sông Thoa và cũng thường bơi qua đoạn Vực Đạo nầy để đánh cá cho kịp phiên chợ sáng. Ngày hôm nay, dòng sông đã trở nên hiền hoà, khúc vực sâu đã được bồi cát và hai bên bờ đã thiết dựng bờ kè. Ba anh em Trà Câu chúng tôi đã quỳ gối và thầm nguyện bên bờ Vực Đạo vào cái đêm cuối hè sau lễ Đức Mẹ Về Trời 2018.

Trương Đình Hiền

(Chuyến về Trà Câu mừng lễ Mẹ và thăm bạn cũ ngày 18/8/2018)