NÀO ĐÂU NÉT VĂN HÓA VIỆT : BÀI 6 - TÌM LỐI GIẢI OAN VÀ PHỤC HỒI

Khoa Tâm Lý Trị Liệu sau nhiều nghiên cứu mới khám phá ra được tiến trình chữa trị, mà bước đầu tiên là phải đối diện với nỗi đau và cho bộc lộ lên được chứ không chôn vùi. Vì nếu càng tìm cách trốn chạy hay vùi lấp thì nó càng trở thành động lực bên trong hành hạ và phóng chiếu (projection) ra thành những con ma đen ghê sợ: Biết than cùng Trời, biết thở cùng ai! Bài dân ca mộc mạc của người mình không ngờ lại nói lên được tiến trình này.

Ngồi buồn đốt một đống rơm

Khói bay nghi ngút chẳng thơm chút nào

Khói bay tới tận thiên tào

Ngọc Hoàng phán hỏi thằng nào đốt rơm?

Niềm đau và nỗi oan được trút ra thành một đống rơm cho cháy đi bốc khói chẳng thơm tho chút nào. Nhưng khi khói bay cao làm cay mắt ông Trời thì ông liền quát hỏi: thằng nào đốt rơm? Bài dân ca dễ thương và hay quá! Ngọc Hoàng là Ông Trời ở đây không còn cao xa mãi cõi mông lung trên kia, mà đã trở thành rất người, rất gần gũi. Ngài cũng bị khói đen của những nỗi oan làm cay mắt, biết "quan âm" được niềm xót đau của người đang giãi bày tâm sự. Vậy mà Ngài còn hỏi "thằng nào đốt rơm?" Hỏi để mà cho có chuyện chứ Ngài đã biết ai rồi. Người đang than thở giữa trời bỗng nhận ra có Trời biết lắng nghe thông cảm. Đây mới chính là giây phút giải oan của người mình: Trời nào có phụ ai đâu! Trời nào phụ kẻ có nhơn bao giờ!

Như vậy, then chốt của cuộc giải oan hồi phục tinh thần phát khởi từ một niềm tin ăn sâu trong mạch máu dân mình. Bài học phục hưng Do Thái vẫn là một khuôn mẫu để đời, đặc biệt vì mang thân mệnh rất giống Việt Nam. Không hiểu vì một lý do huyền bí nào mà hai nước nhỏ bé ở hai cực tây và đông Châu Á là Do Thái và Việt Nam lại chịu một số mệnh tàn khốc như nhau, và cùng mang một niềm tin căn bản vào ông Trời thật giống nhau. Như vậy là có mang một sử mệnh nào không hay cũng chỉ là một may rủi tình cờ? Người Do Thái tin vào sử mệnh của mình nên đã là nơi phát sinh hai tôn giáo lớn là Do Thái giáo và Thiên Chúa giáo, và cống hiến được biết bao nhân tài lỗi lạc cho nhân loại.

Vào thời kỳ đi đầy ở đế quốc Babylon vào thế kỷ thứ sáu trước công nguyên, số phận của người Do Thái được diễn tả như một đống xương khô nằm rải rác khắp cánh đồng, hoàn toàn chia rẽ bi thảm và thất vọng. Vậy mà Ezekiel, người cùng bị phát lưu sang Babylon, đã dám tin vào một cuộc kết nạp phục sinh Do Thái.

Giữa những bế tắc như đi vào hầm tối mịt mù, Ezekiel vẫn bật sáng được tia hy vọng vào niềm tin nơi ông Trời vẫn đang dẫn đầu cuộc hành trình của dân tộc ông. Và ông đã thành công khắc sâu được niềm tin này nơi những người đang rã rời thất vọng vì mất hướng.

KHI NGƯỜI DO THÁI TÌM ĐƯỢC TỤ ĐIỂM

Có thật rằng người Tầu, người Nhật, người Do Thái đoàn kết hơn người Việt? Dân Do Thái cũng là tập hợp của nhiều bộ tộc với nhiều khuynh hướng trái ngược nhau, nhất là trong hoàn cảnh ly tán mỗi người một nẻo, mỗi người một giải pháp để sống còn. Vậy mà họ vẫn tạo được sức mạnh chung. Đâu là bí mật?

Chắc chắn lớp dân Do Thái tản mát đi khắp nơi đã trở nên rã rời chia rẽ như một đống xương khô. Nhưng họ không tốn sức than trách đổ tội hoặc buông xuôi, hay chỉ kêu gọi đoàn kết suông giữa không khí. Càng nhân danh văn hóa, nhân danh chính nghĩa, nhân danh tự hào dân tộc, càng thêm mất tin tưởng, càng thêm chia rẽ, càng thêm bẽ bàng, chỉ vì chưa có căn bản nào làm tụ điểm. Trong cảnh huống này, Ezekiel đã bật lên một viễn kiến từ một niềm tin, và Isaia cùng với "Nhóm Do Thái Sót Lại" (Remnant of Israel) tạo được một phong trào thể hiện được một kế hoạch thực tiễn. Đó là phải tìm cho ra tụ điểm tinh thần.

Họ đã gom tất cả các truyện thiêng từ những huyền thoại của dân tộc Do Thái, từ những câu truyện truyền miệng từ đời này sang đời khác, cho đến những lễ nghi tế tự và phong tục, những bài ca dao tục ngữ, những lời răn dạy khôn ngoan, đều được kính cẩn thu lại thành văn bản. Và điều chắc chắn là tất cả những cuốn sách mà ta gọi là Cựu Ước (Old Testament) như văn bản ta có ngày nay, đã chỉ thành hình vào thời kỳ trước và sau thời lưu đầy ở Babylon vào thế kỷ thứ sáu trước công nguyên. Nói cách khác, bộ kinh Do Thái chỉ thành hình do hoàn cảnh đòi hỏi này, dưới con mắt bật sáng của niềm tin, tạo nên một trào lưu phổ biến bằng chương trình giáo dục đại chúng. Vì thế mà họ đã phát động xây những hội đường giống như cái đình làng ở bất cứ nơi nào có người Do Thái sinh sống, để có nơi tụ họp thường xuyên mà học hỏi và thực hành kinh điển ứng dụng cho đời sống.

Lịch sử dân tộc phải có một ý nghĩa và hướng đi chứ không phi lý lãng nhách. Vì họ tin vào ông Trời dẫn đầu và nối kết tất cả lại như những sợi chỉ mầu trong một tấm thảm lớn. Trong nhãn quan này, họ bắt đầu ghi lại truyện tổ tiên từ một gia đình nhỏ bé của quốc tổ Abraham, sống nghề du mục nay đây mai đó suốt từ Ur tới Haran vùng Mesopotamia rồi vòng xuống Ai Cập. Tổ tiên như vậy thì chưa chắc đã có gì đặc sắc so với những dân đương thời, nhưng đối với người Do Thái thì quan trọng lắm. Từ trong cảm nghiệm, họ "thấy" rõ họ là dân được tuyển chọn để qui tụ với một sứ mạng, có tổ có nguồn đàng hoàng. Và nhiều câu truyện truyền kỳ khác về khởi nguyên dân tộc họ được gom lại, khiến họ càng có một độ rung chung với nhau về nguồn gốc, và tự nhiên hãnh diện về bản sắc của mình. Cũng như đám anh em tản mát bỗng tìm lại được mẹ làm tổ ấm qui tụ gia đình.

KHI VIỆT TỘC TÌM LẠI ĐƯỢC TRỤ ĐỒNG

Quả thực, phép lạ hồi sinh Do Thái đã phát khởi từ một niềm tin, thể hiện thành một bộ kinh tin làm tụ điểm tinh thần.

Người Việt cần tìm ra cách hóa giải được nỗi oan, vượt qua được mặc cảm, hồi phục được tinh thần. Để phục hưng, ai cũng nghĩ ngay tới những giải pháp kinh tế, xã hội, những kế hoạch kỹ nghệ, khoa học, đào tạo nhân tài v.v. Điều này thật đúng và cần thiết. Nhưng quan trọng trước hết vẫn là chủ đạo, vẫn là nỗ lực tìm ra được tụ điểm tinh thần qua bộ kinh dân tộc.

Rất may, Việt tộc cũng có cả một truyền thống kho tàng truyện thiêng truyền miệng qua bao thời, với lòng tôn kính Tứ Bất Tử qua các lễ hội, và một kho tàng vô giá ca dao tục ngữ như hơi thở của linh hồn Việt tộc. Bao giờ mình mới xác tín được tầm mức rất ư then chốt này để cùng xây dựng một bộ kinh tin làm trụ đồng mang uy lực qui tụ? Lời yểm của Mã Viện khi bẻ gẫy và chôn vùi biểu tượng qui tụ không khéo mà vẫn còn ám ảnh: Đồng trụ chiết, Giao Chỉ diệt!

(HẾT)