NÀO ĐÂU NÉT VĂN HÓA VIỆT: BÀI 5 - QUI TRÌNH TÂM LÝ QUA NÉT VĂN HÓA VIỆT

Người mình xem ra có một lối sống gan lì ít bị điên mặc dù trải qua muôn vàn khổ nạn, vì mang sẵn chất máu dung hóa rất bén nhạy trước mọi nghịch cảnh. Gió rung cây thì lá rụng. Gió thổi rì rào và lá rụng mùa thu đẹp lắm chứ. Nhiều bài thơ đã bật lên từ cảnh thơ mộng này. Nét ẩn mật của tinh thần Việt vẫn là cái nhìn và cái thấy về cuộc đời, gọi là niềm tin, phát khởi từ niềm tin gốc trong truyện thiêng vẽ hình hoa văn giao long trên mình để làm bạn được với giao long dưới nước mà hóa giải được đối nghịch. Chữ văn hóa có thể bởi đó mà ra, là phương cách hóa giải, sống an nhiên giữa mọi nghịch cảnh cuộc đời. Từ con mắt nhìn và thấy này, cô Kiến An, ông Đào, cô Lan, bé Woody hay anh Hải trong phim Ba Mùa đều có thể thả hoa xuống dòng đời, chuyển chất thơ, phả chất tình, bật chất lửa làm thay đổi cả một đời người.

Nhà tâm lý vào bậc nhất của thời đại là Carl Jung đã vẽ lên qui trình khoa học về tâm lý trị liệu làm cho con người hồi phục vuông tròn toàn mãn. Ông gọi qui trình này là Individuation đi tới được tâm điểm nguồn sống Chân Ngã (centering of the Self) qua những bước: khai trống màn chắn phàm ngã (unveiling the Persona), đối diện với bóng đen (confrontation with the Shadow), dung hóa đối nghịch (relating to the animus/anima).

1. Đạo Trống: Đây quả là nét căn bản bén rễ sâu trong tâm hồn Việt. Muốn tròn đầy thì bước đầu tiên là phải khai trống những mạch vít che phủ. Đây cũng là biểu tượng gốc của mọi truyền thống tâm linh. Người Việt đánh trống để khai mạc một lễ nghi. Sứ điệp căn bản của trống đồng chính là cõi trống này. Cũng như miếng trầu là đầu câu chuyện, sẵn sàng nghiền nát phàm ngã với tham sân si đi thì mới phát sinh dòng tình đỏ thắm trong gặp gỡ thân thương. Nét trống này được gặp thường xuyên nơi những truyện thiêng như truyện Giếng Việt (Việt Tỉnh), truyện thánh Dóng lòng trống như ống tre ống trúc để nhận được tròn đầy sức thiêng từ Trời, để có thể mọc cánh bay lên. Vì thế mà trong lễ hội thánh Dóng có nghi thức rước lá trầu không. Giáo sư Kim Định đã khai triển khá tỉ mỉ về những khía cạnh này trong Sứ Điệp Trống Đồng và Kinh Hùng Khải Triết.

2. Đối Diện với Bóng Đen: Khoa tâm lý ngày nay cho thấy rằng càng trốn chạy hay dồn nén những điều trái nghịch thì càng thành động lực hành hạ bên trong, rồi phóng rọi bóng đen đó ra chung quanh một cách vô thức thành những hiện tượng như tâm bệnh. Vì thế mà người Do Thái có truyền thống bắt con cái phải kể lại những cơn ác mộng ban đêm chứ không được quên đi. Điều này phù hợp với truyện thiêng rất "văn hóa" về tục vẽ mình thành như thuồng luồng để khỏi bị tác hại khi xuống nước.



3. Dung Hóa được Đối Nghịch:
Chấp nhận và thấy được nét tích cực nơi những gì vốn tác hại mình, như tâm tình của ca dao "đố ai quét sạch lá rừng" được diễn tả sâu sắc trong phim Ba Mùa, như nối kết cực âm với cực dương thành điện lực, như hòa mọi bổng trầm hay những điệu đục khàn của cuộc sống thành hòa khúc dịu êm. Đó chính là đạo Trời. Đây cũng là truyện Thôi Vỹ trong bộ kinh Lĩnh Nam với biết bao gian truân khổ nạn nhưng vẫn giữ vững niềm tin tưởng vào lòng thương người mà đạt ngọc Long Toại.

Người Việt nhìn lại những cơ cực khổ nạn suốt bao thế kỷ trong dòng lịch sử mà vẫn nâng niu vỗ về, như tâm tình của Nguyễn Thùy&Trần Minh Xuân trong Thay Lời Ngỏ của Tinh Thần Việt Nam:

Hỡi lịch sử ta thương mình quá đỗi

Ta thương mình vì bởi nỗi ta đau.