NÀO ĐÂU NÉT VĂN HÓA VIỆT

Bài 4: GIẢI OAN NƠI VIỆT TÍNH


Bá nhân bá tính. Ngay trong cùng một nước đã thấy tính người miền Bắc, miền Trung và miền Nam có nhiều điểm khác nhau rồi, do di truyền qua bao đời, do những biến cố thăng trầm của lịch sử, do địa dư và khí hậu khuôn đúc, do hoàn cảnh kinh tế tạo ra. Mỗi dân tộc lại mang những đặc tính riêng làm nên sắc dân mình, gọi là căn tính, phát khởi từ trong mạch máu.

Có tính tốt thì cũng có tính xấu. Có tính hướng nội thiên về đầu, có tính hướng ngoại thiên về tim. Có tính thiên về trực giác, có tính thiên về cảm quan. Không phải nét văn hóa nào cũng là thuần phong. Chẳng hạn như tục ăn thịt người, tục đa thê, tục đa phu nơi nhiều sắc dân trên thế giới. Nhiều hủ tục mê tín cũng phản tiến hóa lắm chứ.

Môn tính tình học ngày nay đề cao rất kỹ phương pháp Enneagram, chia tính tình con người ra 9 loại. Mỗi số đều do một động lực tiềm ẩn từ trong mạch máu đun đẩy để tìm những giá trị khác nhau do những nỗi sợ khác nhau. Mọi phản ứng và hành động của đời người đều phát khởi từ động lực này dưới lăng kính vô thức. Tiếng thời mới gọi là mặc cảm. Cái hay của phương pháp Enneagram là cho thấy được hướng đi của các loại tính phản ứng dây chuyền như hệ lụy theo mũi tên; đồng thời chỉ cho cách hóa giải.

Căn tính Việt Nam dường như gắn liền với thân mệnh của một dân tộc bị quá nhiều nỗi oan bầm dập và ray rứt dằng dặc trong suốt chiều dài và chiều dầy của lịch sử. Thế nước mình nằm bên cạnh anh chàng Tàu khổng lồ luôn sẵn sàng ăn sống nuốt tươi. Số phận thấp cổ bé miệng cứ phải ráng mà sống còn, mà ngóc đầu lên. Không còn sức đâu mà xây dựng được một công trình gì to lớn, hay một hệ thống tư duy nào rõ nét. Mà có xây được thì cũng bị phá ngay. Vì thế mà sức đề kháng của người mình thật bén nhạy trong lúc bị ăn đòn, trong lúc phải chống đỡ, luôn tìm được lối lách và kiểu thoát. Nhưng cũng vì ăn quá nhiều đòn, chồng chất quá nhiều nỗi oan mà cũng tích vào thân quá nhiều hệ lụy nghiệt ngã, khiến cho thời bình đến thì lại loay hoay hoài cũng vẫn chưa tìm được điểm gì chung mà dựng xây.

Thà rằng như người Bách Việt cổ xưa ở vùng Lĩnh Nam, Quảng Đông Quảng Tây, chịu khuất phục đồng hóa với dân Hán từ phương Bắc tràn xuống chiếm đoạt, thành người Tàu cho xong một bề. Đàng này người mình cứ "cứng đầu," dựng ải Bắc Quan mà chận lại, và rồi dù có bị cả ngàn năm đô hộ, mình cứ nhất định là mình, nên mới nên nông nỗi này! Rồi nỗi oan từ cả mấy thế kỷ tương tàn phi lý do chính người mình tận tình tạo ra cho nhau, từ thời Trịnh Nguyễn phân tranh. Nỗi oan những cái chết tức tưởi do chính anh em phân thây nhau, đầy đọa nhau một cách tận tình để xây tháp ngà cho các chủ thuyết đâu đâu. Nỗi oan những thân xác da vàng máu Việt làm mồi cho cá Biển Đông hay cho hải tặc Thái. Nỗi oan tan cửa nát nhà, chạy thục mạng đi ăn nhờ ở đợ khắp các vỉa đường thế giới. Nỗi oan bao nhục nhằn hấng chịu mấy chục năm qua, của lớp người thua thiệt cúi mặt trước đà tiến lên mặt của mọi nước.

NỖI OAN THỊ KÍNH

Nhưng lạ lắm. Những ai nghiên cứu văn hóa Việt đều ngạc nhiên khi thấy người Việt với ngần ấy khổ lụy mà vẫn ít bị điên, vẫn cứ "phây phây":

làm sao cũng chẳng làm sao,

dẫu có thế nào cũng chẳng làm chi.

Người Việt dường như nâng niu nỗi oan đã vốn như gắn liền với thân mệnh của mình, làm nên một gia sản tinh thần trong một cái nhìn tích cực: dù bất cứ oan nghiệt nào, người mình vẫn có sức chịu đựng được, và vẫn tìm ra cách giải oan. Không thấy bàn tới bác sĩ thần kinh, đi viện tâm lý trị liệu, hay uống thuốc độc tự tử. Truyện Thị Kính là một điển hình. Sở dĩ truyện Thị Kính đã trở thành như một di sản tinh thần của người mình, là vì truyền lại được cách giải oan kỳ diệu. Thị Kính âm thầm chịu đựng trước hết là do niềm tin vào Trời thấu suốt mọi bí ẩn, như ca dao đã từng nói lên:

- Đèn Trời soi xét.

- Ai bảo Trời không có mắt.

- Trời nào có phụ ai đâu.

- Làm ơn ắt hẳn nên ơn

Trời nào phụ kẻ có nhơn bao giờ.

Cho dù sau này đạo Phật, đạo Khổng, đạo Lão, có bước vào và phát triển mạnh ở Việt Nam, nhưng niềm tin căn bản vẫn là Trời. Thậm chí người theo đạo Phật cầu khẩn với Phật nhưng rồi cũng phải lên cao hơn nữa là cầu khẩn với Trời, vì thực ra đức Phật cũng chỉ là một người như ta mà đã giác ngộ được con đường giải thoát, còn Trời mới là cùng tận.

Em đi cầu khấn Phật Trời.

Niềm tin này đã là võ khí mạnh nhất để đương đầu với mọi nghịch cảnh, và cắt đứt được vòng xích trói buộc từ đời này qua đời kia. Tiếng thời mới gọi là vòng hệ lụy nghiệt ngã phát sinh do những oan trái này. Khoa Tâm Lý Miền Sâu ngày nay cho thấy ít ra ba hậu quả hệ lụy của người không được giải oan hay chữa khỏi thì sẽ trở thành những hiện tượng:

- Hiện tượng 1: Người bị thương lại đi gây thương tích cho người khác nữa kiểu giận cá băm thớt, giận chó đá mèo, thành cái vòng luẩn quẩn tiếp diễn. Dấu rõ nhất là khó nết, hay cắn cấu, phê bình chỉ trích, đấm đá ăn thua đủ với đời kiểu "vết thù hằn trên lưng ngựa hoang," phóng chiếu cái bực bội bên trong ra chung quanh. Chuyện chia rẽ trong cộng đồng cũng có thể do những giẫy giụa đáng thương này.

- Hiện tượng 2: Do quá khứ thua thiệt nên phải sinh gỡ gạc bù trừ, kiếm thêm tí danh hão, khoe mẽ chút phù du để che lấp cái mặc cảm hụt hẫng bên trong một cách tội nghiệp, nhiều khi trở nên lố bịch thành cơn nghiện tham sân si không cùng. Những chuyện phân tranh giành giật triền miên giữa dòng họ này với hoàng triều khác, có thể là do những ẩn ức hụt hẫng nên cứ phải ráng mà phồng lên, ai cũng phải làm lãnh tụ đòi mọi người đoàn kết nhất trí đứng sau lưng mình. Rồi mỗi lần như thế lại kéo theo bao nhiêu người vào phía này phía kia dựng cao bảng chính nghĩa mà xâu xé chém giết nhau một cách lãng phí.

- Hiện tượng 3: Bỏ cuộc trốn chạy, cố tìm quên cho khuây khỏa niềm đau xót, bi quan nhìn cuộc sống bằng đôi mắt đeo kính đen với những điệu than ai oán, nhiều khi phát điên hay tự tử vì những phi lý tận cùng: người buồn cảnh có vui đâu bao giờ.

(Còn tiếp)