Hôm qua chúng tôi cho phổ biến bài của Đức Cha Barron liên kết kỹ thuật vi tính với mầu nhiệm các thánh cùng thông công. Hôm nay, xin phổ biến bài của Đức Cha Christopher J. Coyne, Giám Mục Burlington, tiểu bang Vermont, Hoa Kỳ, viết giữa lúc có trò chơi “đuổi bắt” Pokemon. Nhân cơ hội này, Đức Cha Coyne nhấn mạnh đến phương thức “truyền giảng” của kỹ thuật số áp dụng vào lãnh vực truyền giảng Tin Mừng. Ngài đặt tựa phụ cho bài viết là “Nuôi dưỡng hạt giống đức tin trong một xã hội đãng trí”.



Gần đây, tôi có nhận được một cú điện thoại từ Ông Giám Đốc Nghĩa Trang Giáo Phận. Hình như một số người đang xâm phạm các nghĩa trang tại Burlington, Vt., với hai con mắt chăm chú dán vào điện thoại di động của họ.

Thực ra, họ đang chơi trò Pokémon Go, cố gắng nắm bắt các tạo vật ngụ cư cách ảo đâu đó ở trong các nghĩa trang này. Tôi hỏi ông xem họ có gây thiệt hại gì không. Ông trả lời: “Không, chỉ nhiều ‘lưu thông’ hơn bình htường mà thôi”. Từ ngày có các qui định mới về nghĩa trang áp dụng cho mọi khách viếng thăm, bất luận vì lý do gì, tôi nói với ông bao lâu không gây thiệt hại nào, nên để họ ở đó. Tôi bảo “Ai biết được việc họ có thể nhìn một hay hai ngôi mộ và được thúc đầy nghĩ tới cõi vĩnh hằng. Vả lại, họ rất có thể hài lòng với việc bắt được một Pokémon hoặc hai”.

Bất kể đi bộ, đáp xe búyt hay ngồi trong một quán ăn, một tiệm cà phê hay bất cứ chỗ công cộng nào, người ta đều không thể không để ý đến sự kiện nền văn hóa kỹ thuật số hiện diện ở khắp nơi. Có thể nói cùng một điều như thế tại các thâm cung gia đình hay các phòng ăn tối. Mọi người xem như đang dán mắt vào chiếc điện thoại di động hay chiếc “laptop”. Nhưng sự hiện diện của nền văn hóa kỹ thuật số không tự giới hạn vào các máy móc. Các nhật báo, các tập san, các bảng yết thị và các bảng quảng cáo thường chứa các hashtag hay đường “link” vào một trang mạng để biết thêm chi tiết. Các nạp Twitter Sống có những dải cuộn xuống cho thấy các chương trình tin tức và nhiều tín liệu khác. Nền văn hóa kỹ thuật số bàng bạc khắp nơi và nhiều người sở hữu và sử dụng các máy móc kỹ thuật số đến nỗi ta phải nhắc nhở người ta tắt máy của họ không những trong các rạp chiếu bóng, nhà hát, buổi hòa nhạc, nơi thờ phượng và cả ở bàn ăn nữa.



Dù có một số ít nằm ngoài mạng lưới ấy, hoặc do lựa chọn hoặc do hoàn cảnh, phần lớn những người sống trong nền văn hóa đệ nhất thế giới đều là cư dân của kỹ thuật số. (Thực thế, vì sự hiện diện hoàn cầu của internet, các phân biệt như thế giới đệ nhất và thế giới đang phát triển đang mờ dần và thậm chí biến mất, một phần vì càng ngày càng có nhiều người truy cập internet hơn, mặc dù không phải tất cả). Và chính trong nền văn hóa thế giới đệ nhất, kỹ thuật số ở đây ở Bắc Mỹ này mà giáo hội cũng đang sống, tương tác và truyền giáo. Các môn đệ Công Giáo ngày nay nào của Chúa Giêsu muốn tìm cách sống và công bố lời đề xuất cứu rỗi của Người thông qua Giáo Hội đều phải tiến tới chỗ nắm vững hai khía cạnh của việc tiếp cận nền văn hóa kỹ thuật số. Một mặt, các phương tiện truyền thông kỹ thuật số đào luyện và thông tri cho chúng ta trong tư cách cá nhân, gia đình và cộng đồng, bao gồm cả Giáo Hội. Mặt khác, các phương tiện truyền thông kỹ thuật số đào luyện và thông tri cho sự dấn thân của chúng ta trong tư cách Giáo Hội trong nền văn hóa hiện nay.

Rao giảng với cả hai tay

Điều này đặc biệt đúng khi nói đến việc rao giảng, bất kể là tin mừng sơ truyền (kerygmatic) (kêu gọi người ta vào mối tương quan với Chúa Giêsu Kitô thông qua sự hồi tâm và niềm tin), giáo lý (catechetic) (làm sâu sắc thêm sự hiểu biết về ý nghĩa của việc theo chân Chúa Giêsu trong thân thể Người là Giáo Hội) hay giảng lễ (homiletic) (công bố Chúa Giêsu và khích lệ mọi người tiếp nhận Người trong bối cảnh cộng đoàn phụng vụ). Bất kể loại rao giảng nào, nhà thần học Cải Cách Thụy Sĩ Karl Barth đều thúc giục nhà rao giảng “một tay cầm Thánh Kinh và tay kia cầm tờ báo”. Giảng dạy vào giữa thế kỷ 20, Barth thúc giục nhà truyền giảng giải thích các dấu chỉ thời đại như được tìm thấy trong các phương tiện truyền thông qua lăng kính đức tin, đề cập đến cả những gì là tốt và những gì là xấu trong thế giới.

Câu nói của Barth có thể được sửa đổi dễ dàng đối với nền văn hóa kỹ thuật số ngày nay: một tay cầm Thánh Kinh và tay kia cầm một thiết bị di động. Nhưng không như một tờ báo mà phần lớn cung cấp thông tin theo cách tương đối tĩnh, các thiết bị kỹ thuật số (máy tính bảng, điện thoại, máy tính xách tay, kính VR, v.v.) cung cấp một lượng thông tin khổng lồ với tốc độ cực nhanh khiến chúng ta tham dự một cách khác hẳn với tờ báo in. Các phương tiện truyền thông kỹ thuật số đào luyện và thông tri chúng ta một cách khác hẳn một tờ báo. Không phải nội dung mà là cách thức hay “phương tiện” nhờ đó nội dung được chuyển tải đã trở nên chủ yếu. Như Marshall McLuhan đã nói đến nó một cách vắn tắt hơn 50 năm trước, “Phương tiện là thông điệp”. Nội dung được truyền tải ra sao là một thông điệp như chính nội dung vậy.



Khi sử dụng các phương tiện kỹ thuật số, đâu là một số hiệu quả khả hữu? Kinh nghiệm và quan sát bản thân cho thấy có một chiều kích tích cực đối với các phương tiện truyền thông kỹ thuật số. Chúng có thể đưa mọi người lại với nhau và giúp họ được thông tri nhanh hơn. Người ta có thể có sự tiếp cận với thông tin, tin tức và với nhau nhanh hơn và dễ dàng hơn. Với các dụng cụ thích đáng, họ có thể giữ liên lạc với những người thân yêu ở phía bên kia địa cầu. Người ta có thể xem Đức Giáo Hoàng Phanxicô trực tiếp khi ngài đang đọc kinh Truyền Tin Chúa Nhật tại Quảng trường Nhà Thờ Thánh Phêrô. Người ta có thể vẫy chào và thậm chí hát từ xa khi một người thân yêu mừng sinh nhật. Tuy nhiên, có những nguy cơ và nhược điểm trong sự đào luyện của các phương tiện truyền thông kỹ thuật số: bị cô lập, bị mất đi một cộng đồng có xác thân thực sự, chuộng thể ảo hơn thể thực, phát triển các nền văn hóa tức giận, hận thù, tán gẫu, gièm pha, bắt nạt, bạo lực và, đáng kể hơn cả, văn hóa khiêu dâm, một nền văn hóa hiện chiếm hầu hết lưu lượng truy cập trên đường cao tốc liên mạng. Nhà truyền giảng Kitô giáo trong thời đại hiện nay không những tìm cách truyền giảng Tin Mừng trong nền văn hóa kỹ thuật số mà còn phải truyền giảng Tin Mừng cho chính phương tiện, làm cho nó nói nhiều về tin vui hơn là trở thành một lãnh thổ tối tăm.

Hướng tới cộng đồng và hiệp thông

Một trong những thách thức lớn mà nhà truyền giảng Kitô giáo phải đương đầu trong nền văn hóa kỹ thuật số là kêu gọi mọi người ra khỏi cô lập và tách biệt để bước vào cộng đồng và hiệp thông. Nhà truyền giảng hôm nay phải cổ vũ lý do tại sao việc đến với nhau như một cộng đồng tại một không gian và một thời gian thực lại là một điều tốt đẹp ngay trong chính nó. Đây không chỉ đơn thuần là giải quyết xu hướng “Tôi là người tâm linh chứ không phải người tôn giáo” mà còn chứng minh sự cần thiết của việc tham gia có ý thức và có chủ ý vào một cộng đồng Kitô hữu thích hợp với mỗi người. Đây là một thách thức lớn, và là một thách thức thường khó giải quyết vì bị cản trở bởi kiến thức, khoảng cách và thời gian (chỉ nêu một vài nhân tố). Tôi thường thấy tất cả những gì tôi có thể làm là hướng mọi người đi đúng hướng, yêu cầu một số trợ giúp từ “com box” (1) và trên hết, cầu nguyện cho họ.



Điều này đào luyện và thông tri cách để tôi, trong tư cách nhà truyền giảng và truyền giáo, tương tác trong các phương tiện kỹ thuật số. Hầu hết những gì tôi làm là gieo hạt giống. Tôi không tiếp cận các phương tiện truyền thông kỹ thuật số như một nhà hộ giáo mà như một người vun trồng, một người gieo hạt giống tin mừng trên các loại đất khác nhau vốn tạo nên nền văn hóa kỹ thuật số đương thời. Về mặt nội dung, tôi có hai cách tiếp cận. Đầu tiên là Kitô học: “Hãy nói về Chúa Giêsu, hãy nói về Chúa Giêsu, hãy nói về Chúa Giêsu”. Tôi khuyến khích người dùng của tôi sử dụng ơn thánh mà mỗi người từng được ban cho để đáp ứng và lớn lên trong mối tương quan sâu sắc, bản thân với Chúa Giêsu Kitô, vốn đã trỗi dậy và được tôn vinh. Như tôi liên tục nói với các chủng sinh của tôi trong các khóa học giảng thuyết, "Hãy luôn rao giảng về Chúa Giêsu Kytô trước khi bạn rao giảng về Giáo Hội".

Cách tiếp cận thứ hai đơn giản và theo đường hướng Thánh Phaolô “Chỉ nói những điều tốt đẹp mà người ta cần nghe, những điều sẽ nâng cao họ” (Ep 4: 29). Đã đủ bóng tối và giận dữ trong nền văn hóa rồi; chúng ta không thể và không nêm thêm gì vào đó nữa. Tôi cố gắng đem vào đó ánh sáng, sự tốt đẹp và đề xuất cứu rỗi. Tôi tìm cách lôi kéo ai đó nhận lãnh hạt giống rồi mời họ trở thành mảnh đất màu mỡ. Thánh Augustinô, trong khảo luận của ngài Về Việc Dạy Tín Lý Kitô Giáo, nói rằng vị truyền giảng phải “dạy dỗ, làm vui lòng và thuyết phục” (Sách 4). Chữ làm vui lòng được ngài hiểu là thông điệp phải lôi kéo người ta và khán giả vào cả nội dung lẫn hình thức của nó. Tôi thường sử dụng hài hước hoặc một giai thoại ngắn có tính bản thân hoặc một hình ảnh nào đó để lôi kéo khán giả của tôi ngõ hầu tôi có thể giảng dạy và thuyết phục. Những điều này không phải là mục tiêu ngay trong chúng nhưng là các phương thế đạt mục đích, một mục đích luôn vì mọi người trong sự hiệp thông với con người Chúa Giêsu.

Vun trồng sự tăng trưởng

Hình ảnh tôi dùng các phương tiện kỹ thuật số như trồng và vun sới hạt giống sẽ thích hợp nếu nói về "hình thức" của sứ điệp. Nói chung, nhà truyền giảng được các phương tiện kỹ thuật số giúp ích rất nhiều khi làm theo lời khuyên của nhà hài kịch George Burns, "Bí quyết của một bài giảng tốt là có một khởi đầu tốt và một kết thúc tốt và có hai điều này càng gần nhau càng hay". Về phương diện nội dung trong các phương tiện kỹ thuật số, thì càng ngắn càng tốt, vì vậy hãy sử dụng càng ít chữ càng tốt. Điều này nghe có vẻ kỳ lạ, nhưng nền văn hóa kỹ thuật số là một phương tiện được hình ảnh và video thúc đẩy hơn là từ ngữ. Các dữ kiện chứng minh rằng một hình ảnh tốt hoặc một video ngắn sẽ nhận được lưu lượng truy cập nhiều hơn nhiều so với một đoạn văn viết đơn giản, bất kể ngắn hay rõ ràng bao nhiêu.

Một ví dụ gần đây và đáng buồn đã xác nhận điểm trên. Các bạn hẳn nhớ phản ứng khắp thế giới đối với số phận của những người tị nạn Trung Đông sau khi bức ảnh một cậu bé nằm chết ở mép nước được lan truyền rộng rãi? Em là một trong ít nhất 12 người Syria đã chết đuối khi cố gắng tới được đảo Kos của Hy Lạp. Hình ảnh đó được xem hàng triệu lần trên các phương tiện truyền thông kỹ thuật số và gây xúc động lòng người một cách mà một đoạn văn in ấn trên một tờ báo không thể gây được. Trên diễn đàn của riêng tôi, hình ảnh hoặc video nào hầu như cũng luôn nhận được nhiều lưu lượng truy cập hơn là một bản văn in, thậm chí hơn cả một “tweet” chỉ gồm 140 ký tự hay ít hơn.

Tuy nhiên, mục đích của tôi không phải là đặt hình ảnh chống lại bản văn. Những người nghiên cứu khoa phân tích internet tường trình rằng ngay một video hay, bất kể sản xuất tốt và thông điệp mạnh đến mức nào, đều bắt đầu mất lượng người xem sau khoảng hai phút phát sóng. Người dùng các phương tiện kỹ thuật số có quá nhiều thứ khác để làm, quá nhiều khả thể khác và do đó không muốn dành quá nhiều thì giờ ở một nơi. Kết quả là tầm chú ý của nhiều người chúng ta trong nền văn hóa này đã trở nên ngắn ngủi và phân mảnh.

Vậy điều trên huấn luyện tôi và thông tri việc truyền giảng của tôi ra sao? Nó làm thế nhiều cách, đặc biệt là về việc trình bầy và phong cách.Vì khán giả của tôi bây giờ "được thúc đẩy bởi hình ảnh", và thường có một tầm chú ý ngắn hơn và phân mảnh, nên lời truyền giảng của tôi phải chứa các "memes” (ý tưởng có thể nhái lại?) (2) rõ ràng, nổi bật và đáng nhớ. Nó sử dụng các thủ thuật của trí nhớ để giúp giữ được sự chú ý của khán giả và giúp họ nhớ sự thật của đức tin mà tôi đang mở tung cho họ. Tôi đã điều chỉnh cách tôi truyền giảng, đặt cấu trúc cho bài giảng của tôi thành ba hoặc bốn phân đoạn có ý nghĩa, mỗi phân đoạn được thiết kế để "thay đổi kênh" hoặc tái tập trung sự chú ý của khán giả. Tôi làm điều này nhờ việc thay đổi tư thế, di chuyển theo chiều ngang nếu đứng bên ngoài một bục giảng hoặc chuyển thế đứng và thế thân của tôi nơi bục giảng. Tôi thực hiện các thay đổi trong việc chuyển điệu giọng nói hoặc sử dụng các câu hỏi "gọi và đáp" (call-and-answer) như “Bạn có biết tôi muốn nói gì không?” với cái gật đầu. Tôi cũng thay đổi nội dung, chuyển sang một câu chuyện mới hoặc một điểm mới. Dù có thể sử dụng bất cứ số kỹ thuật nào, điều quan trọng là phải nhớ rằng việc thuyết giảng là một màn trình diễn âm thanh có liên hệ đến toàn thể người thuyết giảng.

Cuối cùng, tư tưởng bắt buộc phải rõ ràng. Chân phúc John Henry Newman tóm tắt điều này rất hay: “Tôi phải có cảm thức rõ ràng về việc tôi là ai trong tư cách nhà giảng thuyết, một cảm thức rõ ràng về việc khán giả của tôi là ai, và một điểm rõ ràng về niềm tin mà tôi muốn truyền giảng”. Ngỏ với khán giả thế kỷ 19 của ngài, những lời vừa trích bây giờ vẫn đúng như ngày nào. Khi chúng ta sống trong nền văn hóa kỹ thuật số và tham gia vào nền văn hóa này qua các thiết bị khác nhau, sự rõ ràng là điều bắt buộc. Biết tôi là ai trong tư cách nhà giảng thuyết trong nền văn hóa kỹ thuật số, biết khán giả của tôi và biết sự thật để đề nghị là sự rõ ràng trong việc trình bày một ngôi vị, đó là Chúa Giêsu Kitô, Đấng là "đường, là sự thật và là sự sống". Sử dụng thích đáng các phương tiện truyền thông kỹ thuật số có thể công bố Chúa Giêsu không chỉ như đường, như sự thật và như sự sống — nhưng như đường của tôi, sự thật và sự sống của tôi, để trong cộng đồng đức tin nơi Người được công bố, Người có thể được cử hành và được sống như đường của chúng ta, sự thật của chúng ta và sự sống của chúng ta.
______________________________________________________________________________________________________________
(1) Com Box: “Box” hiện là một hệ điều hành tân tiến việc quản trị các nội dung nhằm giải quyết các thách đố đơn giản và phức tạp, từ việc chia sẻ và cập nhật các hồ sơ trên các thiết bị di động tới các diễn trình kinh doanh tinh vi như quản trị và lưu giữ dữ kiện. Từ năm 2005, “Box” đã giúp người ta dễ dàng hơn trong việc chia sẻ an toàn các ý tưởng, hợp tác và làm việc nhanh hơn.

(2) meme (/miːm/), theo từ điển mở Wikipedia, là một ý tưởng, một tác phong, hay một phong cách lan truyền từ người này qua người nọ trong một nền văn hóa, thường với mục đích chuyên chở 1 hiện tượng, một thể tài, hay một ý nghĩa đặc thù do “meme” tượng trưng.

Chữ meme là viết ngắn của mimeme (nguyên ngữ Hy lạp μίμημα (đọc là [míːmɛːma] mīmēma, "điều được bắt chước"), do μιμεῖσθαι mimeisthai, "bắt chước". Chữ này do nhà sinh vật học biến hóa người Anh Richard Dawkins đặt ra trong cuốn The Selfish Gene (1976). Ông đưa ra các thí dụ: các giai điệu, các khẩu hiệu, thời trang...