NÀO ĐÂU NÉT VĂN HÓA VIỆT : BÀI 2 BẾ QUAN TỎA CẢNG NHÂN DANH VĂN HÓA

Trong thời gian vua Minh Trị bên Nhật biết thức thời đưa nước Nhật tới tiến bộ theo kịp nền văn minh mới, thì ở bên Việt Nam, vua Minh Mạng lại nhân danh văn hóa dân tộc mà ra lệnh "bế quan tỏa cảng" không muốn giao dịch với "bọn mọi rợ" Tây phương:

"Các người ấy làm mê hoặc lòng dân và bại hoại phong tục. Như thế chẳng phải là cái tai họa lớn cho nước ta sao? Vậy ta nên ngăn cấm điều bậy bạ ấy, để khiến dân ta quay về với chính đạo... Cấm mở cửa biển cho tàu bè bọn mọi rợ vào, chỉ trừ Cửa Hàn." (trich sắc lệnh năm 1836)

Cấm giao dịch với Tây phương nhưng lại thần phục và lệ thuộc nhà Thanh bên Tàu một cách triệt để, về hầu hết mọi phương diện. Từ văn hóa, tôn giáo đến thi cử. Rập khuôn kiểu Mãn Thanh y nguyên từ cách xây cửa cung điện đến các lăng tẩm. Hệ thống luật pháp và hành chánh như đặt tỉnh, quan lại, phẩm phục triều đình, áo thụng trong các nghi lễ trịnh trọng, cũng giống y như nhà Thanh. Thậm chí ra lệnh cho đàn bà phải mặc quần theo kiểu Tầu, chứ trước đó đâu phải vậy. Vua quan thì có quyền có nhiều thê thiếp mà vẫn được coi là thuần phong mỹ tục.

Nhà Thanh đã dùng luật pháp cứng rắn để cai trị Hán tộc khi chiếm được trọn vẹn Trung Quốc. Nhà Nguyễn lại rập khuôn như vậy, vì đó là hệ thống bảo vệ ngai vàng vững chãi nhất. Nào ngờ đâu lại đưa nước mình đi theo nhà Thanh cũng đang trên đà rơi xuống vực thẳm mà vẫn tưởng mình là trung tâm đỉnh cao loài người.

Rập khuôn văn hóa và đường lối của nhà Thanh mà lại bảo là nét văn hóa dân tộc! Chính những chọn lựa sai lầm này đã làm cho nước Việt thụt lùi lại biết bao trước đà tiến hóa về khoa học và kỹ thuật của nhân loại vào đầu thế kỷ 19. Chứ ít ra biết ngoại giao khéo như Thái Lan thì cũng đâu đến nỗi.

Vua Gia Long rất có thiện cảm với người Tây phương. Có thể nói, nhà Nguyễn xây được cơ đồ cũng nhờ vào sự mở cửa liên hệ này. Thế nhưng tại sao sau khi vua Gia Long băng hà, thì vua Minh Mạng lại "phát hiện" ra tụi Tây là "quân mọi rợ," để rồi đưa đến sụp đổ nhà Nguyễn và làm cho nước nhà phải cúi mặt nhục nhằn thua thiệt các nước như ngày nay?

Câu trả lời được tìm thấy phần nào nơi bức hình vẽ hoàng tử Cảnh được treo trang trọng trong phòng khách chính của Hội Thừa Sai ở Paris bây giờ. Dưới hình vẽ có hàng chữ đề: "Vị hoàng tử nối ngôi của Việt Nam, Nguyễn Cảnh, tám tuổi, vẽ ở Versailles. Sinh năm 1779 và qua đời năm 1801."

Nhìn bức hình này, ai cũng nhớ lại việc vua Gia Long đã tín cẩn trao hoàng tử nối nghiệp mình cho giám mục Bá Đa Lộc đỡ đầu đưa sang Âu Châu, tạo nhiều thiện cảm liên hệ hỗ trợ rộng của nhiều nước, và có dịp chu du mà mở tầm mắt nhìn những tiến bộ của thế giới, để mai kia lên làm vua thì Việt Nam có cơ may phát triển. Khi lên ngôi, vua Gia Long đặt cả một số quan người Tây trong triều đình. Sách sử Trần Trọng Kim kể tên rõ ba ông quan Tây là Chaigneau, Vannier và Despiau. Chính vua Gia Long đưa và rước người Tây vào Việt Nam nhằm mở rộng phát triển mà, chứ sao một số người cứ mặc cảm cho rằng chơi với Tây là vọng ngoại, là làm cớ cho Tây dòm ngó chiếm nước mình. Như thế, nhà vua còn đi trước cả Minh Trị Thiên Hoàng bên Nhật nữa. Và như vậy thì Việt Nam mình bây giờ đâu đến nỗi!

Thế nhưng sự việc lại xẩy ra lại khác. Hoàng tử Cảnh đã chết non khi mới được 22 tuổi, kết thúc mà cũng khởi đầu cho một tấn bi kịch tranh chấp giữa hai khuynh hướng: phe bảo thủ nghiêng về ảnh hưởng Tàu, và phe mở cửa cầu tiến nghiêng về Tây phương. Các vị tướng lớn như Nguyễn Văn Thành tổng trấn Hà Nội và Lê Văn Duyệt tổng trấn Gia Định, và các cố đạo thì bênh vực hoàng tử Cảnh mở tới liên hệ với Tây phương để mong phát triển. Đang khi đó, phần lớn các quan trong triều theo óc thủ cựu ủng hộ hoàng tử Đảm vì muốn giữ nề nếp có sẵn xem ra an toàn thể chế hơn. Nhiều người cho rằng hoàng tử Cảnh đã chết vì bị đầu độc. Hoàng tử Đảm lên ngôi, tức là vua Minh Mạng, đã bị áp lực đi theo hướng Tàu mà không mang tiếng vọng ngoại, ra tay đứt điểm mọi ảnh hưởng còn lại của hoàng tử Cảnh với khuynh hướng mở cửa về hướng Tây, tìm ra được những con dê tế thần nơi người theo đạo "ngoại lai," san bình địa mộ của Lê Văn Duyệt như một đòn hằn, và phóng tay bế quan tỏa cảng cho chắc ăn.

NÉT VĂN HÓA VIỆT MÀ CHI

Điều bi thảm là chuyện đóng cửa dựng bảng văn hóa mặc áo thụng vái nhau "ở nhà nhất mẹ nhì con" đã không chỉ xảy ra ở thời vua Minh Mạng, mà đã được lặp lại trong lịch sử dưới nhiều dạng thức khác nhau. Cũng nhân danh văn hóa và dân tộc cả đấy chứ. Nhưng nói thế không có nghĩa là lại tìm cách đổ tội và mình được phủi tay. Vì không có tâm thức hiếu thắng của dân Đức thì không thể có một Hitler.

Vậy thì đâu mới thực sự là nét văn hóa của người mình?! Đó là câu hỏi hệ trọng một mất một còn, làm cho tụt hậu hay phát triển tiến bộ.

Trước hết, nét văn hóa không phải là một thứ đồ cổ cố thủ để khoe mẽ cho bớt tủi, càng không phải là cái con ma để dọa thiên hạ hay thúc đẩy đấm đá nhau, mà phải là một sinh lực khơi cho dòng nhựa chảy tới, mang chất thuyết phục tươi mát sinh hoa kết trái cho sắc dân mình.

Đưa ra một thí dụ nhỏ: hầu như người Âu Mỹ nào cũng rất thích món chả giò của người Việt. Nhiều người nghiện luôn nước mắm chấm, bưng cả chén lên vừa húp chùm chụp vừa khen rối rít: ngon quá, tuyệt quá! Cả mấy "đấng nhô con" gốc Việt sinh bên Mỹ, thường "ngốn" McDonald và các thứ đồ ăn vặt bên Mỹ, nhưng vớ được chả giò thì khỏi dám chê luôn.

Ấy, nói về nét văn hóa như cái gì xa vời, xưa cũ, thì xem ra dễ bị đào thải lắm, vì nhiều khi chả ăn nhập gì với thực tại cả. Nhưng nếu quan niệm nét văn hóa như một bửu bối, như một cái gì hấp dẫn, tươi mát, ngon lành, ít ra được như món chả giò, thì con cháu chắc chắn sẽ vơ lấy, sẽ khuếch trương, sẽ nối tiếp dài dài. Và người Âu Mỹ thì cứ nhào tới thán phục, thưởng thức.

Võ Đình trong tập bút ký Sao Có Tiếng Sóng đã thấy rõ ngay cả trong lãnh vực làm văn nghệ: "Ở đây không có chuyện "về nguồn" theo kiểu nhắc đi nhắc lại chuyện trống đồng với gươm đá, chuyện "4000 ngàn năm văn hiến có thừa" vv và vv... Ở đây là chuyện làm văn nghệ Việt Nam ở hải ngoại như một công trình đi tới. Và đi tới được cũng vì biết quay lui được. Quay lui để "ngâm mình trong dòng sông tuổi nhỏ". "Tuổi nhỏ" đó đâu phải là quá khứ. Nó chính là một thực tại miên viễn vậy."

"Thực tại đó không phải gì khác hơn là một thực tại tuy không có hình mà vẫn có màu sắc, không có dáng mà vẫn có âm thanh, không có thể mà vẫn có đường nét. Đó là một cái gì cho chúng ta biết rằng có mà không thể tả ra được, biết rằng thật mà không thể nắm lấy được. Cái gì đó mà có mặt thì chúng ta thoải mái, xem như chuyện đương nhiên, mà nếu vắng mặt thì chúng ta thấy thiếu thốn, thèm khát, lo lắng, bất an. Thực tại đó, tôi xin gọi là Việt tính." (trang 25)

Cái nét Việt tính không phải là một thứ đồ trang sức mầu mè nổ đôm đốp bề ngoài, rằng mình cũng phải có một cái gì khác người. Cũng vẫn ca tụng áo dài tha thướt khác với váy đầm, nhưng mà khổ nỗi thân mình bắt đầu phát triển gồ ghề ra bề ngang, thành thử bộ đầm ở mấy tiệm sang xem ra vẫn có giá hơn! Cũng phải mặc áo thụng tế hương, mà nếu làm không ra trò thì chỉ tổ cho bọn trẻ cười thôi chứ có tạo được tâm hướng bao nhiêu! Vậy thì văn hóa phải là cái nét mang được chất Việt, cái chất đã hình thành đúc nặn ra mình, trong xương thịt và mạch máu mình, tự nhiên làm mình thoải mái tươi tắn lại:

Muốn tắm mát thì lên ngọn sông Đào

Muốn ăn sim chín thì vào rừng xanh.

Ông Edward Herriot nói đúng đấy: "Văn hóa là cái còn lại khi người ta đã quên đi tất cả, là cái vẫn thiếu khi người ta đã học tất cả."

THỬ KHẢO NGHIỆM CHẤT MÁU VIỆT

Cũng trong tập bút ký trên, Võ Đình đã khảo nghiệm thật sâu sắc cái nét văn hóa tiềm ẩn trong mạch máu một cách rất chân thực: "Tôi đã lầm tưởng là tôi yêu quê hương và dân tộc tôi qua những danh lam thắng cảnh, qua những áng văn trác tuyệt, những điệu nhạc diễm kiều, những thiên sữ lẫm liệt... Thì ra tôi yêu dân tộc tôi ở chỗ dân tộc tôi nghèo nàn cơ cực. Xơ xác nhọc nhằn bao nhiêu thế kỷ mà quê hương tôi vẫn còn. Nghèo nàn cơ cực suốt tháng mà dân tộc tôi vẫn sống. Sự sống còn này, tôi tin tưởng, có khả năng vượt qua tất cả biến cố, hóa giải tất cả đổi thay. Và cười vào mặt những kẻ như tôi chỉ biết cầm cây cọ trong tay để ca ngợi quê hương dân tộc. Mà quê hương và dân tộc tôi thì cứ sống còn, bất cứ tôi còn đó hay tôi đã đi. Anh phu xe đạp xích lô, chị đàn bà vớt bèo, những người muôn năm cũ..." (trang 236)

Yêu quê hương dân tộc mà lại ở món cà bát dằm nước mắm tỏi do Doãn Quốc Sỹ đãi, ở những cọng rau dền chấm nước ruốc kho tôm ớt của một chị hàng xóm nhà nghèo tỏ tình thương mến ngày về thăm quê. Thì ra sức mạnh và niềm hãnh diện của dân mình nằm ở chỗ ẩn mật quá. Đó là dòng lực tình. Qua bao oan nghiệt, nghèo khổ, đắng cay, đầy đọa, dân mình kiên trì nhất định bám vào dòng sinh lực này, phát nguyên từ Nguồn Tình Miên Viễn làm nên Đạo Trời, mà cũng là căn bản của Đạo Hiếu. Cành cây còn bám vào thân cây, vào gốc rễ, thì còn xanh tươi. Thân cây là ông bà, dòng tộc. Gốc rễ tận cùng phát khởi từ Trời, Nguồn Sức Sống, như ca dao là hơi thở của linh hồn Việt tộc vẫn luôn vang vọng:

Dù ai nói ngược nói xuôi

Ta đây cứ vững đạo Trời khăng khăng.

Đây chính là chất nhiễm thể di truyền trong máu mỗi người Việt, qua bao ngàn năm, qua bao thế hệ, qua bao thăng trầm, kể cả những lúc bị vùi giập nhất. Chính là chất mầu dung hóa được mọi sự, biến chế được mọi đối nghịch như những dấu nhạc bổng trầm của một bài hát, như những tím xanh đỏ vàng làm nên cầu vồng rực rỡ cuộc đời, như những nhịp điệu vòng lượn của một khúc vũ như được diễn trên những nét nhà mái cong hài hòa nét vuông với nét tròn.

Con mắt thấy này chính là niềm tin của Việt tộc, được kết tụ nơi những truyện thiêng liêng nhất như Hồng Bàng, Bánh Dầy Bánh Chưng, Trầu Cau, Giếng Việt, Tản Viên Sơn Thánh, Phù Đổng Thiên Vương, Chử Đồng Tử... và những bài ca dao mộc mạc trải dài minh triết hình thành tâm hồn Việt Nam qua bao đời.

(Còn tiếp)