Máy yếu hay Internet chậm xin nhấn vào nút Play bên dưới đây
1. Diễn từ của Đức Hồng Y Rainer Maria Woelki trong thánh lễ Corpus Christi gây tiếng vang trên thế giới

Trong bài “What Happens in Germany” - “Điều gì đang xảy ra ở Đức”, đăng trên First Things ngày 23 tháng 5, Đức Tổng Giám Mục Charles Chaput của Philadelphia cảnh cáo rằng

“95 luận điểm của Luther được tung ra tại Đức vào tháng Giêng năm 1518. Ông ta đã viết ‘Những hướng dẫn về việc Xưng Tội’ và ‘Bài giảng về việc chuẩn bị tâm hồn để rước lễ’ vào mùa Xuân năm đó. Đặc biệt, cuốn Bài giảng chứa đựng những hạt giống đầu tiên của cuộc tấn công toàn diện của Luther vào thần học bí tích của Công Giáo. Đó là một điều mà Đức Hồng Y Thomas Cajetan đã cảm nhận được khi ngài triệu tập Luther và ép ông này rút lại những quan điểm sai lầm tại Augsburg vào tháng 10 năm 1518.

Luther từ chối. Phần còn lại của câu chuyện này ai cũng biết.” Đó là cuộc đại ly giáo hình thành ra giáo hội Tin Lành.

“Chính xác 500 năm sau Bài giảng của Luther, bí tích Thánh Thể lại là vấn đề tranh luận ở Đức một lần nữa. Nhưng lần này những người gây ra các vụ tranh cãi lại chính là các giám mục,” chứ không phải là các thần học gia kiêu ngạo và ương ngạnh.

Đức Tổng Giám Mục Charles Chaput cảnh cáo rằng khi chính những người được Giáo Hội ủy thác cho trách nhiệm bảo vệ đức tin tinh tuyền và sự hiệp nhất trong Giáo Hội lại liên tục đặt hết vấn đề này sang vấn đề khác, gieo rắc những hoang mang nghi ngờ trong lòng người giáo dân, nguy cơ lạc giáo, và tối hậu là ly giáo trầm trọng hơn bao giờ từ sau cuộc đại ly giáo của Tin Lành.

Đức Hồng Y Rainer Maria Woelki, Tổng Giám Mục Köln cũng có những lo lắng như thế. Trong bài giảng thánh lễ Corpus Christi – tức là lễ Mình Máu Thánh Chúa, hôm 31 tháng 5, trước một cộng đoàn đông đảo, ngài đã dùng dịp này để trình bày ý kiến của ngài và 7 vị Giám Mục khác chống lại đề nghị của Đức Hồng Y Reinhard Marx và một số đông các Giám Mục Đức muốn cho người Tin Lành được rước lễ. Ngài nói:

“Đã có rất nhiều những tranh luận sôi nổi về bí tích Thánh Thể trong những tuần gần đây. Một số người nói ‘Chuyện này là gì? Thật là vô nghĩa!’. Những người khác thậm chí còn nói ‘Lại là một vở hát chèo tào lao hai vợ chồng Punch và Judy cãi cọ với nhau!’. Còn tôi, tôi nói với anh chị em - đây là một vấn đề sinh tử ... Đây là một vấn đề hệ trọng! Và đó là lý do tại sao chúng ta nên chiến đấu và tìm ra đường ngay nẻo chính. Không phải sao cũng được, nhưng phải theo đường lối của Chúa.”

Đức Hồng Y đã đề cao tầm quan trọng của Thánh Thể trong việc phản ảnh và đề cao tín lý tinh tuyền và sự hiệp nhất trong Giáo Hội.

Những người muốn nhận Thánh Thể phải “xem xét thật kỹ xem mình có thể nói ‘vâng và amen’ đối với các tín lý của Giáo Hội Công Giáo chẳng hạn như việc cầu nguyện cho kẻ chết, tín điều các thánh Thông Công và ‘cấu trúc thánh thiện của Giáo Hội’ vì bất cứ ai đón nhận bí tích Thánh Thể thì đều tháp nhập vào nhiệm thể Chúa Kitô, trở thành một chi thể trong nhiệm thể Ngài và là một thành viên trong Giáo Hội cụ thể được đại diện bởi Đức Giáo Hoàng và các Giám Mục”

Bài phát biểu của Đức Hồng Y Woelki cũng vang vọng những lời chỉ trích quốc tế ngày càng tăng đối với Giáo Hội tại Đức. Đó là khuynh hướng cúi đầu tùng phục những đòi hỏi của chủ nghĩa thế tục khi phải đối mặt với những thay đổi trong quan điểm của xã hội.

Đức Hồng Y Woelki nói:

“Một lần nữa, chúng ta ở Đức này không sống trên ‘một hòn đảo của các Chân Phước’, chúng ta không phải là một Giáo hội quốc gia. Chúng ta là một phần của Giáo hội Hoàn vũ vĩ đại và tất cả các giáo phận Đức là thành viên của một Giáo Hội phổ quát trên toàn thế giới, hiệp nhất dưới sự lãnh đạo của Đức Thánh Cha.”

Đức Hồng Y Woelki đã cố gắng thuyết phục một giai điệu hòa giải, nhấn mạnh rằng Giáo Hội luôn cần phải “ở bên nhau và với nhau”. Những nhận xét của ngài đã được cộng đoàn chào đón nồng nhiệt.

2. Hồng Y Reinhard Marx kinh ngạc trước lá thư của Bộ Giáo Lý Đức Tin bác bỏ khả thể cho người Tin Lành được rước lễ

Hôm thứ Ba 5 tháng 6, ông Matthias Kopp, phát ngôn viên của Hội Đồng Giám Mục Đức cho biết Đức Hồng Y Reinhard Marx của Munich và Freising, chủ tịch Hội Đồng Giám Mục Đức, đã nhận được lá thư của Đức Hồng Y tân cử Ladaria Tổng trưởng Bộ Giáo Lý Đức Tin, hôm 4 tháng Sáu.

Trong thư, Đức Hồng Y Ladaria viết rằng Đức Thánh Cha Phanxicô đã yêu cầu Hội Đồng Giám Mục Đức đừng công bố các hướng dẫn trên toàn quốc về việc cho phép người Tin Lành kết hôn với người Công Giáo được Rước lễ, nhưng phải giữ nguyên tình trạng như hiện nay là đấng bản quyền địa phương phải xem xét từng cá nhân và ban phép trong các tình huống cụ thể.

Theo bộ Giáo Luật Công Giáo

“Trong trường hợp nguy tử hoặc nếu, theo sự nhận định của Giám Mục giáo phận hay của Hội đồng Giám Mục, có một nhu cầu quan trọng khác thúc bách, các thừa tác viên Công Giáo có thể ban cách hợp thức các bí tích trên cho cả những Kitô hữu khác không hiệp thông trọn vẹn với Giáo Hội Công Giáo, khi họ không thể đến được với một thừa tác viên của cộng đoàn mình và khi họ tự ý xin điều đó, miễn là họ biểu lộ đức tin Công Giáo về các bí tích ấy, và miễn là họ đã được chuẩn bị đầy đủ. (Điều 844 triệt 4)”

Theo ông Kopp, Đức Hồng Y Marx đã kinh ngạc trước lá thư này vì hồi đầu tháng Năm Đức Thánh Cha đã khuyến khích các Giám Mục Đức cố gắng tìm ra một quan điểm thống nhất về vấn đề cho người Tin Lành là người phối ngẫu của người Công Giáo được rước lễ.

Ông Kopp nói Đức Hồng Y Marx cần phải thảo luận bức thư này với các giám mục Đức khác, và cuối cùng, ông hy vọng cũng sẽ thảo luận có dịp thảo luận với các quan chức Vatican và với chính Đức Thánh Cha Phanxicô.

Nội dung toàn bộ bức thư đã bị rò rỉ và được công bố hôm thứ Hai 4 tháng Sáu trên một blog của Ý có tên là “Settimo Cielo”

Hôm thứ Ba, 5 tháng Sáu, ông Greg Burke, giám đốc văn phòng báo chí Vatican, đã xác nhận tính xác thực của bức thư được công bố trên blog “Settimo Cielo”.

Ông nói: “Đức Thánh Cha đã đi đến kết luận rằng tài liệu này chưa đủ chín chắn để được công bố”.

Hôm 3 tháng 5, Đức Hồng Y Ladaria từng gặp một số giám mục Đức thuộc cả hai nhóm bênh và chống “sáng kiến” này cũng như các viên chức thuộc hai Hội Đồng Giáo Hoàng Cổ Vũ Hợp Nhất Kitô Giáo và Văn Bản Luật Pháp.

Sau các phiên họp trên, Tòa Thánh ra tuyên bố nói rằng “Đức Giáo Hoàng Phanxicô đánh giá cao dấn thân đại kết của các giám mục Đức và yêu cầu các ngài tìm một kết quả càng một lòng bao nhiêu càng hay, trong tinh thần hiệp thông giáo hội”.

Lá thư ngày 4 tháng 6 của Đức Hồng Y tân cử Ladaria cho hay ngài đã hai lần nói chuyện với Đức Giáo Hoàng Phanxicô chuyên về các hướng dẫn được đề nghị này và về cuộc gặp gỡ đầu tháng 5 và nhắc đến việc: đề nghị của các giám mục Đức đặt ra “một loạt nhiều vấn đề có tầm quan trọng đáng lưu ý”.

Đức Hồng Y tân cử liệt kê 3 vấn đề chính sau đây:

1. Vấn đề cho phép các Kitô hữu Luthêrô trong các cuộc hôn nhân liên phái là một thể tài đụng đến đức tin của Giáo Hội và có liên quan tới Giáo Hội hoàn vũ.

2. Vấn đề như thế cũng gây hậu quả đối với các liên hệ đại kết với các giáo hội và cộng đồng giáo hội khác mà ta không thể đánh giá thấp”.

3. Vấn đề này cũng đụng đến giáo luật, nhất là việc giải thích điều 844 của Bộ Giáo Luật; điều này nói rằng “nếu có nguy tử hay nếu, theo phán đoán của giám mục giáo phận hay hội đồng gím mục, một cấp thiết trầm trọng nào khác đòi buộc, các thừa tác viên Công Giáo được ban cấp các bí tích này một cách đúng phép cho các Kitô hữu khác không hiệp thông trọn vẹn với Giáo Hội Công Giáo, (với điều kiện) họ không thể tiếp cận một thừa tác viên của cộng đồng họ, tự ý tìm kiếm việc này, miễn là biểu lộ đức tin Công Giáo đối với các bí tích này và được chuẩn bị thích đáng”.

Bản hướng dẫn của Hội Đồng Giám Mục Đức chưa bao giờ được công bố, nhưng nhiều người cho rằng nó dự liệu các hoàn cảnh trong đó một tín hữu Luthêrô lấy một người Công Giáo Rôma và thường xuyên tham dự Thánh Lễ với người phối ngẫu Công Giáo thì được rước lễ thường xuyên. Hiện nay, trên thế giới, nhiều giáo phận cho phép như thế trong một số dịp đặc biệt như rửa tội hay rước lễ lần đầu của con cái họ.

Lá thư của Đức Hồng Y tân cử Ladaria cho hay: vì các giải thích đa dạng đối với điều luật trên, nên “các bộ sở có thẩm quyền của Tòa Thánh đã được trao phó việc đưa ra các soi sáng kịp thời cho các câu hỏi như thế trên bình diện giáo hội hoàn vũ”.

Ngài viết “Cách riêng, điều xem ra thích hợp là để cho vị giám mục giáo phận phán đoán về việc hiện hữu của ‘sự cấp thiết trầm trọng’”, một điều cho phép các Kitô hữu thuộc các hệ phái khác được Rước Lễ trong Thánh Lễ Công Giáo.

3. Đức Hồng Y Giuse Trần Nhật Quân hướng dẫn buổi cầu nguyện tưởng niệm biến cố Thiên An Môn

Ít nhất 115 nghìn người đã tham gia vào buổi canh thức cầu nguyện tại công viên Victoria ở Hương Cảng để tưởng niệm biến cố Thiên An Môn. Ngày 4 tháng 6 năm 1989, quân đội Trung Quốc đã thảm sát các sinh viên biểu tình ôn hoà tại Quảng trường Thiên An Môn ở Bắc Kinh.

Con số những người tham gia đông đảo đã gây ngạc nhiên cho ban tổ chức. Trong nhiều năm qua, Hương Cảng đã chứng kiến sự gia tăng của nhiều nhóm thân Bắc Kinh. Những nhóm này cho rằng chẳng làm gì có vụ thảm sát ngày 4 tháng 6 năm 1989 tại Quảng trường Thiên An Môn.

Ngoài ra, ngày càng có nhiều nhóm người trẻ có khuynh hướng địa phương cục bộ. Họ chống lại tất cả các cuộc biểu tình chống Bắc Kinh vì cho rằng những cuộc biểu tình này không đi đến đâu lại còn khiến cho Bắc Kinh bực mình và như thế sẽ gây hại cho nền dân chủ ở Hương Cảng.

Tại buổi thắp nến năm nay, có rất nhiều bạn trẻ và sinh viên trong buổi lễ, cũng như các gia đình.

Nhiều tín hữu Tin Lành và Công Giáo cũng có mặt. Theo truyền thống, họ đã tổ chức một khoảnh khắc cầu nguyện cho các “liệt sĩ” tại Thiên An Môn ở Công viên Victoria. Đức Hồng Y Giuse Trần Nhật Quân đã hướng dẫn buổi cầu nguyện tưởng niệm.

Tại buổi lễ, ban tổ chức đã trình chiếu một loạt các video kỷ niệm, những ca khúc, những lời cầu nguyện, những bài hát đã từng được hát tại Quảng trường Thiên An Môn ở Bắc Kinh. Những người biểu tình cũng được nghe những lời chứng động của Li Wenzu, vợ của luật sư nhân quyền Wang Quanzhang, và của Di Mengqi, một trong những bà mẹ có con bị giết tại Thiên An Môn.

4. Đức Giáo Hoàng Phanxicô cầu nguyện cho các nạn nhân của núi lửa tại Guatemala

Trong một bức điện thư được gửi đến cho Đức Khâm sứ Tòa thánh ở Guatemala, Đức Giáo Hoàng Phanxicô đoan hứa những tâm tình cầu nguyện của ngài cho những nạn nhân bị tử vong, bị thương hay phải di tản vì sự phun trào của một ngọn núi lửa.

Đức Giáo Hoàng Phanxicô nói Ngài đã và đang cầu nguyện cho các nạn nhân bị tử vong và cho tất cả những ai bị ảnh hưởng bởi một vụ phun trào cực mạnh của một ngọn núi lửa tại Guatemala, trong đó có ít nhất 69 người bị tử vong.

Trong một bức điện thơ được gửi đến Đức Tổng Giám Mục Nicolas Thevenin, Sứ thần Tòa thánh Vatican tại Guatemala, Đức Hồng Y Pietro Parolin thay mặt Đức Giáo Hoàng, cho biết Đức Thánh Cha rất đau buồn khi hay tin về sự phun trào dữ dội của núi lửa, gây chết chóc cho nhiều nạn nhân, và làm thiệt hại vật chất nặng nề và làm xáo trộn cuộc sống của một số đông những người sống trong khu vực “.

Trong đó, Đức Giáo Hoàng nói rằng ngài cầu nguyện cho sự tái sinh vĩnh cửu của người đã chết và chân thành chia buồn cùng các thành viên trong gia đình tang quyến mất người thân của họ.

Ngài cũng nói lên nỗi lòng đồng cảm, gần gũi của mình với những người bị thương và những ai “đang làm việc không mệt mỏi để giúp đỡ các nạn nhân”, xin Chúa ban cho họ những hồng ân đoàn kết, thanh thản tâm linh và hy vọng “.

Nhà chức trách Guatemala đã xác nhận số người tử vong trong vụ núi lửa phun vào hôm Chúa Nhật là 69 người, nhưng cho biết mới chỉ có 17 người được xác định.

Hơn 3.000 người bị buộc phải di rời khỏi nhà ở khu vực phía tây nam thủ đô Guatemala, nơi tổ chức Caritas địa phương đã lập ba trại để tiếp nhận và tổ chức một những dịch vụ y tế vào ngày 10 tháng 6, trong đó y tế, quần áo và thức ăn đã được tập trung để phân phối.

Caritas Guatemala hiện diện tại hiện trường

Theo lời của vị thư ký điều hành Caritas Guatemala cho hay họ đã không thể tiếp cận được với một số khu vực đông dân nhất của khu vực bị ảnh hưởng và ông lo ngại rằng bi kịch của vụ này có thể còn thảm khốc hơn nữa.

“Một triệu bảy trăm nghìn người bị ảnh hưởng, và con số này có thể còn tăng lên - ông nói - có những thiệt hại nghiêm trọng đối với các cơ sở hạ tầng, đặc biệt là đường xá và cầu cống, làm cho việc liên lạc lại càng thêm khó khăn.”

5. Diễn từ của Đức Thánh Cha với phái đoàn Tin Lành Lutheran: “Xin Chúa Thánh Thần hiệp nhất những gì vẫn còn bị chia cách”

Đức Thánh Cha Phanxicô kêu gọi các thành viên của Giáo Hội Lutheran Đức, là những người được ngài tiếp tại Vatican hôm 4 tháng 6, hãy tiếp tục tiến bước trên con đường hiệp nhất.

Nhắc đến những kinh nghiệm tích cực trong lễ tưởng niệm chung 500 năm cuộc cải cách Tin Lành, Đức Thánh Cha chỉ ra rằng “những vết thương của quá khứ” không nên tiếp tục khơi gợi những tranh cãi và hận thù nhưng phải tạo ra các động lực cho những đối thoại huynh đệ và sự hiệp thông ngày càng gia tăng đặc trưng cho giai đoạn 50 năm vừa qua.

Ngài nói: “Nhờ hoạt động của Chúa Thánh Thần, nhờ các cuộc gặp gỡ huynh đệ, những cử chỉ dựa trên luận lý của Tin Mừng hơn là các chiến lược của người phàm, và qua các cuộc đối thoại chính thức giữa Tin Lành Lutheran và Công Giáo, những thành kiến cũ từ cả hai phía đã có thể vượt qua.”

Đức Giáo Hoàng bày tỏ hy vọng của ngài về một tương lai trong đó những hố sâu ngăn cách sẽ được vượt qua và nói rằng “việc cử hành chung biến cố Cải Cách đã củng cố chúng ta rằng đối thoại đại kết sẽ tiếp tục đánh dấu con đường của chúng ta.”

Ngài lưu ý rằng sự hiệp nhất trọn vẹn giữa các tín hữu Kitô ngày càng trở nên cấp bách và là một ao ước “như đã được chứng tỏ qua biết bao những buổi cầu nguyện chung và những cuộc gặp gỡ đại kết diễn ra vào năm ngoái trên thế giới”

Đức Thánh Cha cũng nhắc nhở rằng:

“Chúng ta đừng quên bắt đầu bằng lời cầu nguyện sao cho không phải là những dự phóng của con người mở đường nhưng là Chúa Thánh Thần vì chỉ mình Ngài mới có thể mở đường và soi sáng các bước cần thực hiện”

Đức Thánh Cha nói tiếp rằng Thần khí của tình yêu thúc đẩy chúng ta trên con đường bác ái và như những Kitô hữu, người Công Giáo và người Tin Lành Lutheran, được mời gọi yêu thương nhau, cùng nhau hiệp lực xua tan những đau khổ của những ai đang trong tình trạng quẫn bách hay bị bách hại.

“Những đau khổ của biết bao các anh chị em chúng ta đang bị bách hại là một lời mời gọi khẩn thiết chúng ta phải đạt đến một sự hiệp nhất giữa chúng ta hữu hình và cụ thể hơn bao giờ.”

Trong phần kết luận, Đức Thánh Cha nói rằng đối thoại không thể tiến bước nếu chúng ta cứ dậm chân tại chỗ không tiếp tục bước đi một cách kiên nhẫn với nhau dưới ánh mắt của Chúa.

Ngài chỉ ra rằng Thánh Thể và vấn đề mục vụ Giáo Hội đòi hỏi những suy tư sâu sắc, nhưng đồng thời đại kết không phải là một thực tại chỉ dành cho các ‘chuyên gia ưu tú’ nhưng là một việc càng nhiều người dự phần càng tốt và phải hình thành nên một cộng đoàn ngày càng đông đảo những người cầu nguyện, yêu thương và tuyên xưng niềm tin.

Ngài kết thúc diễn từ với lời nguyện “Xin Chúa Thánh Thần hiệp nhất những gì vẫn còn bị chia cách”

6. Trước Thềm Giải Túc Cầu Thế Giới, Vatican Phát Hành Văn Kiện Đầu Tiên Về Thể Thao

Hôm 1 tháng 6, 2018, Bộ Giáo Dân, Gia Đình và Đời Sống vừa cho phát hành tài liệu mang tựa đề “Cống Hiến Hết Mình. Phối Cảnh Kitô Giáo về Thể Thao và Nhân Vị.” Đây là văn kiện đầu tiên của Tòa Thánh về thể thao.

Văn kiện gồm 5 chương: Chương 1: tương quan giữa Giáo Hội và thể thao; Chương 2 & 3: mô tả hiện tượng thể thao dưới nhãn quan nhân vị; Chương 4: một vài thách đố hiện nay thể thao phải đối diện; Chương 5: Giáo Hội và đường hướng tiếp cận thể thao.

Ngày 1 tháng 6, 2018 vừa qua, trong cuộc họp báo tại Phòng Báo Chí Tòa Thánh, bản văn trên đã được giới thiệu bởi Đức Hồng Y Kevin Farrell, Giám Đốc Văn Phòng; nhà nghiên cứu Antonella Stelitano, thành viên Hội Lịch Sử Thể Thao Ý; Linh Mục Dòng Tên, Patrick Kelly, Giáo Sư Thần Học tại Seattle University (Hoa Kỳ); và Santiago Perez de Camino, chuyên trách Phòng “Giáo Hội và Thể Thao.”

Đức Hồng Y Farrell cho biết rằng văn kiện đã được cưu mang bởi Hội Đồng Giáo Hoàng về Giáo Dân mà Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã ủy thác cho nhiệm vụ phối hợp các ủy hội thể thao cấp quốc tế và quốc gia cũng như truyền cảm hứng cho các giáo hội địa phương trong ý thức canh tân mục vụ về lãnh vực thể dục thể thao.

Đức Hồng Y giải thích thêm rằng văn kiện không hề có tham vọng giải đáp tất cả các vấn nạn và thách đố mà thế giới thể thao đang đặt ra hiện nay, nhưng là tìm cách “kiểm điểm” lại mối tương quan giữa thể thao và kinh nghiệm đức tin, cũng như trình bầy một viễn kiến Kitô giáo về sinh hoạt thể thao.

“Cống hiến hết mỉnh,” theo Đức Hồng Y, rõ ràng là một “cách diễn tả có thể áp dụng cả cho lãnh vực thể thao lẫn đức tin.” “Quả vậy,” Đức Hồng Y nói thêm, “một mặt, nó cho thấy nỗ lực và hy sinh mà một thể tháo gia phải trải qua trong đời để có thể vươn tới chiến thắng hoặc đạt tới mục tiêu. Về mặt đức tin cũng thế, tất cả chúng ta đều được mời gọi cố gắng hết mình để nên thánh, đó là điều Đức Thánh Cha (Đức Thánh Cha) Phanxicô đã cho thấy trong Tông Huấn “Gaudete et exsultate,” lời mời gọi phổ quát, gửi đến tất cả mọi người, bao gồm cả các thể tháo gia.”

Đức Hồng Y ghi nhận: “Không phải là ngẫu nhiên khi Đức Thánh Cha viết kèm trong văn kiện này rằng: các bộ môn thể thao có thể trở thành một công cụ để gặp gỡ, đào luyện, truyền giáo, và thánh hóa.”

“Đây không phải là một văn kiện dành cho các bậc học giả hay các nhà nghiên cứu, mà là một suy tư về thực trạng thể thao hiện nay, có kèm theo những bằng chứng và đề nghị chắc chắn rất hữu ích, không chỉ cho các Hội Đồng Giám Mục và các giáo phận trong việc khai triển một đường hướng tiếp cận với thể thao, mà còn cho các câu lạc bộ và hội đoàn không chuyên, cũng như cho từng cá nhân các lực sĩ, trong việc suy tư về cuộc sống Kitô giáo và về cách thức tập luyện thể thao.”

Theo công bố của Phòng Báo Chí Tòa Thánh, các vị có tên sau đây đã góp công soạn thảo văn kiện: Daniele Pasquini, Trung Tâm Trưởng trung tâm thể thao CDI ở Roma; Dries Vanysacker, Giáo Sư Thần Học Đại Học Louvain (Bỉ Quốc); Alexandre Borges de Magalhaes, Phối Trí Viên Trưởng phong trào Đời Sống Kitô Giáo tại Peru; và Manoj Sunny, cựu lực sĩ Thế Vận Hội tại Ấn Độ và Sáng Lập Viên Phong Trào ‘Giới Trẻ Giêsu.”

7. Hội nghị các công ty dầu khí thế giới tại Vatican

Tòa Thánh Vatican sẽ đứng ra tổ chức hội nghị giữa các giám đốc điều hành của các công ty dầu khí hàng đầu thế giới để bàn về vấn đề biến đổi khí hậu và thay thế nhiên liệu hoá thạch.

Hội nghị có tựa đề “Chuyển tiếp năng lượng và chăm sóc cho ngôi nhà chung của chúng ta” sẽ do trường Đại Học Notre Dame điều hành và được tổ chức tại Học viện Khoa Học Giáo Hoàng trong khu vườn Vatican được gọi là Casina Pio IV

Theo dự kiến, các vị đứng đầu hoặc giám đốc điều hành các công ty dầu quốc tế như Exxon Mobil, Eni, BP, Royal Dutch Shell và Pemex sẽ tham dự hội nghị. Các công ty Exxon, BP và Equinor của Na Uy đã tuyên bố tham dự hội nghị nhưng công ty xăng dầu Shell từ chối bình luận.

Nhằm đạt mục tiêu thoả ước khí hậu Paris ký năm 2015, ngành công nghiệp dầu khí đang chịu áp lực ngày càng tăng từ các nhà đầu tư, các nhà hoạt động đòi hỏi các công ty dầu khí phải giảm bớt khí thải nhà kiếng.

Và để đáp ứng mục tiêu vào cuối thế kỷ 21 toàn cầu không còn khí thải nhà kiếng, các công ty dầu khí đang cố gắng cung cấp khí đốt là nhiên liệu hóa thạch ít gây ô nhiễm nhất, và ở mức độ ít hơn, các công ty cũng đang cố gắng cung cấp năng lượng tái tạo như gió, mặt trời để đáp ứng nhu cầu năng lượng thế giới.

8. Hội Đồng Giám Mục Hoa Kỳ và các nhóm tự do tôn giáo ca ngợi phán quyết của Tòa án Tối cao Hoa Kỳ

Hội đồng Giám Mục Hoa Kỳ và nhiều nhóm tranh đấu cho tự do tôn giáo đã ca ngợi tỷ số thuyết phục là 7-2 cuả Tòa án Tối cao phán quyết rằng quyền cuả người làm bánh ở Colorado đã bị vi phạm khi ủy ban dân quyền cuả tiểu bang đòi hỏi ông phải làm bánh cho một đám cưới cùng giới tính.

“Quyết định ngày hôm nay xác nhận rằng người tín hữu không nên bị phân biệt đối xử vì niềm tin tôn giáo sâu sắc của họ, nhưng nên được tôn trọng bởi các quan chức chính phủ”, theo lời cuả nhiều vị lãnh đạo Hội đồng Giám mục Công Giáo Hoa Kỳ.

“Điều này mở rộng cho các ngành nghề có tính cách sáng tạo, chẳng hạn như ông Jack Phillips, là người tìm kiếm sự phục vụ Chúa trong mọi khía cạnh của cuộc sống hàng ngày. Trong một xã hội đa nguyên giống như cuả chúng ta, sự khoan dung thực sự cho phép những người có quan điểm khác nhau được tự do sống theo niềm tin của họ, ngay cả khi niềm tin đó không được chính phủ ưa chuộng. “

Đức Tổng Giám Mục Joseph Kurtz của giáo phận Louisville, chủ tịch ủy ban tự do tôn giáo của hội đồng giám mục, Đức Tổng Giám Mục Charles Chaput cuả Tổng giáo phận Philadelphia, Trưởng ban Ủy ban về Giáo Dân, Hôn nhân, Đời sống Gia đình và Thanh niên, và Giám mục James Conley của giáo phận Lincoln, chủ tịch Tiểu ban Xúc tiến và Bảo Vệ Hôn nhân, đã phát hành một tuyên bố chung hôm thứ hai để hoan nghênh phán quyết của Tòa án Tối cao trong vụ kiện ‘Masterpiece Cakeshop chống Ủy ban Dân quyền Colorado.’

Tòa án tối cao đã đứng về phiá người sở hữu chủ Cakeshop Jack là ông Phillips, toà án nói rằng Ủy ban Dân quyền Colorado đã tỏ ra một sự thù địch đối với tôn giáo không thể chấp nhận được khi họ phán quyết rằng ông đã phân biệt đối xử với một cặp vợ chồng đồng tính khi cặp này đòi đặt một chiếc bánh cưới hồi năm 2012.

Ông Phillips, một Kitô hữu mộ đạo, đã nói nhiều lần trong suốt vụ việc rằng ông sẽ không có vấn đề bán cho khách hàng đồng tính những chiếc bánh khác chứ không phải là một chiếc bánh được trang trí đặc biệt cho một đám cưới cùng giới tính. Vì niềm tin tôn giáo của mình, ông cũng từ chối nhận làm bánh Halloween, hoặc các sản phẩm có rượu và bánh cho các bữa tiệc liên hoan độc thân (tiệc dành riêng cho chú rể trước ngày lễ cưới).

Tuy tòa án đã không thiết lập nên một tiền lệ lớn, và thay vào đó đã chỉ ban quyết định cho trường hợp cụ thể này thôi. Tuy nhiên, những người ủng hộ ông Phillips cho biết quyết định vẫn đánh dấu một chiến thắng quan trọng.

“Sự thù địch của chính phủ đối với những người có đức tin thì không còn chỗ đứng trong xã hội chúng ta, nhưng tiểu bang Colorado đã công khai chống lại niềm tin tôn giáo của ông Jack. Tòa án có lý khi lên án điều đó, “ theo lời bà Kristen Wagoner, cố vấn cao cấp của Liên minh Bảo vệ Tự do (Alliance Defending Freedom), đại diện cho ông Phillips.

“Khoan dung và tôn trọng sự khác biệt niềm tin là quan trọng trong xã hội chúng ta. Quyết định này vạch ra cách rõ ràng rằng chính phủ phải tôn trọng niềm tin của ông Jack về hôn nhân, “ bà Wagoner nói trong bản tuyên bố.

“Điều mà Tòa án giải quyết thì là hẹp,” theo lời ông Brian Miller, luật sư cuả trung tâm bảo vệ các quyền cá nhân (Center for Individual Rights) , “và nhấn mạnh rằng nó có vẻ bảo vệ cả hai phiá, chống phân biệt đối xử và bảo vệ tự do tôn giáo. Nguyên tắc đó sẽ rất quan trọng mà các tiểu bang cần phải ghi nhớ về sau. “

Chủ tịch cuả luật sư đoàn Becket Law là Mark Rienzi thì mở rộng hơn nữa về điều này, nói rằng, “Tòa án đã nói với một đa số 7-2 rằng Hiến pháp yêu cầu tất cả chúng ta phải cố gắng hòa thuận với nhau. Trong xã hội của chúng ta có đủ chỗ cho một sự đa dạng về quan điểm, và điều đó bao gồm việc tôn trọng niềm tin tôn giáo. “

Tuy nhiên giáo sư luật ở đại học Princeton là Robert George thì cảnh báo rằng các lý do đằng sau phán quyết có thể được sử dụng để chống lại tự do tôn giáo trong tương lai.

“Vẫn có một nguy cơ rằng các quan chức nhà nước sẽ giải thích rằng nếu họ không tiết lộ các lời giải thích chống lại các Kitô hữu hoặc tôn giáo trong báo cáo công khai, thì những quyết định phân biệt đối xử trong việc cấp phép vẫn không bị coi là chống lại Kitô hữu và tôn giáo”, ông cảnh báo .

Tuy nhiên, ông nói, nhờ quyết định này mà người ta đã có thể có một cái nhìn lạc quan về vị thẩm phán mới nhất của tòa án, là thẩm phán Neil Gorsuch.

Nhờ những quan điểm được viết ra bởi hai thẩm phán Neil Gorsuch và Clarence Thomas mà người ta thấy được các lý do chính cuả phán quyết, và trong khi vị thẩm phán Anthony Kennedy viết ý kiến cho đa số nhưng “tuy phù hợp nhưng lại thiếu sót” cho đến khi người ta được bổ sung nhờ những điễm chính mà thẩm phán Gorsuch thêm vào.

“Trường hợp này cho thấy rằng thẩm phán Gorsuch không chỉ là một người trung thành với quan điểm lập hiến, ông còn có tiềm năng sẽ trở thành một trong những vị thẩm phán vĩ đại nhất của lịch sử,” Giáo sư George nói.