NÀO ĐÂU NÉT VĂN HÓA VIỆT (bài 1)

Đang thời kinh tế toàn cầu và truyền thông thần tốc không còn biên giới mà đi đề cao nét văn hóa Việt thì xem ra lạc lõng, và đôi khi biết đâu chỉ là một hình thức mặc cảm, ra như mình cũng phải có cái gì khác biệt để vuốt ve tự ái dân tộc, mặc dù từ thâm tâm chẳng mấy xác tín!?

Vì thực ra, đà tiến bộ của thế giới ngày nay đã như kết tinh của nhiều nền văn hóa, qua nhiều gạn lọc và góp sức. Nét văn hóa nào mạnh thì thâu hóa được nhiều và giầu thêm. Nét văn hóa nào không cải tiến cho hợp cảm quan thời đại thì bị đào thải liền. Những tiếng như "dân tộc" đôi khi chỉ là chiêu bài thúc đẩy để đánh đấm, để "bế quan tỏa cảng" làm tụt hậu, đôi khi bị bóp méo theo một ý đồ phe phái chủ thuyết hay tham vọng cá nhân và trở thành mất nghĩa. Như đề cao thuốc dân tộc là điều tốt, nhưng có thể vì mặc cảm chưa đủ sức thăng tiến theo tiêu chuẩn khoa học thuốc Tây. Rồi cái gì đến từ phương Tây lại bị coi là ngoại lai, đôi khi chụp mũ là phản dân tộc. Đang khi mình vẫn mặc sơ mi kiểu Tây, thích quần jean kiểu Mỹ, mê xe Toyota kiểu Nhật. Chả lẽ cứ phải cỡi trâu, để tóc búi tó, mới là yêu dân tộc, mới là đề cao nét văn hóa về nguồn, vì tổ tiên mình vốn cỡi trâu mà. Đạo Phật, đạo Khổng, đạo Lão, đạo Chúa chả lẽ đều không phải là "dân tộc" vì đến từ Ấn độ, Trung Hoa và Do Thái sao? Hay đạo cứ phải quốc doanh thì mới phải là đạo của dân tộc? Vậy thì đạo nào là đạo của Tây, đạo nào là đạo của Ta; xe nào là xe Mỹ, xe Ấn, xe Tàu, xe Do Thái, xe nào là xe của dân tộc để chở sang bờ tâm linh?

BIẾT ĐÂU NÉT VĂN HÓA VIỆT

Rõ ràng là mỗi dân tộc đều mang những nét văn hóa đặc sắc riêng, phát khởi từ trong máu, hãnh diện và tìm kiếm giá trị giầu có theo những chiều kích khác nhau. Dân Đức, dân Nhật có máu hiếu thắng ta đây phải đè đẹp thiên hạ, nên tiến bộ vênh vang, mê làm quên ngủ quên ăn, miễn là phải hơn, phải thắng. Máu Ý thì trọng nghệ thuật nên xem ra thích ăn nhậu lè phè hưởng đời mà sản sinh những tác phẩm vượt bậc. Máu Mỹ dòng chính Hồng Mao Anglo-Saxon thì ưa thực dụng thu quén cho lợi tức gia tăng. Máu Tàu cũng rất thực tế buôn bán giỏi. Máu Ấn và Tây Tạng lại thích siêu thoát hơn bon chen vật chất v.v. Bên nào hơn, bên nào kém? Đã đến lúc có thể dung hạp được cả đông tây làm nên nền văn hóa toàn cầu chưa?

Vậy còn máu Việt mang chất gì? Nhiều nhà xã hội và văn hóa Việt thường tìm cách chứng minh một điều: dân mình cũng ngon vì có gốc lớn, văn hóa mình cao tới bốn ngàn năm lẻ, người mình anh hùng yêu nước thắng được những thứ giặc vĩ đại nhất trong lịch sử nhân loại: giặc Mông Cổ, giặc nhà Thanh, giặc Tàu, giặc Tây, giặc Nhật, tiện thể thắng luôn cả giặc siêu cường Mỹ. Bây giờ nó thấy nước mình ngon lành, nó lại phải trở lại ve vãn đòi buôn bán với mình! Vậy là nước mình phải là đỉnh cao, là siêu đẳng, là nôi văn hóa, là điểm đến của thiên niên kỷ mới. Nước mình đẹp đẽ gấm vóc minh châu trời Đông, cộng đồng Việt Nam hải ngoại chói chang thành tích, không hơn thiên hạ thì ít ra cũng phải bằng!

Nhưng phải định rõ nét nào là nét văn hóa căn tính của mình thì lại là một vấn đề gai góc. Mỗi lần có buổi tụ họp người Việt thì thường có màn mặc áo thụng tế hương, lại thêm cái cổng tam quan cong cong lên một chút. Bọn trẻ nhìn vào chả thấy chi hấp dẫn. Các bà các cô thì phải mặc áo dài mới có dáng dấp Việt. Ai mặc đồ đầm thì ra như không bảo tồn nét văn hóa.

Ngay chuyện ăn mặc, mãi cho thời phong trào Duy Tân khoảng năm 1915-1920, đàn ông con trai có hạng ra đường còn đội nón chóp và mặc áo dài, chân đi giầy hàm ếch. Sau đó thanh niên mới cắt tóc ngắn và mặc áo dài với quần tây trắng, đi giầy tây đánh xi đen bóng rất thời trang. Còn chiếc áo dài phụ nữ dáng dấp ngày nay thì mãi tới năm 1935 mới được họa sĩ Lê Phổ cải tiến, sau đó là kiểu cách tân Le Mur của ông Nguyễn Cát Tường.

Chiếc áo bà ba với chiếc khăn rằn rất tiện dụng và dễ thương của miền Nam mình, cứ tưởng là nét đặc sắc riêng, không ngờ lại phát xuất từ Mã Lai. Sơn Nam trong "Văn Minh Miệt Vườn" đã kể công ông Trương Vĩnh Ký người Cái Mơn thông minh hiền lành được các cố đạo gửi đi du học ở Penang bên Mãi Lai. "Sự liên lạc giữa Cái Mơn và Mã Lai đem cho Miệt Vườn nhiều loại cây mới: măng cụt, bòn bon, chôm chôm. Poulo Penang, nơi ông Trương Vĩnh Ký du học có nhóm người Bà Ba lập rẫy mía. Bà Ba là người Mã Lai lai Trung Hoa (chiếc áo bà ba mà người miền Nam ưa thích, vạt ngắn không bâu chính là kiểu áo của người Bà Ba." (Nhà xuất bản Văn Hóa, trang 43)

Bây giờ nhìn kỹ hơn và so sánh thì thấy chiếc khăn rằn của người miền Nam lại giông giống chiếc khăn rằn mà người Ả Rập Hồi giáo vùng Trung Đông quấn trên đầu. Thì ra rất có thể lớp dân Bà Ba ở Mãi Lai đã nhận ảnh hưởng phong tục của Hồi giáo khá thịnh hành ở đó.

Người mình vẫn tự hào về nôi sinh văn hóa trống đồng. Nhưng trên thực tế trống đồng đã bị chôn theo với trụ đồng Mã Viện khi tay này muốn bẻ gẫy biểu tượng qui tụ của dân mình, chẳng còn thấy dấu vết gì mấy nơi phong tục hiện nay. Chẳng lẽ nét văn hóa lại chỉ như một nuối tiếc quá khứ kiểu người Ai Cập hãnh diện về các Kim Tự Tháp! Đang khi người ta vẫn còn thấy tục dùng trống đồng như tiêu biểu quyền uy và giầu có làm lễ vật cưới hỏi bên một vài hòn đảo của Nam Dương, và tục múa nhảy chiêng trống cồng vẫn còn sinh động nơi những nhóm người Mường dân thiểu số vùng Hòa Bình và tây bắc Ninh Bình.

CHUYỆN CÂY CẦU BOLSA Ở LITTLE SAIGON

Mùa hè 1996 báo chí Việt bàn cãi nhiều về vụ dự tính xây cây cầu vắt ngang qua đường Bolsa, nối khu Phúc Lộc Thọ với thương xá bên kia cho khu phố Việt ở quận Cam Nam Cali hấp dẫn và tiện dụng hơn. Nhưng câu chuyện đã ra rắc rối là vì nơi vẫn được mệnh danh là thủ đô tỵ nạn với cây cầu như biểu tượng mà ông chủ Triệu Phát là một nhà buôn người Tầu dám làm mô hình sặc mầu văn hóa Tầu để nộp đơn xin phép tại Westminster. Thế là dân Việt ta lên tiếng ồn ào, rằng như vậy là làm mất mặt dân một nước có tới mấy ngàn năm văn hiến! Ai cũng ra sức tranh luận rằng cây cầu phải mang nét tiêu biểu văn hóa Việt Nam, phải mang mầu sắc và hình dáng nước mình. Người thì bảo nét văn hóa Việt là Chùa Một Cột ở Hà Nội, nhóm thì bảo là Chùa Thiên Mụ ở Huế, và phải thêm Chợ Bến Thành như nét tình tự đặc sắc của Miền Nam. Mãi mà chẳng đến được một đồng ý chung nào cả. Thấy vậy ông nhà buôn Triệu Phát bèn tuyên bố một câu rất nhà buôn: "Chúng tôi là thợ may, quí vị muốn kiểu nào, chúng tôi sẽ may theo kiểu đo."

Chỉ tiếc là mỗi người một kiểu thì ai mà theo cho nổi! Vả lại những người đặt may lại không có tiền nên khó có quyền ăn nói, phương chi là quyền sai bảo làm theo ý mình. Thế là cho chắc ăn, ông nhà buôn Triệu Phát tuyên bố không làm cầu nữa, khiến mọi người chưng hửng, mọi cuộc tranh luận bỗng tắt rụp tiu ngỉu như trái bóng bị xẹp hơi. Vì một sự thật rất hiển nhiên là chẳng ai nắm chắc hay đồng ý về thực chất nét văn hóa Việt Nam là gì; và đau lòng hơn nữa, mình cũng chẳng có một thứ "thực chất" cụ thể rất quan trọng làm đà tiến hóa là phải có tiền thì mới nhúc nhích được. Người có tiền đầu tư thì xây kiểu của người ta, mình có bàn mà đồng ý cả thì người ta cũng chiều khách hàng mà xây theo ý mình và đặt tên Việt để mình được vuốt ve tự ái mà đến thuê tiệm do họ đầu tư xây cất và tiêu tiền cho họ có lợi, thế thôi.

(Còn tiếp : Ngày mai: Bế quan tỏa cảng nhân danh văn hóa)