Máy yếu hay Internet chậm xin nhấn vào nút Play bên dưới đây
1. Như Đức Maria, Giáo hội là phụ nữ và là một người mẹ

Lễ Đức Trinh Nữ Maria, Mẹ của Giáo Hội, đã được cử hành lần đầu tiên trong toàn thể Giáo Hội vào ngày thứ Hai 21 tháng 5. Lễ này được mừng vào ngày thứ Hai sau Lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống. Trong bài giảng Thánh Lễ tại nhà nguyện Santa Marta, Đức Thánh Cha Phanxicô nói rằng Giáo Hội là phụ nữ và là một người mẹ và đức tính đầu tiên của một người mẹ là sự dịu dàng.

Khi thiếu vắng nữ tính, theo Đức Thánh Cha, Giáo Hội giống như “một tổ chức từ thiện, hay một đội bóng”; và khi trở thành “một Giáo hội nam tính”, thật đáng buồn là Giáo Hội trở thành “một Giáo Hội của những người nam cô đơn già nua”, “không có khả năng yêu thương, không có khả năng sinh hoa kết quả.”

Lễ Đức Trinh Nữ Maria, Mẹ của Giáo Hội đã được thiết định hồi tháng Ba năm nay qua sắc lệnh Ecclesia Mater (“Mẹ Giáo Hội”) của Bộ Phụng Tự và Kỷ Luật Bí Tích. Chính Đức Thánh Cha Phanxicô đã quyết định việc cử hành lễ này vào ngày thứ Hai ngay sau Lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống, để “khuyến khích sự phát triển ý thức từ mẫu của Giáo Hội trong các mục tử, các tu sĩ nam nữ và các tín hữu, cũng như sự tăng trưởng lòng đạo đức bình dân chân chính về Đức Maria.”

Tiếp tục bài giảng, Đức Thánh Cha Phanxicô nói:

Trong Tin Mừng, Đức Maria luôn được mô tả là “Mẹ Chúa Giêsu,” thay vì đại danh từ “Bà” hay danh xưng “góa phụ của ông Giuse”: tính chất từ mẫu của Đức Mẹ được nhấn mạnh trong các sách Tin Mừng. Đây cũng là đặc tính đã được các Giáo Phụ của Giáo Hội ghi nhận ngay lập tức, và đặc tính này cũng được áp dụng cho Giáo Hội.

Giáo hội là nữ tính, bởi vì đó là “giáo hội” và “tân nương” [cả hai từ này đều là nữ tính về mặt ngữ pháp]: Giáo hội là nữ tính. Và Giáo hội là mẹ; Giáo hội mang lại sự sống. Giáo hội là cô dâu và là mẹ. Và các Giáo phụ đi xa hơn và khi nói rằng Giáo hội là hiền thê của Chúa Kitô và là Mẹ. Và với thái độ này đến từ Đức Maria, Mẹ của Giáo Hội, chúng ta có thể hiểu được chiều kích nữ tính của Giáo Hội. Nếu không có chiều kích đó, Giáo Hội đánh mất đi căn tính của mình và trở thành một tổ chức từ thiện hoặc một đội bóng đá, hay bất cứ điều gì, nhưng không phải là Giáo Hội.

Chỉ có một Giáo hội nữ tính mới có thể có những “thái độ hiệu quả,” theo thánh ý Thiên Chúa, Đấng đã chọn “được sinh ra bởi một người phụ nữ để dạy chúng ta con đường nữ tính.”

Điều quan trọng là Giáo Hội là một người phụ nữ, hành xử theo cung cách của một cô dâu và một người mẹ. Khi chúng ta quên điều này, Giáo hội trở thành nam tính. Khi không còn chiều kích nữ tính nữa, Giáo Hội buồn thay trở thành một hội thánh của những người nam cô đơn già nua, và những người sống trong sự cô lập này không có khả năng yêu thương, không có khả năng sinh sản. Không có nữ tính, Giáo Hội không tiến lên được - vì Giáo Hội phải là nữ tính. Và chiều kích nữ tính này đến từ Đức Maria, bởi vì Chúa Giêsu đã muốn như vậy.

Đức Thánh Cha Phanxicô nhận xét rằng đức tính chủ yếu và nổi bật của một người phụ nữ, là sự dịu dàng, như sự dịu dàng của Đức Maria, khi bà “sinh con trai đầu lòng, lấy tã bọc con, rồi đặt nằm trong máng cỏ”. Đức Mẹ chăm sóc cho Hài Nhi Giêsu, với sự hiền lành và khiêm nhường, đó là những đức tính vĩ đại của các bà mẹ.

Một Giáo Hội là một người mẹ đi dọc theo con đường của sự dịu dàng. Giáo Hội ấy biết ngôn ngữ đầy khôn ngoan của sự vuốt ve, của sự im lặng, của ánh mắt biết xót thương, biết im lặng. Đó cũng phải là cốt cách của người tín hữu trong Giáo Hội. Những ai sống theo tinh thần này biết rằng mình như một người mẹ phải đi cùng một con đường này: đó là trở thành một người dịu dàng, thân ái, biết mỉm cười, và tràn đầy tình yêu.

2. Một cỗ tràng hạt cứu mạng cả đời ông lẫn đời cháu

Tờ National Catholic Register có đăng một câu chuyện cảm động về một quân nhân người Anh đã được cứu mạng nhờ một cỗ tràng hạt.

Bà Sheri Jones, ở Tye Green, Essex, Anh quốc buồn rầu tiễn đứa con sang tham chiến tại Afghanistan. Bà ân cần đeo vào cổ con một cỗ tràng hạt do ông nội của bà, ông Joseph Sunny Truman truyền lại và không ngừng dặn con không ngừng lần chuỗi Mân Côi mỗi ngày, nhất là những khi phải giáp mặt với hòn tên, mũi đạn.

Con bà, anh Glenn Hockton được đến một đơn vị tác chiến tại tỉnh Helmand, một trong 34 tỉnh của Afghanistan được coi là nguy hiểm nhất. Quân Taliban, cho đến hiện nay, vẫn còn hoạt động rất mạnh trong vùng này và sống lẩn lút trong hơn 1,000 ngôi làng với số dân lên đến 879,500 người.

Trong một lần tuần tra, xâu chuỗi Mân Côi đang đeo trên cổ anh Glenn Hockton đột nhiên rớt xuống đất.

Bà Sheri Jones nói: “Glenn cảm thấy như có ai đó tát nó một cú từ phía sau, khiến cỗ tràng hạt rơi xuống. Glenn cúi xuống nhặt xâu chuỗi Mân Côi lên. Ngay lúc cúi xuống, Glenn nhận ra mình đang rơi vào một tình trạng thập tử nhất sinh. Glenn đang dẵm lên một quả mìn.”

Nếu không nhận ra, chỉ cần anh nhấc chân lên, quả mìn sẽ phát nổ giết chết anh ngay lập tức.

Glenn đã phải đứng chết trân như thế trong 45 phút đáng sợ trong khi các đồng đội của anh tìm cách vô hiệu hóa trái mìn.

Bà Jones cho biết bà thất kinh hồn vía khi nghe con trai bà kể về thử thách này và tạ ơn Chúa và Đức Mẹ cứu cả đời ông lẫn đời cháu. Khi Glenn lên đường đi chiến đấu chỉ vào giờ phút chót bà mới nhớ đến lịch sử cỗ tràng hạt này và vội vã trao cho con.

Bà Jones cho biết chính cỗ tràng hạt này đã cứu thoát ông cố của Glenn.

Trong thế chiến thứ Hai, ông Joseph Sunny Truman, lúc ấy tham chiến trong Trung đoàn Royal Fusiliers. Ông bị bắt cùng với 6 anh em khác là những người còn sống sau khi trung đội của ông lọt vào ổ phục kích của quân Đức.

Vào cuối cuộc chiến, ông Joseph Sunny Truman và các tù nhân khác bị buộc phải chạy theo quân Đức để làm bia đỡ đạn cho chúng trước đà tiến của quân đội Đồng minh.

Bà Jones, 41 tuổi, nhớ lại: “Khi ông tôi đi ngang qua một cánh đồng với đồng đội của mình, ông cúi xuống nhặt thứ gì đó lên. Ngay lúc đó, một quả đại bác phát nổ, sáu người đi cùng chết hết. Ông là người duy nhất sống sót. Cỗ tràng hạt này chính là vật mà ông đã cúi xuống để lượm lên”

3. Của cải thế gian có khả năng lôi cuốn và nô lệ hóa con người.

Sáng thứ Năm 24 tháng 5, ngày thế giới cầu nguyện cho Giáo Hội tại Trung Hoa, tại nhà nguyện Santa Marta, Đức Thánh Cha Phanxicô đã dâng thánh lễ kính Đức Mẹ Xà Sơn với những ý chỉ hướng về ‘dân tộc Trung Hoa cao thượng’. Trong thánh lễ, Đức Thánh Cha đặc biệt cảnh giác các tín hữu hãy cẩn thận với những của cải thế gian vì chúng có khả năng lôi cuốn và nô lệ hóa con người.

Trong bài giảng, Đức Thánh Cha khuyên các tín hữu đừng để của cải thế gian vướng bận tâm trí chúng ta vì chúng không phải là cùng đích của đời người nhưng chỉ là các phương tiện được ban cho chúng ta để chúng ta có thể trao ban cho người khác.

Đức Thánh Cha đã trình bày các suy tư của ngài về lá thư của Thánh Giacôbê Tông Đồ, trong đó nói với chúng ta rằng tiền tiền công của những người thợ bị chủ chặn lại kêu thấu đến Thiên Chúa để đòi công lý.

Đức Thánh Cha nói đoạn Kinh Thánh này nói một cách “mạnh mẽ” với người giầu và là lời nhắc nhở cho những gì chính Chúa Giêsu đã nói với họ.

Đức Phanxicô nói rằng đoạn thánh thư nói “mạnh mẽ” với người giàu và là một lời nhắc nhở về những gì Chúa Giêsu đã nói với họ.

“Khốn cho các ngươi là những kẻ giàu có”. Nếu ai đó ngày hôm nay rao giảng những lời này, thì ngày mai các phương tiện truyền thông sẽ viết: 'Đó là một linh mục cộng sản.' Nhưng đức khó nghèo là trung tâm của Tin Mừng. Giảng dạy về đức thanh bần là trọng tâm trong sứ điệp của Chúa Giêsu: ‘Phúc cho anh em là những kẻ nghèo khó’. Đó là mối phúc đầu tiên trong Tám Mối Phúc Thật. Đó là thẻ căn cước mà Chúa Giêsu trình ra trong Hội đường Do thái khi Ngài trở về thị trấn Nazareth của mình. ‘Thần Khí Chúa ngự trên tôi, vì Chúa đã xức dầu tấn phong tôi, để tôi loan báo Tin Mừng cho kẻ nghèo hèn.’ Nhưng chúng ta đã có một lịch sử chiều theo sự yếu đuối của mình khi không dám rao giảng về đức khó nghèo, và tin rằng đó là một vấn nạn xã hội hay chính trị. Không! Đó là vấn đề đơn thuần của Phúc Âm.

Đức Thánh Cha Phanxicô sau đó đã trình bày các suy tư của ngài về về lý do tại sao Chúa Giêsu đã rao giảng rất mạnh mẽ về đức khó nghèo. Đức Thánh Cha giải thích: “Của cải thế gian là một thứ ngẫu tượng,” có khả năng “quyến rũ”.

Chính Chúa Giêsu đã chỉ ra rằng “không ai có thể làm tôi hai chủ”. Của cải thế gian “nắm bắt anh chị em và khiến cho anh chị em bất tuân giới răn thứ nhất,” đó là kính mến Chúa trên hết mọi sự bằng cả trái tim anh chị em.

Xa hơn, Đức Thánh Cha nói, của cải thế gian cũng “đi ngược lại giới răn thứ hai bởi vì chúng phá hủy mối quan hệ hài hòa giữa con người với nhau.”

Đức Thánh Cha Phanxicô nói một số người nhầm lẫn Thánh Giacôbê với một chủ tịch công đoàn nhưng ngài khẳng định rằng thánh nhân đã viết theo “linh hứng của Chúa Thánh Thần.”

“Thậm chí ở Italia này, người ta bỏ mặc nhiều người không có việc làm để bảo vệ vốn đầu tư. Điều này đi ngược lại giới răn thứ hai, vì thế Chúa Giêsu cảnh cáo ‘Khốn cho các ngươi’. Khốn cho các ngươi, là những kẻ bóc lột người khác và công việc của họ bằng cách trốn thuế, không đóng góp vào quỹ lương hưu của họ, và không trả tiền nghỉ phép cho họ. Khốn cho các ngươi! ... Nếu các ngươi không chịu trả , sự bất công của các ngươi là một tội lỗi nghiêm trọng. Các ngươi không được Chúa chúc phúc. Không phải tôi là người nói điều đó, nhưng chính Chúa Giêsu và Thánh Giacôbê Tông Đồ đã nói như vậy. Đó là lý do tại sao của cải thế gian ngăn cản anh chị em tuân giữ giới răn thứ hai, đó là yêu mến tha nhân như chính mình vậy.

Để kết luận, Đức Thánh Cha Phanxicô nói rằng của cải thế gian có thể làm cho người ta ra nô lệ, vì vậy tất cả chúng ta nên “cầu nguyện nhiều hơn một chút và làm việc đền tội” cho người giàu có.

“Anh chị em không được miễn trừ khỏi sự dính bén đến của cải thế gian. Để được tự do không dính bén đến của cải thế gian, anh chị em phải tránh xa chúng và cầu nguyện với Chúa. Nếu Chúa đã ban cho anh chị em nhiều của cải, chúng phải được cho đi, để làm nhiều điều tốt đẹp cho người khác nhân danh Ngài. Nhưng của cải thế gian thường quyến rũ chúng ta, và rơi vào sự quyến rũ này, chúng ta rơi vào vòng nô lệ của chúng”.

4. Vẻ đẹp của hôn nhân

Bất chấp những khó khăn trong cuộc sống hôn nhân và gia đình, Đức Thánh Cha Phanxicô mời gọi chúng ta xem xét và cảm kích vẻ đẹp của hôn nhân trong Thánh lễ sáng thứ Sáu 25 tháng 5 tại nhà nguyện Santa Marta.

Trong số các tín hữu hiện diện trong Thánh Lễ có bảy cặp vợ chồng kỷ niệm lần thứ 25 và 50 lễ cưới của họ.

Bài Tin Mừng trong ngày, trích từ Phúc Âm Thánh Máccô, nói về những ý định của người Pharisêu, khi họ đưa ra những hỏi với Chúa Giêsu với dụng ý là muốn thử thách Ngài. Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã mô tả những câu hỏi thuộc loại này, về việc được phép làm hay không là những câu hỏi đầy quỷ kế . Ngài giải thích: “Đó không phải là chuyện dứt khoát ‘có’ hay ‘không’, mà chúng ta quen thuộc khi nói về Thiên Chúa” Đằng này, người Pharisêu đang giản lược đời sống Kitô, nghĩa là con đường theo Chúa, thành những câu hỏi ‘được, ngươi được phép làm’, hay, ‘không, không thể như thế được.’

Câu hỏi những người Pharisê đặt ra có liên quan đến hôn nhân; họ muốn biết liệu người chồng có được ly dị vợ mình một cách hợp pháp hay không. Nhưng, theo Đức Thánh Cha Phanxicô, Chúa Giêsu đã vượt xa hơn câu hỏi đơn giản về sự hợp luật, khi quay lại với “lúc khởi đầu”. Chúa Giêsu đề cập đến hôn nhân tận căn cội của nó, hôn nhân có lẽ là điều vĩ đại nhất được Thiên Chúa tác thành trong bảy ngày Ngài tạo dựng trời đất.

“Lúc khởi đầu công trình tạo dựng, Thiên Chúa đã làm nên con người có nam có nữ; vì thế, người đàn ông sẽ lìa cha mẹ mà gắn bó với vợ mình, và cả hai sẽ thành một xương một thịt” Lời Chúa Giêsu trong bài Tin Mừng rất mạnh mẽ. Đức Thánh Cha nhấn mạnh rằng, Chúa đã nói về “một xương một thịt” bất khả phân ly. Chúa Giêsu “gạt sang một bên vấn đề ly dị, và nói về vẻ đẹp của đôi vợ chồng,” là những người phải nên một.

Chúng ta không được tập trung chú ý, như các thầy thông luật này, vào câu trả lời: “Vâng, có thể” phân ly một cuộc hôn nhân, hoặc “Không, không thể được.” Đôi khi có những bất hạnh, đôi khi cuộc hôn nhân không thành công, và tốt hơn là tách biệt ra để tránh một cuộc chiến tranh thế giới. Nhưng đây là một sự bất hạnh. Chúng ta hãy tiến lên và nhìn vào những điều tích cực.

Đức Thánh Cha Phanxicô đã kể về cuộc gặp gỡ giữa ngài với một cặp vợ chồng kỷ niệm 60 năm ngày cưới. Ngài hỏi họ, “Anh chị có hạnh phúc không?” Họ nhìn nhau, rưng rưng nước mắt trả lời, “Chúng con đang yêu!”

Đúng là có những khó khăn, có những vấn đề với con cái hoặc giữa vợ chồng với nhau, cãi vã, gây gỗ với nhau ... nhưng điều quan trọng là vẫn một xương một thịt, và anh chị em có thể vượt qua, anh chị em có thể vượt qua, chắc chắn là anh chị em có thể vượt qua. Và hôn nhân không chỉ là một bí tích dành cho đôi vợ chồng, mà còn cho cả Giáo Hội, một bí tích đã từng thu hút sự chú ý: “Hãy xem đây, yêu thương nhau là điều có thể!” Và tình yêu có khả năng cho phép anh chị em sống cả cuộc đời của mình trong tình trạng “đang yêu”: trong niềm vui và nỗi buồn, với những vấn nạn của con cái, và những vấn đề của chính đôi vợ chồng… nhưng luôn luôn tiến lên phía trước. Trong thịnh vượng cũng như lúc gian truân, khi đau yếu cũng như lúc khỏe mạnh, luôn luôn đi về phía trước. Điều này thật đẹp.

Người nam và người nữ được tạo dựng theo hình ảnh của Thiên Chúa và giống Ngài; và vì lý do này, hôn nhân cũng trở thành một hình ảnh của Thiên Chúa. Điều này làm cho hôn nhân rất đẹp, Đức Giáo Hoàng nói. “Hôn nhân là một bài giảng thầm lặng cho những người khác, một bài giảng hàng ngày.”

Thật đáng buồn khi đây không phải là tin tức: báo chí, tin tức truyền hình không coi hôn nhân là tin tức. Cặp vợ chồng này đã sống với nhau nhiều năm ... không phải là tin tức. Tai tiếng, ly hôn, ly thân – lại được coi là những chuyện đáng chú ý. (Mặc dù, như tôi đã nói, đôi khi cần thiết phải phân ra để tránh một cái ác lớn hơn). Hình ảnh của Thiên Chúa không phải là tin tức. Nhưng đây là vẻ đẹp của hôn nhân. Đôi vợ chồng là hình ảnh của Thiên Chúa và giống Ngài. Và đây là tin tức của chúng ta, tin tức Kitô giáo.

Đức Thánh Cha lặp lại rằng hôn nhân và cuộc sống gia đình không hề dễ dàng. Ngài liên hệ đến Bài Đọc Một trong đó Thánh Giacôbê Tông Đồ nói về sự kiên nhẫn. Kiên nhẫn “có lẽ là đức tính quan trọng nhất đối với một đôi vợ chồng - cả người chồng lẫn người vợ.”

Đức Thánh Cha kết luận bài giảng của ngài với lời cầu nguyện rằng Chúa “có thể ban cho Giáo hội và cho xã hội một sự hiểu biết sâu sắc hơn và đẹp hơn nữa về hôn nhân, để tất cả chúng ta có thể cảm kích và suy tư về thực tế là hình ảnh của Thiên Chúa và sự giống Ngài hiện diện trong hôn nhân.”