Bài Giáo Lý 1 của ĐTC Phanxicô về Bí Tich Rửa Tội

“Bí Tích Rửa Tội ‘Kitô hoá’, những ai đã lãnh nhận Bí Tích Rửa Tội và được ‘Kitô hoá’ thì nên ‘giống Đức Kitô’, họ được biến đổi trong Đức Kitô và Bí Tích này làm cho họ thực sự thành một Kitô khác”.

Dưới đây là bản dịch bài giáo lý thứ nhất của ĐTC Phanxicô về Bí Tích Rửa Tội, được ban hành ngày 11 tháng 4, 2018 ở Quảng trường Thánh Phêrô. Từ bài giáo lý này, chúng tôi cũng cố gắng phiên dịch cả bài tóm tắt bằng Tiếng Anh được đọc trước bài nói chuyện của Đức Thánh Cha.

Anh chị em thân mến: Trong niềm vui của mùa Phục Sinh, chúng ta bắt đầu một chu kỳ giáo lý mới về Bí Tích Rửa Tội, qua đó chúng ta nhận được ơn tha tội và được tái sinh vào cuộc sống mới và vĩnh cửu trong Đức Kitô. Qua dòng nước Rửa Tội, được Chúa Thánh Thần thánh hóa, chúng ta được dìm mình trong mầu nhiệm cứu rỗi của Cái Chết và Phục Sinh của Chúa, và trở nên, trong Đức Kitô, các dưỡng tử và dưỡng nữ của Thiên Chúa, là Cha chúng ta. Được tái tạo theo hình ảnh Đức Kitô, Ađam mới, chúng ta được mời gọi nhìn nhận Quyền làm Chúa của Người trong đời sống chúng ta và chia sẻ sứ vụ của Hội Thánh, Thân Mình Người, ngõ hầu biến đổi thế giới của chúng ta. Bí Tich Rửa Tội là cửa dẫn vào các Bí Tích khác, nhờ đó chúng ta lớn lên trong đời sống ân sủng cho đến khi, cuối cùng, chúng ta về đến quê hương thật của mình trên trời. Cuộc đời Kitô hữu của chúng ta, như một cuộc hành trình đức tin và kết hợp với Chúa, được nâng đỡ bằng cầu nguyện và bằng những cố gắng lớn lên trong việc noi gương Đức Kitô hàng ngày của chúng ta. Trong mùa Phục Sinh này, chúng ta có thể đánh giá cao hơn bao giờ hết hồng ân mà chúng ta không xứng đáng lãnh nhận trong ngày Rửa Tội của mình và quyết tâm sống trung thành với đời sống mới mà mình đã lãnh nhận trong Đức Kitô.

Nguồn: http://w2.vatican.va/content/francesco/en/audiences/2018/documents/papa-francesco_20180411_udienza-generale.html, ngày 11 tháng 4, 2018 (trước khi được thay thế bằng bản dịch tiếng Anh dài).

* * *

Anh chị em thân mến, Chào anh chị em!

Năm mươi ngày của mùa Phục Sinh rất thuận lợi cho việc suy niệm về đời sống Kitô hữu, mà theo bản chất của nó, là đời sống đến từ chính Đức Kitô. Thực ra, chúng ta là Kitô hữu theo mức độ chúng ta để cho Chúa Giêsu Kitô sống trong mình. Vậy chúng ta có thể bắt đầu làm sống lại ý thức này ở đâu nếu không phải ngay từ ban đầu, từ Bí Tích đã nhóm lên đời sống Kitô hữu trong chúng ta? Đó là Bí Tích Rửa Tội. Cuộc Vượt Qua của Đức Kitô, với năng lực mới của nó, đến với chúng ta qua Bí Tích Rửa Tội để biến đổi chúng ta theo hình ảnh Người: người đã được Rửa Tội thuộc về Chúa Giêsu Kitô. Người là Chúa của đời họ. Bí Tích Rửa Tội là “nền tảng của tất cả đời sống Kitô hữu” (Giáo lý Hội Thánh Công Giáo, 1213). Đây là Bí Tích đầu tiên trong các Bí Tích, vì nó như cánh cửa cho phép Đức Kitô cư ngụ nơi con người mình và cho mình được chìm ngập trong Mầu Nhiệm của Người.

Động từ Hy Lạp cho “Rửa Tội” có nghĩa là “dìm xuống” (x. GLHTCG, 1214). Rửa bằng nước là một nghi thức thông thường với các niềm tin khác nhau để diễn tả sự chuyển tiếp từ điều kiện này sang điều kiện khác, một dấu chỉ của sự thanh lọc cho một khởi đầu mới. Nhưng với Kitô hữu chúng ta thì đừng quên rằng nếu thân xác được dìm trong nước, thì linh hồn được dìm trong Đức Kitô để nhận được ơn tha tội và được sáng ngời với ánh sáng của Thiên Chúa (x Tertullian, Về sự Sống Lại của Kẻ Chết, VIII, 3: CCL 2, 931, PL 2, 806). Nhờ Chúa Thánh Thần, Bí Tích Rửa Tội nhận chìm chúng ta trong Cái Chết và sự Phục Sinh của Chúa, khi con người cũ, bị tội lỗi thống trị và bị tách rời khỏi Thiên Chúa, chết đuối trong giếng Rửa Tội, thì con người người mới, được tái tạo trong Chúa Giêsu, được sinh ra. Trong Người, tất cả con cái Ađam được mời gọi đến đời sống mới. Nghĩa là, Bí Tích Rửa Tội là một cuộc tái sinh. Tôi chắc chắn rằng tất cả chúng ta nhớ ngày sinh của mình: chắc chắn. Nhưng tôi tự hỏi, hơi nghi ngờ, và tôi hỏi anh chị em: mỗi người có nhớ ngày mình Rửa Tội không? Một số nói có - tốt. Nhưng đó là một trả lời “có” rất yếu ớt, bởi vì có lẽ nhiều người không nhớ ngày ấy. Nhưng nếu chúng ta mừng ngày sinh, thì làm sao chúng ta lại không thể mừng - ít nhất là nhớ - ngày tái sinh? Tôi sẽ cho anh chị em một bài tập ở nhà, một công tác để làm ở nhà hôm nay. Những ai không nhớ ngày Rửa Tội của mình, hãy hỏi mẹ, cô dì, chú bác, các cháu mình xem “có biết ngày lễ Rửa Tội của tôi không?” Và anh chị em đừng bao giờ quên nó nữa. Và hôm đó, tạ ơn Chúa, vì đó chính là ngày Chúa Giêsu đã vào trong tôi, Chúa Thánh Thần đã vào trong tôi. Anh chị em có hiểu rõ bài tập ở nhà không? Tất cả chúng ta phải biết ngày Rửa Tội của mình. Đó là một sinh nhật khác: sinh nhật tái sinh. Làm ơn đừng quên làm điều này.

Chúng ta hãy nhớ lại những lời cuối cùng của Đấng Phục Sinh nói với các Tông Đồ; đó chính là một mệnh lệnh: “Hãy đi và làm cho muôn dân thành môn đệ, rửa tội cho họ nhân danh Cha và Con và Thánh Thần” (Mt 28:19). Qua việc rửa bằng Bí Tích Rửa Tội, những ai tin vào Đức Kitô được dìm mình trong chính sự sống của Chúa Ba Ngôi.

Thực ra, không phải là bất cứ nước nào cũng là nước Rửa Tội, mà phải là nước trên đó Thần Khí “ban sự sống” (Kinh Tin Kính) đã được khẩn cầu. Hãy nghĩ đến điều Chúa Giêsu nói với ông Nicôđêmô, để giải thích cho ông về việc sinh ra trong sự sống thần linh: n“Nếu một người không được sinh ra bởi nước và Thần Khí, thì không thể vào Nước Thiên Chúa được. Cái gì sinh ra bởi xác thịt là xác thịt; còn cái gì sinh ra bởi Thần Khí là thần khí” (Ga 3:5-6). Vì vậy Phép Rửa cũng được gọi là “tái sinh”: chúng ta tin rằng Thiên Chúa đã cứu chúng ta “theo lòng thương xót của Ngài, bằng nước tái sinh và canh tân trong Thánh Thần” (Tit 3:5).

Cho nên Bí Tích Rửa Tội là một dấu chỉ hữu hiệu của việc tái sinh, để bước đi trong đời sống mới. Thánh Phaolô nhắc nhở các tín hữu Rôma: “Anh em không biết rằng, tất cả chúng ta đã chịu Phép Rửa trong Chúa Giêsu Kitô, nghĩa là chúng ta chịu Phép Rửa trong Cái Chết của Người sao? Như thế, chúng ta đã cùng được mai táng với Người bằng Phép Rửa trong Cái Chết của Người, để cũng như Ðức Kitô đã sống lại từ cõi chết nhờ vinh quang của Chúa Cha thế nào, thì chúng ta cũng sống một đời sống mới như vậy” (6:3-4).

Qua việc dìm chúng ta trong Đức Kitô, Bí Tích Rửa Tội làm cho chúng ta thành các chi thể của Thân Mình Người là Hội Thánh, và chia sẻ sứ vụ của Người trên trần gian (x. GLHTCG, 1213). Chúng ta, những người đã chịu Phép Rửa, không sống cô lập: chúng ta là chi thể của Thân Mình Đức Kitô. Sức sống tràn ra từ giếng Rửa Tội được minh họa bằng những lời của Chúa Giêsu: “Thầy là cây nho, các con là cành. Ai ở trong Thầy và Thầy ở trong người ấy, thì người ấy sinh nhiều hoa trái” (x. Ga 15: 5). Cùng sự sống ấy, sự sống của Chúa Thánh Thần, chảy từ Đức Kitô sang những người đã được Rửa Tội, liên kết họ thành một Thân Thể duy nhất (x. 1 Cor 12:13), được xức bằng dầu thánh và nuôi dưỡng ở bàn tiệc Thánh Thể.

Bí Tích Rửa Tội làm cho Đức Kitô sống trong chúng ta và chúng ta sống kết hợp với Người, để cộng tác trong Hội Thánh, mỗi người tuỳ theo hoàn cảnh của mình, ngõ hầu biến đổi thế gian. Chỉ được lãnh nhận một lần, Bí Tích Rửa Tội soi sáng toàn thể cuộc đời chúng ta, hướng dẫn các bước đi của chúng ta đến thành Giêrusalem trên Trời. Có một thời kỳ tiền và hậu Rửa Tội. Bí Tích này được coi như một cuộc hành trình đức tin, mà chúng ta gọi là dự tòng, nó là điều hiển nhiên khi một người lớn xin được lãnh Bí Tich Rửa Tội. Nhưng từ thời cổ xưa, trẻ em cũng được Rửa Tội trong đức tin của cha mẹ chúng (x Nghi Thức Rửa Tội cho trẻ em, Giới thiệu, 2). Và tôi muốn nói cùng anh chị em một vai điều về vấn đề này. Một số người nghĩ rằng: nhưng tại sao lại Rửa Tội cho một đứa trẻ chưa hiểu biết gì cả? Chúng ta hy vọng rằng khi lớn lên, nó sẽ hiểu và chính nó sẽ xin được Rửa Tội. Nhưng điều này có nghĩa là chúng ta không tin tưởng vào Chúa Thánh Thần, bởi vì khi chúng ta Rửa Tội cho một em bé, Chúa Thánh Thần ngự vào em bé ấy, và Chúa Thánh Thần vun trồng trong em bé ấy ngay từ tấm bé các nhân đức Kitô giáo mà sau này sẽ phát triển. Phải luôn luôn cho mọi người cơ hội này, cho tất cả trẻ em, để trong các em có Chúa Thánh Thần là Đấng sẽ hướng dẫn các em suốt cuộc đời. Đừng quên Rửa Tội cho trẻ em!

Không ai xứng đáng lãnh nhận Bí Tích Rửa Tội, một Bí Tích luôn luôn là một hồng ân nhưng không dành cho mọi người, người lớn và trẻ em. Nhưng như xảy ra cho một hạt giống đầy sinh lực, hồng ân này bén rễ và sinh hoa quả trong một mảnh đất được nuôi dưỡng bởi đức tin. Những lời hứa Rửa Tội mà chúng ta lập lại mỗi năm vào Đêm Vọng Phục Sinh phải được tái sinh mỗi ngày đề Bí Tích Rửa Tội có thể “Kitô hoá”: Chúng ta đừng sợ từ này; Bí Tích Rửa Tội “Kitô hoá”, những ai đã lãnh nhận Bí Tích Rửa Tội và được “Kitô hoá” thì nên “giống Đức Kitô”, họ được biến đổi trong Đức Kitô và Bí Tích này làm cho họ thực sự thành một Kitô khác.

Phaolô Phạm Xuân Khôi chuyển ngữ

Nguồn: http://w2.vatican.va/content/francesco/it/audiences/2018/documents/papa-francesco_20180411_udienza-generale.html.