Chiều Kích Cánh Chung Trong Đời Tu

Bài thuyết trình của Cha Phanxicô Salesio Lê Văn La Vinh, O.P cho các tu sĩ các dòng tại giáo phận Xuân Lộc

I. Vào đề:

Trong Kinh thánh Tân Ước - đặc biệt là nơi các sách Tin Mừng - Đức Giêsu đã đôi lần mặc khải cho chúng ta chiều kích cánh chung trong lời rao giảng của Ngài. Xin được trích đoạn Tin Mừng Mátthêu ở chương 22 như là nền tảng và là gợi hứng cho bài suy niệm này: “Hôm đó, có những người thuộc nhóm Sađốc đến gặp Đức Giêsu. Nhóm này chủ trương không có sự sống lại. Họ hỏi Người: “Thưa thầy, ông Môsê có nói: Nếu ai chết mà không có con, thì anh hay em của người ấy phải cưới lấy người vợ góa, để gây dựng một dòng giống cho anh hay em mình. Mà, trong chúng tôi, nhà kia có bảy anh em trai. Người anh cả lấy vợ, rồi chết, và vì không có con nối dòng, nên để vợ lại cho em. Người thứ hai, rồi người thứ ba cho đến hết bảy người, người nào cũng vậy. Sau hết, người đàn bà ấy cũng chết. Vậy, trong ngày sống lại, bà ấy sẽ là vợ ai trong số bảy người, vì tất cả đều đã lấy bà. Đức Giêsu trả lời họ: “Các ông lầm, vì không biết Kinh Thánh cũng chẳng biết quyền năng Thiên Chúa. Quả thế, trong ngày sống lại, người ta chẳng lấy vợ lấy chồng, nhưng sẽ giống như các thiên thần trên trời…” (Mt 22, 23-33)

II. Đôi lời dẫn nhập:

Như chúng ta đã biết, Đại lễ Phục sinh là trung tâm điểm của niềm tin Kitô giáo, và mầu nhiệm Phục sinh của Chúa Giêsu là nền tảng đức tin, là động lực, là nguồn hứng khởi và cũng là ánh sáng soi rọi cho người Kitô hữu trên hành trình đức tin để đi về Nước Trời. Trong đoàn người lữ hành này, các tu sĩ đang sống đời dâng hiến vừa là thành phần, và cũng vừa là “con chim đầu đàn” trong cộng đoàn lữ hành đức tin tiến về nhà Chúa.

Bởi đó, mục đích tối hậu của người đi tu sống đời dâng hiến là đi tìm Chúa, gặp Chúa và sống với Chúa ngay trong cuộc sống ở trần gian này. Điều này giả thiết là người tu sĩ phải có một tình yêu lớn lao với Thiên Chúa và có một lòng mến nồng nàn với tha nhân.

Mặt khác, khi nói tới đời sống của người tu sĩ là nói tới việc sống độc thân, tính khó nghèo và đức vâng phục; có nghĩa là, khi đi tu là lúc người tu sĩ tự nguyện cam kết dấn thân cho Chúa và cho Giáo hội khi tuyên khấn 3 lời khuyên Tin Mừng: Khiết tịnh, khó nghèo và vâng phục. Nhưng 3 lời khuyên Tin Mừng mà người tu sĩ tuyên khấn không phải là mục đích của đời tu mà chỉ là phương tiện; và phương tiện này giúp cho người tu sĩ đạt tới được cùng đích đời tu đó là sống với Chúa và vui hưởng Nước Trời khi diễn tả chiều kích cánh chung trong cuộc sống hiện tại, phục vụ Chúa và tha nhân; đồng thời họ cũng trở thành nhân chứng cho Nước Trời.

Thế nhưng, trước khi khảo sát đến chiều kích cánh chung, chúng ta cùng nhau tìm hiểu và sống chiều kích vượt qua của đời tu hôm nay.

III . Theo Chúa Kitô trên đường khổ nạn:

Bước theo Chúa Kitô - sequel Christi – đây là điều mà người tu sĩ luôn tâm nguyện để mỗi ngày phải lên đường và trở nên giống Thầy Giêsu của mình.

Mặc dầu ngày hôm nay có nhiều hình thức sống đời tận hiến với sự hiện diện của nhiều dòng tu, nhiều hội dòng với những sắc thái và nhiều hoạt động cũng như sứ vụ khác nhau; nhưng khi càng gần gũi với thập giá của Đức Giêsu - tựu trung lại - thì người tu sĩ sẽ dần dà khám phá và thấu hiểu được chân lý “Thiên Chúa là tình yêu” như thánh Gioan đã từng tuyên bố (I Ga 4,8b).

Qua mầu nhiệm thập giá, Thiên Chúa đã biểu lộ quyền năng và tình yêu của Ngài cách tỏ tường và trọn vẹn. Từ đó, những người sống đời thánh hiến cũng phản ánh tình yêu và sự hiện diện của Thiên Chúa trong sự dấn thân và phục vụ nơi cuộc sống của mình. Qua kinh nghiệm tiếp xúc thường ngày cũng như các thông tin viễn thông, chúng ta vẫn biết là có một số lớn những tu sĩ đang thường xuyên làm chứng về điều này cách can đảm và đáng nể phục với những hoàn cảnh khó khăn họ phải đương đầu trong cuộc sống, trong khi thi hành sứ vụ và trong việc đối thoại với con người hôm nay. Thêm vào đó là bệnh tật, công việc, hoàn cảnh sống, có khi là sự thờ ơ ghẻ lạnh của nhân gian trước sứ điệp và lời chứng mà các tu sĩ đang thực hiện… đều là những gánh nặng, những thập giá mà những người thánh hiến phải đối diện, phải mang vác hàng ngày để nên giống Thầy Giêsu chí thánh.

Chính lúc chấp nhận và chịu đựng những đau khổ này, hơn ai hết, các tu sĩ hiểu rõ rằng họ đang bước theo Thầy Giêsu chí Thánh để thể hiện lòng trung tín và tình yêu đối với Thiên Chúa và đang hoàn thành ý nguyện dâng hiến của mình. Và một hệ quả nảy sinh xuất phát từ lòng trung thành với Thiên Chúa cũng sẽ đưa người tu sĩ đến lòng tận tụy với tha nhân: điều này có thể làm cho cuộc đời của người tu sĩ bị phân mãnh, bị bẻ ra vì những nhu cầu và đòi hỏi của sứ vụ trong việc phục vụ tha nhân, phục vụ Giáo hội.

Và như thế, ngay trong đời sống hàng ngày, khi đối diện với Thiên Chúa cũng như khi đồng hành và phục vụ tha nhân, người tu sĩ đã và đang phải sống và trãi nghiệm mầu nhiệm Vượt Qua của Chúa Giêsu trong chính cuộc đời của mình. Điều này đòi hỏi nơi người tu sĩ một lòng mến thiết tha đối với Thiên Chúa và một tình yêu nồng nàn với anh chị em đồng loại của mình… nếu không tất cả chỉ là gánh nặng, sự chắp vá, khập khiển với một nhân đức chịu vậy mà người tu sĩ phải cố gồng mình, kéo lê cuộc sống trong đời tu của mình.

IV. Sống thời cánh chung trong hiện tại:

Tu sĩ là những người, tuy còn sống trên trần gian, nhưng nếp sống của họ đã sống trước và diễn tả khá rõ thực tại cánh chung trong đời sống hàng ngày của mình.

Theo bài Tin Mừng thánh Mátthêu được trích dẫn làm chủ để cho bài suy tư này mà chúng ta vừa đọc. Chúa Giêsu đã giới thiệu cho chúng ta thấy phần nào cuộc sống mai hậu mà nhân loại sẽ bước vào mà ở đó, đời tu là một nếp sống diễn tả điều này rõ nét nhất. Nơi đó, mọi người sẽ không còn bận tâm gì đến chuyện nhân gian với những lo toan của kiếp sống con người; và ai nấy sẽ chỉ sống như các thiên thần được vui hưởng nhan thánh Chúa.

Xin lấy một vài minh họa để diễn tả chiều kích cánh chung mà người tu sĩ đang sống hôm nay:

Khi yêu ai, chúng ta muốn sống gần người ấy. Người tu sĩ yêu Chúa nên đã bỏ mọi sự để lên đường tìm Chúa. Yêu mà chưa một lần gặp mặt, chưa được cận kề… cho nên người tu sĩ vẫn luôn nhớ và tưởng nghĩ đến Chúa…; nhớ như vợ nhớ chồng - mà “hòn vọng phu” là một điển tích cũng minh họa được nỗi nhớ mong này. Nhớ hoài nên cứ mãi thầm ước, thầm mong, thầm xin: “Maranatha… Ngài ơi xin mau đến” với tất cả niềm vui mừng và hy vọng của họ đang khi chờ đợi Ngài…

Điều này được nêu lên trong Tông huấn Đời sống thánh hiến của Đức thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II khi ngài viết: “Trong Giáo hội tiên khởi, người ta sống cao độ niềm chờ mong Đức Chúa ngự đến. Qua các thời đại, Giáo hội không ngừng duy trì lòng trông mong đó: Giáo hội tiếp tục mời gọi các tín hữu đưa mắt hướng về ơn cứu độ sắp tới lúc được biểu lộ rồi; Trong viễn tượng này, ta hiểu rõ hơn vai trò của đời thánh hiến là làm dấu chỉ cánh chung. Quả thế, Giáo lý vẫn trình bày đời sống này như là sự tiên báo về vương quốc đang đến… Những người dâng hiến cuộc đời cho Đức Kitô chỉ còn sống trong niềm mong ước được gặp Người, ngõ hầu được sống với Người mãi mãi… ; nỗi niềm mong chờ và ước vọng ấy được nâng đỡ bởi những ân huệ mà Chúa ban dồi dào cho những ai đi tìm những gì thuộc về thượng giới.”

Như thế, theo nhãn quan của Tông huấn, chúng ta - là những người tu sĩ - được nhắc nhở rằng, trên đời này, chúng ta không có thành trì vững chắc nào cả, bởi vì quê hương chúng ta là ở trên trời, nói theo kiểu nói của thánh Phaolo (X. Pl 3,20).

Và để thể hiện điều này, chúng ta thấy ba Lời tuyên khấn như là một động thái mà người tu sĩ tự nguyện cam kết để sống chiều kích cánh chung ngay trong cuộc sống đời thường hôm nay.

Minh họa thứ hai để diễn tả chiều kích cánh chung trong đời sống dâng hiến của người đi tu: Vì yêu mến Chúa hết lòng nên người tu sĩ dám chấp nhận sống cuộc đời hy sinh khi tự nguyện cam kết sống ba lời khuyên Tin Mừng đó là khiết tịnh, khó nghèo, vâng phục.

Khi đã khám phá được và nhận Chúa Giêsu là người yêu lý tưởng và trọn hảo của đời mình, thì người đi tu sẽ thấy rằng, của cải, tình người, tình đời sẽ không là gì cả khi so sánh với Chúa Giêsu và họ sẵn sàng từ bỏ tất cả để có được Chúa Giêsu.

• Khi sống khiết tịnh:

Người tu sĩ khấn sống đời độc thân - khiết tịnh, vì sống khiết tịnh là bắt đầu và phỏng theo nếp sống của các thiên thần trên thiên quốc, các ngài chỉ ngày đêm lo phụng thờ Thiên Chúa như Chúa Giêsu đã nói trong Tin Mừng Mátthêu: “Quả thế, trong ngày sống lại, người ta chẳng lấy vợ lấy chồng, nhưng sẽ giống như các thiên thần trên trời” (Mt 22,30). Hay nói cách khác, người tu sĩ hôm nay sống trong đời tu là họ đã sống trước thực tại mai ngày trên thiên quốc, họ đang sống như các thiên thần, không lấy vợ lấy chồng, không bận tâm lo lắng những chuyện thế gian, và suốt cuộc đời (suốt ngày) chỉ dành trọn cho Thiên Chúa mà thôi.

Nhân đây cũng xin được một lần nữa minh định rằng, các tu sĩ khi khước từ tình yêu hôn nhân không phải vì khinh chê hay coi thường đời sống vợ chồng, cũng không phải vì họ là những người không có khả năng hay không có điều kiện để xây dựng cho mình một gia đình. Nhưng trái lại, họ là một người bình thường trong xã hội, người tu sĩ biết rõ cái sướng cái khổ của cuộc đời, nhưng họ chọn lựa sống cuộc sống không vợ không chồng vì họ đã yêu thương một Đấng là Thiên Chúa cách trọn vẹn nên họ không còn cần phải yêu ai nữa. Niềm hy vọng cánh chung của họ được diễn tả trong cách sống như những thiên thần ngay tại thế này khi ngày đêm cận kề để ca tụng, tán dương và khẩn cầu với Thiên Chúa và mong đợi sự trở lại của Ngài.

• Cánh chung và đức thanh bần:

Khi yêu ai, chúng ta thường bắt chước và vâng nghe người ấy, mà Đức Giêsu là người tình, là mẫu gương, là thần tượng mà người tu sĩ quyết tình noi gương. Ngài là một người nghèo. Đã sống nghèo, chết nghèo và mời gọi chúng ta noi theo để bắt chước cuộc sống của Ngài. Ngài không có ý làm cho người môn đệ theo Ngài phải khổ hay Ngài muốn bần cùng hóa cuộc sống của chúng ta. Nhưng Ngài muốn chúng ta sống nghèo và có tinh thần nghèo khó là để tránh đi những ràng buộc của vật chất, sự dính bén và ham hố đến của cải… để chúng ta - người tu sĩ - có thể thanh thoát nhẹ nhàng bước đi mà sống tận hiến cho Thiên Chúa và tha nhân.

Hơn nữa, kinh nghiệm đời thường cho thấy là khi chúng ta ham mê hay dính bén nhiều với của cải, thì còn đâu tâm trí mà hướng về Chúa và khó cởi mở tấm lòng với tha nhân như Chúa Giêsu đã từng nói: “kho tàng của anh ở đâu thì lòng anh ở đó” (Mt 6,19)

Vẫn biết rằng, mọi thụ tạo Thiên Chúa làm ra đều là tốt đẹp cho con người hưởng dùng. Và sự tiến bộ cũng như các phát minh khoa học là để phục vụ cho nhu cầu của con người. Thế nhưng người tu sĩ khi đã chọn Chúa làm gia nghiệp, cộng với đức thanh bần của lời khấn khó nghèo đã giúp họ biết chọn lựa và biện phân để thấy rằng, tất cả chỉ là phương tiện để giúp người tu sĩ sống tốt và hạnh phúc. Nhờ đó họ có thể thanh thoát, bình an để sống cuộc đời thanh bần, đạm bạc trong cuộc sống mỗi ngày của đời dâng hiến.

• Cánh chung và vâng phục:

Một khi yêu ai, chúng ta thường nghe lời người đó và không làm trái ý, phật lòng người yêu của mình. Mà người tu sĩ là người hiến thân trọn đời để tìm Chúa Giêsu, để gặp và để sống với Chúa Giêsu trong những ngày sống của họ.

Chúa Giêsu đã vâng phục Chúa Cha trong mọi sự, và chúng ta noi gương Ngài để cùng sống nhân đức vâng phục: vâng phục với Chúa, vâng phục bề trên và vâng phục cộng đoàn của mình.

Khi thực hành đức vâng phục, người tu sĩ khiêm tốn từ bỏ ý riêng, tìm kiếm thánh ý Thiên Chúa qua việc tuân phục bề trên và cộng đoàn của mình. Chính khi thực hành đức vâng phục, người tu sĩ cho thấy được tính siêu việt trong những hành vi thường ngày: họ chấp nhận từ bỏ ý riêng, bỏ đi “cái tôi” sĩ diện để tìm kiếm và sống điều thiêng liêng, linh thánh ngay trong cuộc sống thường ngày.

Để diễn tả chiều kích cánh chung cụ thể và rõ ràng hơn nơi đời sống của những người sống đời dâng hiến, Hiến chế Lumen Gentium - Hiến chế Tín lý về Giáo hội - có nói: “Việc khấn giữ các lời khuyên Phúc âm thực là một dấu chỉ có thể và phải lôi cuốn hữu hiệu tất cả mọi chi thể của Giáo hội đến việc can đảm chu toàn ơn gọi Kitô hữu. Thực vậy, dân Thiên Chúa không đặt thành trì vĩnh viễn ở đời này, nên đi tìm một thành trì mai sau nên bậc tu trì giải thoát người tu sĩ bớt những lo lắng trần tục, tỏ lộ cách hoàn hảo hơn cho người tín hữu thấy của cải trên trời đã có ngay dưới trần gian này và làm chứng rằng ơn cứu độ của Chúa Kitô đã đem lại một đời sống mới và vĩnh cửu, đồng thời tiên báo sự phục sinh tương lai và vinh quang Nước Trời.”

Và như vậy, chúng ta thấy đời sống thánh hiến diễn tả tính thánh thiêng và siêu việt chứ không đơn thuần là việc mưu sinh trần thế của một nhóm người sống chung. Mặc dầu, cũng như thánh Phaolô, những tu sĩ cũng cần phải có nghề nghiệp, và biết lao động để có kế sinh nhai hầu nuôi sống mình và anh chị em khác. Nhưng cũng như thánh Phaolô, các người thánh hiến cũng thâm tín rằng không ai trong số họ sống cho mình, và cũng không ai chết cho mình. Họ sống là sống cho Thiên Chúa, vì Đức Kitô đã chết và sống lại, chính là để làm Chúa kẻ sống cũng như kẻ chết (x.. Rm 14,7-9). Điều này được thể hiện rõ nét trong đời sống và linh đạo của những người thánh hiến hôm nay.

Hơn nữa, trong thời đại hôm nay, người thánh hiến được mời gọi dấn thân để làm cho Vương Quốc của Thiên Chúa được thể hiện và giá trị Tin Mừng được biểu lộ. Song song vào đó, các tu sĩ là dấu chỉ của Vương Quốc và diễn tả tinh thần cánh chung trong hiện tại, nên chúng ta cần phải mang tinh thần nghèo khó, được thanh luyện và siêu thoát khỏi tinh thần tư lợi để sẵn sàng phục vụ hòa bình, sống liên đới, biết tỏ lòng thương cảm đặc biệt đối với người nghèo khổ cùng khốn. Đồng thời, người tu sĩ hôm nay phải nhạy cảm với các nhu cầu của thế giới để hướng thế giới đến một niềm hy vọng phục sinh mà hôm nay họ đang diễn tả trước thực tại này trong đời sống tu trì của họ.

IV. Tạm kết luận:

Trong niềm tin, chúng ta đang cất bước tiến về những thực tại đại thể như: Phục sinh, Nước Trời, Trời mới, Đất mới, sự sống đời đời (Cl 3, 1-4; Kh 21, 1-4). Những thực tại ấy vẫn còn trong tương lai và là nơi Đức Kitô hứa ban cho chúng ta (X. Ga 14,1-3). Tuy nhiên, trong Đức Kitô Phục Sinh, những thực tại này đã xuất hiện, cái tương lai ấy đã khởi đầu rồi. Như thế không có hai cuộc sống: hiện tại và tương lai. Ngay từ hôm nay chỉ có một cuộc sống, một cuộc sống thay đổi dưới tác động của Đức Kitô và Thần Khí của Người.

Sự Phục Sinh của Đức Giêsu là khởi điểm cho sự phục sinh - cánh chung - của toàn thể nhân loại. Thực tại cánh chung biến đổi thực sự thân phận con người, khiến con người có khả năng dấn thân cho một thế giới mới, nhờ đức tin và phép rửa, trở nên tạo vật mới trong Chúa Kitô (X. 2 Cr 5,17 ; Gl 6,15)

Viễn tượng cánh chung này đẹp và hấp dẫn khiến cho nhiều người trong nhân loại - là các tu sĩ - dấn thân bước theo trong đời sống tu trì. Bởi lẽ, cuộc sống tu trì mà người tu sĩ đang đeo đuổi mang lại niềm hy vọng về một sự sống mới, sự sống thiêng liêng trong Đức Giêsu mà hôm nay họ đang sống trước.

Thiết nghĩ, vai trò chứng nhân của những người thánh hiến nên được phát huy lúc này, có nghĩa là, người tu sĩ cần phải làm chứng cho thế giới hôm nay - một thế giới mà trong đó người ta cổ võ nhiều cho sự hưởng thụ, một thế giới mà nhiều người cắm đầu để thu vén, tranh giành thủ đắc thật nhiều những giá trị chóng qua và chỉ tìm kiếm những lợi lộc trần gian như là mục đích lớn nhất của đời người - rằng “Trước hết phải tìm kiếm Nước Thiên Chúa và đức công chính của Người…” (Mt 6,33tt). Nhờ đó, đời sống của những người dâng hiến hôm nay diễn tả được thực tại cánh chung đang có đó. Và điều này chính là mục đích tối hậu của cuộc đời mỗi người - người tu sĩ nói riêng và nhân loại nói chung – phải đạt tới.

Xin được mượn lời của đức thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II nhắn nhũ với các tu sĩ như để kết thúc cho bài chia sẻ này: “Hỡi những người tận hiến yêu quý, các con hãy biến cuộc đời mình thành cuộc sốt sắng trông đợi đức KITÔ; hãy đi đón Người như những trinh nữ khôn ngoan đi đón Lang quân. Hãy sẵn sàng luôn luôn, hãy trung thành với Đức Kitô và Giáo hội, với tu hội của mình và với con người của thời đại này. Nhờ thế, ngày qua ngày, các con sẽ được Đức Kitô đổi mới… Mong sao thế giới sẽ được trao vào tay con người sẽ luôn được nhân đạo hơn, công bằng hơn, trở nên dấu chỉ báo trước thế giới sắp đến, trong đó Thiên Chúa khiêm hạ và vinh hiển, khó nghèo và được siêu tôn, sẽ trở thành niềm hoan lạc sung mãn và trường tồn cho chúng ta, cho anh chị em chúng ta, cùng với Chúa Cha và Chúa Thánh Thần.”

Mùa Phục sinh 2018

Lm. Fr. Lê Văn La Vinh, OP.