ĐGH Phanxicô: Đừng là những Kitô hữu dừng chân tại chỗ.

(Vatican News) ĐGH Phanxicô nói rằng những người Kitô hữu đích thực không ngừng tiến bước sau khi nhận được món quà ân sủng đầu tiên. Họ luôn tiến về phía trước, tiếp tục tìm kiếm niềm hân hoan vui mừng với Thiên Chúa.

“Các ông mà không thấy những điềm thiêng dấu lạ, thì các ông sẽ chẳng tin đâu.” Đó là lời Chúa Giê-su cảnh báo viên sĩ quan khi ông này đến xin Ngài chữa bệnh cho con trai mình. Người ta đã biết Đức Giê-su từng làm nhiều phép lạ cả thể; và trong bài Phúc Âm vào ngày thứ Hai hôm nay, Thiên Chúa dường như đã không còn kiên nhẫn nữa bởi vì những phép lạ của Chúa hình như mới chính là vấn đề mà họ thực sự quan tâm. Trong bài giảng sáng nay, ĐGH đã chia sẻ đoạn Tin Mừng ấy như sau:

“Đức tin của các con ở đâu? Khi nhìn thấy phép lạ, một điềm thiêng, con nói “Ngài có năng quyền, Ngài quả thật là Thiên Chúa”. Vâng, Đó là một hành động của đức tin, nhưng nó rất nhỏ. Đức tin khởi đi bằng chứng cứ thật rằng con người này có năng quyền mạnh mẽ. Đức tin bắt đầu từ đó, nhưng rồi nó phải tiến xa hơn nữa. Đâu là ước muốn của các con dành cho Thiên Chúa? Chính đức tin này thúc giục con đi tìm Thiên Chúa, để gặp được Ngài, để ở với Ngài, để vui mừng hân hoan với Ngài.”

Thiên Chúa mời gọi chúng ta hân hoan vui mừng thật sự.

Phép lạ cả thể của Thiên Chúa có ý nghĩa gì? Bài đọc thứ nhất của sách tiên tri Isaiah, giải thích cho chúng ta rằng “Này đây, Ta sáng tạo ra trời mới và đất mới… hãy hân hoan vui mừng vì những gì chính Ta đã sáng tạo.” Thiên Chúa làm cho ước muốn của chúng ta được hân hoan vui mừng khi được ở với Ngài.

“Khi Thiên Chúa đi vào đời sống và thực hiện phép lạ nơi mỗi người, thì chúng ta biết rằng Thiên Chúa đã làm gì cho cuộc đời của mình, phép lạ không dừng lại ở đó, mà là một lời mời gọi chúng ta tiến về phía trước, tiếp tục cuộc hành trình đi tìm kiếm tôn nhan Ngài, đi tìm niềm hoan lạc nơi Ngài.”

Một Kitô hữu đích thực chấp nhận rủi ro.

ĐGH nói rằng tất cả chúng ta có thể tự đặt câu hỏi cho mình, “Thực sự tôi ước muốn điều gì? Tôi có thực sự ước muốn kiếm tìm Thiên Chúa và để được ở với Ngài không?” Hay là tôi sợ hãi, hay là tôi nửa vời? Cái gì là thước đo lòng ước muốn của tôi? Tôi có bằng lòng với món khai vị, hay tôi còn ước muốn tham dự bàn tiệc đã dọn sẵn cho tôi?

ĐGH kết thúc bài giảng bằng cách khuyến khích mọi người hiện diện hãy bảo vệ và duy trì niềm ước muốn của mình, không chỉ bằng lòng với những gì đang có. “Hãy tiến lên phía trước một chút, chấp nhận sự rủi ro, vì người Kitô hữu đích thực chấp nhận rủi ro, dám bước ra khỏi khu vực an toàn của mình.”

Giuse Thẩm Nguyễn