Chúa Nhật II Thường Niên năm B

Thánh Gioan Tẩy giả giới thiệu Chúa Giêsu với hai môn đệ của mình: “Đây là chiên Thiên Chúa”. Hai môn đệ chính là thánh Gioan Tông Đồ và thánh Anrê Tông đồ.

1. Thánh Gioan và thánh Anrê ở lại với Chúa.

Sau lời giới thiệu ấy, hai môn đệ đi theo Chúa Giêsu. Chúa hỏi: “Các anh tìm gì thế?”. Nhưng hai môn đệ không đi “tìm gì”, mà là đi tìm một Con Người. Họ tìm chính Chúa. Chúa chính là lẽ sống, là nguồn ủi an, là chỗ dựa, là đích đến của đời người.

Lời đầu tiên, hai môn đệ thốt lên sau khi gặp Chúa, đó là: “Thưa Thầy, Thầy ở đâu?”. Câu hỏi ấy là câu hỏi muốn hiểu, muốn tìm đến và muốn ở lại với Thầy.

Chúa Giêsu không nói Người ở một nơi cố định nào, nhưng lại mời gọi: “Hãy đến mà xem”. “Hãy đến mà xem”, nghĩa là hãy đến để chứng kiến, đến để cảm nghiệm tường tận không chỉ cuộc sống của Chúa, mà còn là chứng kiến và cảm nghiệm rõ ràng về chính Chúa, Đấng mà họ muốn tìm.

Hai môn đệ, từ trước đã nghe nói về Chúa, đến nay lại thực sự được gần Chúa, ở bên cạnh Chúa, trực tiếp chứng kiến cuộc sống và hoạt động của Chúa. Họ vui mừng. Họ hạnh phúc.

“Đến mà xem” là lời mời gọi đi vào cuộc gặp gỡ thân thiết. Đó sẽ là cuộc gặp gỡ lòng kề lòng với Đấng Cứu Thế. Đó cũng là cuộc gặp gỡ giữa người trần thế với “Đấng Nhân Danh Chúa mà đến”.
Đó còn là cuộc gặp gỡ bằng cảm nghiệm thiêng liêng về một tình yêu vừa nhiệm lạ vừa sâu lắng xuất phát từ chính cung lòng của Thiên Chúa đến với con người. Một khi đã cảm nghiệm sâu sắc về Chúa, đã yêu Chúa bằng tất cả nội tâm, bằng tất cả ý chí, bằng tất cả nỗ lực muốn hiến thân theo Chúa và cho Chúa, hai môn đệ đã “đến xem và ở lại với Người” (Ga 1, 39).

Họ tình nguyện ở lại với Chúa. Từ nay hai con người sẽ được đổi mới. Cả thánh Anrê và thánh Gioan đều là những tông đồ nhiệt thành của Chúa. Các ngài tin tưởng hoàn toàn nơi Chúa. Các ngài chấp nhận sự giáo dục của Chúa. Các ngài sẽ được biến đổi để làm việc của Chúa, đó là chinh phục tâm hồn con người về cho Chúa.

2. Thánh Phêrô (Simôn) theo Chúa.

Riêng thánh Anrê, ngày hôm qua vừa theo Chúa, thì hôm nay thánh nhân giới thiệu Chúa cho thánh Phêrô, em của mình. Thánh Anrê sung sướng nói với em: “Chúng tôi đã gặp Đấng Cứu Thế”. Đây là tiếng reo bộc lộ một niềm vui khám phá, một niềm vui lớn lao, một niềm vui nội tâm miên man và đầm ấm.

Đó chính là kết quả của việc gặp Chúa và ở lại với Chúa. Vì chỉ khi sống với Chúa mới biết Chúa. Chỉ khi cảm nếm Chúa mới có thể trải nghiệm đúng mức về Chúa. Có biết Chúa, có trải nghiệm về Chúa, mới có đủ hành trang ra đi mang Chúa đến với tâm hồn con người.

Qua hành động giới thiệu về Chúa cho em mình là Simôn (Phêrô), thánh Anrê cho thấy chính mình đã thực sự tin tưởng vào Chúa. Từ nay, không phải một mình độc chiếm Chúa Giêsu, nhưng thánh nhân sẽ ra đi mời gọi mọi người đến với Chúa, chiếm lĩnh Chúa như chính bản thân đã chiếm lĩnh.

Cuộc giới thiệu Chúa cho thánh Phêrô chỉ là một cuộc loan báo khai mở cho cả một đời dấn thân gieo rắc Tin Mừng của thánh Anrê. Cuộc gặp gỡ sau khi ở lại với Chúa đã làm cho thánh Anrê biến đổi. Từ nay, thánh nhân sẽ theo Chúa để trở thành “người chài lưới người ta” vì Chúa, vì sự nghiệp Nước Trời.

Thái độ của các môn đệ đầu tiên là thái độ đáng để chúng ta học tập: Sau khi đón nhận lời giới thiệu về Chúa ("Đây Chiên Thiên Chúa" hay "Chúng tôi đã gặp Đấng Cứu Thế"), ngay lập tức, họ đã bỏ mọi sự mà theo Chúa. Theo cách nhanh chóng, theo không hề để bất cứ thứ gì cản trở, không để bất cứ thứ gì gây khó khăn.

Từ nội dung bài Tin Mừng cho ta bài học quý giá, đó là: Muốn theo Chúa, muốn làm tông đồ, làm nhà truyền giáo của Chúa, phải biết từ bỏ, phải trở nên thanh thoát, không vướng bận một chút lo toan vật chất, của cải nào.

Đúng hơn, đi theo Chúa, chỉ cần người môn đệ mang theo trong tâm hồn một thứ hành trang duy nhất cần thiết, đó là lòng yêu mến và tin tưởng phó thác. Họ chỉ chân nhận một mình Chúa làm lý tưởng, làm lẽ sống, và cùng đích đời mình.

Nhà truyền giáo phải biết rằng, mọi của cải vật chất, mọi tiện nghi… đều trở thành chướng ngại cho việc truyền giáo. Bởi công tác truyền giáo là công tác khó khăn. Chỉ có lòng yêu mền và tín thác vào Chúa, mới có thể vượt qua.

3. Chúng ta tiếp bước các thánh Tông đồ.

Tất cả các Tông đồ và qua các Tông đồ là mọi thành phần của Hội Thánh thuộc mọi thời đại, đều được Chúa trao cơ đồ của Chúa là cả Hội Thánh này để xây dựng, gìn giữ và phát triển, mang ơn cứu độ đến cho mọi con người.

Ta cũng hãy “ở lại với Chúa” bằng sự trau dồi Lời Chúa, học hỏi giáo lý, nhất là bằng việc cầu nguyện, bằng đời sống bác ái, bằng sự dấn thân không mệt mỏi cho đức tin của mình.

Như vậy, không chỉ các Tông đồ, mà còn những ai theo Chúa qua mọi thời điểm của lịch sử, đều gặp chính Chúa sâu lắng nhưng đậm đà trong chính nội tâm của mình. Họ đã tìm được tình thương đỡ nâng, một tình thương có sức nung đốt và lôi kéo nhiều người thất bại, vấp ngã trong cuộc đời trở về cùng Chúa, cảm nếm chính Chúa như họ.

Nối tiếp hành trình của các Tông đồ, để trở thành những tông đồ của Chúa giữa thời đại hôm nay, chúng ta hãy luôn thâm tín rằng, sống với Chúa, nên một với Chúa, là bản thân đã đến đúng địa chỉ, đã tìm được đúng nguồn sống, đã gặp chính Đấng lòng mình khao khát, đã thỏa mãn niềm ước vọng cảm nếm Chúa.

Vì thế, bất luận là ai, một khi theo Chúa, đều cần tự nguyện làm môn đệ trung thành của Chúa, đều cần phải nuôi lòng mong muốn tìm gặp Chúa, mong muốn "đến xem" Chúa, mong muốn "ở lại" với Chúa.

Vì thế, để giới thiệu về Chúa, phải biết Chúa. Để biết Chúa, chỉ có con đường duy nhất là sống với Chúa. Sống với Chúa chính là chuyên chăm học hỏi, suy niệm Lời Chúa và chiêm nghiệm trước Thánh Thể mỗi ngày để trở nên người giới thiệu Chúa cách trung thực và chính xác cho người khác.

Bất luận là ai, một khi theo Chúa, đều cần tự nguyện làm môn đệ trung thành của Chúa, đều cần phải nuôi lòng mong muốn tìm gặp Chúa, mong muốn "đến xem" Chúa, mong muốn "ở lại" với Chúa.
Có một tâm tư mạnh như thế, chúng ta sẽ lên đường để giới thiệu Chúa cho muôn người cách hiệu quả. Hãy nhớ, những người theo Chúa trong tâm thế như vậy, đều thực là môn đệ của Chúa.