Ngày 28 tháng 11, 2017, ngày thứ hai trong chuyến tông du Miến Điện, Đức Phanxicô đã có một nghị trình hết sức sít sao. Vào buổi sáng, ngài đã gặp gỡ các nhà lãnh đạo tôn giáo của Miến Điện tại Tòa Tổng Giám Mục Yangon, rồi cử hành thánh lễ tiêng cũng tại đây.

Tổng Thống Kyaw tiếp đón

Sau khi ăn trưa, ngài dùng xe hơi tới Phi Trường Yangon để đáp máy bay lúc 2 giờ chiều tới tân thủ đô là Nay Pyi Taw. Tới đó khoảng một giờ sau, ngài được 1 vị bộ trưởng đại diện Tổng Thống tiếp đón tại Phi Trường Quốc Tế Nay Pyi Taw.

Sau đó, ngài dùng xe tới Dinh Tổng Thống. Buổi lễ nghinh đón ngài chính thức được tổ chức trước Dinh Tổng Thống vào lúc 3 giờ 50 chiều với đủ thánh ca, dàn danh dự quân đội và giới thiệu các phái đoàn. Sau đó, Đức Giáo Hoàng gặp riêng Tổng Thống Htin Kyaw tại “Phòng Quốc Thư” của Dinh Tổng Thống. Tại đây, ngài đã viết bằng tiếng Anh vào Sổ Lưu Niệm: “Tôi cầu xin Thượng Đế ban các phúc lành công lý, hòa bình và hợp nhất cho toàn thể nhân dân Miến Điện”.

Trong cuộc gặp gỡ này, Đức Phanxicô đã tặng Tổng Thống một bản chép tay của Thư Viện Tông Tòa Vatican chứa câu truyện của Malalankaravatthu về đời sống Đức Phật trong 7 tình tiết, có hình ảnh và viết bằng tiếng Miến Điện.

Gặp Cố Vấn Tối Cao Suu Kyi

Sau cuộc gặp gỡ Tổng Thống Kyaw, Đức Thánh Cha đã tới gặp Cố Vấn Tối Cao là bà Aung San Suu Kyi tại Trung Tâm Hội Nghị Quốc Tế ở Nay Pyi Taw, nơi ngài cũng gặp các nhà cầm quyền, các nhà lãnh đạo xã hội dân sự cũng như ngoại giao đoàn.

Nhân dịp này, Bà Suu Kyi đã thưa với Đức Giáo Hoàng rằng “Kính thưa Đức Thánh Cha, ngài mang đến cho chúng tôi sức mạnh và hy vọng khi ngài hiểu các nhu cầu của chúng tôi, các hoài mong của chúng tôi, đối với hoà bình, hòa giải quốc gia, và hoà hợp xã hội”. Bà trích dẫn các lời trong bản quốc ca Miến: “Không bao giờ chệch hướng khỏi tự do công chính” và nhấn mạnh rằng “các thách đố mà Miến Điện đang đối phó thì khá nhiều, và mỗi thách đố đều kêu gọi phải mạnh mẽ, kiên trì và can đảm”.

Cố Vấn Tối Cao ghi nhận rằng Miến Điện là một quốc gia với “bức thảm phong phú gồm nhiều dân tộc, ngôn ngữ, và tôn giáo khác nhau, đan kết với nhau trên một bức phông gồm nhiều tiềm năng thiên nhiên rộng lớn”. Bà cho hay chính phủ nhằm “khai thác vẻ đẹp của tính đa dạng và biến nó thành sức mạnh của chúng tôi, bằng cách bảo vệ quyền lợi, cổ vũ khoan dung, bảo đảm an ninh cho mọi người”.

Bà trưng dẫn sự quan trọng phải tiếp tục diễn trình hòa bình dựa trên Thỏa Hiệp Ngưng Bắn Toàn Quốc đã do Chính Phủ tiền nhiệm khởi xướng.

Bà nhìn nhận “Con đường hòa bình không luôn phẳng phiu, nhưng nó là con đường duy nhất sẽ dẫn nhân dân chúng tôi tới giấc mơ của họ về một quê hương công chính và thịnh vượng, một quê hương sẽ là nơi nương náu, niềm hãnh diện và là niềm vui của họ”.

Đáp lời, Đức Phanxicô nói rằng: “Miến Điện được chúc phúc bằng vẻ đẹp và tài nguyên thiên nhiên vĩ đại, ấy thế nhưng, kho tàng vĩ đại nhất của nó chính là nhân dân của nó, những người từng chịu đau khổ rất nhiều, và còn tiếp tục chịu đau khổ, do tranh chấp và thù nghịch dân sự vốn kéo quá dài và tạo nên nhiều chia rẽ sâu đậm”.

Ngài nói tiếp: “Nay, khi quốc gia đang cố gắng vãn hồi hòa bình, việc hàn gắn các vế thương hẳn phải là ưu tiên chính trị và tâm linh tột bực. Tôi chỉ có thể nói lên sự đánh giá cao đối với các cố gắng của Chính Phủ đã dám lãnh nhận thách đố này, nhất là qua Hội Nghị Hòa Bình Panglong, một hội nghị đã đem lại với nhau các đại diện của nhiều nhóm khác nhau trong một cố gắng chấm dứt bạo lực, xây dựng niềm tin để bảo đảm việc tôn trọng quyền của tất cả những ai gọi mảnh đất này là quê hương”.

Đức Giáo Hoàng ghi nhận rằng xây dựng hòa bình là một “diễn trình gian khổ” và việc hoà giải quốc gia “chỉ có thể tiến triển qua một dấn thân cho công lý và tôn trọng nhân quyền”. Ngài nhấn mạnh rằng trong cố gắng này “các cộng đồng tôn giáo của Miến Điện có một vai trò ưu tuyển để đóng”.