Cộng đồng Công Giáo nhỏ của Myanmar đang củng cố sự đoàn kết và cố gắng tạo sự hoà giải với các tôn giáo bạn trước những sự việc gây hấn và nhạo báng xẩy ra trước ngày ĐGH Phanxicô tới thăm Quốc gia Phật Giáo này (ngày 27-30 tháng 11).

Gần đây trên mạng truyển thông xã hội, nhiều nhóm cực đoan đã luân lưu hình ảnh cuả tên Aye Ne Win, cháu nội của tướng Ne Win, cựu độc tài Myanmar, mặc trang phục giống như một giáo hoàng và giơ tay ban phép lành tại một bữa tiệc Halloween.

Hình ảnh đó lập tức gây ra một cuộc tranh cãi lớn, người Công Giáo đã bày tỏ sự phẫn nộ của họ trên phương tiện truyền thông xã hội và nhận được sự bênh vực từ nhiều đoàn thể phật tử ôn hoà.

Những người cực đoan và quân phiệt cuả Myanmar đã cố tình sử dụng những việc nhạo báng như vậy để gây hấn với thiểu số Thiên Chúa giáo.

Một số nhóm trong quân đội và những nhóm Phật Tử quốc gia, như phong trào Ma Ba Tha, đã dùng phương tiện Internet để tuyên truyền chống lại chuyến viếng thăm cuả Đức Giáo Hoàng. Họ cáo buộc Đức Thánh Cha cấu kết với thiểu số người Hồi giáo.

Để chứng minh cho quan điểm của họ, họ lưu hành hình ảnh của Đức Giáo Hoàng Phanxicô rửa chân cho các tù nhân ở nhà tù Paliano hồi cuối tháng tư, một người trong số đó là một người Hồi giáo.

Họ cũng nhắc nhở đến những lời tuyên bố cuả Đức Giáo Hoàng, như những thông điệp trong các buổi kinh Truyền Tin, than phiền về sự đàn áp dân thiểu số ở Myanmar.

Quan trọng hơn cả là lời Đức Giáo Hoàng kêu gọi cầu nguyện cho sự công nhận quyền của thiểu số Hồi giáo, bị nghi kỵ bởi những dân tộc sống chung quanh họ. Trong lời kêu gọi này, Đức Giáo Hoàng đã sử dụng từ "dân tộc Rohingya" là một từ gây ‘dị ứng’ lớn trong dư luận ở Miến Điện.

‘Dân Rohingya’ không được công nhận là một trong 135 dân tộc chính thức của Myanmar, họ thường được gọi là ‘người Hồi giáo Rakhine’, Rakhine là bang cư trú cuả họ.

Giáo Hội Công Giáo ở Myanmar đang ủng hộ và đóng một vai trò quan trọng trong quá trình hòa giải quốc gia, thực hiện bởi nhà lãnh đạo dân chủ Aung San Suu Kyi. Giáo hội đã không trả lời các gây hấn cuả những kẻ cực đoan và đã cố gắng để ‘hạ nhiệt’ tình thế.

"Vụ việc liên quan đến người cháu cuả tướng Ne Win là một vụ việc đáng tiếc," theo lời Linh Mục Soe Naing, phát ngôn viên của hội đồng giám mục Công Giáo Myanmar (CBCM) và là giám đốc văn phòng xã hội truyền thông (CBCM-OSC. "Dù cho vụ việc có xấu đến thế nào chăng nữa, thì đây chỉ là chuyện cuả cái mặt nạ, và hãy coi đó là thế đó."

Ngược lại, "quan hệ với các đồng bào Phật tử cuả chúng tôi là rất tốt; không có thái độ thù địch gì cả. Không có gì để phải lo sợ về chuyến viếng thăm của Đức Giáo Hoàng. Vấn đề có thể phát sinh nếu Đức Thánh Cha lại đề cập đến chữ ‘Rohingya.’ Điều này sẽ cung cấp cho những kẻ cực đoan một lý do để gây ra căng thẳng. "

Trong khi đó, cộng đồng Công Giáo đang sẵn sàng chào đón Đức Giáo Hoàng Phanxicô với "sự mộ đạo và lời cầu nguyện", những công việc chuẩn bị cho chuyến viếng thăm đang tiến tới bình thường.

"Ngay bây giờ, chúng tôi tập trung vào việc lập danh sách những người sẽ tham gia Thánh Lễ đại trào, Đức Giáo Hoàng sẽ chủ sự thánh lễ tại vận động trường Kyaikkasan Yangya ở Yangon ngày 29 tháng 11," Cha Soe Naing nói.

"Tất cả các giáo xứ sẽ được vận dụng. Từ đêm hôm trước, hầu hết các tu viện và đền chuà Phật giáo sẽ mở cửa để đón tiếp người Công Giáo hành hương. Chúng tôi dự trù có hơn 100.000 người Công Giáo tới nghênh đón Đức Thánh Cha."

Tiếp tục cam kết cuộc đối thoại và hòa giải cuả quốc gia, một vài giờ sau Thánh Lễ, Đức Giáo Hoàng Phanxicô sẽ có một cuộc họp với hội đồng tối cao Sangha, là hội đồng Phật giáo cao nhất nước, tại Trung tâm Kaba Aye.

"Chúng tôi cũng đã sắp xếp nơi chốn cho một cuộc đại hội liên tôn và thành phần đại biểu với các nhà lãnh đạo Phật giáo. Thật không may, vì có cuộc họp với chính quyền Myanmar tại Nay Pyi Taw, cuộc họp liên tôn ngày 30 tháng 11 đã bị hủy bỏ," Cha Soe Naing, phát ngôn viên CBCM, nói.

"Chính quyền dân sự gần đây đã có những cuộc họp quan trọng với tòa thánh, sẽ là người bảo lãnh của cuộc tông du. Quân đội phụ trách tất cả các vấn đề an ninh và tôi không nghĩ rằng họ sẽ cho phép một cái gì đó xảy ra, nhất là sau khi quốc gia đang bị áp lực quốc tế mạnh mẽ vì cuộc khủng hoảng ở Rakhine."

"Có lẽ một vài nhóm sẽ tổ chức các cuộc biểu tình chống giáo hoàng, nhưng những người bình thường thì không chống lại cuộc tông du,” Cha Soe Naing nói.