Ngày 13 tháng 10, tại Fatima, diễn ra đại lễ kỷ niệm đúng 100 Đức Mẹ hiện ra lần thứ sáu tại đây với ba trẻ. Cũng vào ngày này, tại nhiều nhà thờ trên thế giới cũng có những thánh lễ trọng thể quy tụ nhiều tín hữu về tham dự để cầu nguyện cho hòa bình thế giới. Ngày thứ Bảy, tháng Mân Côi, sẽ rất phù hợp để chúng ta suy niệm về Đức Maria qua câu nói: “Phúc thay người mẹ đã cưu mang và cho Thầy bú mớm!” (Lca 11,27-28).

Có thể nói rằng trong giới loài người không ai cao trọng như Đức Maria và trong các chư thánh, không ai được Giáo Hội sùng kính như Đức Mẹ. “Mẹ được chúc phúc hơn mọi người phụ nữ” và mọi người đàn ông, bởi vì ba lý do thần học sau đây:

1- Đức Maria, Thiên Mẫu

Đây là lý do thứ nhất làm nền tảng cho lòng sùng kính Đức Maria. Mẹ là người đã sinh ra Chúa Giêsu, là Con Thiên Chúa và là Đấng Cứu Độ trần gian. Mẹ đã thưa vâng để cộng tác, cưu mang, sinh hạ và nuỗi dưỡng Con Đức Chúa Trời, Con Đấng Tối Cao (Lc 1,32). Nhờ Mẹ, chúng ta có Chúa Giêsu. Nhờ Mẹ, chúng ta được ơn cứu độ. Nhờ Mẹ, chúng ta được làm con Thiên Chúa. Quả đúng như lời Mẹ tiên báo: “Từ nay, hết mọi đời sẽ khen tôi diễm phúc. Đấng Toàn Năng đã làm cho tôi biết bao điều cao cả!” (Lc 1,48-49). Bởi vì, Mẹ là Mẹ Thiên Chúa.

Tuy nhiên, với tước hiệu Thiên Mẫu, chúng ta không tôn thờ Đức Maria như một nữ thần hay tôn Đức Maria lên ngang hàng Thiên Chúa. Bởi lẽ, trật tự của đức thờ phượng Kitô giáo đã được thiết lập: bậc cao nhất là tôn thờ (latria): chỉ dành cho Thiên Chúa Ba Ngôi. Bậc thứ hai là biệt kính (hyperdulia): chỉ dành cho Đức Maria và bậc thứ ba là tôn kính (dulia): dành cho các chư thánh.

2- Đức Maria, Gương Mẫu

Lý do thứ hai mà Giáo Hội sùng kính đặc biệt Đức Maria là bởi lẽ, Giáo Hội tìm thấy nơi Người mẫu gương tuyệt hảo của lý tưởng Kitô giáo. Mẹ được thiên thần Gabriel chào: “Hỡi Đấng đầy ân phúc” (Lc 1,28). Có thể nói lời chào này trở thành tên mới của Mẹ, đó là “Nguyễn Thị Đầy Ơn Phúc.” Mẹ diễm phúc, Mẹ toàn thánh. Đức Maria là Evà mới, hoàn toàn khác với Evà cũ. Bởi Mẹ luôn sống hoàn toàn tín thác, lắng nghe, thực hành thánh ý Thiên Chúa, và sẵn sàng phục vụ tha nhân. Vì thế, từ rất xa xưa, Thánh Truyền đã tìm thấy nơi Mẹ là “điển mẫu tuyệt hảo của người môn đệ Chúa Kitô.” Giáo Hội đã dành cho Mẹ một sự biệt kính (hyperdulia) trong phụng vụ để mời gọi con cái mình không chỉ nhìn ngắm Mẹ, nhưng quan trọng hơn là biết noi gương, bắt chước các nhân đức của Mẹ, trở nên người môn đệ đích thực của Chúa Kitô. Chúng ta được mời gọi luôn biết nhìn lên Mẹ và bắt chước cung cách Mẹ đã sống.

3- Đức Maria, Hiền Mẫu

Với chúng ta, Đức Maria không chỉ là Thiên Mẫu, Gương Mẫu, mà còn là Hiền Mẫu. Mẹ là người mẹ hiền, luôn yêu thương và chăm sóc mỗi người. Quả thế, đi khắp thế gian không ai tốt bằng Mẹ. Lịch sử Giáo Hội trong 20 thế kỷ đã minh chứng điều đó. Những cuộc hiện ra của Đức Maria tại Lộ Đức, tại Fatima và những nơi khác là bằng chứng hùng hồn về tình mẹ đối với loài người. Mẹ được lên trời cả hồn cả xác, càng gần với tòa Chúa, Mẹ càng gần với con cái loài người đang ở trong thung lủng đầy nước mắt là thế gian này. Mẹ luôn đồng hành, lo lắng và hướng dẫn con cái Mẹ biết hoán cải đời sống bằng việc siêng năng cầu nguyện và lần hạt Mân Côi.

Vì thế, chúng ta được mời gọi luôn biết chạy đến với Mẹ, để cảm nghiệm tình mẫu tử và nhờ Đức Mẹ chở che và cầu bầu cho chúng ta mỗi ngày.