Thứ Bẩy, 9 tháng 9, Đức Phanxicô đã từ Bogota bay tới Medellin, thành phố Công Giáo nhất của Colombia để cử hành Thánh Lễ trước một cộng đoàn hơn một triệu người. Vì chủ đề hôm nay trong chuyến tông du này là về ơn gọi, nên Đức Phanxicô đã kính nhớ Thánh Peter Claver, linh mục Dòng Tên, vốn là tông đồ bên cạnh các nô lệ gốc Phi Châu tại Colombia.

Nhân dịp này, Đức Thánh Cha đã khuyến khích các anh em linh mục của ngài hãy nên giống như Chúa Giêsu, Đấng luôn nhìn quá bên kia các giáo lý cứng ngắc, chăm lo người có tội và chào đón họ vào Giáo Hội.

Trong bài giảng lễ, ngài suy niệm về việc làm môn đệ. Theo ngài, người ta không nên cảm thấy an toàn chỉ vì tuân theo một số điều răn, ngăn cấm, hay lệnh truyền, trái lại phải tự hỏi “Thiên Chúa muốn tôi làm gì?”.

Câu trả lời có thể là: Hãy biểu lộ Chúa Kitô trong tất cả những điều ta làm. “Đây là điều Người muốn nơi ta: theo chân Người bằng cách đi vào những điều cốt yếu, được đổi mới và can dự".

Ba thái độ trên, theo Đức Phanxicô, tạo nên đời sống người môn đệ.

Thái độ 1: Đi vào những điều cốt yếu

Ngài nói rằng “Điều này không có nghĩa ‘phá bỏ mọi điều’ không hợp với ta, vì Chúa Giêsu không đến ‘để bãi bỏ luật lệ, mà để làm trọn nó’ (Mt 5:17); nhưng có nghĩa vào sâu, vào điều quan trọng và có giá trị cho sự sống”.

Theo nhận xét của Đức Phanxicô, Chúa Giêsu dạy rằng mối liên hệ của ta với Thiên Chúa đòi phải thay đổi đời sống. Việc ta làm môn đệ không thể đơn giản chỉ được thúc đẩy bởi thói quen “vì chúng tôi có chứng chỉ rửa tội”.

Ngài nói: “việc làm môn đệ phải bắt đầu với việc cảm nghiệm được Thiên Chúa và tình yêu của Người cách sống động. Đây không phải là một điều tĩnh tụ, mà là một chuyển động liên tục về hướng Chúa Kitô; đây không đơn giản chỉ là lòng trung thành trong việc minh giải một tín lý, mà đúng hơn là cảm nghiệm được sự hiện diện sống động, nhân từ và tích cực của Chúa, một nền đào tạo liên tục bằng cách lắng nghe lời Người”.

Thái độ 2: Được đổi mới

Cũng như Chúa Giêsu đã lay động các tiến sĩ luật để giải thoát họ khỏi sự cứng ngắc của họ thế nào, thì nay Giáo Hội cũng được Chúa Thánh Thần lay động như thế ngõ hầu Giáo Hội từ bỏ mọi tiện nghi và quyến luyến.

Đức Phanxicô nói rằng “ta không nên sợ đổi mới. Giáo Hội luôn cần được đổi mới - Ecclesia semper reformanda. Giáo hội không tự đổi mới theo ý thích nhất thời, nhưng đúng hơn ‘cương quyết trong đức tin, kiên định và không dao động, không di chuyển khỏi niềm hy vọng của Tin Mừng’ (Cl 1:23). Đổi mới bao hàm hy sinh và can đảm, không phải để có thể tự coi mình trổi vượt hay không lầm lỗi, mà đúng hơn để đáp lại tiếng Chúa kêu gọi tốt hơn”.

Thái độ 3: Can dự

Với nhận định ngày nay chúng ta được kêu gọi phải mạnh dạn và có lòng can đảm của Tin Mừng, Đức Phanxicô nói rằng “Cho dù có thể anh chị em sẽ bị lấm láp hay dơ dáy, anh chị em hãy can dự”.

“Chúng ta không thể là những người Kitô hữu liên tục nêu bảng ‘đừng vào’, và chúng ta cũng không thể tính chuyện chỗ này của một mình tôi hay của một mình anh chị, hay chúng ta có thể giành quyền sở hữu một điều gì đó tuyệt nhiên không phải của chúng ta. Giáo Hội không phải của ta, Giáo Hội là của Thiên Chúa; Người là chủ nhân ông đền thờ và cánh đồng; mọi người đều có chỗ, mọi người đều đươc mời tìm thấy ở đây, ở giữa chúng ta, của ăn của mình”.

Giáo Hội ở Colombia

Đức Giáo Hoàng Phanxicô cho hay: Giáo Hội ở Colombia được kêu gọi dấn thân mạnh dạn trong việc đào tạo các môn đệ truyền giáo.
Ngài bảo: “Tôi tới đây chính là để củng cố anh chị em trong đức tin và đức cậy của Tin Mừng. Anh chị em đừng dao động và hãy tự do trong Chúa Kitô, một cách anh chị em có thể biểu lộ Người trong mọi sự anh chị em làm; hãy hết sức tiếp nhận con đường của Chúa Giêsu, biết Người, hãy để Người kêu gọi và dạy dỗ anh chị em, và anh chị em hãy hân hoan công bố Người”.

Đức Giáo Hoàng Phanxicô kết luận với lời cầu nguyện nhờ sự cầu bầu của Mẹ chúng ta, Đức Mẹ Candelaria, “Mẹ sẽ đồng hồng với chúng ta trên nẻo đường làm môn đệ, để khi hiến thân cho Chúa Kitô, chúng ta đơn giản trở thành các nhà truyền giáo đem ánh sáng và niềm vui của Tin Mừng đến cho muôn dân”.