“Người ta nói Con Người là ai ?...Còn anh em, anh em bảo Thầy là ai ?” (Mt 15,13-16)

Cái danh xưng theo Thánh Kinh không chỉ nói lên căn tính mà còn biểu lộ sứ mệnh của một con người, một tập thể. Khi dò hỏi nhận định của các môn đệ và cả cái nhìn của dân chúng về danh xưng của mình chắc hẳn Chúa Giêsu muốn thêm xác tín về căn tính của Người và qua đó nhìn rõ hơn sứ mệnh mà Người sẽ thực thi.

Kitô hữu chúng ta vốn thường được nghe các nhà giảng thuyết đặt câu hỏi: “anh chị em tuyên xưng Đức Giêsu là ai ?” Và rồi lại được mời gọi sống như thế này, thế kia. Tuy nhiên có khi nào chính chúng ta tự đặt câu hỏi rằng bà con lối xóm, anh chị em khác đạo, các vị có chức quyền ngoài xã hội… nói tôi là ai không ?

Nhiều danh xưng vốn ít gây sự đối nghịch trong sự tín nhiệm, trân trọng cũng như lòng yêu quý, chẳng hạn Thượng tọa, Đại đức trong Phật giáo; Linh mục, Giám mục trong Công Giáo, Tổng thống, Chủ tịch nước ngoài xã hội… Thế nhưng có đó sự thay đổi tình cảm cũng như sự trân quý khi nghe nói đến linh mục này, đại đức kia, tổng thống nọ… Sự thay đổi này thường là do cách thế, mức độ đảm nhận bổn phận không tương xứng với danh xưng.

Tôi là ai ? Một câu tự vấn thỉnh thoảng cần đặt ra. Thế nhưng những câu hỏi khác xem ra cần đặt hơn như : Người dân gọi tôi là ai ? Đoàn tín hữu gọi tôi là ai ? … Chắc chắn để được người ta gọi đúng danh xưng thì việc vuông tròn phận vị của mình là điều ắt phải có, dĩ nhiên dù không đòi hỏi hoàn hảo nhưng phải ở một mức độ nào đó theo cái nhìn và sự nhận định chung. Cái danh xưng thường bao hàm sứ mệnh phải vuông tròn. Và mức độ vuông tròn sứ mệnh là một cơ sở để xác định sự thực danh.

Ngoài xã hội, cách riêng ở các nước xem ra là dân chủ thì người ta thường thăm dò công luận về vị này vị kia và không khai kết quả trên phương tiện truyền thông. Trong các tập thể tôn giáo thì không thể như ngoài xã hội nhưng nên chăng có một hình thức thăm dò nào đó để rồi vị này, vị kia có dịp nhìn lại bản thân mình. Chắc chắn không một ai có thể tự hào mình đang là thực danh nhưng đó là dịp để chúng ta nỗ lực canh tân đời sống và dấn thân với sứ mạng. “Tin đạo chứ ai tin người có đạo”. Một câu nói của bà con lương dân nhắc nhớ chúng ta phải không ngừng thống nhất danh và phận của mình hết sức có thể.

Lm.Giuse Nguyễn Văn Nghĩa – Ban Mê Thuột