Thánh Lễ an táng Đức Ông Gioan Baotixita Lê Xuân Hoa

Thánh lễ an táng Đức Ông Gioan Baotixita Lê Xuân Hoa được cử hành cách long trọng vào lúc 8g30 ngày 22.07.2017, tại Nhà Thờ Vinh An.

Đức Cha Tôma Nguyễn Văn Trâm chủ tế. Đoàn đồng tế có Đức Ông Tổng đại diện Giáo phận Nha trang, cha Tổng đại diện Giáo phận Phan thiết và khoảng 200 Linh mục đến từ nhiều giáo phận và dòng tu. Đông đảo quý Tu sĩ nam nữ, quý linh tông huyết tộc và hàng ngàn người từ các giáo xứ cùng hiệp thông cầu nguyện sốt sắng.

Xem Hình

Khởi đầu thánh lễ, Cha Thư Ký Tòa Giám Mục Giáo Phận Phan Thiết đọc tiểu sử Đức Ông Gioan Baotixita.

Đức Ông Gioan Baotixita Lê Xuân Hoa - Bút hiệu Xuân Ly Băng

Sinh ngày: 23-4-1926, tại Giáo Họ Hiệu Lân, Giáo xứ Xuân Phong, Giáo Phận Vinh, Nghệ An, trong gia đình có 04 anh chị em.

Ông Cố là Phaolô Lê Nghi và Bà Cố là Anna Nguyên Thị Hướng.

- Năm 1938: Học tại Trường Tập - Xuân Phong, Diễn Châu, Nghệ An.

- Năm 1943: Học tại Chủng Viện Xã Đoài, Nghi Lộc, Nghệ An.

- Năm 1949: Hiệu Trưởng Trường Sao Mai, Đông Tháp, Nghi Lộc, Nghệ An.

- Năm 1953: Học tại Đại Chủng Viện Xuân Bích, Hà Nội.

- Năm 1954: Học tại Đại Chủng Viện Xuân Bích, Vĩnh Long.

- Năm 1955: Học tại Đại Chủng Viện Vinh, Sài Gòn.

- Năm 1956: Học tại Đại Chủng Viện Bùi Chu, Gia Định.

- Năm 1957-1958: Chịu các chức nhỏ và Phụ Phó tế tại Sài Gòn.

- Năm 19-7-1959: Thụ phong linh mục tại Gia Định.

- Năm 1959-1961: Giáo Sư Tiểu Chủng Viện Chân Phước Tự Thủ Đức, Gia Định.

- Năm 1961-1964: Quản xứ Vinh Hưng, PhanThiết.

- Năm 1964-1965: Giáo Sư Tiểu Chủng Viện Sao Biển Nha Trang.

- Năm 1965-1972: Quản xứ Vinh Thủy, Phan Thiết.

- Năm 1971-1975: Thành viên Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ.

- Từ ngày 02-7-1972 đến 07-2-2006: Chánh xứ Thanh Xuân, kiêm Quản hạt

Hàm Tân (1972-1999).

- Ngày 25-01-1998: được Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II phong tặng Giám Chức Danh Dự.

- Ngày 07-02-2006: được thuyên chuyển về Tòa Giám Mục Phan Thiết và tiếp tục làm việc trong chức vị Tông Đại Diện Giáo phận Phan Thiết

- Từ 1986 - 2009: Tổng Đại Diện Giáo Phận Phan Thiết.

- Năm 2009 - 2017: Nghỉ hưu tại Nhà Hưu Dưỡng các Linh mục Giáo phận Phan Thiết.

- Với bút hiệu Xuân Ly Băng, Ngài đã sáng tác nhiều tác phẩm đạo - đời và được nhiều người ngưỡng mộ.

- Ngày 19-7-2017: về an nghỉ trong Chúa. Hưởng thọ 91 tuổi. 58 năm Linh mục.

Đức Cha Tôma khởi sự thánh lễ với lời ngỏ lời cùng cộng đoàn.

Cộng đoàn phụng vụ thân mến!

Chúng ta được tập hợp quanh bàn tiệc Thánh Thể đây để cùng nhau hiệp dâng Thánh Lễ an táng cầu nguyện cho Đức Ông Gioan Baotixita Lê Xuân Hoa. Với một cuộc hành trình Đức Tin trong suốt 91 năm làm người và làm con Chúa, Đức Ông đã thể hiện chức năng Kitô hữu của mình qua 58 năm làm linh mục. Trong 58 năm này, có 42 năm trong trách nhiệm mục tử tại các giáo xứ: Vinh Hưng, Vinh Thủy và Thanh Xuân, 23 năm trong trách nhiệm Tổng đại diện Giáo Phận Phan Thiết, 5 năm trong trách nhiệm đào tạo tại các tiểu Chủng viện Thánh Tự Thủ Đức và Sao Biển Nha Trang.

Đức Ông Gioan Baotixita là cây đại thụ, là cây cao bóng cả của Linh Mục đoàn Giáo Phận Phan Thiết. Ngài là gương mẫu cho đời sống đạo đức, một thi sĩ sáng tác nhiều tác phẩm đạo đời nhằm giáo dục Đức Tin và cách ứng xử cho các Kitô hữu tại Giáo Xứ Thanh Xuân của người.

Cộng đoàn Linh mục, Tu sĩ nam nữ và anh chị em tín hữu sáng nay dâng Thánh lễ này vừa là lời cầu nguyện và là lời tạ ơn của Giáo phận dành cho Đức Ông, người anh em Linh Mục của Giáo Phận vừa là lời chia buồn với các Linh Mục nghĩa tử cũng như linh tông huyết tộc của Đức Ông, vừa là lời cầu xin lòng thương xót và ơn tha thứ của Chúa ban cho người tôi tớ trung tín và khôn ngoan đã suốt đời tận tụy phục vụ cộng đoàn dân Chúa, nay được ơn tha thứ và được hưởng hạnh phúc ngàn thu bên Chúa.

Chính trong ý nguyện này mỗi người chúng ta hãy sốt sắng hiệp dâng Thánh Lễ.

Cha Giuse Hồ Sĩ Hữu giảng lễ. Ngài chia sẻ tư tưởng “Đức Ông GB Lê Xuân Hoa, người dạy giáo lý bằng dụ ngôn Phúc Âm”.

Đức Ông GB đã ra đi vào tuổi đại thọ 91, vào đúng ngày kỷ niệm 58 năm chịu chức Linh mục (19/7/1959). Ngài được nhiều người biết đến, vì ngài là thi sĩ, với bút hiệu Xuân Ly Băng và với sự kết hợp tuyệt diệu giữa thơ và kinh, ngài nổi tiếng là một linh mục chuyên cần cầu nguyện. Nhưng đối với chúng tôi là giáo dân, là học trò của ngài, Ngài còn là người Thầy nhiệt thành trong việc dạy giáo lý, nhất là dạy giáo lý bằng dụ ngôn Phúc Âm.

Hình ảnh Chúa Giêsu và những người bé mọn tội lỗi, gồng gánh nặng nề bao quanh mà Thánh Matthêu (11,25-30) vừa mới tường thuật làm chúng tôi nhớ đến Đức Ông đang dạy giáo lý. Bởi vậy trong bài chia sẻ này, chúng tôi chỉ dừng lại ở thao thức dạy giáo lý của ngài. Đặc biệt 34 năm quản xứ Thanh Xuân, một xứ đạo đa số gốc Giáo xứ Thanh Dạ giáo phận Vinh, ngài đã vận dụng kho tàng 44 dụ ngôn phúc âm với 32 dụ ngôn được phổ thơ để dạy giáo lý. Nỗ lực này là một trong những ghi nhận để Đức Thánh Cha ban cho ngài tước Đức Ông vào năm 1998. Chúng tôi cần có một đánh giá về cách dạy giáo lý này, sau khi đã xem xét cách dạy, sự hưởng ứng của giáo dân, để trân trọng công lao của ngài.

Sau chiến tranh, vào thập niên 80, hầu như mọi sinh hoạt tôn giáo đều chỉ có thể diễn ra trong nhà thờ, việc dạy giáo lý gặp nhiều khó khăn. Dạy giáo lý qua dụ ngôn diễn thơ đã được áp dụng. Cha xứ là Giáo lý viên cho cả cộng đoàn. Mọi người học thuộc lòng dụ ngôn, đọc đi đọc lại nhiều lần và cha xứ sẽ tùy nghi giải thích, trước lễ, sau lễ, trong giờ kinh… Mọi người từ già đến trẻ vui vẻ học giáo lý. Rồi khi việc Dạy giáo lý có nhiều phương pháp hơn, có nhiều điều kiện dễ dàng hơn, cách dạy ấy gặp nhiều phản ứng, như cách dạy không phù hợp hay diễn thơ thì làm cho dụ ngôn bị thay đổi.

-Phản ứng thứ nhất: diễn thơ làm Dụ ngôn bị biến dạng? Diễn thơ là cả một nghệ thuật sắp xếp vần điệu đúng luật. Vì vậy có thể nói khi diễn thơ thì không hẳn là dịch, nhưng đây là cách đọc Kinh Thánh. Một thi sĩ không phải là chuyên viên kinh thánh, họ đọc bản văn theo khả năng thi phú của mình. Đó là dụ ngôn diễn thơ. Lm Đông Anh, giáo sư Kinh Thánh, trong lời giới thiệu cho cuốn “Dụ Ngôn Phúc Âm diễn thơ” đã nói: “Phiên dịch và phổ biến những bài giảng thuyết hay những bài học bằng dụ ngôn, ngụ ngôn của Phúc Âm, đó là một hành động rất đáng khen ngợi. Nếu đem những bài học bằng dụ ngôn của Chúa, diễn giảng với một thể văn bình dân, với những vần thơ lục bát dễ đọc và dễ nhớ lâu, thì công việc đó càng đáng khen ngợi hơn nữa.” Với những đánh giá trên, chúng ta thử đọc một vài dụ ngôn làm ví dụ.

+Dụ ngôn “người gieo hạt giống” (Lc 8,5-15) bắt đầu như sau :“Người gieo hạt giống đi gieo

Áo xanh gợn ngọn gió chiều thướt tha …”

Câu “áo xanh gợn ngọn gió chiều thướt tha” không có trong bản văn, nhưng đó là hình ảnh của thơ diễn tả một nông gia vui tươi và hào phóng khi gieo giống bất kể đó là mảnh đất nào, vệ đường, đá sỏi, bụi gai hay đất màu. Miễn sao “Đâm bông nặng trĩu gió thâu gợn vàng” cho một mùa gặt bội thu.

+Dụ ngôn Men trong bột (Mt 13,33) kết thúc như sau: “Mỉm cười bà đứng bà xem,

Xem ba đấu bột dậy men hồi nào”

Câu này không có trong dụ ngôn, nhưng diễn thơ lột tả hiệu quả của sứ điệp Tin mừng nơi người phụ nữ đứng trân kinh ngạc trước sức mạnh âm thầm của nắm men Tin mừng.

Những hình ảnh vừa rồi trong các ví dụ vừa nêu trên là những cách đọc Kinh Thánh tuyệt vời của thi phú, phong phú về tưởng tượng và chiêm niệm. Kinh Thánh ngày nay là cuốn sách để đọc. Vì thế, người đọc đóng vai trò quan trọng để Lời Chúa sống được, nói được và loan báo được. Người đọc quan trọng vì, theo cách nói của triết gia Paul Ricoeur, bản văn là trẻ mồ côi cha, còn tác giả là con nuôi của những người đọc bản văn ấy. Như vậy, cần phải chú ý tới cách đọc bản văn và đón nhận bản văn. Đọc để hiểu, đọc như hơi thở của con người vậy. Hơn nữa, nếu Chúa Thánh Thần linh hứng cho các người viết Kinh Thánh, thì cũng chính Ngài đồng hành với người đọc Kinh Thánh, để Kinh Thánh thành lời sống động, chứ không phải là những chữ viết suông. Muốn như thế, Kinh Thánh phải được đọc và suy niệm lâu giờ.

Lời Chúa ngỏ lời cho mọi người, mọi văn hóa. Như vậy, bản văn Kinh thánh được diễn thơ là một cách đọc dụ ngôn Phúc Âm, nó thực sự phục vụ cho Lời Chúa. Nhưng cách đọc Lời Chúa qua thi ca hoặc kinh nguyện bình dân vẫn luôn là một thách đố về khía cạnh thần học, khi được chọn để dạy giáo lý.

-Phản ứng thứ hai: phương pháp từ chương đã lỗi thời. Phản ứng này nảy sinh do áp đặt một cách dạy cho mọi lứa tuổi. Lời Chúa là lương thực, phải được dọn cho mọi người, nhưng phải phù hợp cho mỗi lứa tuổi, em bé sơ sinh không thể ăn như người lớn! Vậy khi có các phương pháp khác, cách dạy giáo lý theo dụ ngôn diễn thơ còn phù hợp không? Nhớ lại cách Đức Ông dạy, dĩ nhiên là tại nhà thờ, khi chuẩn bị cử hành phụng vụ. Một bà tốt giọng bắt lên một dụ ngôn và mọi người đọc rôm rã, có thể lặp lại một vài lần. Rồi ngài gọi một vài người đọc thuộc lòng dụ ngôn đó, có thể là một thiếu nhi 8 tuổi, hoặc một cụ già 60 tuổi đều khoanh tay đọc như nhau. Và cả cộng đoàn vỗ tay tán thưởng. Nhưng khổ nổi là thường các em bé thì thuộc lòng hơn người lớn. Rồi sau đó là phần giải nghĩa dụ ngôn và bài học từ dụ ngôn. Phần này đặt ra nhiều khó khăn. Người ta dễ dàng nhận ra sự lạ lùng của ông nông dân hào phóng và mùa lúa bội thu của ông, hoặc người phụ nữ kinh ngạc trước sức mạnh của tí men với ba đấu bột. Nhưng cắt nghĩa về ý nghĩa của dụ ngôn gặp nhiều phức tạp, vì không thể cắt nghĩa cùng một cách cho mọi lứa tuổi được. Các hình ảnh trong dụ ngôn lúc này mới phát huy tác dụng. Dụ ngôn nói bằng hình ảnh cho mọi lứa tuổi. Chẳng hạn, chỉ có người lớn tuổi mới dễ nhận ra khía cạnh ân sủng nơi người đàn bà vui mừng trước ba đấu bột dậy men.

Vì vậy, sẽ không có vấn đề, nếu cách dạy theo dụ ngôn phúc âm diễn thơ được tiếp tục, song song với các phương pháp khác trong việc dạy giáo lý, mỗi giáo lý viên cần phát huy sáng kiến của mình. Giáo dân quan tâm hưởng ứng vì vai trò của thơ vè trong văn hóa Việt Nam và chuyện kể trong việc dạy giáo lý. Do đó, diễn thơ Phúc âm cũng là một nỗ lực hội nhập văn hóa. Hơn nữa, giáo dục Việt Nam có truyền thống truyền khẩu, chuyện kể đóng vai trò quan trọng. Nhưng cảm thức của giáo dân đòi hỏi một quan tâm đặc biệt, bởi lòng đạo đức bình dân tuy quan trọng, nhưng làm thế nào để đời sống đức tin được trưởng thành luôn là một thách đố cho việc dạy giáo lý.

Dạy giáo lý qua dụ ngôn diễn thơ là một nổ lực và khai phá của Đức Ông GB. Ước gì nó là gợi hứng cho một phương pháp dạy giáo lý mới. Chúa Giêsu đã không giảng dạy gì mà không dùng dụ ngôn. Những người đến với Ngài là những kẻ bé mọn, gồng gánh nặng nề, tội lỗi. Ước gì toàn thể nhân loại đến với Ngài, bởi cuối cùng chính Ngài là dụ ngôn của Thiên Chúa. Nguyện xin Chúa Giêsu Đấng giảng dạy bằng dụ ngôn đón nhận Đức Ông GB vào Nước Chúa.

Cuối thánh lễ, cha tổng đại diện Giuse hồ Sĩ Hữu, thay mặt linh mục đoàn ngỏ lời phân ưu.

Kính thưa quý Cha và anh chị em linh tông huyết tộc, tang quyến của Đức Ông GB.

Một cha trẻ gốc Thanh Xuân thế hệ 8x đến thăm Đức Ông.

Đức Ông bắt đọc một bài thơ.

Cha trẻ trả lời:

“Không có giờ làm thơ,

Chẳng có giờ vẫn vơ,

Chỉ có giờ cầu nguyện,

Cầu nguyện là ra thơ”.

Nghe xong, ngài rất đắc ý, vì vậy mà tết nào vị linh mục trẻ đó cũng có tiền lì xì.

Đức Cố Giám mục Phaolô Nguyễn Thanh Hoan đã đề cao mẫu mực của Đức Ông như là con người cầu nguyện và là chứng nhân lịch sử. Các thế hệ linh mục hướng về Ngài, một mẫu gương sống nội tâm sâu xa. Ngài cầu nguyện liên lỉ trước Thánh Thể. Cầu nguyện để làm thơ. Cầu nguyện nuôi dưỡng đời tâm linh của Ngài. Gặp ai, Đức Ông cũng xin cầu nguyện và nhắc nhớ hãy cầu nguyện. Cầu nguyện qua chuỗi Mân Côi, Ngài yêu mến Đức Mẹ và năng lần hạt trong mỗi ngày sống.

Thay mặt cho linh mục đoàn Gp Phan Thiết, chúng con cám ơn Đức Ông vì Ngài là con người cầu nguyện làm gương sáng cho chúng con. Và cùng với Linh mục đoàn, xin chia sẻ tâm tình cầu nguyện cùng với tang quyến của Đức Ông GB.

Linh mục cháu của Đức Ông GB dâng lời cám ơn.

Cha FX Đinh Tiến Đường, nghĩa tử của Đức Ông chủ sự nghi thức tiễn biệt.

Cộng đoàn phụng vụ tiễn đưa Linh cữu Đức Ông GB đến nghĩa trang các linh mục Phan thiết. Cha Phương cháu Đức Ông GB, chủ sự nghi thức trước phần mộ. Cha Phêrô Nguyễn Đình Sáng, Quản lý Giáo phận, đại diện ban tổ chức tang lễ đọc lời tri ân.

Cả cộng đoàn phụng vụ cùng trầm tư tĩnh lặng. Cảm giác khi đứng trước mộ phần giữa rừng cây xanh um như nối dài cuộc sống bình thường đến cõi thiêng liêng.

Mồ mả là chốn thiêng liêng nhất trong tâm thức người Việt. Mồ yên mả đẹp bao giờ cũng là phần thưởng lớn nhất và cũng là cuối cùng của một đời người. Trong mạch thời gian, sự sống và cái chết đổi chỗ lẫn nhau. Sự sống thay đổi chứ không mất đi.

Sự tôn trọng đối với người đã chết hòa chung với sự tôn trọng đối với người còn sống. Ngôi mộ Đức Ông GB nằm tiếp nối các phần mộ những linh mục đã an nghỉ. giữa vườn cây xanh xanh um tỏ bóng mát. Một vòng đời đi qua, giống như một đoạn đường từ nhà ra đồng ruộng, lên rừng, rồi lại về nhà... Con người sinh ra ở trần gian không phải để rồi vĩnh viễn cư ngụ tại đó, trái lại, đây chỉ là khởi đầu một cuộc hành trình về với Chúa.

Trong bài thơ “Tôi nằm xuống”, Thi Sĩ Xuân Ly Băng viết:

Tôi nằm xuống có ai khóc thương tôi ?

Không khóc thì thiếu, khóc thừa thôi

Thương xót làm chi, lộ trình ấy

Mọi người sớm muộn phải qua rồi !

Tôi nằm xuống cuộc đời vẫn cứ đi

Tôi có hay không ? chẳng hệ gì

Cái có của tôi : là Đức Mến

Về cõi Vĩnh hằng dẫn tôi đi.

Đức Mến dẫn Đức Ông đi về cõi Vĩnh hằng. Một cuộc sống hiến dâng phục vụ đong đầy lòng mến Chúa yêu người, chan chứa tình thương của Đức Maria của Đức Ông được tưởng thưởng bằng một cái chết bình yên và tình thương yêu của mọi người. Trong sự tiễn đưa nghĩa tình của mọi thành phần dân Chúa, trong sự đón nhận ấm áp của đất trời... Đức Ông GB thật sự vui mừng về với Thiên Chúa tình yêu.

Chính trong khát vọng về với Thiên Chúa, cội nguồn sự sống mà thi sĩ Tagore đã dâng lời kinh tha thiết:

Như đàn hạc hoài hương

Bay thẳng về tổ ấm

Trên đỉnh núi vút cao

Qua vùng trời thăm thẳm

Lên tận chốn huyền siêu. (Gitanjali 103,4).

Lm Giuse Nguyễn Hữu An, lược ghi