Chương sáu: Thiên thần, ma qủy, và các thánh

Một cách khá nghịch lý là: theo một nghĩa nào đó, các tiểu thuyết giật gân kiếm tiền nhanh chóng (potboiler) như cuốn Angels and Demons (Thiên Thần và Ác Qủy) của Dan Brown hay các cuốn phim như The Exorcist (Người Trừ Quỷ) trên thực tế đã nói về Giáo Hội Công Giáo tốt hơn phần lớn các bài bình luận bác học ta thường gặp trên các tờ như New York Review of Books. Lý do: các tác phẩm kia ít nhất cũng đã nghiêm túc đối với các xác tín siêu nhiên của Giáo Hội. Phần lớn các tường thuật của truyền thông về Đạo Công Giáo chỉ chú trọng tới các chiều kích tự nhiên, nhân bản, hữu hình như các cơ cấu và định chế của nó, tác động của nó đối với nền chính trị thế tục, và việc thỉnh thoảng nó mất kiểm soát (meltdown) như các tai tiếng về lạm dụng tình dục trẻ em chẳng hạn. Họ thường bỏ qua những điều được các tín hữu đích thực coi trọng. Với các tín hữu này, tất cả những điều vừa kể chỉ là đỉnh của băng sơn vũ trụ. Họ tin rằng vũ trụ không chỉ bao gồm các phàm nhân thực hiện những điều trông thấy, nhưng còn bao gồm hằng hà sa số các thiên thần và ma qủy, các thế hệ tín hữu quá vãng đã ra đi lãnh phần thưởng và nay đang tạo thành hợp đoàn “các thánh cùng thông công” và mẫu mực can thiệp liên tục của Thiên Chúa vào sự việc thế giới vốn tạo nên lịch sử cứu rỗi.

Không hiểu được ảnh hưởng của các niềm tin trên đối với cung cách người tôn giáo nhìn thế giới, thì khó mà hiểu được các chọn lựa của họ. Hãy lấy một thí dụ cổ điển. Lúc Đức Giáo Hoàng quá cố Gioan Phaolô II bị khốn đốn vì bệnh Parkinson, người ta liên tiếp thắc mắc tại sao ngài không chịu từ chức. Đã đành, có nhiều lý do phàm trần để ngài không từ chức, bắt đầu là sự kiện vị giáo hoàng cuối cùng từ chức diễn ra năm 1415 giữa một cuộc ly giáo vĩ đại; đấy không hẳn là một tiền lệ hứa hẹn gì. Ấy thế nhưng, người ta sẽ không thể hiểu hoàn toàn được quyết tâm của Đức Gioan Phaolô II nếu không nắm được điều này là ngài coi ngôi vị giáo hoàng của mình như một phần của vở bi kịch lớn lao có tính vũ trụ hơn.

Quả thế, Đức Gioan Phaolô II xác tín sâu xa rằng vào ngày 13 tháng Năm năm 1981, ngày sạ thủ người Thổ Nhĩ Kỳ Mehmet Ali Agca mưu toan ám sát ngài tại Công Trường Nhà Thờ Thánh Phêrô, Trinh Nữ Diễm Phúc Maria đã thay đổi đạn đạo để cứu sống ngài. Như mọi người biết, ngày 13 tháng Năm là ngày Lễ Kính Đức Mẹ Fatima, ngày đánh dấu điều được người Công Giáo tin là hàng loạt cuộc hiện ra của Đức Mẹ tại Bồ Đào Nha, đầu thế kỷ 20. Đức Gioan Phaolô II xác tín việc này không tình cờ chút nào, và chính Đức Mẹ đã can thiệp để ngăn Agca khỏi sát hại ngài. Ngày kỷ niệm biến cố này lần thứ nhất, Đức Gioan Phaolô II đã tới Đền Thánh Fatima để gắn viên đạn mà các bác sĩ đã lấy ra từ thân thể ngài vào chiếc triều thiên của Đức Trinh Nữ, để cám ơn Đức Mẹ.

Dưới ánh sáng trên, việc lưu lại chức vụ của Đức Gioan Phaolô II trở nên dễ hiểu hơn. Nếu bạn tin rằng chính Trinh Nữ Maria đã can thiệp để Thiên Chúa ngưng các định luật vật lý để duy trì ngôi vị giáo hoàng của bạn, thì chắc chắn bạn sẽ không thể một sớm một chiều từ bỏ nhiệm vụ này. Đức Gioan Phaolô II cảm thấy ngôi vị giáo hoàng của ngài thuộc về Đức Mẹ cũng nhiều như thuộc về chính ngài, như khẩu hiệu bằng tiếng La Tinh Totus Tuus (Tất cả là của Mẹ) của ngài vốn nói. Bất kể nghĩ gì về các xác tín này, hẳn bạn cũng không thể chối cãi được cung cách chúng tạo khuôn cho tâm lý học tôn giáo, không chỉ nơi đầu óc các vị giáo hoàng mà còn ở nơi hàng tỷ tín hữu bình thường trên khắp thế giới.

Giáo Hội Công Giáo dạy gì về các thiên thần?

Chữ “thiên thần”, tiếng Anh là “angel”, phát xuất từ tiếng Hy Lạp có nghĩa là “sứ giả”, người được phái đi, và theo học thuyết Công Giáo, chữ này chỉ một thuần thần (pure spirit) do Thiên Chúa tạo nên đang sống trên thiên đàng. Như Giáo Hội vốn dậy, các thiên thần là những hữu thể có ngôi vị, có cả trí khôn lẫn ý chí tự do. Theo truyền thống Công Giáo, nhiều lần các thiên thần quả có hành động như các sứ giả của Thiên Chúa gửi tới thế giới tạo dựng. Chẳng hạn, Tân Ước chép lại rằng thiên thần Gabrien đã xuất hiện với Trinh Nữ Diễm Phúc Maria để loan báo với ngài rằng ngài sẽ mang thai Con Thiên Chúa, một tình tiết mà truyền thống Công Giáo vốn gọi là Truyền Tin. Ngưới Công Giáo được khuyến khích cầu nguyện với các thiên thần, vì các ngài có thể hành động như các sứ giả không phải chỉ từ Thiên Chúa phái đến mà còn được phái tới với Thiên Chúa, mang theo các niềm hy vọng và các nhu cầu của tín hữu nữa.

Vì Giáo Hội có xu hướng thích xếp loại, nên không ngạc nhiên gì khi các nhà thần học và các tác giả linh đạo Công Giáo, trong nhiều thế kỷ qua, đã nhận diện cả một phẩm trật thiên thần rất công phu, thường được diễn tả bằng các phạm trù hữu thể thiên giới khác nhau:

Luyến thần (Seraphim): Phẩm thiên thần cao cấp nhất và trông coi ngai tòa Thiên Chúa;
Minh thần (Cherubim): Tượng trưng cho quyền lực và tính di động của Thiên Chúa;
Bệ thần (Thrones): Các thiên thần của hòa bình, khiêm nhường và tùng phục hoàn toàn;
Quản thần (Dominions/Dominations): Các thiên thần của lãnh đạo;
Dũng thần (Virtues): Các thiên thần thống lãnh thiên nhiên và ban phát các nhân đức;
Quyền thần (Powers): Các thiên thần chiến sĩ lo bảo vệ vũ trụ và con người;
Lãnh thần (Principalities): Các thần thù nghịch cuối cùng sẽ bị Chúa Kitô chinh phục;
Tổng lãnh thiên thần (Archangels): Các thiên thần với vai trò quan trọng một cách độc đáo làm sứ giả trong lịch sử cứu rỗi;
Thiên thần (Angels): Các hiên thần gần gũi nhất với thế giới và con người.

Sách Giáo Lý Của Giáo Hội Công Giáo, tức tuyển tập chính thức mọi giáo huấn của Giáo Hội, nói rằng niềm tin vào các thiên thần dựa vào cả chứng tá Thánh Kinh lẫn truyền thống. Với đà phát triển của tư duy Kitô Giáo về chủ đề này, ý niệm nền tảng phía sau các thiên thần tiến đến chỗ cho rằng sự uy nghi và vinh quang của Thiên Chúa khác xa thế giới tạo dựng đến nỗi gần như con người không tài nào tiếp cận Thiên Chúa một cách trực tiếp được, nên Thiên Chúa đã tạo ra một loạt hữu thể thiêng liêng để trám hố phân cách này. Các thiên thần là loài bất tử, nhưng có khả năng tương tác với con người, và do đó, là các biểu thức nói lên ý của Thiên Chúa muốn vươn tay ra ôm lấy các thụ tạo của Người. Theo niềm tin Công Giáo, các ngài cũng tham dự vào việc thờ phượng đời đời tôn kính Thiên Chúa, và Giáo Hội hiểu phụng vụ của mình như là việc tham dự vào lễ ngợi khen trên thiên đàng này.

Thiên thần bản mệnh là đấng nào?

Nói cho ngay, phần lớn người Công Giáo ít dành thời gian nghĩ tới các phẩm thiên thần, ngoại trừ khi hát các bài thánh ca như “Kính chào, Thánh Nữ Vương” (Hail, Holy Queen) vào những dịp đặc biệt, trong đó có những lời này: “Hỡi mọi minh thần, hãy chiến thắng!Hãy hát với chúng tôi, hỡi các luyến thần!”

Tuy nhiên, về lòng sùng kính bình dân, các thiên thần bản mệnh lại là chuyện khác. Nhiều thế hệ trẻ em Công Giáo đã được dưỡng dục cách cầu nguyện với các thiên thần bản mệnh, nên trước khi làm điều gì xấu biết nhớ đến việc thiên thần bản mệnh sẽ nói gì. Đối với các phụ huynh, không khía cạnh nào trong lòng đạo Công Giáo có sức an ủi nhiều hơn bằng niềm tin cho rằng Thiên Chúa đã cử một thiên thần đặc biệt để che chở và hướng dẫn con cái mình. Ấy thế nhưng, Giáo Hội dạy rằng các thiên thần bản mệnh không phải chỉ dành cho con nít mà dành cho mọi người, và có một ngày lễ đặc biệt vào ngày 2 tháng Mười để thừa nhận tầm quan trọng của các ngài.

Mặc dù các nhà hần học vốn tranh cãi cho đến ngọn ngành, ý niệm nòng cốt về thiên thần bản mệnh rất khá nhất quán. Lúc sinh ra, mỗi người được Thiên Chúa ban cho một thiên thần để bảo vệ và hướng dẫn họ. Như Thánh Basilêô từng nói ở thế kỷ thứ 4, “Cạnh mỗi tín hữu có một thiên thần như người bảo vệ và mục tử hướng dẫn họ tới sự sống”. Người Công Giáo được khuyến khích cầu nguyện cùng thiên thần bản mệnh và cố gắng khám phá ra các sự thúc đẩy êm dịu của các ngài trong cuộc sống. Ngày nay, một số người Công Giáo có thể coi lòng sùng kính này như tàn dư kỳ quặc của quá khứ, nhưng nhiều người khác vẫn tri cảm thiên thần bản mệnh của họ như một sức mạnh hết sự hiện thực và rờ mó được trong chính cuộc sống của họ.

Về lịch sử, lòng sùng kính thiên thần bản mệnh ít nhất cũng đã có từ thế kỷ thứ 4 Công Nguyên. Trong các thế kỷ sau đó, nhiều vị thánh đã phát huy cảm thức sống động đối với sự hiện diện và vai trò của các thiên thần bản mệnh. Padre Piô, vị tu sĩ Capuchin vĩ đại người Ý, người được chịu năm dấu thánh và là một thị nhân, thường khuyên những người đến vấn kế ngài rằng nếu họ không thể đích thân đến gặp ngài vì bất cứ câu hỏi hay vấn đề nào, họ nên phái thiên thần bản mênh của họ đem tới cho ngài. Trong nghệ thuật và văn chương Tây Phương, người ta đã khai triển ra ý tưởng cho rằng mọi người không những có thiên thần bản mệnh riêng mà còn có cả qủy riêng nữa. Bởi thế, ngày nay, khi bạn thấy các quảng cáo thương mãi trình bầy một ai đó với một thiên thần và một tên qủy nhỏ xíu đứng ở hai vai để đưa ra các lời khuyên trái ngược nhau, thì hẳn bạn biết rằng đó là do ảnh hưởng của Giáo Hội Công Giáo.

Còn về Ác Qủy và các ma qủy thì sao?

Nói một cách tổng quát, ma qủy là phía trái của các thiên thần. Vì niềm tin Kitô Giáo vốn cho rằng các thiên thần được dựng nên có ý chí riêng, họ được tự do bác bỏ Thiên Chúa và chọn sự ác. Các “thiên thần sa ngã” chống lại ý của Thiên Chúa và, do đó, bị đuổi khỏi thiên đàng, được truyền thống Kitô Giáo gọi là “ma qủy”, chữ Anh là “demons”. Chữ này phát xuất từ chữ Hy Lạp, chỉ có nghĩa là “thần” (spirit) và trong thế giới cổ thời trong đó Tân Ước đã thành hình, nó là một hạn từ trung tín chỉ bất cứ hữu thể thuần thần nào. Tuy nhiên, trong nhiều thế kỷ sau đó, “demon” chỉ liên hệ tới các thần xấu mà thôi. Dù sao, giáo huấn Công Giáo cũng đã khẳng định một cách dứt khoát rằng ma qủy là những hữu thể có ngôi vị thực chất, chứ không phải chỉ là ẩn dụ hay sản phẩm văn chương.

Nổi tiếng hơn cả, kẻ đứng đầu các thiên thần sa ngã có tên là Ác Qủy (the Devil), cũng gọi là Luxiphe, Satan, và Hoàng Tử Bóng Tối. Truyền thống cho rằng Luxiphe muốn trở thành uy quyền như Thiên Chúa và thuyết phục một số thiên thần khác theo hắn nổi loạn, nhưng chúng bị đánh bại bởi đạo quân vũ trụ của Thiên Chúa do Tổng Lãnh Thiên Thần Micae thống lĩnh. Sau cuộc thảm bại này, các thiên thần sa ngã đã bị đuổi khỏi thiên đàng, vào một nơi bị trừng phạt không còn thấy Nhan Thiên Chúa nữa, nơi mà truyền thống vốn gọi là “hỏa ngục”. Một lần nữa, đối với Giáo Hội Công Giáo, Ác Qủy là một tạo vật có thực và hỏa ngục là một nơi có thực.

Giáo huấn của Giáo Hội dạy rằng sau khi dựng nên trái đất và con người, Satan và các thiên thần sa ngã khác được phép cám dỗ các hữu thể nhân bản và rù quyến họ phạm tội, để gia nhập hàng ngũ chúng chống lại Thiên Chúa. Giáo huấn Công Giáo cũng chủ trương rằng ảnh hưởng này có thể được thực hiện bằng hai cách: “qủy ám” (demonic obsession) khi ma qủy cố gắng rù quyến một ai đó tự do phạm tội bằng cách liên tiếp đặt các cơn cám dỗ trên đường đi của họ. Trong hình thức cực đoan, còn có “qủy nhập” (demonic posession) khi ma qủy thực sự cưỡng đoạt thân xác một người nào đó và thực hiện một ảnh hưởng áp đảo trên tâm trí và nhân cách họ, dù ở một trình độ nào đó, ý chí tự do của người này vẫn được giả thuyết là tồn tại, đem lại cho họ khả thể chiến đấu chống lại sự cưỡng đoạt này.

Có phải vì vậy mà có chuyện trừ qủy chăng?

Đúng như thế. Thực hành trừ qủy vốn lâu đời như chính Thánh Kinh, vì đã có nhiều trình thuật rải rác khắp Tân Ước nói về việc Chúa Giêsu và các môn đệ làm việc này. Phù hợp với truyền thống này, trong các thế kỷ qua, bất cứ người Công Giáo nào, giáo dân hay giáo sĩ, cũng có thể dâng các lời cầu nguyện để trục xuất các thần xấu, và ngày nay, các lời cầu nguyện tự phát để “giải thoát” vẫn là việc thông thường, nhất là trong phong trào đặc sủng gần như Ngũ Tuần. Tuy nhiên, với thời gian, Giáo Hội cũng đã khai triển một nghi thức trừ qủy chính thức, chỉ dành riêng cho các linh mục thực hiện. Năm 1999, Tòa Thánh duyệt lại nghi thức này, gồm một số lời cầu nguyện, chúc lành, và kêu cầu, truyền lệnh cho ma qủy một cách có thẩm quyền nhân danh Chúa Giêsu Kitô phải thu hồi ảnh hưởng của chúng trên linh hồn bị cưỡng chiếm.

Về phương diện chính thức, Giáo Hội coi các trường hợp qủy nhập thực sự là điều cực kỳ hiếm hoi, nên thường đòi phải khám xét thật kỹ về y khoa để loại bỏ bất cứ nguyên nhân thể lý hoặc tâm lý nào gây ra các hiện tượng này cho người đó trước khi cho phép trừ qủy. Theo nghi thức trừ qủy chính thức của Rôma, các dấu hiệu bị qủy nhập có thể như sau:

• Nói các ngôn ngữ mà người này chưa bao giờ học hay nghe;
• Nói những điều vô nghĩa;
• Biết những điều sâu kín hay xa vời mà người này không có cách tự nhiên nào để biết;
• Các khả năng siêu nhiên hay sức mạnh thể lý vượt trên và vượt quá khả năng của người này;
• Không thích bất cứ điều gì thánh thiêng, như ghét tên Thiên Chúa, Chúa Giêsu, Mẹ Maria, hay tên các thánh hay các cá nhân tôn giáo khác;
• Đau đớn hay khó chịu thể lý khi Thánh Kinh hay các lời cầu nguyện được đọc lên hay các bí tích được cử hành;
• Lời phạm thượng hay phạm thánh sâu xa.

Tuy nhiên, các điểm trên chỉ là các dấu hiệu chứ không hẳn là bản liệt kê chính thức, và mỗi trường hợp đều được khảo sát kỹ lưỡng trong chính chúng. Phần lớn cũng tùy thuộc phán đoán của từng vị trừ qủy. Một vài vị biện phân rất cẩn trọng, một số vị khác không được như thế. Có lẽ vị Công Giáo trừ qủy nổi tiếng thế giới hơn cả là Cha Gabriele Amorth, người Ý, thường được người bình dân gọi là “vị trừ qủy của Đức Giáo Hoàng” (thực ra không đúng như thế), vì ngài vốn được giáo phận Rôma cho phép trừ qủy từ năm 1986. Cho tới ngày cuốn sách này được soạn tác, vị 86 tuổi thuộc loại trừ qủy ít biện phân này đã thực hiện hơn 70,000 vụ trừ qủy trong suốt thời gian đảm nhiệm chức vụ.

Khi một vụ trừ qủy được thực hiện, người bị qủy nhập thường bị kiềm chế để họ đừng gây hại cho chính họ hay người khác: họ bị coi như nguy cơ đặc biệt, vì phản ứng dữ dội chống lại các đồ thánh thiêng vốn được coi là thành phần tạo nên tình trạng này. Nếu sự việc diễn tiến theo bài bản, thì linh mục sẽ đọc một loạt các kinh nguyện truyền cho ma qủy ra khỏi nhân danh Chúa Giêsu Kitô, và xin Thiên Chúa chấm dứt sự đau khổ của nạn nhân. Các linh mục từng thực hiện các vụ trừ qủy nói rằng các vị thường phải nhắc đi nhắc lại diễn trình này nhiều lần mới kết thúc được vụ việc, và các vị này thường xác định được điều này bằng cách kết liễu được các triệu chứng liệt kê trên đây. Nếu vụ trừ qủy thành công, giáo huấn của Giáo Hội dạy rằng người bị qủy nhập hẳn cảm thấy được giải thoát khỏi ảnh hưởng của ma qủy, cũng như cảm nhận được một loại tái sinh và thoát khỏi mặc cảm tội lỗi.

Trong các năm liền sau Công Đồng Vatican II, việc trừ qủy phần nào bị coi thường trong Đạo Công Giáo, nhưng việc nổi tiếng của những cuốn phim như “The Exorcist” (Người Trừ Qủy) đã khiến công chúng lưu ý rộng rãi hơn đối với việc thực hành nó và lời yêu cầu của các nạn nhân cũng gia tăng đáng kể. Vì khó tìm được các linh mục hợp pháp chịu thực hiện nghi thức này, nên đôi khi người ta đành phải nhờ các linh mục không có phép, thuộc loại người ta đùa gọi là “trừ qủy hầm trú”. Để ứng phó, Tòa Thánh đã âm thầm khuyến khích các giám mục khắp thế giới bổ nhiệm các vị trừ qủy chính thức, sẵn sàng đáp ứng các yêu cầu thực hiện nghi thức, tuy phải thận trọng về việc nên tiến hành khi nào. Từ năm 2005, Đại Học Regina Apostolorum ở Rôma, một đại học được Đạo Binh Chúa Kitô bảo trợ, đã tổ chức một cuộc hội thảo ngắn hàng năm gọi là “Việc Trừ Qủy và Các Kinh Nguyện Giải Thoát” dành cho các linh mục và các giáo lý viên, các bác sĩ và các nhân viên bệnh tâm thần, các chuyên viên luật pháp, v.v… (Trong các giới y khoa, người ta thường gọi là “Trường Trừ Qủy của Vatican” dù đây không phải là sáng kiến của Vatican). Năm 2011, các giám mục Hoa Kỳ cũng đã tổ chức một buổi huấn luyện ngắn về trừ qủy song song với phiên họp mùa thu hàng năm của các vị, để các giáo phẩm cập nhật được các đòi hỏi và thủ tục của nó.

Còn tiếp