ĐỜI THƯỜNG - CHỨNG NHÂN GIỮA GIÒNG ĐỜI

IV.- LINH MỤC EMMETT JOHNS (Tiếp Theo)

ĐẠI CHỦNG VIỆN MONTRÉAL

Một người cậu rất thương mến tôi, lúc bấy giờ đã khuyến khích tôi nên hướng đến Đại Chủng Viện Montréal để theo đuổi thần học. Nếu trở thành linh mục mà tôi không thể phục vụ Giáo hội ở Trung quốc, ít nhất tôi cũng có thể phục vụ Giáo hội ở đây hay ở nơi nào khác trên thế giới. Chúa đã tỏ bày cho tôi dấu chỉ của Ngài qua người cậu đó!

Ở Montréal cuộc sống chủng sinh không dễ dàng gì. Tôi còn mang trong người vết thương bầm dập của sự thất bại và điều đó đã gây cho tôi những nổi ưu tư không tả. Chị tôi là người thông cảm ít nhiều nổi đớn đau của tôi, lúc bấy giờ đã gởi cho tôi một tấm thiệp để khích lệ tôi. Chị chỉ viết cho tôi mấy chữ duy nhất: “Hãy mỉm cười đi!” (Smile!). Tôi đã gắn tấm thiệp đó vào khung kiếng soi mặt mà mỗi sáng sớm tôi đứng trước đó để cạo râu.

Bắt đầu từ đó, tôi tập mỉm cười bằng cách cố làm cho những bắp thịt ở khuôn mặt được thư giản. Phải nói được rằng những điều thực tập đó đã giúp tôi thành công khá nhiều, bởi vì một ngày kia, khi rời khỏi phòng ngủ của tôi để đi vào nhà thờ nguyện ngắm…tôi đã mỉn cười, cho đến đỗi những đại chủng sinh cùng lớp đã hỏi tôi làm sao mà vui vẻ đến thế, tươi cười như thế vào lúc sáu giờ sáng mai!

Tôi phải công nhận rằng tôi rất mộ mến môi trường sinh sống ở Đại Chủng Viện Montréal. Lúc bấy giờ chúng tôi có khoảng ba trăm đại chủng sinh. Đối với tôi đó là một môi trường thư giản hơn nơi Scarboro mà chúng tôi chỉ có bốn chục tu sinh mà thôi, luôn luôn sống dưới ống kính nhòm ngó của những vị có trách nhiệm đào luyện tôi.

Ở Đại Chủng Viện Montréal tôi cảm thấy thoải mái hơn nhiều, lại gần gia đình hơn và tôi còn làm bạn với nhiều người còn sống đến ngày hôm nay, sau năm thập niên. Vả lại, tiếp theo sau cơn bạo bệnh đã đánh gục tôi vào tháng mười hai năm 2000, và trong thời gian nghỉ dưỡng bệnh khá lâu, tôi cảm thấy như ở nhà mình vậy. Tôi sống với bốn mươi linh mục khác và tôi luôn cảm thấy an lạc trong thời gian dưỡng bệnh.

ĐỜI SỐNG MỤC VỤ

Năm 1952 tôi được phong chức linh mục và bắt đầu cuộc đời mục vụ trong nhiều môi trường khác nhau ở vùng nói tiếng Anh thuộc tổng giáo phận Montréal. Đầu tiên tôi làm phó xứ ở thành phố Saint-Laurent, dưới quyền một linh mục mà tôi rất thương mến, đó là cha chánh xứ David McDonald. Đối với tôi ngài là một hướng dẫn viên với những đức tính hiếm có. Khi đặt để ngài trên đường đời của tôi, Thiên Chúa đã trao ban cho tôi một quà tặng nhờ đó mà trong thời gian kế tiếp, tôi có thể phục vụ Giáo hội của Chúa ở Montréal một cách tốt đẹp hơn.

Tôi cũng còn thi hành nhiều mục vụ khác nữa mà phần nhiều chỉ ngắn hạn mà thôi. Nhất là tôi đã thành lập một nhà chuyển tiếp cho những phụ nữ trẻ tuổi đang gặp khó khăn. Tôi làm tuyên úy cho bệnh viện tâm thần Douglas ở Verdun. Tôi cũng làm tuyên úy cho các nữ tu Thánh Anna và các nữ tu Đấng Chăn Chiên Lành.

Sau cùng tôi làm chánh xứ họ đạo Saint John Fisher ở Point-Claire trong mười hai năm. Tôi đã thi hành mục vụ một cách tràn trề hạnh phúc. Ngoài ra còn có công tác từ thiện “Chúa Nhân Lành xuống đường” mà tôi đã tận hiến cho đến ngày nay đã được mười bốn năm rồi. Đó là công việc mục vụ lâu nhất của tôi.

Kế đó tôi đã trải qua hai năm khó khăn hơn tại giáo xứ Chúa Phục Sinh (Resurrection of Our Lord), không phải ở Trung quốc (la Chine) …mà ở vùng ngoại ô Lachine thuộc thành phố Montréal. Tại đây việc trùng tu thánh đường và những công việc hành chánh đã tác hại sức khỏe tôi quá nhiều và đưa tôi đến một tình trạng suy thoái tâm thần trầm trọng.

CÔNG TÁC “CHÚA NHÂN LÀNH XUỐNG ĐƯỜNG ”

Tiếp theo sau thời kỳ đau đớn đó trong cuộc đời tôi, dần dần tôi mở rộng tầm tay đối với những kế hoạch mà Chúa dành sẵn cho tôi ngay từ lúc đầu. Bởi vì không phải ở Trung quốc mà Chúa muốn tôi làm thừa sai, nhưng đúng hơn là trên những nẻo đường thành phố Montréal, bên cạnh những thanh thiếu niên bụi đời đang gặp khó khăn.

Những người nầy cũng như dân Trung Hoa - và có thể còn hơn thế nữa - cần được rao giảng Tin Mừng về Tình Yêu của Chúa. Đối với tôi, đó là một công cuộc Phúc Âm hóa trong một bối cảnh văn hóa và ngôn ngữ đặc thù. Văn hóa và ngôn ngữ đó khác với Hoa ngữ nhưng tôi không bao giờ chấm dứt việc tìm tòi học hỏi.

Qua gương cha mẹ, tôi được dạy dỗ về điều cần phải biết trong lãnh vực Phúc Âm hóa. Ngày kia, mẹ tôi đã nói với tôi đầy sự khôn ngoan như sau: “Emmett, việc làm có âm hưởng mạnh mẽ hơn chính lời nói. Đừng nói quá nhiều về Chúa, con nên chứng tỏ Chúa thì hơn!”

Những lời nói đó đã có âm vang mạnh mẽ trong cuộc đời tôi. Tôi tin tưởng chính Chúa đã phán bảo cho tôi qua mẹ tôi là Ngài muốn tôi rao giảng về Ngài cho những thanh thiếu niên bụi đời ở ngoài đường phố.

Không phải tôi đã “tạo ra” thứ hiện diện đặc biệt đó. Ngày kia qua đài truyền thanh, tôi nghe một người đàn ông ở Toronto nói về công tác của ông ta bên cạnh các thanh thiếu niên bụi đời. Thật là một sự khải ngộ! Tôi tìm thấy ở đó câu trả lời cụ thể cho điều ước muốn đi truyền giáo của tôi.

Tôi rất thân cận với những thanh thiếu niên nam nữ bị ruồng bỏ và đang mang trong mình những vết thương thầm kín. Tôi đã trông thấy họ cố gắng tự bảo vệ, cho dẫu có khi phải dùng tới bạo lực. Tôi ý thức rất rõ sự ruồng rẫy mà họ phải gánh chịu đối với một số đông người tuy có từ tâm và lòng hiểu biết. Lúc bấy giờ một tiếng vang dội lên trong con người tôi.

Do đó, sau khi suy nghĩ chín chắn về dự án giúp đỡ những thanh thiếu niên bụi đời, tôi đã đi gặp người đàn ông đó ở Toronto. Tôi muốn xem những gì anh ta đã làm và đã ứng phó như thế nào.

Khi trở về Montréal, tôi đã trình bày với các vị bề trên của tôi ở trong giáo phận, cách riêng với Đức Cha Leonard Crowley, lúc bấy giờ là giám mục phụ tá cho Đức Hồng Y Grégoire và là vị đại diện của ngài bên cạnh những giáo dân Công giáo nói tiếng Anh. Dự án của tôi đã được chấp thuận và như thế tổ chức “CHÚA NHÂN LÀNH XUỐNG ĐƯỜNG ” được thành hình vào năm 1988.

Tôi muốn tổ chức đó là hiện thân của sự hiện diện niềm nở và thân tình của Thiên Chúa và Giáo hội Ngài trên những nẻo đường thành phố Montréal. Phần nhiều người ta quên những người sống vất vưởng trên lề đường và nhất là những thanh thiếu niên nam nữ đã vật lộn như thế nào ở ngoài đường khi màn đêm buông xuống. Đặc biệt tôi rất nhạy cảm với những thanh thiếu niên ngông cuồng, đã bị chính môi trường của họ loại bỏ và đã tá túc ngoài đường với bao điều bất trắc nguy hiểm.

Với những thiện nguyện viên đã mau mắn nhập cuộc, chúng tôi muốn tiếp cận với các thanh thiếu niên bụi đời bằng cách đón tiếp họ với sự nhiệt tâm mà không chút xét đoán về họ. Chỉ bằng sự hiện diện mà thôi, chúng tôi muốn chứng tỏ cho họ thấy rằng họ là những con người thật sự một trăm phần trăm và đáng được sự quí mến tôn trọng.

Đối với những thanh thiếu niên nam nữ có Đức Tin, chúng tôi chỉ cần nhắc nhở họ là những con cái dấu yêu của Cha trên trời - Đấng đã không ngần ngại sai Con Độc Nhất là Chúa Giêsu Kitô để công bố về Thiên Chúa và chứng minh về Ngài.

Đôi khi các thiện nguyện viên và tôi nhận được nhiều chứng tá tuyệt vời về phía các thanh thiếu niên tìm tới chiếc xe lưu động chúng tôi. Có một bạn trẻ đã cảm động chúng tôi nhiều nhất khi anh nói: “Những hot-dogs, cà-phê, chocolats nóng, nước ngọt…thật tuyệt vời, nhưng cái đã sưởi ấm con tim chúng tôi nơi chiếc xe lưu động nầy, đó là gặp gỡ những người như quí bạn đây đã tiếp đón nồng hậu chúng tôi bởi vì quí bạn thương mến chúng tôi!” Còn gì an ủi hơn!

Lúc bấy giờ tôi tự nhủ còn có những người thật sự hiểu biết tại sao chúng tôi xuống đường, năm buổi tối mỗi tuần và đã từ mười bốn năm qua. Không phải để gây ấn tượng giật gân! Cũng không phải đóng vai trò những người hào hiệp hoặc tìm cách cải giáo bất cứ ai…nhưng chỉ để nói với những người đau khổ và thường khi bị khinh rẻ, về sứ điệp mà hết thảy mọi người cần được nghe tới: đó là niềm mong ước họ được thương mến!

KINH NGHIỆM ĐAU Ê CHỀ

Nhu cầu và điều mong ước của tôi được tiếp cận những người khổ đau chắc chắn cũng có tương quan với chính kinh nghiệm của tôi về sự đau khổ. Ở trên kia tôi đã nói về cảm giác thất bại và bị ruồng bỏ khi người ta đã khép kín cửa lại đối với giấc mơ của tôi muốn trở thành thừa sai ở Trung quốc.

Suốt cuộc đời tôi, tôi cũng đã trải qua những kinh nghiệm đau thương khác khiến tôi hơn một lần phải nghĩ tưởng và nói rõ ràng là tôi đã thua cuộc, mặc dù những bước đi của tôi có vẻ thắng cuộc. Nhưng mỗi một lần như thế, Thiên Chúa đã tìm phương cách để nói với tôi và chứng tỏ cho tôi rằng tôi vẫn có giá trị trước mặt Ngài và Ngài đã thương yêu tôi như chính con Ngài vậy.

Vào tháng mười hai năm 1968, tôi đã trải qua một kinh nghiệm đớn đau tồi tệ nhất trong cuộc đời tôi. Lúc bấy giờ tôi giảng tỉnh tâm cho những nữ sinh viên vừa tốt nghiệp trường y tá thuộc bệnh viện Saint Mary. Độ hai mươi nữ sinh từ hai mươi tuổi trở lên đã tham dự. Tôi sung sướng được đồng hành với họ trong hai ngày vừa cầu nguyện vừa nghỉ ngơi, trong khung cảnh tuyệt vời của vùng rừng núi Laurentides trong mùa tuyết đổ.

Có hai nữ sinh vắng mặt khi điểm danh. Họ đi dạo dưới cơn tuyết dày đặc nhưng không bao giờ trở lại. Người ta đã tìm thấy thi thể của họ một tuần lễ sau đó. Cha mẹ của một trong hai nạn nhân đã buộc tôi chịu trách nhiệm về cái chết của con gái họ và đòi truy tố tôi trước tòa án. Cuộc điều tra của nhân viên cảnh sát tư pháp đã kết luận đó là những cái chết do tai nạn mà ra và tôi được bạch hóa, không bị truy tố.

Tuy nhiên tôi đã mang trong người một thời gian khá lâu những điều di hại do thảm trạng đó gây ra. Điều đó tỏ lộ trên gương mặt tôi, với chòm râu bạc lơ thơ chạy quanh cằm tôi! Nhiều người tưởng tôi lập dị. Nhưng đối với tôi đó là vết tích của Núi Sọ mà tôi phải leo lên năm 1968.

Điều thử thách đó suýt nữa cản trở tôi tiếp tục cuộc sống thường lệ, bao lâu sự đớn đau còn đè nặng trên con người tôi. Như những người đàn ông Do-Thái, tôi quyết định để chòm râu đó mọc lên hầu ghi nhớ biến cố thê thảm đã ghi khắc vào con tim tôi mãi mãi.

(CÒN TIẾP)