ĐỜI THƯỜNG- CHỨNG NHÂN GIỮA GIÒNG ĐỜI

IV.- LINH MỤC EMMETT JOHNS
    Cha Emmett Johns - được gọi “Pops” một cách thân mật - là một linh mục có văn bằng tiến sĩ luật khoa hạng danh dự, thành viên của Hội Đoàn những người được trao tặng Huân Chương Canada. Cha cũng được trao tặng mười hai giải thưởng quan trọng khác. Cha là sáng lập viên tổ chức “Chúa Nhân Lành xuống đường” (Le Bon Dieu dans la rue) và là người bạn của hằng ngàn trẻ em bụi đời, của những thanh thiếu niên và những người túng thiếu.

    Nếu giá trị một con người được đo lường bằng uy lực và chiều sâu của niềm xác tín, những giá trị cá nhân và sự trung tín trong tình bằng hữu, sự độ lượng trọn vẹn đối với kẻ khác, sự tận tâm không biết mỏi mệt đối với sự an sinh của những kẻ yếu kém và nghèo khổ nhất thì cha Emmett Johns là người mà không ai có thể vượt qua được.
TỪ GIẤC MƠ TRUYỀN GIÁO Ở TRUNG QUỐC…ĐẾN VIỆC PHỤC VỤ NHỮNG THANH THIẾU NIÊN BỤI ĐỜI TRÊN NHỮNG ĐƯỜNG PHỐ MONTRÉAL

ƯỚC VỌNG ĐI TRUYỀN GIÁO Ở TRUNG QUỐC

Cũng như nhiều thanh thiếu niên thuộc thế hệ tôi được lớn lên trong niềm tin Công giáo, điều mong ước sống đời truyền giáo đã được khơi dậy khá sớm trong cuộc đời tôi.

Cha mẹ tôi là những người lao động cần cù. Họ tin tưởng vào giá trị tuyệt đối của lời cầu nguyện và họ để dành nhiều thời giờ cho công việc đó. Họ đặt mua hai nguyệt san thông tin về những cộng đoàn truyền giáo ở Trung quốc: cộng đoàn các nữ tu Đức Mẹ Vô Nhiễm và cộng đoàn các nam thừa sai Scarboro. Cộng đoàn nầy mang danh xưng là “Sứ Vụ Truyền Giáo ở Trung Quốc” (China Mission).

Chị tôi và tôi rất thích đọc những tạp chí nầy. Bắt đầu từ những hình ảnh xuất hiện trên những tạp chí đó, chúng tôi tạo ra những bối cảnh đặc thù cho trường hợp chúng tôi.

Trung quốc luôn hấp dẫn tôi rất nhiều, vì mang một sắc thái hoàn toàn có tính cách ngoại lai. Trước tiên, đất nước đó ở đầu cùng bên kia quả địa cầu và mọi sự hoàn toàn khác biệt: ngôn ngữ, văn hóa, màu da đến cả hình dáng đôi mắt. Tất cả những điều đó đã mời gọi tôi lăn xả vào một cuộc mạo hiểm đầy quyến rủ nhưng cũng đòi hỏi rất nhiều xả thân.

Nhất là người dân Trung Hoa không được may mắn như tôi nhận biết Thiên Chúa, được nhận lãnh bí tích Thánh Tẩy, được rước Thánh thể hằng ngày. Họ không biết cái chết không phải chấm dứt mọi chuyện và hạnh phúc chờ đợi chúng ta ở trên kia hoàn toàn vượt xa thứ hạnh phúc tạm bợ ở dưới trần thế nầy…

Khi trở về với thực tại, tôi nhận ra rằng đất nước Trung Hoa thật quá xa xôi. Tôi cũng tự nhủ việc học ngôn ngữ Trung Hoa không phải dễ dàng. Sự đánh vần đối với ngôn ngữ đó không có chút liên hệ gì với Anh ngữ là tiếng nói mẹ đẻ của tôi hay Pháp ngữ mà lúc bấy giờ tôi đọc và viết sành sỏi vì được lớn lên trong môi trường sinh sống của những người nói tiếng Pháp. Trong thực tế, biết đâu Chúa đã không đòi hỏi tôi phải hy sinh lớn lao như vậy.

Ở BẬC TIỂU HỌC

Những năm ở bậc tiểu học đã trôi qua một cách êm ả không có vấn đề gì. Sự hiện diện của Thiên Chúa đối với tôi là điều hiển nhiên. Cũng như đa số trẻ con cùng tuổi, tôi được bao quanh bởi những người có đức tin vững mạnh và sống đạo một cách sâu sắc. Mỗi ngày mẹ tôi đi xem lễ ở nhà thờ Thánh Denis, chỉ cách nhà chúng tôi chừng mấy bước. Cha tôi đi xưng tội hàng tháng và cấm phòng hằng năm.

Chúng tôi có những người láng giềng dễ thương là các nữ tu Sainte-Croix (Thánh Giá). Chúng tôi thường thấy họ đi tản bộ vừa đi vừa lần hạt. Nhà chúng tôi cũng ở trước sân trường Champagnat. Tôi thường chơi “bi” với các sư huynh là những người đã sử dụng những hòn bi tịch thu được của đám học sinh trong những giờ học.

Tôi không nhiệt thành đạo đức hơn ai, nhưng tôi luôn hăng say sống động. Vào đầu niên học, nhân ngày tĩnh tâm, tôi luôn là người đầu tiên trả lời hết mọi câu hỏi do các vị thuyết giảng đặt ra. Sự nhiệt thành đó đã làm bực mình chị tôi - lớn hơn tôi mười sáu tháng. Chị tôi bị trêu ghẹo bởi những bạn bè cùng lớp về đứa em nhí nhảnh đã trả lời tuốt luột mọi câu hỏi!

Đối với tôi, câu hỏi nầy về Thiên Chúa: sự hiện diện và tác động của Ngài trong cuộc sống tôi cũng như trong vũ trụ luôn luôn xem ra quan trọng. Điều đó cũng ảnh hưởng trên những trò chơi trẻ con giữa tôi với các bạn bè nói tiếng Pháp. Chúng tôi đã chế tạo khí giới để chơi đánh giặc, nhưng không chấp nhận bất cứ sự bạo hành nào! Có lẽ đó không phải là điều nghịch lý duy nhât trong cuộc sống của tôi mà thôi đâu.

Ở BẬC TRUNG HỌC

Khi lên trung học, cha mẹ tôi đã gởi tôi theo học trường D’Arcy McGee High School - một trường trung học công lập Công giáo do các sư huynh điều khiển. Cha mẹ tôi muốn tôi hấp thụ một nền giáo dục tốt nhất. Vì vậy họ đã quyết định ký thác tôi cho những sư huynh đó là những nhà giáo dục nổi tiếng đối với thanh thiếu niên và tôi biết ơn sâu sa các sư huynh đó.

Ở trường trung học đó, thỉnh thoảng chúng tôi đón tiếp những linh mục tìm cách gợi lên những ơn gọi trong tâm hồn trẻ nhỏ. Tôi nhớ lại một vị thừa sai Dòng Tận Hiến Đức Mẹ Vô Nhiễm đã nói cho chúng tôi về sứ vụ truyền giáo của ngài ở miền Cực Bắc. Lúc bấy giờ tôi tự nghĩ: “Ở vùng đó quá lạnh!”

Về sau, một vị thừa sai khác từ Phi châu trở về đã đến nói chuyện với chúng tôi về những sự tàn phá do các loại côn trùng gây ra trong những vùng truyền giáo. Lập tức tôi tự nhủ: “Tôi không thích đàn kiến!”

Chúng tôi cũng đón tiếp một linh mục triều đến thăm viếng, nhưng vị linh mục nầy không hấp dẫn tôi mấy. Cuộc sống của ngài ở giáo xứ đối với tôi xem ra hơi tẻ nhạt. Đời sống đó không lôi cuốn tôi bao nhiêu. Có lẽ đã đến lúc tôi cảm thấy hứng thú làm những công việc khác.

Vào cuối niên học thứ tư ở bậc trung học, giáo sư môn văn chương của tôi đã bắt chúng tôi bình luận một bài thơ tự thuật của Francis Thompson với tựa đề: “The Hound of Heaven” (Săn Đuổi Nước Trời). Tác giả thuật lại cuộc đời và hành trình tâm linh của mình.

Ông đề cập tới sự trốn chạy Thiên Chúa là Đấng đã mời gọi ông và đồng thời cũng gieo rắc kinh hoàng cho ông. Để thoát khỏi cảnh ngộ bi đát đó, ông đã tìm nơi ẩn náu - đó là trường hợp thông thường xảy ra - trong men rượu, hút xách nghiện ngập và chơi bời trác táng cho đến ngày mà cuối cùng ông bị nghiền nát trước Đấng đã theo đuổi ông như thợ săn đuổi theo con thú bị săn.

Lúc bấy giờ ông nhận ra rằng những bàn tay đè nặng trên ông không phải để tấn công ông. Đúng hơn những bàn tay đó là của một người thương yêu ông và đã đến với ông để ôm ấp ông trong vòng tay từ ái của mình.

Tôi hồi tưởng bài thơ đó như mới xảy ra hôm qua và nhất là sự dẫn giải tuyệt vời của vị giáo sư tôi là sư huynh Ignatius. Sự bình chú bài thơ nầy của thầy Ignatius đã gây xúc động mạnh mẽ nơi tôi và chắc chắn vị giáo sư đó đã ảnh hưởng đến quyết định của tôi đi gõ cửa các thừa sai ở Scarboro - tương đương với cộng đoàn những thừa sai ở Pont-Viau nói tiếng Anh - sau khi tôi mãn trung học. Lúc bấy giờ tôi được mười bảy tuổi.

CỘNG ĐOÀN THỪA SAI SCARBORO

Quả thật chính lúc đó tôi đã khởi đầu một cuộc sống nghiêm túc về học vấn cũng như làm việc để có thể đưa dẫn tôi đến Trung quốc hầu thực hiện giấc mơ mà tôi tin tưởng đó cũng là lời mời gọi của Chúa. Trước hết, tôi đã hoàn tất năm đầu tiên nhà tập cũng khá vất vả.

Lần đầu tiên trong đời, tôi sống xa gia đình và đó là điều mà tôi mất mát nhiều nhất. Hơn nữa, tôi cảm thấy luôn bị theo dõi, dò xét từng cử chỉ nhỏ nhặt nhất của tôi. Những công việc lau chùi nhà cửa bếp núc dành cho tập sinh không làm tôi hứng thú mấy và tôi cảm thấy mình không có năng khiếu về những công việc đó.

Sau khi kết thúc thời gian nhà tập, mặc dù có những thái độ ngập ngừng của các vị bề trên cộng đoàn, tôi cũng được nhận vào lớp triết học trong vòng hai năm. Tiếp theo đó, tôi phải bắt đầu học thần học để trở thành linh mục thừa sai ở Trung quốc.

Cuối năm thần học thứ nhất - sau khi sống bốn năm với cộng đoàn truyền giáo Scarboro - tôi đã trải qua kinh nghiệm chua chát lần đầu vì cảm thấy bị thất bại và ruồng bỏ trong cuộc đời tôi. Lúc bấy giờ các vị bề trên đã nói rõ ràng là họ không chấp nhận tôi theo đuổi việc đào tạo ở cộng đoàn họ nữa.

Họ chỉ nhận xét rằng tôi không trưởng thành đủ để trở nên thừa sai. Không ai hỏi ý kiến tôi. Tôi chỉ biết tuân phục điều được gọi là sự quyết định của quyền bính! Tôi phải xa rời cộng đoàn đó và tạm thời gác bỏ - ít nhất là trong lúc đó - giấc mơ làm thừa sai của tôi.

CỘNG ĐOÀN TRUYỀN GIÁO MARYKNOLLS

Lúc bấy giờ tôi bắt đầu trở lại thành phố Montréal - vừa đớn đau vừa nhục nhã ê chề. Ngoài tình cảm cá nhân đối với nổi thất bại đớn đau kia, tôi còn có cảm tưởng đã làm thất vọng tất cả những ai đặt niềm hy vọng tràn trề nơi tôi và đã tin tưởng là tôi phải cố gắng hết sức để trở thành một vị thừa sai tốt.

Tính bướng bỉnh của tôi lại dẫn đưa tôi tới gõ cửa một cộng đoàn thừa sai khác - đó là cộng đoàn Maryknolls ở tiểu bang Nửu Ước. Lại một lần nữa, cha bề trên mà tôi tin tưởng là người có ấn tượng tốt đẹp về tôi, đã gợi ý cho tôi là nên từ bỏ ý muốn trở thành thừa sai và định hướng cuộc đời một cách khác đi. Ngài căn cứ trên việc thẩm định của các vị thừa sai ở Scarboro là những người đã theo dõi và dò xét tôi trong bốn năm trường.

Thêm một lần nữa, tôi lại rơi vào một giấc mơ gãy đổ và một tình cảm thất bại tồi tệ. Tôi bị lúng túng khá lâu trong việc truy tầm một định hướng cho cuộc đời mình. Tôi tự hỏi tại sao Thiên Chúa không muốn tôi đi rao giảng Tin Mừng cho dân tộc Trung Hoa?

(CÒN TIẾP)