NỘI DUNG CỦA CHƯƠNG TRÌNH DẠY DỖ TRẺ TỰ BẾ (autistic children)

Khi bàn về nội dung dạy dỗ trẻ tự bế, tôi muốn đề xuất ba lối nói và ba cách làm của tác giả D. WINNICOTT :

Lối nói thứ nhất là HOLDING : Nguyên ngữ của từ nầy có nghĩa là Bồng Bế, nâng niu, chiều chuộng. Đó là ất cả những gì một bà mẹ có thể làm, từ khi đứa con vừa đi ra khỏi lòng mình. Holding là nhìn con, bi bô chuyện trò với con, xoa bóp, tắm gội, bồng bế, đi ra ngoài dạo chơi... Trong tinh thần và ý nghĩa nầy, Holding là tìm mọi cách để vui đùa tạo vui thích và an toàn nội tâm cho con, bằng cách kích thích 5 giác quan, nhất là THẤY, NGHE và XÚC GIÁC.

Holding là làm những cử động, để cho đứa con NHÌN.

Holding là tìm ra mọi cách làm tiếng động, tạo âm thanh, để cho đứa con NGHE và CHÚ Ý.

Holding là dùng xúc giác, để tiếp xúc với xúc giác của đứa con, để cho trẻ em hiểu rằng : Bà mẹ đang tạo vui thích và chú ý đến mình.

Khi bà mẹ hay là người giáo viên sống xa cách, không gần gũi và tiếp xúc với trẻ em, chúng ta có thể quan sát và ghi nhận bốn hiện tuợng hay là bốn HÀNH VI quan trọng sau đây :
  • Trẻ lăng xăng, không biết làm gì cả. Đó là dấu hiệu cho chúng ta thấy rằng : trẻ đang có tâm trạng lo âu, không cảm thấy mình được thương yêu và lưu tâm, chú ý. Cho nên, các cháu ấy đang tìm mọi cách để tạo nên những khó khăn cho người khác. Nhưng thực ra, các em đang nói với chúng ta : Hãy thương tôi. Hãy nhìn tôi. Hãy chú ý đến tôi.
  • Trẻ đánh đập kẻ khác, để tạo chú ý. Thông thường, trẻ đánh đập người lớn hay là đánh đập các trẻ em khác, vì chính em đã bị đánh đập, trong gia đình hay là bị bỏ rơi, ngược đãi, bằng cách này hay cách khác. « Đánh đập » kẻ khác là một « Bài Học », mà trẻ em đã học đi học lại với người lớn. Một cách nào đó, trẻ đang nói với chúng ta : cho tới hôm nay, tôi chỉ học được bài học ấy, khi tiếp xúc và trao đổi với người khác.
  • Trẻ « lặp đi lặp lại » suốt ngày một cử chỉ, một hành vi... và không biết làm gì khác.
  • Trẻ có những hành vi « tự hủy, tự làm hại mình ». Không nhận được những kích thích vui thú từ bà mẹ hay là từ những người khác, trẻ em sẽ tìm ra một loại kích thích khác. Ít ra với cách làm nầy, trẻ em cảm thấy rằng : mình cũng làm được một cái gì, để tạo ra kích thích cho chính mình. Những trẻ em « thủ dâm » cũng có những cách làm tương tự.
Từ thứ hai của D. WINNICOTT là HANDLING có nghĩa là xem trẻ em như một CHỦ THỂ.

Dấu hiệu bộc lộ khả năng nầy có mặt một cách rõ ràng nhất là KHI TRẺ EM biết CHƠI MỘT MÌNH, không lệ thuộc váo kẻ khác.

Sau khi trẻ em học một bài học, các cháu sẽ biến bài học ấy thành một trò chơi, một hành vi tự lập.Và các cháu có xu thế lặp lui lặp tới, cho đến khi thuần thục nhuần nhuyễn.

Trong tinh thần và lăng kính nầy, chúng ta tôn trọng trẻ em, xem trẻ em như một chủ thể toàn phần, bằng cách lắng nghe những nhu cầu cơ bản của các em.

Có 3 loại nhu cầu luôn luôn có mặt nơi mỗi trẻ em :

Nhu cầu thứ nhất là vui thích, vui đùa.

Nhu cầu thứ hai là được chú ý, lưu tâm, nghĩa là được thương yêu, tôn trọng và an toàn nội tâm.

Nhu cầu thứ ba là được học, được biết những qui luật, những CẤU TRÚC của thực tế và xã hội. Qui luật hay là cấu trúc giúp cho trẻ biết rằng : em có thể LÀM được gì ? Và em KHÔNG CÓ PHÉP làm những điều nào. Khi biết như vậy, trẻ em sẽ biết TỰ LẬP, SỐNG MỘT MÌNH ( to be a Self, to be there, theo cách nói của Winnicott ).

Lối nói thứ ba của WINNICOTT là OBJECT PRESENTING, nghĩa là được dạy dỗ, được học hành theo cấp độ phát triển hiện tại của mình, để có thể sống một mình, như vừa được nói tới trên đây. Học để có thể biết điều gì làm được và điều gì làm không được.

Đối tượng để học thì bao la. Chúng ta hãy bắt đầu với những gì trẻ em đã làm được. Đó là Vùng Tự Lập. Chúng ta thêm vào đó một yêu cầu rất nhỏ, để cho trẻ em lặp đi lặp lại, cho đến khi thuần thục. Đó là Vùng học tập, còn được gọi là Vùng Trung Gian.

Ngoài ra, những gì còn lại được gọi là Vùng Xa Lạ. Nếu chúng ta tổ chức việc học tập cho trẻ em trong Vùng Xa Lạ nầy... một trăm năm sau, trẻ em cũng sẽ không học được gì cả.

Sau đây tôi xin đưa ra một ví dụ cụ thể : Em C đánh cô giáo và các bạn khác.

Trong tinh thần và lăng kính của Winnicott, không có gì là tiêu cực cả. « Đánh » được coi là một hành vi tự lập, nghĩa là trẻ không cần ai dạy cũng biết đánh đập kẻ khác.

Tôi làm một HÌNH NGƯỜI NỘM, để sẵn trong lớp học.

Mỗi lần trẻ C có hành vi đánh đập một người khác, tôi bình tĩnh và cương nghị bảo em C : Không đánh bạn. Tuyết đối cấm đánh bạn. Trái lại em có thể đến gốc phòng và ĐÁNH hình nộm. Đánh bao nhiêu cũng được. Tha hồ đánh, tùy ý thích.

Mấy lần đầu, tôi cầm mạnh cánh tay dẫn đến và cùng đánh người nộm với em C. Vừa làm tôi vừa bảo : Đánh đi, đánh bao nhiêu cũng được.

Sau khi em đã hiểu tôi muốn gì, cứ mỗi khi em C vừa có hành vi đánh đập, tôi nghiêm nghị nhắc lại : Thầy (Cô) đã bảo gì ? Em có thể đánh gì ? Đánh ở đâu ? Đi đi. Đánh cho đến khi hết giận, rồi trở lui chỗ ngồi, học lại.

NÓI TÓM LẠI : Dạy trẻ em là một khoa học. Khoa học này đòi hỏi nơi chúng ta :
  • một tấm lòng thương yêu bao la,
  • một khả năng sáng tạo mềm dẽo,
  • một khả năng hiểu biết và ham học.
Đó là bí quyết thành công của người giáo viên dạy trẻ tự bế.

Mong thay. Đó là lời khẩn nguyện của tôi.

Lausanne - Thụy Sĩ 3-11-2004