Cái chết thánh thiện của Francisco

Đêm đó, con nói lời tạm biệt em.

“Tạm biệt Francisco! Nếu đêm nay em lên thiên đàng, đừng quên chị khi lên đó, em có nghe chị nói không?”

“Không, em sẽ không quên. Chị hãy nắm chắc điều đó!” Rồi nắm lấy bàn tay phải của con, em giữ nó thật chặt một hồi lâu, nhìn con trong nước mắt đầm đìa.

Con cũng nước mắt đầm đìa hỏi em: “Em có muốn điều gì khác nữa không?” Em nhỏ tiếng trả lời, hoàn toàn tự chủ: “Không!”

Vì khung cảnh trở nên quá xúc động, nên dì con yêu cầu con rời khỏi phòng.

“Vậy tạm biệt Francisco! Cho tới khi chúng ta gặp nhau lại ở trên thiên đàng, tạm biệt em…”

Thiên Đàng quả đang gần kề. Em bay về đó ngày hôm sau trong vòng tay của Mẹ Trên Trời. Không bao giờ con có thể mô tả được con nhớ em đến thế nào. Nỗi buồn mất mát này xé nát trái tim vốn đã bị đâm thâu qua của con trong nhiều năm sắp tới. Chính hồi ức quá khứ sẽ vang vọng mãi mãi thiên thu.

Tiếng thơm thánh thiện của Jacinta và Phanxicô

Sau các chi tiết trên về Francisco, chị Lucia tường trình lại các lần hiện ra, rồi viết lời bạt cho cuốn hồi ký 4. Tuy nhiên, sau đó, chị viết thêm một số hoài niệm khác về Jacinta theo lời yêu cầu của linh mục tiến sĩ Galamba, trong đó có việc nhờ lời cầu nguyện của em, mà một người đàn ông bị nấc cụt liên tục trong 3 năm đã được chữa lành và một chàng thanh niên hoang đàng trở về nhà cha mẹ sau khi biến dạng một thời gian không ai biết ở đâu. Chị cũng nhân dịp này nhận định về cuốn sách của Cha Fonseca, Dòng Tên, tựa là “Đức Mẹ Fatima” mà theo chị có nhiều chỗ không đúng. Cuối cùng là phần chị nói tới cảm nhận của chính bản thân chị về “Tiếng Thơm Thánh Thiện của Jacinta”. Chị viết:

“Mọi hành động của Jacinta rõ ràng phản ảnh thánh nhan Thiên Chúa theo cung cách người lớn và giầu nhân đức. Con không bao giờ thấy nơi em tính phù phiếm thái quá hay hứng chí ấu trĩ chỉ thích các trò chơi và đồ vật đẹp mã, rất đặc trưng nơi các trẻ nhỏ. Điều này, dĩ nhiên, diễn ra sau các lần Đức Mẹ đã hiện ra; trước đó, em là hiện thân của hứng chí và thất thường! Con không thể nói các trẻ em khác vây quanh em như chúng vây quanh con. Điều này có lẽ do sự kiện này là em không biết nhiều bài hát và truyện kể để dạy chúng và tiêu khiển chúng, hay có lẽ nơi em, có một sự nghiêm túc đi trước tuổi của em.

Trước mặt em, nếu một đứa trẻ, thậm chí cả người lớn cũng vậy, nói hay làm một điều khó coi, em sẽ la ngay, nói rằng ‘em đừng làm việc đó, vì làm thế là xúc phạm đến Thiên Chúa là Chúa chúng ta, mà Người thì đã bị xúc phạm quá nhiều rồi!’”

Lucia nhận định rằng: một mình Jacinta không lôi cuốn được nhiều trẻ em khác, nhưng có cả Lucia, thì các trẻ em khác rất muốn chơi với Jacinta. Nhân những cơ hội này, Jacinta dạy chúng Kinh Lạy Cha, Kinh Kính Mừng, cách làm dấu thánh giá, ca hát, đọc kinh Mân Côi với nhau và khuyên chúng “đừng phạm tội, nhờ thế tránh được việc xúc phạm đến Chúa và phải sa hỏa ngục”.

Chị Lucia coi Jacinta như một “mẫu mực nhân đức”. Chị cho biết: cả người lớn cũng hay tới gặp Jacinta, một người “luôn nhẫn nại, không hề đòi hỏi hay kêu ca gì. Bất cứ nằm ở thế nằm nào khi mẹ em bỏ đi, em cứ nằm như thế. Nếu có ai hỏi xem em có cảm thấy đỡ hơn không, em đều trả lời: “em vẫn vậy” hoặc “em nghĩ em tệ hơn, cám ơn chị”.

Người lớn đến với em khá đông, nhiều khi chỉ để ngồi bên giường em như thể họ thích được ở bên cạnh em. Nhưng cũng vì thế, em phải nghe nhiều câu hỏi gây khó chịu. Nhưng em không bao giờ tỏ vẻ thiếu kiên nhẫn hay giận dữ, để “dâng nhiều hy sinh hơn cho Chúa”.

Nhiều người mến Jacinta và Francisco vì các nhân đức của các em. Chị Lucia kể lại nhận xét của một số người đến thăm Jacinta và Francisco, sau đó đến thăm chị để kiểm chứng. Chị nghe lóm một người nói: “Để xem em này nói với ta điều gì”. Một người khác nói tiếp: “Điều gây ấn tượng nơi tôi là sự ngây thơ và thành thật của Jacinta và Francisco. Nếu em này không tự mâu thuẫn, tôi sẽ tin. Tôi không biết tôi cảm thấy gì trước mặt hai em bé này”. Một linh mục trong đoàn lên tiếng: “dường như ta cảm thấy có điều gì siêu nhiên quanh con người các em”.

Francisco, theo chị Lucia, có khác với Jacinta. Em có phong cách dễ dãi hơn, luôn luôn thân hữu và mỉm cười, chơi với mọi trẻ em khác không hề phân biệt. Em không la mắng ai. Em chỉ lẳng lặng bỏ đi, bất cứ khi nào thấy một điều không như mong muốn. Nếu có ai hỏi tại sao bỏ đi, em chỉ trả lời “tại chị/anh không tốt” hoặc “tôi không muốn chơi nữa”.

Khi người lớn tới thăm, em thường giữ im lặng, hoặc chỉ lên tiếng khi có người hỏi em trực tiếp và lúc ấy, chỉ trả lời ngắn gọn. Dù thế, nhiều người vẫn thích tới thăm em. Họ bảo: “tôi không biết gì về Francisco, nhưng ở đây, tôi cảm thấy rất tốt!”.

Có một bà tâm sự với mẹ Lucia và mẹ Francisco rằng: “Đây là một mầu nhiệm khó lường! Chúng là con nít như mọi đứa trẻ khác, chúng không nói gì với chúng ta, ấy thế nhưng trước mặt chúng, người ta cảm thấy một điều gì đó khó giải thích, và điều này làm chúng khác với các trẻ em khác”.

Có người còn ví bầu khí quanh Francisco như bầu khí trong nhà thờ. Chị Lucia nhận định rằng: “con không lấy làm lạ khi người ta có cảm giác đó, vì họ đã quá quen thuộc với việc chỉ tìm thấy nơi mọi người khác sự lo lắng về của cải vật chất vốn đi đôi với cuộc sống trống rỗng, hời hợt. Trong khi đó, chỉ nhìn thấy mấy em này (Jacinta và Francisco) đủ hướng tâm trí người ta về Mẹ trên trời, Đấng mà người ta tin các trẻ em này luôn hiệp thông với; hướng về cõi đời đời, vì họ thấy các em háo hức, hân hoan và hạnh phúc xiết bao khi nghĩ tới lúc được về đó; hướng tới Thiên Chúa, vì các em nói các em yêu mến Người hơn cả cha mẹ các em; và nghĩ tới cả hỏa ngục nữa, vì các em cảnh báo họ rằng người ta sẽ sa xuống đó nếu họ tiếp tục phạm tội…”

Về Francisco, chị kể thêm một phép lạ: Có người đàn bà tên Mariana ở làng Casa Velha đến tận phòng xin em cầu nguyện cho đứa con trai của bà làm hòa với cha cậu sau khi bị ông giận đuổi đi. Francisco hứa với bà: “Bác đừng lo. Cháu sắp sửa lên thiên đàng rồi, và khi lên đó, cháu sẽ xin Đức Mẹ ban ơn ấy”.

Đúng buổi chiều Francisco qua đời, cậu thanh niên đã xin cha cậu tha thứ. Người chị cậu này, sau đó, kết hôn với anh trai Francisco và Jacinta và có người con gái “mà Đức Cha đã gặp ở Cova da Iria, khi cô sắp sửa vào Dòng Dorothy”.

Thay lời kết luận

Tuy nhiên, không ai thâm thúy bằng Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II trong bài giảng lễ phong chân phúc cho Francisco và Jacinta Marto tại Vương Cung Thánh Đường Đức Mẹ Mân Côi Fatima ngày 13 tháng Năm năm 2000 trước sự tham dự của nhiều Hồng Y, giám mục thế giới và hơn 600,000 tín hữu tụ tập tại quảng trường Nhà Thờ, dĩ nhiên, trong đó, có Nữ Tu Maria Lucia của Trái Tim Vô Nhiễm.

Ngài ví Francisco như Môsê xưa thấy ngọn lửa bốc cháy mà không thiêu rụi. Theo ngài, điều gây ấn tượng nhất và cuốn hút trọn vẹn con người của chân phúc Francisco là vị Thiên Chúa trong ánh sáng mênh mông soi thấu những chiều sâu thẳm nhất của ba trẻ ấy. Nhưng Người chỉ cho một mình Francisco biết Người “buồn sầu” xiết bao! Nên chân phúc đã chỉ có một nguyện ước là “an ủi Chúa Giêsu và làm cho Người hạnh phúc”.

Đức Gioan Phaolô II nói tiếp: “Một biến đổi đã diễn ra trong đời sống cậu, một sự biến đổi mà ta có thể gọi là triệt để: một sự biến đổi chắc chắn không quen thuộc chút nào với các trẻ em bằng tuổi cậu. Cậu hoàn toàn dấn thân vào một đời sống thiêng liêng thâm hậu, phát biểu qua việc cầu nguyện liên lỉ và sốt mến, và đạt tới một hình thức kết hợp huyền nhiệm thực sự với Chúa. Việc này thúc đẩy cậu thực hiện cuộc thanh tẩy tinh thần cách tiệm tiến qua việc từ bỏ các vui thú riêng của cậu, thậm chí cả các trò chơi trong trắng của tuổi thơ cậu.

“Francisco chịu đựng các đau khổ lớn lao không hề ta thán, do căn bệnh khiến cậu qua đời gây ra. Dường như tất cả những đau khổ này chẳng đáng kể bao nhiêu khi được an ủi Chúa Giêsu: cậu qua đời với nụ cười trên môi. Cậu bé Francisco có một nguyện ước lớn lao là đền tạ các xúc phạm của các người tội lỗi bằng cách cố sống tốt và dâng các hy sinh và lời cầu nguyện. Đời sống Jacinta, em gái cậu, cũng được cổ vũ bằng cùng các tình cảm như thế…

“Bé Jacinta cảm nhận và đích thân trải nghiệm nỗi buồn sầu của Đức Mẹ, nên đã anh dũng hiến thân làm của lễ hy sinh cho các người có tội. Một ngày kia, khi em và Francisco đã ngã bệnh buộc phải liệt giường, Trinh Nữ Maria đến thăm hai em tại nhà, như chính em thuật lại: ‘Đức Mẹ đến thăm chúng em và nói rằng chẳng bao lâu nữa, ngài sẽ đến và đem Francisco lên thiên đàng. Và ngài hỏi xem em có còn muốn làm nhiều người tội lỗi ăn năn trở lại không. Em nói với ngài là em muốn’. Và khi đến lúc Francisco ra đi, Jacinta bảo anh trai: ‘Gửi lời em kính chào Chúa và Đức Mẹ và thưa với các Đấng rằng em chịu mọi sự các Đấng muốn để các người tội lỗi ăn năn trở lại’. Jacinta xúc động sâu xa vì thị kiến hỏa ngục trong cuộc hiện ra ngày 13 tháng Bẩy đến nỗi không một việc hãm mình hay đền tội nào được em coi là quá lớn để cứu các người có tội”.

Nhân dịp này, Đức Gioan Phaolô II cám ơn Chúa đã cứu ngài khỏi chết trong mưu toan ám sát ngày 13 tháng Năm năm 1981. Ngài cũng “cám ơn chân phúc Jacinta vì các hy sinh và lời cầu nguyện cho Đức Thánh Cha, người mà chân phúc thấy phải chịu đau khổ rất nhiều”.

Đức Gioan Phaolô II nói rằng: “với nghi thức phong chân phúc này, Giáo Hội muốn đặt lên bệ đèn hai cây nến được Thiên Chúa đốt để soi sáng cho nhân loại trong các giờ phút đen tối và âu lo của họ này”.

Trước khi kết thúc, Đức Giáo Hoàng ngỏ lời với các thiếu nhi nam nữ: “Các lời cuối cùng của cha dành cho các thiếu nhi: các trẻ trai trẻ gái thân mến, cha thấy rất nhiều đứa trong chúng con ăn mặc giống như Francisco và Jacinta. Chúng con trông rất xinh! Nhưng chỉ ít lâu nữa hoặc ngày mai chúng con sẽ cởi mấy thứ quần áo này ra và… các trẻ mục đồng sẽ biến mất. Họ không nên biến mất, phải không? Đức Mẹ cần tất cả chúng con để an ủi Chúa Giêsu, Đấng đang buồn sầu vì những điều xấu xa làm cho Người; Người cần các lời cầu nguyện và hy sinh của chúng con cho các người tội lỗi.

“Các con hãy xin cha mẹ và các thầy cô của các con ghi danh học “trường” Đức Mẹ, để ngài dạy chúng con nên giống như các mục đồng này, những em đã cố gắng làm bất cứ điều gì ngài yêu cầu họ. Cha cho các con hay ‘người ta thực hiện nhiều tiến bộ trong một thời gian ngắn bằng cách tùng phục và lệ thuộc Đức Mẹ hơn là cả năm trường với các sáng kiến cá nhân, chỉ dựa vào một mình mình’ (Thánh Louis de Montfort, Lòng Sùng Kính Đích Thực Đức Nữ Trinh Maria, số 155). Đó là lý do làm cho các mục đồng này nên thánh nhanh như thế. Một người đàn bà cho Jacinta trọ ở Lisbon, khi nghe lời khuyên rất đẹp đẽ và khôn ngoan của bé gái này, đã hỏi ai đã dạy em. Em đáp"chính Đức Mẹ”. Hoàn toàn phó thác cho sự hướng dẫn của một Cô Giáo tốt như thế, Jacinta và Francisco chẳng bao lâu đã đạt tới đình cao của hoàn hảo”.

Viết theo cuốn “Fatima In Lucia’s Own Words” do Cha Louis Kondor, SVD, Thỉnh Nguyện Viên Án Phong Chân Phước cho Francisco và Jacinta làm chủ biên, với các lời giới thiệu và chú thích của Cha Joaquim M. Alonso, Văn Khố Trưởng của Đền Thánh Fatima, bản tiếng Anh của Các Nữ Tu Đa Minh Mân Côi Muôn Đời, do Trung Tâm Thỉnh Nguyện Fatima ấn hành năm 1976