ĐỜI THƯỜNG - CHỨNG NHÂN GIỮA GIÒNG ĐỜI

III.- CHỊ NATHALIE BEAUDET (TIẾP THEO)

ĐỨC TIN ?

Đức Tin được định nghĩa như một tặng phẩm nhưng không của Thiên Chúa. Theo những nghiên cứu vật lý thần kinh, kinh nghiệm tâm linh được định vị hoàn toàn ở vòng rìa thùy não. Khi con người trải qua kinh nghiệm về Thiên Chúa - khi họ tin tưởng - trung tâm cơ thể học đó bị kích thích. Nhiều khoa học gia đã kết luận điều ngược lại cũng đúng: một cá nhân có thể trải qua một kinh nghiệm tâm linh về Đức Tin, sau khi trung tâm não bộ đó được kích thích. Do đó kinh nghiệm về Thiên Chúa chỉ là sản phẩm của khối óc.

Đối với tôi, Đức Tin là một điều thiết yếu. Thử tưởng tượng một thế giới trong đó Thiên Chúa tự biểu lộ không lập lờ chút nào cho bất cứ ai van xin Ngài: “Các con muốn Cha chứng minh sự hiện hữu của Cha phải không? Các con muốn những dấu chỉ khách quan của sự toàn năng toàn trí của Cha phải không? Đây nầy, có ngay!” Và Thiên Chúa làm xuất hiện dưới đôi mắt ta những chứng cớ mà ta đòi buộc. Và như thế, đứng trước sự xác quyết về sự hiện hữu của Thiên Chúa, con người không còn có sự lựa chọn. Con người chỉ biết quì gối xuống, thuần phục uy lực của sự hiển nhiên.

Tình yêu không đi vào trong phương trình đó. Tình yêu là một tương giao ân tình mà Thiên Chúa mong muốn. Đề tài đó được tìm thấy trong nhiều truyền thống dưới hình thức những câu chuyện cổ tích tương tự như sau: một hoàng tử đẹp trai, nhân hậu và giàu có đi tìm kiếm ý trung nhân. Bởi vì hoàng tử muốn biết chắc chắn là mình được sủng ái vì chính con người của mình, chứ không phải vì chức tước cao sang nên ngài đã cải trang qua dáng dấp một người nghèo khổ. Ngài sẽ kết hôn với người yêu mến ngài vì những đức tính của ngài mà thôi.

Niềm tin chính là thoáng thấy một thực tại không được cung ứng bởi giác quan, bởi những xúc động hay trí thức. Thực tại đó trở nên choáng váng cho đến đỗi nếu không được bao che, não bộ sẽ bị tách rời cũng giống như võng mạc bị đốt cháy nếu con mắt đăm đăm nhìn mặt trời ban trưa.

Đức Tin cho phép chúng ta nắm bắt bản chất thực tại của Thiên Chúa một cách âm thầm không thấy được. Đức Tin là nhịp cầu nối kết giữa sự vô thường và vĩnh cửu, giữa cái hữu hạn và vô biên, giữa thực tại tuyệt đối nhỏ và tuyệt đối lớn. Không có Đức Tin, Thiên Chúa của Thánh kinh trở nên ù lì như một bản nhạc không bao giờ được hòa âm.

Trong những trường hợp rất họa hiếm, tôi đã thử giải thích niềm tin của tôi. Mỗi lần như thế, sự biện luận của tôi xem ra khôi hài. Tuy nhiên, đây là những gì mà tôi tin tưởng:
  • Thiên Chúa toàn năng, vĩnh cửu và vô biên là Tình Yêu. Vì vậy, do định nghĩa, Ngài tự ban tặng. Ngài là một nhân vật tương giao, Ngài trao ban sự sống cho những tạo vật của Ngài. Ngài chia sẻ với họ những thuộc tính trong đó có tình yêu và khả năng truyền sinh. Nhưng người ta không thể bị chương trình hóa để yêu thương, nếu không, sẽ trở thành những con người máy chứ không còn là con cái Thiên Chúa nữa.
  • Do đó sự tự do đã nhập cuộc: chọn lựa tham gia vào công trình thế giới bằng tình yêu hay chiếm đoạt chỗ đứng của Thiên Chúa và hướng tình yêu về phía mình. Sự chọn lựa liên hệ thiết yếu đến hai phía: sự thiện hay sự ác, sự sống hay sự chết, sự thật hay sự dối trá. Thiên Chúa chấp nhận sự hiện hữu hai phía đó, bởi vì đó là cái giá phải trả đối với tương quan tình ái được chọn lựa một cách tự do.
  • Vì lựa chọn sai, con người bị lãnh án tử. Sự hoàn thiện và sự công bình của Thiên Chúa đòi hỏi như vậy. Con người lúc bấy giờ trở nên giống như một tế bào ung thư chối từ chỗ đúng và chức năng của mình ở trong cơ thể và tự sinh sôi nảy nở tùy thích. Tế bào ung thư đó đã phá hủy sự hài hòa của cơ thể mà nó là một thành phần. Hiển nhiên chúng ta đã biết số phận dành cho căn bệnh ung thư…Trong tương quan với Thiên Chúa, Tình yêu đã thắng thế, bởi vì Thiên Chúa xuống tận thung lũng nước mắt và khốn khổ của con người. Ngài đã thần thánh hóa nhân loại. Ngài để cho con người tiếp cận với Ngài một cách dễ dàng. Ngài chết thay cho chúng ta và Ngài ban tặng cho chúng ta một giao ước với Ngài trong Đức Tin. Đó có phải là thuyết nhân hình không? Có nực cười không? Có huyền hoặc không? Có thể như thế, nhưng tôi sẵn sàng chết cho chân lý đó.
THIÊN CHÚA HIỆN HỮU

Tôi không bao giờ hoài nghi sự hiện hữu của Thiên Chúa, cho dù tôi đã tìm kiếm những đường lối giải thích khác nhau cho kinh nghiệm đó của tôi về Ngài. Có thể Thiên Chúa là sản phẩm vô thức của tôi được nuôi dưỡng bởi nền văn hóa Do-Thái và Kitô giáo. Như vậy sự kiện đó cũng giống như một giả thuyết được đan kết trong trí óc một khoa học gia, tự kết tinh để trở thành một ý tưởng siêu việt và đã đánh thức học giả đó ngồi dậy giữa đêm khuya để ghi chép. Hiện tượng đó có thực nhưng rất họa hiếm. Vả lại, học giả không thể điều hướng hiện tượng đó tùy thích.

Đối với kinh nghiệm riêng tư của tôi, tôi nhận thấy rằng - dẫu Thiên Chúa truyền đạt cho chúng ta qua những biến cố và những sự trùng hợp xảy đến trong cuộc đời thường - những điều đáp trả của Ngài thông thường có tính cách bất chợt . Và luận cứ mạnh mẽ nhất để bác khước giả thuyết cho rằng Thiên Chúa là sản phẩm của sự vô thức ở trong tôi là vì tôi rõ biết vô thức của tôi - qua những liên tưởng phóng khoáng, cũng như qua những giấc mơ…

Tôi biết sự vô thức trong tôi không thể sản xuất những kho tàng quí báu mà tôi đã lãnh nhận được từ nơi Thiên Chúa: sự khôn ngoan, sự an bình, sự hăng say và sức sống mãnh liệt của Ngài. Sự biến đổi xảy ra trong tôi không đâm rễ trong tâm thức nhỏ bé và có thể dự kiến của tôi được.

Yêu mến Thiên Chúa và cố gắng hiểu biết Thánh ý của Ngài nhiều hơn là một việc; phục tùng Thánh ý của Ngài là một việc khác. Có nhiều sự đối kháng về phía tôi, vì tôi có thói quen điều hướng cuộc sống theo “logic” và ý muốn của tôi. Đối với tôi, Thiên Chúa thuộc lãnh vực linh thiêng, đạo đức và phi nhập thể. Ngài không am tường nhiều về tính cách phức tạp của thế giới tân kỳ nầy.

Hơn nữa, tôi cảm thấy bức xúc ngấm ngầm mỗi khi bắt ép một phần bản thể tôi tuân phục ý muốn của Ngài. Tôi có cảm tưởng là tôi sẽ trở nên nghèo nàn, mất nét độc đáo của tôi. Tôi lo sợ phải bỏ vào một cối xay rập theo khuôn mẫu có sẵn về đời sống thánh thiện.

Những kết quả buông lỏng của sự hăng say muốn giải quyết mọi chuyện bởi chính mình đã bắt buộc tôi trao tay lái cho Ngài! Bất cứ lúc nào tôi trao tay lái cho Ngài thì kết quả vượt xa điều tôi mong đợi.

CHỦ NGHĨA NỮ QUYỀN

Đó là một thí dụ thích thú. Tôi là người tiến bộ, có học thức, đam mê chính trị và tư tưởng nữ quyền đối với tôi là điều hiển nhiên. Đó là bổn phận của tôi phải yêu sách sự bình đẳng trong chỗ làm và nơi bếp núc. Chắc chắn Thiên Chúa cũng đồng ý như vậy, phải không? Nhưng thực ra không!

Cuộc đối thoại giữa Ngài và tôi đã xảy ra vào một buổi tối khi tôi đang còn làm bếp. Tôi gọt cà-rốt đồng thời thương hại cho thân phận của tôi: “Tại sao luôn luôn tôi phải dự liệu và sửa soạn bữa ăn, phải dọn bàn?” Tôi tự trả lời: là nạn nhân qua nhiều thời đại, đàn bà đã không biết đàm phán để được bình đẳng. Lúc bấy giờ tôi đệ trình câu hỏi của tôi cho Chúa mà không đưa ra một công thức trả lời có sẵn ở trong trí óc. Trong nháy mắt, Ngài đã trả lời cho tôi qua hai hình ảnh còn ghi khắc sâu đậm trong quả tim tôi cho đến đỗi những hình ảnh đó đã làm rung động con người tôi.

Hình ảnh thứ nhất là của một người đàn bà da đen với đứa con ngậm núm vú khô đét của người mẹ và ánh mắt tắt dần. Tôi còn nghe thấy tiếng ruồi bay và mùi hôi thối xông lên. Còn tôi? Tôi than vãn vì phải lựa chọn những thức ăn đủ loại, có sẵn cho mỗi mùa, không phải quan tâm đến giá cả. Và để cho ai? Đó là cho những người mà tôi yêu mến nhất trên đời.

Hình ảnh thứ hai cũng cảm động không kém: đó là hình ảnh đôi chân Thánh Tông Đồ Phêrô được Chúa Kitô rửa cho. Chậu nước đục ngầu. Tôi còn cảm thấy hơi nóng bốc lên mặt tôi. Tôi xấu hỗ vì sự vô ơn của tôi. Từ giây phút đó, những cuộc đấu tranh, những sự căng thẳng, những sự chênh lệch và những thương lượng giữa hai phái tính đã biến mất luôn khỏi con người tôi! Đàn ông hay đàn bà đều là người thân cận của tôi, tôi phải phục vụ họ. An ủi biết bao!

Về sau nầy, Thiên Chúa đã làm cho tôi biết người thân cận để yêu mến như chính mình tôi, trước hết là những người thân bằng quyến thuộc, những người ở trong bếp núc của tôi. Ngài không chấp nhận một công trạng lớn lao đối với tặng dữ mà tôi trao tặng nhằm chống lại nạn đói trong một đất nước xa xôi, nếu tôi dọn bữa ăn với sự oán hận trong lòng.

BỆNH TÂM THẦN

Thiên Chúa của Thánh kinh cũng đã thay đổi những quan niệm của tôi về bênh tâm thần. Tôi đi đến kết luận là người ta có thể hạnh phúc nếu sống lương thiện. Người ta chỉ có thể lớn lên và chín mùi nếu mở rộng tâm thức mình cho sự an sinh người khác.

Nền tâm lý học nhấn mạnh đến sự thẩm định cao quí đối với bản thân mình, những cơ chế tự phòng và những trao đổi giữa bản ngã và siêu ngã, giờ đây những điều đó xem ra vô nghĩa! Phương pháp tâm lý trị liệu hữu dụng nhất đó là phương pháp trị liệu nhằm làm triển nở con người đứng trên phương diện cơ thể, tình cảm, xã hội và tâm linh. Xem ra đối với tôi đó là mười điều răn!

Khi còn là người vô thần, tôi tin tưởng mười giới răn đã được ban bố nhằm nô lệ hóa chúng ta. Giờ đây tôi xem mười giới răn đó như là những lời nhắn nhủ của người cha nhân hậu ban tặng để chúng ta được tự triển khai. Thử tưởng tượng một xã hội trong đó mỗi người đều tuân phục “Thập giới" ! Không còn trộm cắp, ăn gian nói dối, đâm chém bắn giết, những gia đình đổ vỡ…không cần đến luật sư, cảnh sát! Thiên Chúa quan tâm cả sự nghỉ ngơi của chúng ta. Ngài truyền dạy chúng ta phải nghỉ một ngày trong bảy ngày!

Ngay giới răn thứ nhất, giới răn gây nhiều kinh hãi: “Hãy thờ lạy Thiên Chúa” cũng chỉ vì sự phúc lợi chúng ta. Căn tính chúng ta được định nghĩa qua nội dung tư tưởng chúng ta thường hướng đến điều gì quan trọng đối với chúng ta. Nếu chúng ta thờ phượng Thiên Chúa, chúng ta nghĩ tưởng đến Ngài và như thế, chúng ta thoát khỏi sự bao vây của thế giới vật chất, ích kỷ và tạm bợ. Chúng ta được thánh hóa. Chúng ta đã nhìn ra những chân trời không thể tiếp cận được đối với những ai chỉ biết tôn thờ chính bản thân mình.

Dĩ nhiên một nỗi sợ sệt lai căn cầm giữ chúng ta lại. Ai sẽ săn sóc chúng ta nếu chúng ta chỉ nghĩ tới Thiên Chúa và kẻ khác? Một sự nghịch lý linh thánh đã trả lời cho vấn nạn đó: “Chính khi cho đi là lúc nhận lãnh, chính khi chết đi cho chính bản thân mình là lúc được vui sống muôn đời.”

CHỨNG NGIỆN NGẬP

Thiên Chúa cũng đã thay đổi tầm nhìn của tôi đối với những người nghiện ngập. Tôi xem họ như những con người yếu đuối và đầy đăm mê, không thể chống lại khoái lạc tức thời và trốn chạy trước bất cứ một cố gắng nhỏ nhen nào. Giờ đây tôi hiểu rằng con người được tạo dựng để xuất thần và siêu việt hóa.

Mọi người đều tìm kiếm viên ma túy của mình: thể tháo gia vui sướng reo hò khi quả banh đâm thủng mạng lưới, người si tình tìm kiếm một tâm hồn “đồng thanh tương ứng, đồng khí tương cầu” để giao cảm, người say mê cờ bạc mong ước giây phút thú vị được trúng canh bạc, giới tiêu thụ tìm kiếm những nơi hàng hóa bán hạ giá, khoa học gia cảm thấy thích thú khi xuất bản tác phẩm nghiên cứu thứ hai mươi của mình.

Tất cả chúng ta đều tìm kiếm giây phút thoát ly cuộc sống thường nhật, mong tìm kiếm một tia lửa thần diệu. Chúng ta không được tạo dựng để an phận thủ thường với cuộc đời thường. Sự khao khát bẩm sinh đó, cái khoảng trống nội tâm đó mà chúng ta cố gắng lấp bằng do những phương tiện trần thế chỉ được khỏa lấp bởi cái vô hạn và vĩnh cửu. Chúng ta đã được tạo dựng như thế. Điều khác biệt nơi tôi với người nghiện ngập, chính ở chỗ những phương tiện tôi dùng thì có hiệu quả hơn bởi vì được chấp nhận trên phương diện xã hội.

TÌNH YÊU TRƯỜNG TỒN

Đối với Tình Yêu, Thiên Chúa tỏ ra cứng rắn: tình yêu bao hàm sự trường tồn. Khi nói “tôi yêu” có ý nghĩa như thế nào nếu người ta thêm vào câu: “tôi chỉ yêu cho tới năm 2012”. Nghe câu nói đó, người ta bắt đầu cảm thấy bực dọc cho đến độ chỉ mong muốn trốn chạy mà thôi. Việc hành nghề bác sĩ tâm thần đã cho phép tôi quan sát nỗi đau đớn kinh hoàng nổi lên khi tình yêu chấm dứt. Ngày nay, người ta không còn tìm thấy những biểu tượng nói lên một sự cam kết trường tồn: không có hôn thú, không sinh con đẻ cái, không có tiếng khóc tiếng cười của trẻ con chào đời trong gia đình.

Đứng trên phương diện cơ bản mà nói, xã hội không còn mong muốn cũng như không còn tin tưởng vào sự trường tồn của tình yêu. Sự tầm thường hóa những tác động ái ân đã bần cùng hóa nhân loại. Phương thế duy nhất để “tái thánh hóa” giới tính là con người phải ý thức về khả năng truyền sinh của mình và những gì hệ thuộc: sự tạo dựng một đơn vị xã hội - tức gia đình - căn cứ trên một tình yêu trường tồn. Đối với Thiên Chúa, Tình yêu là một quyết định trường tồn, chứ không phải một thứ xúc động nhất thời.

Dĩ nhiên, trên hành trình đức tin của tôi, còn vài nghi vấn luôn ám ảnh mà tôi chỉ nhận ra bóng mờ của sự luận lý. Chẳng hạn làm sao cắt nghĩa sự đau khổ của những trẻ em được xem ra vô tội? Số phận dành cho những nhà vô thần lương thiện như thế nào? Tại sao Thiên Chúa ẩn dật đối với một số người trong khi Ngài đã xuất hiện cho tôi một cách tỏ tường?

NGÔI VƯỜN NỘI TÂM

Điều mà tôi biết một cách chắn chắn là mỗi lần tôi trở về với ngôi vườn nội tâm của tôi, Ngài luôn ở đó để chờ đợi tôi. Tôi đặt để duới chân Ngài những nỗi buồn đau, những mối nghi ngờ, cũng như những khắc khoải ưu tư và Ngài trao ban cho tôi một sự an bình không diễn tả được. Tôi là người con dấu ái của Ngài.

Nếu chứng tá của tôi đánh thức dậy nơi người nào đó điều mong ước được biết Ngài, tôi có thể quả quyết với người đó là Cha trên trời của chúng ta chờ đợi họ với tất cả tình yêu và sự nhẫn nại.

(HẾT)