Độc chiêu của Đảng Cộng Hòa

Cuộc bầu cử năm nay, Đảng Dân Chủ không những chỉ thua cái ghế Tổng Thống, mà còn mất thêm các ghế ở Quốc Hội và Thống Đốc Tiểu Bang. Có thể nói đây là một trận thua đậm:

  • Về Tổng Thống: Buah được 51%, Kerry: 48%.
  • Tại Thượng Viện, Đảng Dân Chủ mất thêm 4 ghế nên Đảng Cộng Hòa có đến 55 ghế và Dân Chủ chỉ còn 44 ghế.
  • Tại Hạ Viện, Đảng Dân Chủ mất thêm 3 ghế (3 ghế chưa nhất định) nên Đảng Cộng Hòa có 231 ghế và Dân Chủ chỉ còn 200 ghế.
  • Năm nay bầu lại 11 ghế Thống Đốc Tiểu Bang, Cộng Hòa chiếm được 6 ghế. Như vậy trong 50 ghế Thống Đốc hiện nay, Đảng Cộng Hòa chiếm 28 ghế còn Đảng Dân Chủ chỉ được 21 ghế (1 ghế chưa nhất định).
CHỈ THẤY TỪ THUA TỚI THUA

Khi mới ra quân, người ta thấy Tổng Thống Bush khó tồn tại thêm 4 năm nữa, vì theo các nhà phân tích, trong 4 năm làm Tổng Thống, ông chỉ đưa ra những quyết định nhắm phục vụ quyền lợi của giới đại tư bản Mỹ, nhất là giới tư bản quốc phòng, bất chấp quyền lợi của đa số quần chúng Mỹ và nền an ninh thế giới, gây ra tình trạng bất ổn chưa từng có từ trước đến nay.

Trong khi người Việt chỉ quan tâm đến những tiểu tiết vụn vặt như Kerry phản chiến trong chiến tranh Việt Nam, Kerry thân cộng... nước Mỹ và thế giới quan tâm đến những vấn đề to lớn hơn:

Về phương diện kinh tế: Dưới thời Tổng Thống Clinton, ngân sách quốc gia hàng năm đã thặng dư trong 4 năm liên tục. Thế nhưng bước qua thời Tổng Thống Bush, ngân sách ngày càng thâm hụt dần. Năm 2003 hụt 375 tỷ đôû, đến năm 2004 dự trù hụt 447 tỷ đô. Tháng 2 vừa qua, Phòng Ngân Sách Quốc Hội đã đưa ra một bản nghiên cứu cho thấy ngân sách của Tổng Thống Bush sẽ dẫn tới thâm thủng tổng cộng 2.750 tỉ đô trong thập niên tới. Ngoài ra, nếu các chương trình chi phí và ưu đãi thuế của ông được thực hiện, sẽ phải cộng thêm 737 tỉ đô vào chỗ thiếu hụt trong thời kỳ vừa nói.

Trong tháng 10 vừa qua, số nợ của nước Mỷ đã lên tới mức tối đa mà luật pháp cho phép là 7.400 tỷ đô, buộc lòng Bộ Trưởng Ngân Khố John Snow phải hoãn lại việc đưa tiền vào quỹ hưu bổng cho công nhân viên thuộc chính phủ liên bang, vì sợ rằng chính phủ không còn tiền để trang trải các nhu cầu trước mắt, và không trả được nợ đúng hạn.

Thượng Nghị Sĩ Kent Conrad của North Dakota, vị lãnh tụ Dân Chủ trong Ủy Ban Ngân Sách Thượng Viện, đã nói về các ước tính đó như sau: “Đó là xác nhận thêm rằng Tổng Thống Bush đang xài vô ý thức.” Ông Scott McClellan, phát ngôn viên của Bạch Ốc, đã đỡ đòn rằng con số này chứng tỏ “chúng ta đang đáp ứng được những ưu tiên quốc gia và chúng ta cũng đang thực thi được quyết tâm của tổng thống trong nỗ lực cắt giảm thiếu hụt xuống còn một nửa trong vòng 5 năm sắp tới.”

Về chính sách chống khủng bố: Hôm 18.10.2004, khi trả lời phỏng vấn của chương trình "Jonathan Dimbleby" thuộc kênh truyền hình ITV (Anh), ông Kofi Annan, Tổng Thư Ký Liên Hiệp Quốc đã nói: "Tôi không thể nói rằng thế giới đã an toàn hơn khi tình trạng bạo lực vẫn tiếp tục gia tăng xung quanh chúng ta, các hoạt động khủng bố vẫn diễn ra thường xuyên và tình hình ngày càng xấu đi ở Iraq".

Trước đó, ông Annan khẳng định rằng cuộc chiến ở Iraq do Mỹ phát động nhằm lật đổ chính quyền Saddam là bất hợp pháp.

Hôm 17.11.2004, trong cuộc phỏng vấn trên chương trình thời sự nỗi tiếng của đài BBC2, Newsnight, Tổng thống Pháp Jacques Chirac nói rằng ông không chắc tí nào là thế giới đã trở nên an ninh hơn sau khi Tổng thống Saddam Hussein của Iraq bị lật đổ. Theo ông, trên thực tế tình hình ở Iraq đã làm gia tăng sự khủng bố. Ông nói: "Rõ ràng có sự gia tăng của khủng bố và một trong những nguyên nhân là tình hình ở Iraq." Một lần nữa ông Chirac thắc mắc về sự chính đáng của cuộc chiến do Hoa Kỳ dẫn đầu. Ông vẫn duy trì quan điểm rằng mọi sự can thiệp đều cần thông qua Liên Hiệp Quốc.

Các nhà phân tích nói rằng thay vì phân khối Hồi Giáo thành nhiều nhóm chống đối nhau để làm giảm sức mạnh của khối này như các chính phủ trước đây đã làm, việc mở cuộc chiến Iraq của Tổng Thống Bush đã làm cho khối Hồi Giáo tạm bỏ qua những dị biệt và bất đồng, kết hợp lại với nhau để chống sự xâm nhập từ bên ngoài.

Lên tiếng trên tờ Financial Times, ông Brent Scowcroft, cựu cố vấn an ninh quốc gia dưới nhiệm kỳ của Tổng Thống Bush (cha), người từng hướng dẫn cho bà Condoleezza Rice, tuyên bố rằng vị đương kim tổng thống đã có hành động coi thường tổ chức NATO và Âu Châu sau biến cố 9/11 và nay đang phải cố gắng một cách tuyệt vọng để vớt vát lại mối liên minh cần thiết trong việc giải quyết các vấn đề Iraq và Afghanistan.

Trong các cuộc tranh luận trên truyền hình, gần như ông Bush chẳng trả lời được gì về những vấn nạn được đưa ra. Từ vụ khủng bố 9/11, việc không tìm thấy vũ khí giết người hàng loạt ở Iraq, việc đơn phương hành động bất chấp Hiến Chương LHQ, vụ 350 tấn chất nổ bị mất ở Iraq... đến các chương trình kinh tế và xã hội, Tổng Thống Bush đều không thể đưa ra những lời giải đáp thỏa đáng. Ông lại còn ăn nói ấp a ấp úng. Vì thế, chúng ta không ngạc nhiên khi thấy hôm 18.10.2004, báo New York Times, một trong những tờ báo có uy tín nhất ở Hoa Kỳ, đã tuyên bố ủng hộ John Kerry lên làm tổng thống.

XỬ DỤNG ĐỘC CHIÊU

Nếu chỉ tranh luận trên vấn đề chống khủng bố và vấn đề kinh tế, chắc chắn Tổng Thống Bush phải thua. Vì thế, các nhà chiến thuật của Đảng Cộng Hòa đã cố gắng tìm ra một “độc chiêu” để lật lại thế cờ. Đây là một độc chiêu đã được cựu Tổng Thống Clinton coi là “sáng giá” (brillant).

Đầu năm nay, hai Thượng Nghị Sĩ của Cộng Hòa thuộc tiểu bang Colorado là Wayne Allard và Marilyn Musgrave đã đệ trình một bản dự thảo Tu Chính Án Hiến Pháp Liên Bang nhằm loại bỏ hôn nhân đồng tính (same-sex marriage hay gay marriage). Bản Tu Chính này đã được sửa lại ngày 22.3.2004, quy định rằng “Hôn nhân tại Hoa Kỳ chỉ bao gồm sự kết hợp của một người nam và một nugời nữ” và cấm Hiến Pháp Liên Bang cũng như hiến pháp của các tiểu bang không được sữa đổi lại để cho phép bất cứ một sự kết hợp nào khác sự kết hợp giữa một người nam và một người nữ.

Ngày 25.2.2004, Tổng Thống Bush lên tiếng ủng hộ bản Tu Chính Án này ngay.

Tưởng cần nhắc lại, năm 1996, Tổng Thống Clinton đã ban hành Đạo Luật Bảo Vệ Hôn Nhân (The Defense of Marriage) cấm Liên Bang không được công nhận hôn nhân đồng tính, nhưng lại dành cho các tiểu bang quyền quyết định có cho phép hôn nhân đồng tính hay không. Cho đến nay, đã có 38 tiểu bang không công nhận hôn nhân đồng tính.

Đảng Dân Chủ hiểu ngay đây là một chiến thuật của Đảng Cộng Hòa nhắm thu hút giới bảo thủ và Thiên Chúa Giáo. Dân Biểu Jerrold Nadler thuộc Đảng Dân Chủ (New York) trong Tiểu Ban Hiến Pháp của Hạ Viện đã nói: “Hiến Pháp không thể được xử dụng như một công cu của George W. Bush”.

Những cuộc thăm dò cho thấy chỉ có khoảng 38% ủng hộ sửa đổi Hiến Pháp Liên Bang, còn 58% muốn dành vấn đề này cho luật pháp tiểu bang quy định. Do đó, Đảng Dân Chủ tin rằng cái “mồi” nói trên của Đảng Cộng Hòa không ảnh hưởng nhiều đến cuộc bầu cử sắp đến. Ngày 8.3.2004, khi đi vận động để được ra tranh cử Tổng Thống, Thượng Nghị Sĩ John Kerry đã tuyên bố: “Tôi tin rằng hôn nhân là giữa người nam và người nữ.” (Thính giả vỗ tay). Ông nói tiếp: “Nhưng, nhưng, nhưng... tôi tin điều quan trọng là Hoa Kỳ chúng ta công nhận rằng Hiến Pháp có một điều khoản bảo vệ sự bình đẳng.” Đây là một kiểu đi nước đôi. Thính giả cũng đã vỗ tay hoan hô, nhưng không phải mọi người đều đồng ý. Một bà hỏi rằng có bao giờ ông nghe một bác sĩ nói không? Ông ấy nói: “Ông và bà John Doe, ông bà có một đứa bé khỏe mạnh đồng tính”. Đó là một lý tưởng. Bà nói tiếp: “Theo tôi, đồng tính là một lý tưởng”. Ông Kerry trả lời: “Phải! Tôi biết về những niềm tin sâu xa, tôi kính trọng, tôi là một Kitô hữu, tôi đã đọc Thánh Kinh, và tôi biết tôi có thể tìm thấy trong đó những câu văn có hai nghĩa. Tôi không đến đây để tranh luận điều đó với bà.”

Ngoài lập trường không rõ ràng về hôn nhân đồng tính, năm ngoái, ông John Kerry còn tỏ ra ủng hộ quyền lực chọn của người phụ nữ trong vấn đề phá thai. Đây là điều bị Giáo Hội Công Giáo chống đối rất mạnh mẽ.

Hội Đồng Giám Mục Hoa Kỳ đã gặp nhiều khó khăn khi phải đưa ra một quyết định trước lập trường đó của John Kerry, một người Công Giáo. Một số Giám Mục Hoa Kỳ đã tuyên bố dứt khoát cấm không cho John Kerry được rước lễ trong bất kỳ nhà thờ nào thuộc các giáo phận do các ngài coi sóc. Trong khi đó, một số Giám Mục khác lại không ngăn cản việc này. Trước tình trạng có sự bất đồng đó, trong đại hội vào tháng 11 năm 2003 tại Washington, Hội Đồng Giám Mục Hoa Kỳ đã thành lập Ủy Ban Đặc Nhiệm nghiên cứu vấn đề này. Ông Robert George, một giáo sư chính trị học tại Đại học Princeton đã nói như sau: "Lần đầu tiên, cuộc bầu cử này đã đặt giới lãnh đạo Giáo Hội Công Giáo vào thế phải đương đầu với một ứng cử viên bất đồng ý kiến với giáo huấn của Giáo hội".

Nhưng Hội Đồng Giám Mục Hoa Kỳ đã nhận ra ngay Đảng Cộng Hòa muốn đưa Giáo Hội Công Giáo Hoa Kỳ vào trận chiến chống Kerry. Do đó, sau khi nghe báo cáo của Ủy Ban Đặc Nhiệm, HĐGMHK đã đưa ra bản tuyên bố “Người Công Giáo trong đời sống chính trị”, tuyên bố để mỗi Giám Mục địa phương tùy nghi đưa ra quyết định thích hợp, vì Giáo Hội không muốn “giáo huấn và thực hành thánh thiện của Công Giáo có thể bị lạm dụng.” Khi đưa ra quyết định như vậy, HĐGMHK đã tránh không để Giáo Hội Công Giáo bị lôi kéo vào làm công cụ cho một cuộc tranh chấp chính trị. Nhưng một nhóm giáo dân hung hăng con bọ xít, nhất là nhóm Diễn Đàn Giáo Dân, đánh giặc không có chiến lược chiến thuật, đã lên tiếng tố cáo hàng giáo phẩm Công Giáo “đồng lỏa với tội ác”!

Sau quyết định của HĐGMHK, nhiều giáo hội và các tổ chức Công Giáo tại địa phương đã phát động mạnh mẽ chiến dịch chống chủ trương của Kerry. Nhưng John Kerry và các chiến thuật gia của Đảng Dân Chủ nghĩ rằng cứ phớt lờ đi là hay nhất. Trước đây, Al Gore đã chơi bạo hơn mà có sao đâu? Vào tháng 7 năm 2000, chỉ vài tháng trước cuộc bầu cử tổng thống tại Hoa Kỳ, Al Gore đã công khai ủng hộ cuộc tuần hành của những kẻ đồng tính tại Roma và viết thư “động viên” nhóm này. John Kerry không dám có thái độ thách đố đến mức như Gore. Ông chỉ nói: “Tòa Thánh không nên dạy bảo các chính trị gia Công Giáo” và cho rằng đó là một hành động “không thích hợp”.

Nhưng Kerry đã lầm. Giữa ông và Gore có một điểm khác biệt rất sâu xa: Ông là người Công Giáo, còn Gore thì không phải. Các chiến thuật gia của Đảng Cộng Hòa đã khai thác điểm này để đánh bại Kerry.

Tại Hoa Kỳ, số người theo Thiên Chúa Giáo lên đến từ 82% đến 84% dân số, trong đó Tin Lành chiếm đến 56%, còn Công Giáo khoảng 27%. Tuy nhiên, các nhà chiến thuật của Đảng Cộng Hòa thấy rằng Tin Lành tuy đông, nhưng bị phân tán mỏng, nên rất khó vận động. Công Giáo tuy ít hơn nhưng được tổ chức chặt chẽ nên vận động dể hơn. Những con số thống kê năm 2002 về 10 giáo phái lớn của Thiên Chúa Giáo tại Hoa Kỳ sau đây cho thấy rõ điều đó:

- Công Giáo: có 66.407.105 tín đồ.

- Tin Lành: có khoảng 158.000.000 tìn đồ, nhưng chia nhỏ ra như sau: Southern Baptist Convention: 16.247.736 tín đồ; United Methodist Church: 8.251.042 tín đồ; Church of Jesus Christ of Latter-day Saint: 5.503.192 đồ; Evangelical Lutheran Church in America: 5.038.066 tín đồ; Church of God in Christ: 5.000.000 tín đồ; Presbyterian Church: 3.595.259 tín đồ; National Baptist Convention of America: 3.500.000 tín đồ; Assemblies of God: 2.687.366 tín đồ; và Lutheran Church - Missouri Synod: 2.512.714 tín đồ, v.v...

Vì thế, Đảng Cộng Hòa chú trọng đến Công Giáo nhiều hơn, nhất là tại các tiểu bang có sự tranh chấp gay cấn như Wisconsin, Pennsylvania, New Hampshire, Florida, Ohio...

Trước hết, ngày 4.6.2004, Tổng Thống Bush đã qua Vatican thăm viếng Đức Giáo Gioan Phaolô II. Đây là lần thứ ba ông gặp gỡ Đức Giáo Hoàng. Trong cuộc gặp gỡ này, Tổng Thống Bush đã đọc một bài diễn văn như sau:

Kính thưa Đức Thánh Cha,

“Cám ơn Đức Thánh Cha rất nhiều đã đón tiếp Laura và tôi và đoàn tùy tùng của tôi. Tôi mang đến lời chào mừng từ quốc gia chúng tôi nơi mà Đức Thánh Cha được kính trọng, ngưỡng mộ và được yêu thương tột cùng.

“Tôi cũng mang đến một thông điệp từ chính quyền của tôi để nói với Đức Thánh Cha rằng, thưa Ngài, chúng tôi sẽ hành động cho tự do con người và cho phẩm giá con người, để mang đến hòa bình và tình thương xót; mà chúng tôi cảm kích đến biểu tượng tự do mà Đức Thánh Cha đã tranh đấu; và chúng tôi nhận thức đến sức mạnh tự do để thay đổi xã hội và thay đổi thế giới.

“Và thưa Ngài, chúng tôi được vinh dự có mặt tại đây. Có lẽ là một cách tốt nhất để tôi có thể bày tỏ lòng biết ơn của quốc gia tôi lên Đức Thánh Cha và bày tỏ lòng kính trọng lên Đức Thánh Cha, là trao cho Đức Thánh Cha Huân Chương Tự Do từ Hoa Kỳ. Và nếu Đức Thánh Cha cho phép, tôi muốn đọc lại đoạn văn đi kèm với sự tuyên dương này:

"Một người tôi tớ tận tụy của Thiên Chúa, Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II đã đấu tranh cho chính nghĩ của người nghèo, người thế cô, người nghèo đói và người bị xã hội bỏ rơi. Ngài đã bảo vệ phẩm giá độc nhất vô nhị cho từng sinh mệnh, và đến sự thiện hảo cho mọi cuộc sống. Qua niềm tin của đức tin và luân lý, Ngài mang sự can đảm cho người khác để đừng sợ sệt hầu vượt thắng sự bất công và đã giúp lật đổ chủ nghĩa cộng sản và chế độ độc tài. Hoa Kỳ tuyên dương người con của quốc gia Ba Lan, là người trở thành Giám Mục tại Roma và là một vị anh hùng trong thời đại chúng ta".

“Và thưa Đức Thánh Cha, nhân danh quốc dân Hoa Kỳ, Tôi lấy làm vinh dự xin Đức Thánh Cha nhận lấy Huân Chương Tự Do của chúng tôi
.”

Chưa một Tổng Thống Mỹ nào đã có những lời tốt đẹp như thế đối với Đức Giáo Hoàng. Đức Giáo Hoàng đã đọc một bài đáp từ khá dài, đề cập đến những vấn đề cần phải giải quyết trên thế giới, với kết luận như sau:

Thưa Tổng Thống, trong khi ông thi hành sứ mạng phục vụ cao quý cho quốc gia ông và cho hòa bình thế giới, tôi bảo đảm với ông trong những lời cầu nguyện của tôi và chân thành cầu xin Thiên Chúa chúc lành cho sự khôn ngoan, sức mạnh và hòa bình.

“Xin Thiên Chúa ban hòa bình và tự do cho tất cả nhân loại
.”

Sau đó, Đảng Cộng Hòa phát động một chiến dịch tố cáo John Kerry. Người được Đảng Cộng Hòa trao cho mở chiến dịch này để đánh bại Kerry là Ken Mehlman.

Ken Mehlman đã mở một Web site lấy tên là KerryWrongForCatholics.com tố cáo John Kerry, một người Công Giáo, có những quan điểm và hành động đi ngược với giáo lý Công Giáo và đường lối của Tòa Thánh trong các vấn đề liên quan đến phá thai, hôn nhân đồng tính, chống đối việc tài trợ các trường Công Giáo và hàng loạt các vấn đề khác. Web site này trưng dẫn một câu của John Kerry theo đó, “Tòa Thánh không nên dạy bảo các chính trị gia Công Giáo” và cho rằng đó là một hành động “không thích hợp”.

Web site này cũng nhằm chứng minh rằng đương kim tổng thống George W. Bush, một người Tin Lành phái Methodist, có những chủ trương hài hòa hơn với giáo lý Công Giáo và đường lối của Tòa Thánh Vatican trong các vấn đề về hôn nhân, gia đình, phá thai, và các vấn đề đạo đức chung trong xã hội Hoa Kỳ.

Michael Meehan, phát ngôn viên của Kerry, đã chống chế rằng: “Thật là khiêu khích khi cho rằng Kerry là không đúng với người Công Giáo. Ông ta là người Công Giáo và ông tin những điều mà đa số người Công Giáo tin tưởng”.

Vào tháng 7, hai tháng trước Đại Hội Toàn Quốc của Đảng Dân Chủ, Tổng Thống Bush lại công khai bày tỏ sự ủng hộ của ông đối với Tu Chính Án Liên Bang về Hôn Nhân nhằm sửa đổi Hiến Pháp Hoa Kỳ, định nghĩa rõ ràng và dứt khoát hôn nhân là sự kết hiệp giữa một người nam và một người nữ. Ông nói rằng Tu Chính Án này là phương cách hữu hiệu nhất ngăn chận khuynh hướng hôn nhân đồng tính đang lan rộng tại Hoa Kỳ.Và ông tuyên bố: “Vì gia đình chuyển tải các giá trị và hình thành nhân cách, hôn nhân truyền thống là điều hệ trọng đối với sự lành mạnh của xã hội. Chính sách của chúng ta nhằm tăng cường gia đình chứ không phải làm suy yếu đi. Và việc thay đổi định nghĩa của hôn nhân truyền thống sẽ lũng đoạn cơ cấu của gia đình”.

Trước lời tuyên bố này, nhiều người cảnh báo rằng Tổng Thống thật là khờ dại khi nhấn mạnh vào một vấn đề họ xem là đang gây ra chia rẽ xã hội trong khi cử tri quan tâm nhiều hơn đến Iraq, chiến tranh chống khủng bố và kinh tế. Ông Andrew Kohut, giám đốc Pew Research Center for the People and the Press đã nói với tờ The New York Times: "Thật là vớ vẩn khi nhấn mạnh vào một chỗ trong khi quốc gia đang có những vấn đề khác”.

Thế nhưng, trong thực tế, lời tuyên bố nói trên của Tổng Thống Bush đã đáp ứng được mối quan tâm hàng đầu của một số đông dân chúng Hoa Kỳ. Một cuộc thăm dò cho thấy cử tri có niềm tin tôn giáo đã coi các giá trị luân lý là mối quan tâm số một, kế đến là kinh tế và công ăn việc làm, sau đó mới đến chiến tranh chống khủng bố.

Trong khi các cuộc vận động tranh cử đang diễn ra, các Giám mục Hoa Kỳ đã đưa ra những thông tư, những thư mục vụ nhấn mạnh đến tầm quan trọng của vấn đề bảo vệ sự sống khi quyết định bỏ phiếu. Hơn 10 giám mục còn đi xa hơn khi nói rằng nếu người Công Giáo bầu cho ứng viên tổng thống ủng hộ phát thai là họ tự mình phạm tội. Tổng Thống Bush cũng đưa ra nhận định theo chiều hướng đó. Ông nói: “Thật là quan trọng để dấn thân cho một nền văn hóa sự sống. Tôi tin rằng một thế giới lý tưởng là một thế giới mà tất cả mọi trẻ em phải được bảo vệ theo luật pháp và được chào mừng để chào đời.”

Được sự bảo trợ của Hội Các Linh Mục Bảo Vệ Sự Sống (Priest for Life), hàng ngàn người Công Giáo trên toàn đất nước này đã bắt đầu 9 tuần cầu nguyện đặc biệt cho cuộc bầu cử Tổng Thống Hoa Kỳ vào ngày 2/11/2004. Linh Mục Frank Pavone, Giám Đốc Hội Các Linh Mục Bảo Vệ Sứ Sống đã soạn ra một lời kinh để đọc trong 9 tuần cầu nguyện này với những đoạn như sau:

Xin tỉnh thức dân Chúa để biết rằng họ không phải được kêu gọi để trở thành một môn phái trốn chạy khỏi thế gian, nhưng đúng hơn là một cộng đoàn đức tin canh tân thế giới.

Xin tỉnh thức họ để cùng những bàn tay dâng lên Chúa trong kinh nguyện, là những bàn tay sẽ kéo đòn bẩy trong phòng đầu phiếu, để cùng những đôi mắt đọc đến lời Chúa là những đôi mắt đọc đến những tên trên lá phiếu,

Và để họ tiếp tục là người Kitô hữu khi họ bước vào phòng đầu phiếu
...”

John Kerry đã lấy lại những lời của cố Tổng Thống John F. Kennedy, vị Tổng Thống Công Giáo duy nhất trong lịch sử Hoa Kỳ, để trả lời những chỉ trích của Công Giáo: “Tôi không phải ra tranh cử để làm một tổng thống Công Giáo. Tôi ra tranh cử để làm tổng thống là một người theo đạo Công Giáo”. Ông nói thêm rằng đức tin “ảnh hưởng đến mọi sự trong các việc tôi làm và tôi chọn lựa”.

KẾT QUẢ KHÔNG THỂ CHỐI CÃI ĐƯỢC

Ngày 3.11.2004, ông John Green, Chủ tịch Bliss Institute of Applied Politics thuộc Đại Học Akron tại Ohio và Steven Waldman, người sáng lập mạng lưới Beliefnet, đã đưa ra bản phân tích cho thấy cử tri Công Giáo dồn phiếu đông đảo cho Tổng Thống Bush tại các bang có tính chất quyết định như Ohio và Florida.

Tại Ohio, ông Green cho biết có ít nhất 62% người Công Giáo đã dồn phiếu cho Tổng Thống Bush so với không quá 38% bỏ cho John Kerry. Trên toàn quốc Hoa Kỳ tối thiểu là 57% người Công Giáo dồn phiếu cho tổng thống Bush. Theo Steven Waldman, tại Florida, nơi cách đây 4 năm Tổng Thống Bush đã phải cam go mới thắng nổi Al Gore và phải đếm phiếu đi đếm phiếu lại nhiều lần, nhưng lần này ông đã thắng dễ dàng nhờ hơn 70% người Công Giáo dồn phiếu cho ông.

Người Tin Lành tại Mỹ chiếm khoảng 53% cử tri, trong đó có khoảng 56% ủng hộ ông Bush và 43% ủng hộ Kerry.

Ngày 8.11.2004, Radio Veritas Asia đã phỏng vấn Giáo sư Michael Novak, Giám Đốc Học Viện Nghiên Cứu Công Kỷ Nghệ Hoa Kỳ, về kết quả của cuộc bầu cử vừa qua. Sau đây là một đoạn chính:

Radio Veritas Asia: Thưa giáo sư, vào lúc cuối ngày bầu cử, người ta vẫn còn thấy đông dân chúng cử tri đứng xếp hàng chờ được bỏ phiếu. Giáo Sư nghĩ thế nào về hiện tượng nầy?

Giáo sư Michael Novak: Đúng vậy. Đa số những người đi bỏ phiếu đều nghĩ đến những vấn đề liên quan đến nếp sống luân lý, và đang được khơi dậy trong dư luận trong thời gian tranh cử, đó là những vấn đề như nạn phá thai, vấn đề gia đình, vấn đề “kết hợp” giữa hai người đồng phái tính, và vấn đề liên quan đến những nghiên cứu trên phôi thai người...

Tại Hoa Kỳ, những lớp người bình dân vẫn còn giữ lòng đạo đức, họ yêu mến sự sống, yêu mến gia đình. Chúng ta nên nhớ rằng việc phá thai đã được đưa vào xã hội Hoa Kỳ do quyết định của Tòa Án, chớ không do quyết định của đại đa số dân chúng. Ngày nay cũng như lúc trước, nếu đem vấn đề phá thai ra để trưng cầu dân ý, thì chắc chắn là đa số dân chúng Hoa Kỳ sẽ bỏ phiếu chống lại việc cho phép phá thai. Nhưng ngược lại, Tòa Án đã phán quyết cho cho phép phá thai. Điều nầy cho thấy quyền lực của những nhóm người chuyên nghiệp.

MỘT SỰ THƯỞNG CÔNG XỨNG ĐÁNG

Ngày 15.11.2004 Tổng Thống Bush đã viết một văn thư ca tụng ông Ed Gillespie, đương kim Chủ Tịch Ủy Ban Toàn Quốc Đảng Cộng Hòa. Ông nói: “Tôi cám ơn Ed về sự phục vụ và tình thân hữu đặc biệt của ông, và chúc ông cũng như Cathy mọi sự tốt đẹp nhất.”

Sau đó, Tổng Thống tuyên bố ông muốn đề nghị Ủy Ban Đảng Cộng Hòa Toàn Quốc chọn Ken Mehlman làm tân chủ tịch của Ủy Ban. Ken Mehlman là người có sáng kiến mở trang nhà có tên KerryWrongForCatholics.com để đánh bại Kerry trong cuộc bầu cử vừa qua. Tổng Thống nói:

Ken Mehlman đã phục vụ Đảng Cộng Hòa và Chính quyền với danh dự và sự lổi lạc. Như là Quản Lý Chiến Dịch, ông đã giúp chúng ta hoàn thành những thắng lợi của cuộc bầu cử lịch sử 2004. Ken có một cái nhìn sáng suốt để làm cho những thắng lợi của chúng ta lâu bền trong khi tiếp tục giúp đỡ mở rộng thông điệp và tầm hoạt động của Đảng Cộng Hòa. Ông ta sẽ là một sự tiến bộ lớn trong Ủy Ban Toàn Quốc Đảng Cộng Hòa với nghị lực và một sự gắn bó vô tận để tiếp tục đưa đa số của Đảng Cộng Hòa ngày càng lớn hơn.”

Ken Mehlman là một người sinh tại Maryland, tốt nghiệp luật khoa tại Đại Học Luật Harvard. Ông đã từng giữ chức vụ Giám Đốc Chính Trị Sự Vụ cho Thổng Thống Bush tại Tòa Bạch Ốc trong hai năm rưởi và sau đó phụ trách về chiến lược bầu cử cho Đảng Cộng Hòa. Trước khi làm việc với Tổng Thống Bush, ông đã làm việc cho văn phòng của Dân Biểu Kay Granger (Texas 12) và Dân Biểu Lamar Smith (Texas 21), và đã từng tham gia các chiến dịch tranh cử Tổng Thống vào các năm 1992 và 1996 tại Massachuchetts, Ohio, Vierginia, Texas và Georgia nên có rất nhiều kinh nghiệm.

Ken Mehlman sẽ đảm nhận chức tân Chủ Tịch Ủy Ban Toàn Quốc Đảng Cộng Hòa vào đại hội mùa đông sẽ họp tại Washington, khi Ed Gillespie mãn nhiệm.

ĐẢNG DÂN CHỦ THẤM ĐÒN

Ngày 9.11.2004 vừa qua, chỉ một tuần lễ sau khi Tổng Thống Bush tái đắc cử, cựu Tổng Thống Clinton đã đến nói chuyện tại Hamilton College ở New York về nguyên nhân thất cử của Đảng Dân Chủ. Thính giả đến quá đông và thuộc mọi thành phần. Có khoảng 4.600 người ngồi đầy trong Margaret Bundy Scott Field House và khoảng 1.100 người nữa ngồi theo dõi phía ngoài qua truyền hình. Ông Clinton đã nói trong 40 phút và dành 45 phút cho thính giả và ký giả đặt câu hỏi.

Trong một tiếng rưởi đồng hồ, ông đã nói đến nhiều vấn đề, từ những hy vọng về sự hiệp nhất của một quốc gia đang bị chia rẻ, vấn đề hôn nhân đồng tính, vấn đề môi sinh, vấn đề kinh tế, vấn đề an sinh xã hội, đến vấn đề đầu ốc đảng phái của hai đảng. Ông đã khen ngợi Thổng Thống Bush về cái mà ông gọi là “một chiến dịch sáng giá” (a brilliant campaign). Ông nói: “Chiến dịch đó tuyệt vời, nhưng có thể một phần vì lỗi chúng ta không chịu làm sáng tỏ quan điểm của chúng ta.”. Ông nói tiếp: Chúng ta không thể cạnh tranh trên toàn quốc trừ khi chúng ta cảm thấy thoải mái nói về những sự kết tội chúng ta”. (We cannot be nationally competitive unless we feel comfortable talking about our convictions). Clinton kêu gọi Đảng Dân Chủ tập hợp lại đa số ôn hòa về vấn đền hôn nhân đồng tính và vấn đề phá thai.

Tuy nhiên, ông đã kết án Tổng Thống Bush gây chia rẻ quốc gia và phê phán về những lá bài Đảng Cộng Hòa đã đưa ra để lấy phiếu của Thiên Chúa Giáo. Ông nói: “Trong cuộc bầu cử này, có một nhóm kỳ lạ thuộc tín hữu Cơ Đốc Phúc Âm (Evangelical Christians) nói rằng họ đã bỏ phiếu dựa trên căn bản luân lý... Cần thiết phải đề cập đến vấn đề này, và phải suy nghĩ về vấn đề này. Tôi không chuẩn bị để nói tất cả những điều tôi đang nghĩ bây giờ, nhưng tôi có thể nói: Tôi không tin rằng đảng nào có độc quyền về vấn đề luân lý.”

Về vấn đề hôn nhân đồng tính, ông chống lại việc tu chính Hiến Pháp liên bnag để ngăn chận hôn nhân đồng tính. Theo ông, nên trở lại truyền thống cổ truyền đã 200 năm qua là để vấn đề hôn nhân cho học thuyết tôn giáo và luật lệ của tiểu bang quyết định (marriage has been left to religious doctrine and state law). Ông nói rằng không phải mỗi khi có một quyết định của Tối Cao Pháp Viện mà chúng ta không đồng ý là tu chính hiến pháp.

Ông đả kích chủ trương “phò sự sống” (pro-life) của Tổng Thống Bush nhằm ngăn cản các bà mẹ phá thai. Ông cho rằng biện pháp này sẽ dẫn đến những phương pháp nguy hiểm và bất hợp pháp đã xẩy ra từ trước. Ông vẫn chủ trương để cho người mẹ quyền lựa chọn, nhưng phải an toàn, hợp pháp và ít xẩy ra (abortion should be safe, legal and rare).

Tuy nhiên, ông nói với Đảng Dân Chủ: “Nguyên do tình trạng chia rẽ hiện nay một phần là bởi các nhân vật Dân Chủ không tham gia thảo luận theo cách nghiêm chỉnh trong cộng đồng Thiên Chúa Giáo về những gì phải làm để cổ võ một nhân sinh quan thực.”

RỒI MỌI SỰ SẼ RA SAO?

Những gì mà Tổng Thống Bush và Đảng Cộng Hòa đã đưa ra trong thời kỳ tranh cử thường chỉ là “những lá bài tranh cử”, ít khi được thực hiện trong thực tế, nhất là trong nhiệm kỳ hai của một tổng thống.

Về “hôn nhân” đồng tính: Dự thảo Tu Chính Án Hiến Pháp liên bang đã được đệ nạp để ngăn chận hôn nhân đồng tính tuy đã được Tổng Thống Bush cổ vỏ trong lúc tranh cử, nhưng rồi cũng sẽ chìm xuồng vì khó kiếm được sự đồng thuận của 2/3 tổng số dân biều và nghị sĩ để thay đổi Hiến Pháp. Vã lại, nước Mỹ không muốn cột chặt vấn đề gì một cách vĩnh viễn. Họ để cho 9 ông Thẩm Phán Tối Cao Pháp Viện tùy theo “thời trang” mà đưa ra giải pháp và coi đó là “luật sống”.

Cái đáng ngạc nhiên là cho đến nay người ta vẫn cứ muốn ghép vấn đề này vào luật hôn nhân và gia đình, mặc dầu chuyện đó hoàn toàn không hợp lý. Từ khi có con người đến nay, định chế hôn nhân được lập ra chỉ với mục đích bảo tồn nòi gióng và giáo dục con cái, trong khi đó sự kết hợp đồng tính không nhắm các mục tiêu này.

Kết hợp đồng tính chỉ là một trong những hiện tượng không bình thường của con người, gióng như một thứ bệnh tâm thần, nên không thể đưa vào định chế hôn nhân được mà phải hình thành một định chế “partnership”, tức một thứ công ty hợp danh, riêng cho những người đồng tính muốn sống chung với nhau để họ có những nghĩa vụ pháp định đối với nhau. Như vậy hợp lý hơn.

Về giải pháp cho Iraq: Mỹ đang sa lầy ở Iraq như đã sa lầy ở Việt Nam trước đây, nên nhiều người tiên đoán rằng khi thời kỳ hưởng dụng của các nhà đại tư bản quốc phòng mãn hạn, Tổng Thống Bush có thể “Iraq hóa” chiến tranh Iraq y như Nixon đã “Việt Nam hóa” chiến tranh Việt Nam trước đây, rồi bán cái cho Liên Hiệp Quốc và “rút lui trong danh dự”, sống chết mặc bây, như họ đã làm ở Đông Dương cách đây 30 năm, tuy hình thức có khác nhau đôi chút.

Về vấn đề kinh tế: Ngân sách của nước Mỹ dưới thời Tổng Thống Bush, nhất là ngân sách quốc phòng, đang được đẩy lên cao tới mức chưa từng có từ trước đến nay: từ 1.863 tỷ năm 2001 lên 2.189 tỷ năm 2004, và dự trù 2.276 tỷ năm 2005 và 2.369 tỷ năm 2006... Không có cuộc khủng bố 9/11, không có chiến tranh Afghanistan và Iraq, Tổng Thống Bush cũng phải tìm ra cách khác để các công ty quốc phòng đấu thầu. Người ta hy vọng trong thời gian tới, khi các cuộc đấu thầu quốc phòng được thực hiện xong, công ăn việc làm sẽ gia tăng, nền kinh tế sẽ khá hơn.

Ngoài việc cung cấp quân trang, quân dụng và đạn dược cho quân đội đang chiến đấu ở Iraq như hiện nay, các đại công ty quốc phòng sẽ nghiên cứu để sản xuất những vũ khí mới có hiệu quả gấp 10 lần những vũ khí đã liệng xuống ở Afghanistan và Iraq. Công ty Locheed Martin Inc., một nhà thầu quân sự lớn hàng đầu của Mỹ cho biết Công ty đã dự tưởng một “hệ thống Internet để tập trung những hoạt động quân sự và tình báo" có thể đáp ứng cho nhu cầu của Mỹ trong thế kỷ 21. Với hệ thống Internet này các chỉ huy trưởng chiến trưòng và các giới chức thẫm quyền ở các bộ tư lịnh sẽ có "con mắt như của Thượng Đế" về những gì đang diễn ra ở các chiến trận của Mỹ trên khắp thế giới.

Trong khi đó, NASA đã cho bay thử một máy bay phản lực với một vận tốc kỷ lục 5.000 dặm/giờ. Và mới đây, hôm 15.11.2004 NASA lại cho thử nghiêm chiếc X-43A thế hệ có "động cơ phản lực tĩnh siêu âm" với vận tốc 7.000 dặm/giờ, bay nhanh hơn vận tốc âm thanh 10 lần...

Hôm 20.11.2004, NASA lại cho biết sắp thử nghiệm phi đạn tốc độ nhanh 10 lần hơn các phi đạn đã có và có thể tấn công bất cứ mục tiêu nào trên thế giới. NASA đang tìm nơi bố trí loại siêu phi đạn này. Tầm xa của siêu phi đạn là 9.000 miles, hơn 1 phần 3 vòng quanh của trái đất.

Hôm 31.10.2004, Ngũ Giác Đài đã gia hạn cho hãng thầu Halliburton, một công ty do Phó tổng thống Dick Cheney cầm đầu trước kia, bất kể những lời cáo giác rằng hãng này đã “vượt ra ngoài tầm kiểm soát” trong dịch vụ của họ để cung cấp yểm trợ cho quân đội Mỹ hoạt động trong vùng Balkans (Nam Tư), theo như hồ sơ của chính phủ cho thấy... John Kerry đã bực mình và tuyên bố: “Chúng ta sẽ đem tiền sang giúp người Iraq chứ không phải Halliburton.”

Trên đây chỉ là một vài thí dụ điển hình. Còn số nợ 7.400 tỷ đô và những sự thiếu hụt ngân sách ngày càng gia tăng thì sao? Chuyện đó chẳng ăn nhằm gì. GDP của nước Mỹ nay đã lên đến 10.446 tỷ đô, nó sẽ “hóa giải” được tất cả, chỉ cần dân Mỹ chịu thắt lưng buộc bụng thêm nữa.

Nhiều người thường nói rằng Đảng Dân Chủ lo cho người nghèo, còn Đảng Cộng Hòa chỉ lo cho người giàu. Nói như thế cũng có phần đúng. Các nhà tư bản đứng sau lưng Đảng Dân Chủ là các nhà cung cấp các dịch vụ y tế và xã hội, housing, kỷ thuật cao... nên đến thời kỳ họ được hưởng, dân nghèo thấy mình cũng có phần. Trái lại, các nhà tư bản đứng sau lưng Đảng Cộng Cộng hòa là các nhà tư bản về quốc phòng, về sản phẩm dầu hỏa... nên đến thời kỳ họ hưởng, dân nghèo không thể cạp súng hay lựu đạn được. Chỉ có thế thôi. Chẳng đảng nào lo cho dân nghèo hơn đảng nào. Họ thường coi quyền lợi của họ trên hết và trước hết.

Nhìn lại cuộc bầu cử vừa qua, chúng ta thấy Hội Đồng Giám Mục Hoa Kỳ đã khôn khéo, không để bị biến thành công cụ của đảng phái khi tranh nhau các ghế trong chính quyền, còn Đảng Dân Chủ học được một bài học đắt giá là không nên đánh giá thấp các niềm tin tôn giáo.