ĐỜI THƯỜNG - CHỨNG NHÂN GIỮA GIÒNG ĐỜI

III.- CHỊ NATHALIE BEAUDET
    Chị Nathalie Beaudet có văn bằng cử nhân vi trùng học và cao học về giải phẩu thần kinh của Đại Học McGill, cùng với văn bằng y khoa bác sĩ của Đại Học Montréal. Ngoài ra chị còn học thêm khoa tâm thần học ở Paris. Từ năm 1981, chị hành nghề trong môi trường bệnh viện.

    Chị chơi đàn piano, vẽ tranh, làm vườn và phục chế những đồ đạc người dân Québec. Nhưng đăm mê thứ nhất của chị là chia sẻ niềm tin qua những cuộc hội thảo và viết lách. Năm 2001, chị xuất bản quyển sách đầu tiên “Dieu, le meilleur psychiatre” (Thiên Chúa là vị bác sĩ tâm thần hay nhất). Trong quyển sách đó, chị chứng minh Đức Tin có thể sống chung hài hòa với lý trí và những kiến thức khoa học.
CUỘC HẠNH NGỘ THIÊN CHÚA CỦA MỘT NHÀ TRÍ THỨC VÔ THẦN

Vào một buổi trưa tháng 05 năm 1989, tôi đã gặp gỡ Thiên Chúa. Tuy nhiên vào thời kỳ đó, tôi là người vô thần một trăm phần trăm. Một cách chắc chắn và hơi gàn dở một tí, tôi khéo che đậy niềm khinh bỉ mà bấy lâu nay tôi ấp ủ trong lòng đối với những ai tin tưởng vào một vị thần linh và một cuộc sống bên kia thế giới.

NHỮNG ĐIỀU NGHỊCH LÝ

Nhiều hoàn cảnh đưa đẩy tôi tới thái độ đó. Trước hết, mẹ tôi - một người đàn bà có nề nếp luân thường đạo lý vào bậc nhất mà tôi biết được - đã lớn lên dưới các chế độ Lénine và Staline. Tôn giáo đối với mẹ tôi được coi như là một thứ “nha phiến của nhân dân”. Còn cha tôi - quê ở miền Tây Ukraine - thường lui tới Giáo hội Công giáo “theo kiểu người Ba-Lan”. Lúc bấy giờ Giáo hội Công giáo trở nên nơi nương tựa có tính cách văn hóa và mang nặng tinh thần ái quốc đối với dân chúng đang sống trong một đất nước bị người Nga áp chế. Người ta đi lễ để chứng tỏ mình là người dân Ukraine.

Khi còn tấm bé, trong lúc học giáo lý, tôi cảm thấy trào dâng lên trong con người tôi một tình cảm phẫn nộ đối với Thiên Chúa mà khởi đầu là việc Ngài bắt tôi phải thờ phượng Ngài, nhất là vì Ngài đã sai Con Một duy nhất của Ngài chết trên thánh giá để chuộc tội cho tôi. Tôi là kẻ tội lỗi ư? Tôi trở nên tội lỗi như thế nào? Tôi là “con ngươi” trong đôi mắt của cha mẹ tôi, là nguồn hạnh phúc và niềm kiêu ảnh của song thân tôi.

Trong gia đình tôi, sự yêu thương, niềm lạc quan yêu đời, sự say mê âm nhạc…đã tương phản với lối sống khắc kỷ, sự ưa chuộng đau khổ để đền bồi tội lỗi và nền luân lý khắt khe mà các nữ tu đã dạy dỗ tôi. Họ ra sức dập tắt mọi cá tính nơi đám môn sinh của họ.

Ngay khi còn thơ ấu, tôi nhận thấy ở trong xã hội người ta luôn giữ thinh lặng khi có vấn đề liên hệ đến Đức Tin. Tín hữu không thảo luân với nhau về vấn đề Đức Tin bao giờ và nhất là không khi nào đặt ra những câu hỏi liên hệ đến Đức Tin. Tôi đi đến kết luận là niềm tin của họ thật khó biện hộ.

Vả lại, sự bất tử của linh hồn xem ra không chút ảnh hưởng trên cuộc đời thường của họ và họ không khác biệt gì với những người vô tín ngưỡng. Đức Tin của họ ở nơi Thiên Chúa cũng hời hợt như niềm tin của tôi đối với Ông Già Noel vậy.

CÁI VỎ TRÍ THỨC

Rồi thì, qua những công thức toán học khá vững chắc đã được ghi khắc sâu đậm trong đầu óc tôi khi ở đại học, tôi đã học được những lý thuyết về sự tiến hóa, sự ngẫu nhiên, sự đột biến và những năng lực chọn lọc tự nhiên. Khoa thiên văn học đã quả quyết có ít nhất một tỉ hành tinh trong thiên hà chúng ta. Tất cả đều bị chi phối bởi những định luật vật lý như quả đất chúng ta đang ở và do đó, có thể có người sinh sống ở nơi nào đó.

Sau cùng, khi học về bộ môn tâm thần, tôi biết chắc chắn con người, vì không thể chấp nhận sự hữu hạn của chính mình nên đã dựng nên một cơ chế phòng vệ có tính cách sơ đẳng: sự chối từ chấp nhận cái chết. Con người đã bịa ra một vị thần linh và một cuộc sống bên kia thế giới.

Tôi cần phải nhấn mạnh điểm nầy là vấn đề luân lý khó mà loại trừ khỏi sơ đồ suy tư của tôi đối với thế giới được. Ngược lại, tôi hiểu rõ rằng con người, khi thâu thập được một ý thức hệ nào đó về chính mình thì muốn sống trong một thế giới có trật tự và hài hòa, hơn là bị chi phối bởi những luật lệ rừng rú.

Qua nhiều năm tháng, tôi đã sống an lạc như vậy bằng sự hỗ trợ của tuệ năng và lý trí. Tôi đã có một cuộc sống êm đềm, được cai quản bởi vị thần linh lý trí và phong phú hóa bởi những kinh nghiệm của kiếp nhân sinh.

CHO TỚI NGÀY ĐÓ

Tôi rất ngại ngùng khi mô tả lại cuộc hạnh ngộ đó. Trước hết, tôi sợ bị người đời coi tôi là kẻ điên khùng hay ít nhất, là một người được giác ngộ dễ thương. Tôi đã từng nói: “Sự điên rồ hay lây lan và đó là điều bất trắc mà người ta có thể gặp phải khi miệt mài hành nghề bác sĩ tâm thần.” Thêm vào đó, tôi cảm thấy khó chịu khi phải chia sẻ một điều hoàn toàn kín nhiệm như thế và lo ngại có thể gieo vào tâm tư độc giả cảm tưởng là tôi khoe khoang.

Còn lại là sự khó khăn phải diễn tả bằng lời nói một kinh nghiệm không xuất phát từ luận lý hay cảm quan. Cũng như cố gắng diễn tả nỗi xúc động đối với một điệu nhạc bằng những móc đơn và những móc kép hay gợi lại mùi thơm bánh mì đang nướng mà dùng những lời lẽ liên hệ đến lý thuyết phân tử!

Vào buổi trưa hôm đó, tôi ngồi trong ngôi vườn nhà tôi. Tôi để trí óc qua lại trên những trang sách mà tôi đang đọc một cách lơ đễnh. Phút chốc, trong khoảnh khắc một làn chớp, thực tại con người tôi hoàn toàn đảo lộn. Trí óc tôi đã nắm bắt hai điều chính xác: Thiên Chúa hiện hữu và bản chất của Ngài là Tình Yêu.

Tôi nhấn mạnh ở đây về từ ngữ chính xác, bởi vì không phải là một ý tưởng tầm thường mà người ta nắm bắt bằng cách lần theo một chuỗi lý luận. Ở trong đầu óc tôi nảy sinh sự so sánh nhằm làm sáng tỏ kinh nghiệm đó. Chẳng khác nào như ở trong một căn phòng tối, người ta phải lần mò để đi. Bất chợt, trong một giây đồng hồ, căn phòng được bật sáng. Tất cả những gì người ta đã thấy trước đó bằng trí tưởng tượng lúc bấy giờ trở nên một điều xác thực một trăm phần trăm và điều đó thay thế hình ảnh lờ mờ người ta có được về căn phòng đó khi phải sờ soạng lần mò để đi.

THIÊN CHÚA HIỆN HỮU BẰNG TÌNH YÊU

Thiên Chúa hiện hữu và bản chất của Ngài là Tình Yêu! Một Tình yêu tuyệt đối, mãnh liệt, tràn ngập cho đến đỗi nếu kinh nghiệm đó kéo dài hơn vài giây đồng hồ, có thể tôi đã bị tan rã. Khả năng vật lý cơ thể tôi và cấu trúc trí óc tôi không thể chịu đựng được sự xúc tác đó lâu hơn một tíc tắc đồng hồ.

Cử chỉ đầu tiên của Ngài là trao ban cho tôi một tặng phẩm: đó là sự bảo đảm về cuộc sống đời đời! Và tặng phẩm đó hoàn toàn nhưng không, vô điều kiện! Rồi theo bản năng, tôi tự nhiên gập đôi người xuống, dưới sự phóng nhiệt của ánh nắng mặt trời ban trưa. Sau đó tôi ngồi dậy, bật thành những tiếng khóc nức nở. Tôi không muốn cũng như không thể ngăn chặn giòng nước mắt hạnh phúc đó. Vì nhận thấy nhiều người láng giềng ở bên kia bờ dậu, tôi vội vàng chạy vào nhà để khóc một mình cho thoải mái.

KHÁM PHÁ ĐẦU TIÊN

Phải mất vài ngày sau tôi mới trở lại với con người bình thường của tôi. Mọi chức năng của tôi vẫn hoạt động như thường. Tôi còn kiểm chứng cả tài liệu giáo khoa về những căn bệnh tâm thần để truy tầm những sự giải thích hợp lý. Đó là chứng loạn thần kinh do hứng cảm chăng? Chứng loạn thần kinh do hứng cảm dù vắn vỏi nhất, thường tình cũng kéo dài nhiều ngày và để lại đàng sau một sự tàn phá khó lường được.

Hoặc là tôi đã được biến đổi. Về dáng dấp bề ngoài không có gì khác thường. Nhưng ở bên trong con người tôi, mọi việc đều thay đổi hết. Luôn luôn có một thời gian “trước” và một thời gian “sau” cuộc hạnh ngộ đó.

Kể từ giây phút đó, tôi bắt đầu nhìn đời qua hệ tiến hóa mới. Mọi việc đều mang một ý nghĩa khác hẵn. Điều gì trước kia xem ra quan trọng đối với tôi, giờ đây trở thành vô nghĩa. Nhất là tôi cảm thấy phảng phất một điều mong ước mới: đó là thưởng thức lại giây phút xuất thần kia, được nếm cảm sự hiện diện viên mãn của Ngài!

Cường độ của cuộc hạnh ngộ đầu tiên đó không bao giờ tái diễn. Tuy nhiên, tôi khám phá ra rằng tôi có thể tự sưởi ấm mình nhờ vào những tia sáng của Tình Yêu Ngài, hầu như bất cứ lúc nào. Tôi nói “hầu như’, bởi vì có một điều kiện mà chỉ riêng tôi mới có thể kiểm soát mà thôi: đó là nội dung tư tưởng của tôi. Khi tư tưởng của tôi có tính cách tích cực, tôi cảm nhận sự hiện diện đó dễ dàng. Nhưng những mưu đồ nhỏ nhen ích kỷ một khi xâm chiếm trí óc tôi, lập tức sự hiện diện của Ngài tan biến.

Đó là sự khám phá đầu tiên và lớn lao nhất của tôi: Thiên Chúa không thể sống chung với những gì dơ bẩn, nhỏ nhen, bạo hành hay kiêu căng. Do đó tôi áp dụng một cách hăng say việc đánh bật ra khỏi trí óc tôi những tư tưởng tiêu cực, không phải vì muốn sống khổ hạnh hay nhằm mục đích làm cho mình trở nên hoàn thiện, nhưng chỉ để đến gần Thiên Chúa mà thôi.

KHÁM PHÁ THỨ HAI

Cuộc khám phá lần nầy ít gây hoang mang hơn lần trước. Người ta có thể tin rằng tôi đã dấn thân vào một cuộc giao đấu cho đến kỳ cùng để chống lại sự dữ và kiên trì đạt tới sự tuyệt hảo về luân lý, một nếp sống không thể khiển trách được và trọn vẹn cuộc đời tôi diễn ra dưới ánh mắt xét đoán của Ngài: “Cha đòi buộc con sự tinh khiết, nếu không, Cha sẽ lìa bỏ con!”

Tuy nhiên, không xảy ra hoàn toàn như vậy. Thường khi, tiếp theo sau những lỗi lầm có tính cách điên rồ của tôi, tôi nhận chân những giây phút thân mật tuyệt vời với Ngài. Khi tôi cảm thấy một sự đau nhói ở con tim vì tủi hổ hoặc khi nhờm tởm chính mình hay khi tôi tự than vãn vì bị cuốn lôi vào bản chất ích kỷ dơ bẩn của tôi, chính lúc đó tôi cảm nhận Tình yêu của Ngài nhiều nhất. Ngài đã tha thứ cho tôi một cách trọn vẹn và còn nhanh hơn khi tôi vừa mới thống hối. Sự tha thứ của Ngài xem ra tỷ lệ thuận với sự ăn năn của tôi.

TIẾP CÂN CÁC TÔN GIÁO KHÁC

Sau cùng, tôi ngạc nhiên là trong những năm đầu tiên tiếp theo sau biến cố gặp gỡ của tôi với Thiên Chúa, tôi thật tình chưa biết danh thánh Ngài. Sự tương quan giữa Ngài và tôi mật thiết đến nỗi tôi không tìm hiểu nhiều hơn về Ngài bằng những đường lối khác cho bằng chính kinh nghiệm bản thân tôi. Cũng như trong tương quan tình ái, tôi không cảm thấy nhu cầu phải tìm tới một sự hỗ trợ bên ngoài. Ngài yêu tôi và điều đó đã quá đủ! Chỉ về sau nầy mới bộc lộ nơi tôi niềm ước vọng hiểu biết về Ngài nhiều hơn, đặt cho Ngài một danh xưng và chia sẻ Ngài cho người khác.

Sự truy tầm của tôi bắt đầu bằng Phật giáo. Khái niệm về nghiệp (karma) trong Phật giáo thỏa mãn ý hướng của tôi về sự công bằng và Đức Phật đã hấp dẫn tôi rất nhiều. Tôi được lôi cuốn bởi lòng nhân ái và niềm an lạc phát xuất từ nơi Đức Đạt-Lai-Lạt-Ma. Nhưng sau khi nghiên cứu giáo lý của tôn giáo đó, tôi đã khước từ vì nhiều lý do.

Trước tiên tôi nhận thấy rằng tôi không cần phải đạt tới Niết-Bàn (Nirvana) bằng cách tiến lên một cách từ từ và khổ cực như thế. Điều mà tôi đã nhận được trước đây thì tôi lãnh nhận một cách nhưng không, chẳng chút cố gắng nào. Hơn nữa, trong kinh nghiệm của tôi về Thiên Chúa, rõ ràng chúng tôi là hai: Ngài và tôi!

Phật giáo dạy rằng chúng ta có chủng tử linh thiêng (tức Phật tánh) ở trong chúng ta và do đó chúng ta có thể hòa tan trong giác thức vũ trụ được điều hướng bởi những định luật khách quan. Điều xác quyết đó trùng hợp với kinh nghiệm tôi đã trải qua. Tuy nhiên, Đức Phật giải quyết nan đề về sự đau khổ (khổ đế) bằch cách buông bỏ - tức một sự dửng dưng có tính cách khoan dung - với niềm xác tín là chóng hay chầy nhân loại sẽ đạt tới hạnh phúc tối thượng qua một chu kỳ luân hồi và tái sinh. Thiên Chúa của tôi không chấp nhận thái độ dửng dưng đó: Ngài bám sát vào tôi và Ngài thúc giục tôi bám sát vào người khác.

Và sau cùng, tôi nhận thấy rằng ảnh hưởng của Thiên Chúa trên cuộc đời tôi đã không làm phát sinh sự giải kết hay một sự trống rỗng ở trong trí óc tôi. Trái lại, Ngài đã gieo rắc trên lối đi của Ngài điều mong ước là liên kết tôi với Ngài. Ngài đã thông ban cho tôi nghị lực và một trí tưởng tượng đầy sôi động.

Tôi cũng đã mau mắn loại trừ Ấn-Độ giáo. Tôn giáo đó có quá nhiều thần linh và nhiều nghi lễ. Thiên Chúa của tôi là duy nhất, vị thầy tuyệt đối của tất cả mọi người. Tôi tiếp cận với Ngài bằng con tim chứ không phải qua những ngẫu tượng hay nhang khói.

Một bệnh nhân của tôi vào thời kỳ đó đã ca tụng những đức tính của Hồi giáo. Nhưng chính cuộc đời của đức Mahomet đã thuyết phục tôi rằng ngài không đại diện Thiên Chúa được: những cuộc binh đao, những hiệp ước bị xé bỏ, những mưu đồ chính trị, chủ nghĩa đế quốc tôn giáo…không có gì trong những thứ đó tương ứng với điều mà tôi hiểu biết về Thiên Chúa.

Tôi phải xác nhận rằng sau đó tôi đã ngã sang chủ nghĩa thần bí tuy hơi trễ. Besant, Teilhard de Chardin, Blavatsky, Murphy đã dẫn đưa tôi vào con đường đó. Vài ý kiến bàng bạc qua những văn bản của họ đã gióng lên những hồi chuông đứng đắn, nhưng họ không đưa ra chút giải thích mạch lạc nào hay một lý thuyết nhất thống nào ăn khớp với kinh nghiệm bản thân của tôi về Thiên Chúa.

THIÊN CHÚA CỦA PHÚC ÂM

Sau cùng, tôi đã mở Phúc Am ra. Tôi được thúc đẩy bởi lòng mong muốn hệ thống hóa việc truy tầm của tôi hơn là hy vọng tìm thấy ở đó chân lý. Phúc Am Thánh Matthêu làm tôi thất vọng. Sự Phục Sinh được tường thuật như vài giòng tái bút thêm vào một cách vội vã. Cho dù những chi tiết liên hệ đến cuộc sống Chúa Giêsu được ghi lại một cách chính xác, gây nên sự chú ý nơi tôi, nhưng đối với tôi viên đá góc tường của Đức Tin Kitô giáo - tức sự Phục Sinh chỉ được lướt qua - xem ra thật đáng ngờ vực.

Tôi cũng có cảm tưởng như thế khi đọc Phúc Am Thánh Mác-cô .Những giai thoại về cuộc đời Chúa Giêsu thật súc tích, nhưng sau khi Ngài chết, không ghi chép gì nhiều! Tác giả chỉ gợi lại vài cuộc hiện ra sau khi Ngài qua đời, không hơn không kém. Điều đó gây ngạc nhiên cho tôi vì Phúc Am theo Thánh Mác-cô được viết sau khi Chúa Giêsu qua đời vừa mới ba mươi năm.

Trái lại, khi đọc Phúc Âm Thánh Gioan, tôi xúc động mạnh mẽ. Sức nóng từ tuyến thượng thận đã xông lên trong con người tôi. Khi đọc từng trang và từng trang, tôi bị kích thích càng lâu càng nhiều. Tôi nhận ra rằng Thiên Chúa của tôi đã trao tặng cho tôi niềm vui và sự sống đời đời. Không còn nghi ngờ gì nữa, tôi đã nhận biết những ngôn từ của Ngài, triết lý của Ngài và sự bao bọc của Ngài đối với tôi. Cuối cùng tôi đã tìm thấy. Alléluia!

Sự học hỏi Thánh kinh không bao giờ tương phản với điều mà tôi biết được về Thiên Chúa qua kinh nghiệm. Thánh kinh đã giúp tôi khám phá những khía cạnh khác nhau về bản chất Thiên Chúa mà không có sự trồng tréo với trí óc tưởng tượng của tôi. Tôi là người biết được hạnh phúc của Tình Yêu mà Ngài bao bọc trên tôi. Tôi cảm thấy bàn tay Ngài hướng dẫn tôi đến điều thiện và làm tôi xa lánh điều ác, nhưng rồi tất cả đều dừng lại đó.

Nếu muốn hiểu biết và giải thích về Ngài thái quá, tôi bị mắc bẫy nhiều lần. Thường khi, Ngài nhắc nhở tôi lập luận có tính cách loại suy như sau: đứng trên bình diện trí thức, khoảng cách giữa Thiên Chúa và con người còn xa vời hơn là khoảng cách giữa con người và con kiến. Hãy thử cắt nghĩa cho một con kiến hiểu biết máy điện tử! Hoàn toàn bất lực. Con kiến không có khả năng trí óc để hiểu biết điều đó.

Cũng vậy, đối với con người cố gắng đặt để một Thiên Chúa vô hạn trong một hệ tư duy không cho phép họ nắm bắt những khái niệm về vô hạn hay vĩnh cửu. Do đó tôi phải chấp nhận những giới hạn trí thức của tôi và dùng đến mô thức giao tiếp duy nhất có thể giúp tôi tiếp cận với Ngài: đó là tình yêu và đức tin.

(CÒN TIẾP)