SỰ CÔNG CHÍNH CỦA Thiên Chúa SẼ ĐƯỢC BÀY TỎ

Làm sao để kỷ niệm 500 năm cuộc Cải Cách Thệ Phản, một cơ hội ân sủng và hòa giải cho toàn thể Giáo Hội

Bài giảng V của Cha Cantalamessa

1- Những nguồn gốc của cuộc Cải Cách Thệ Phản

Như chúng ta đã thấy trong những suy niệm trước, Chúa Thánh Thần là Đấng hướng dẫn chúng ta tới chân lý toàn vẹn về con người và mầu nhiệm vượt qua của Chúa Kitô, đồng thời Người soi sáng cho chúng ta về một phương diện cốt yếu của niềm tin vào Đức Kitô, nghĩa là về cách thức mà ơn cứu độ do Chúa Kitô thực hiện thông ban cho chúng ta hôm nay trong Giáo Hội. Nói cách khác, Chúa Thánh Thần soi sáng cho chúng ta về vấn nạn quan trọng của sự công chính hóa nhờ đức tin. Tôi tin rằng khi cố gắng khám phá trong lịch sử và tình hình hiện nay từ cuộc tranh luận này là cách thế hữu ích nhất để kỷ niệm 500 năm ra đời của Cải Cách Thệ Phản, cơ hội ân sủng và hòa giải cho toàn thể Giáo Hội.

Chúng ta không thể không đọc lại toàn bộ trích đoạn từ Thư gửi tín hữu Rôma nói về điều vốn là trung tâm điểm của cuộc tranh luận. Bản văn nói rằng:

“Nhưng ngày nay, sự công chính của Thiên Chúa đã được thể hiện mà không cần đến Luật Mô-sê. Điều này, sách Luật và các ngôn sứ làm chứng.22 Quả thế, người ta được Thiên Chúa làm cho nên công chính nhờ lòng tin vào Đức Giê-su Ki-tô. Tất cả những ai tin đều được như thế, bất luận là ai.23 Thật vậy, mọi người đã phạm tội và bị tước mất vinh quang Thiên Chúa,24 nhưng họ được trở nên công chính do ân huệ Thiên Chúa ban không, nhờ công trình cứu chuộc thực hiện trong Đức Ki-tô Giê-su.25 Thiên Chúa đã đặt Người làm nơi xá tội nhờ máu của Người cho những ai có lòng tin. Như vậy, Thiên Chúa cho thấy Người là Đấng Công Chính. Trước kia, trong thời Thiên Chúa nhẫn nại, Người đã bỏ qua các tội lỗi người ta phạm.26 Nhưng bây giờ, Người muốn cho thấy rằng Người vừa là Đấng Công Chính, vừa làm cho kẻ tin vào Đức Giê-su được nên công chính.

27 Vậy thì hãnh diện ở chỗ nào? Chẳng còn gì để hãnh diện! Dựa vào luật nào mà hãnh diện? Vào việc làm chăng? Không, nhưng dựa vào lòng tin.28 Thật vậy, chúng tôi nghĩ rằng: người ta được nên công chính vì tin, chứ không phải vì làm những gì Luật dạy” (Rm 3,21-28).

Làm sao đã có thể xuất hiện thông điệp rõ ràng và đầy an ủi này mà nó đã trở thành mối bất hòa ở giữa lòng Kitô giáo Tây Phương, khi phân chia Giáo Hội và Châu Âu thành hai lục địa tôn giáo khác nhau? Cả ngày hôm nay, đối với những tín hữu trung bình trong một số quốc gia ở Bắc Âu, giáo huấn này tạo ra sự chia cắt giữa Công Giáo và Thệ Phản. Bản thân tôi cũng đã có người giáo dân Tinh Lành hỏi: “Ngài có tin vào ơn công chính hóa nhờ đức tin không?” Đối với họ, đó là điều kiện để lắng nghe điều tôi nói. Giáo huấn này được chính những người khởi xướng Cải Cách định nghĩa là “tín khoản nhờ đó Giáo Hội đứng hay ngã” (articulus stantis et cadentis Ecclesiae).

Chúng ta cần trở lại với “kinh nghiệm từ tháp đài” nổi tiếng của Martin Luther xảy ra vào năm 1511 hoặc 1512. (Nó được gọi như thế bởi vì người ta nghĩ là nó đã xảy ra trong một căn phòng tại tu viện dòng Augustinô ở Wittenberg được gọi là “tháp đài – tower”). Luther sống trong sự dày vò, hầu như tuyệt vọng và oán hờn Thiên Chúa, bởi vì tất cả những việc giữ luật tôn giáo và đền tội không còn giúp cho ông cảm thấy được chấp nhận và bình an với Thiên Chúa. Lúc đó bất ngờ lời của thánh Phaolô trong thư Rôma 1,17 lóe lên trong tâm trí ông: “Người công chính sẽ sống nhờ đức tin.” Đó là một kinh nghiệm giải phóng. Kể về kinh nghiệm này khi sắp lìa đời, ông viết: “Khi tôi khám phá điều này, tôi cảm thấy tôi được tái sinh, và xem ra những cánh cửa thiên đàng đã mở ra cho tôi.”

Một số nhà sử học Tin Lành đã chính xác đưa thời điểm này lên gần với một ít năm trước năm 1517, đó là sự khởi đầu đích thực của Cải Cách. Cơ hội đã biến đổi kinh nghiệm nội tâm này thành một phản ứng dây chuyền tôn giáo đích thực là do vấn đề ơn toàn xá. Nó làm cho Luther quyết định treo 95 luận điểm nổi tiếng của ông trước cửa nhà thờ của một lâu đài ở Wittenberg vào ngày 31 tháng 8 năm 1917. Thật là quan trọng khi lưu ý đến diễn tiến lịch sử này của những sự kiện. Nó nói với chúng ta rằng những luận đề về sự công chính hóa nhờ đức tin chứ không phải nhờ những việc làm không phải là kết quả của một cuộc tranh luận với Giáo Hội thời ông, nhưng là nguyên nhân của tranh luận. Nó là một sự chiếu sáng từ trên cao, một “kinh nghiệm - Erlebnis”, như chính ông miêu tả.

Một câu hỏi lập tức nổi lên: làm sao chúng ta giải thích “cơn địa chấn này” đã thúc đẩy Luther dùng từ vị trí của ông? Có điều gì trong đó mà có tính cách mạng như thế? Trước đó nhiều thế kỷ, thánh Augustinô đã công hiến một giải thích giống với giải thích của Luther về thành ngữ “sự công chính của Thiên Chúa.” Ngài viết: “Sự công chính của Thiên Chúa (justitia Dei) là sự công chính nhờ đó, qua ân sủng Người, chúng ta được nên công chính hóa, một cách chính xác như ơn cứu độ của Thiên Chúa (salus Dei 3,9) là ơn cứu độ mà nhờ đó Thiên Chúa cứu độ chúng ta.”

Thánh Gregôriô Cả cũng nói: “Chúng ta không đi tới đức tin nhờ nhân đức nhưng tới nhân đức nhờ đức tin.” Và thánh Bênađô nói: “Con không thể có điều từ chính con, điều con chiếm giữ cho mình (usurpo), với niềm tin tưởng từ cạnh sườn đâm thủng Chúa, bởi vì Người giàu lòng thương xót… và là điều liên quan đến sự công chính của con chăng? Ôi lạy Chúa, con sẽ nhớ rằng chỉ có sự công chính của Ngài. Quả thật, nó cũng là của con bởi vì Ngài là sự công chính của Thiên Chúa cho con (x. 1 Cr 1,30).” Thánh Thôma Aquinô còn đi xa hơn, khi chú giải Thư Phaolô, đã nói rằng: “Chữ viết thì giết chết, nhưng Thần Khí ban sự sống” (2 Cr 3,6). Ngài viết: “Chữ viết cũng bao gồm cả những giới luật luân lý của Tin Mừng, vì thế cả chữ viết của Tin Mừng có thể giết chết, nếu chúng ta không đưa vào bên trong ân sủng của đức tin chữa lành.”

Công Đồng Trentô, được triệu tập để trả lời cho cuộc Cải Cách, không gặp bất cứ khó khăn nào trong việc tái khẳng định tính ưu việt của đức tin và ân sủng, trong khi vẫn duy trì sự cần thiết của các việc làm và việc tuân giữ các lề luật trong bối cảnh của toàn thể tiến trình của ơn cứu độ, theo công thức Phaolô “đức tin hành động nhờ tình yêu” (fides quae per caritatem operatur”) (Gl 5,6). Điều này diễn tả thế nào trong bối cảnh của bầu khí mới về đối thoại đại kết, đã có thể đi tới một tuyên bố chung của Giáo Hội Công Giáo và Liên Đoàn Thế Giới Tin Lành về sự công chính nhờ ân sủng qua đức tin, đã được ký vào ngày 31 tháng 8 năm 1999, tài liệu này nhìn nhận một sự thỏa thuận nền tảng về giáo huấn này, dù chưa phải là toàn thể.

Như thế, Cải Cách Thệ Phản có phải là một trường hợp “quá ồn ào vì chuyện vô ích chăng?” Có phải là kết quả của một sự hiểu lầm chăng? Chúng ta cần trả lời với sự quả quyết là ‘không’! Đúng thật huấn quyền của Giáo Hội đã không bao giờ thay đổi bất cứ quyết định nào được thực hiện từ những Công Đồng trước đó (đặc biệt chống lại phái Pelagiô); huấn quyền không bao giờ quên điều mà Augustinô, Gregoriô, Bênađô, và Tôma Aquinô đã viết. Tuy nhiên, những cuộc cách mạng đã xảy ra không phải vì những ý tưởng hoặc những lý thuyết trừu tượng nhưng vì những hoàn cảnh lịch sử cụ thể, và không may vì trong một thời gian dài, việc hành đạo của Giáo Hội đã không thực sự phản chiếu giáo huấn chính thức của mình. Đời sống Giáo Hội, giáo lý, lòng đạo đức Kitô hữu, linh hướng, vì không còn nói đến việc giảng dạy bình dân – tất cả xem ra chỉ quả quyết điều trái ngược, nghĩa là những điều được tính là những việc làm và những cố gắng con người. Ngoài ra, “những việc lành” nói chung không phải được hiểu là những việc làm được Chúa Giêsu đề cập trong Mt 25, chính Chúa nói: không có chúng, người ta không thể vào Nước Trời. Thay vào đó, “những việc lành” được hiểu là những cuộc hành hương, dâng nhiều nến, làm tuần chín ngày, và dâng cúng cho Giáo Hội, và sẽ nhận được những ơn toàn xá như là những phần thưởng vì đã làm những việc trên.

Hiện tượng này đã có gốc rễ sâu xa và phổ biến nơi tất cả Kitô giáo và không chỉ Kitô giáo La Tinh. Sau khi Kitô Giáo trở thành tôn giáo quốc gia, đức tin là cái gì đó mà người ta có được một cách tự nhiên nhờ gia đình, trường học, và xã hội. Nó không còn quan trọng để nhấn mạnh giây phút mà trong đó đức tin được sinh ra và quyết định của một người trở thành người tín hữu, nhưng lại nhấn mạnh nhiều đến những đòi hỏi thực hành của đức tin, nói cách khác, nhấn mạnh về luân lý và lối sống.

Một dấu chỉ nổi bật của sự thay đổi này về sự quan tâm được đánh dấu bởi Henri de Lubac trong cuốn sách của ông Medieval Exegesis: Bốn ý nghĩa của Kinh Thánh. Trong một câu nói kinh điển nhất, trật tự của bốn nghĩa Kinh Thánh là: nghĩa văn tự lịch sử, nghĩa Kitô học hoặc nghĩa đức tin, nghĩa luân lý và nghĩa cánh chung.

Thông thường, trật tự này bị thay thế bởi một nghĩa khác biệt mà trong đó nghĩa luân lý đến trước nghĩa Kitô học hoặc nghĩa đức tin. Trước “điều phải tin”, người ta đặt “điều phải làm”; bổn phận trở nên trước ân sủng. Trong đời sống tu đức, con người nghĩ rằng, trước hết có con đường thanh tẩy, rồi đến con đường minh giáo và hiệp nhất. Không ý thức về con đường này, con người đi đến kết luận một cách hoàn toàn ngược lại với điều mà Gregoriô Cả đã viết khi ngài nói rằng: “Chúng ta không đi tới đức tin nhờ nhân đức nhưng tới nhân đức nhờ đức tin.”

2- Học thuyết về sự công chính hóa bởi Đức tin sau Luther

Sau Luther và kế đó là hai nhà cải cách vĩ đại khác, Calvin và Ulrich Zwigli, giáo huấn về ân sủng tự do của sự công chính hóa nhờ đức tin đã có kết quả, đối với những ai sống nhờ nó, trong một sự cải thiện không thể phủ nhận về chất lượng đời sống Kitô hữu, nhờ sự phổ biến lời Chúa trong ngôn ngữ địa phương, nhờ vô số những thánh thi được linh hướng và những bài hát, cũng như sự trợ giúp của những tài viết mà dân chúng có thể sử dụng nhờ sự phát minh gần đây và sự phổ biến những tài liệu bằng in ấn.

Xét trên bề mặt, luận đề về sự công chính hóa chỉ nhờ đức tin trở thành sự phân chia giữa Công Giáo và Thệ Phản. Từ xa xưa (và tách khỏi chính Luther) sự tương phản này đã được quảng bá và cũng đã trở thành sự tương phản giữa Kitô giáo và Do Thái giáo, đối với những người Công Giáo mà họ đại diện, theo một số người, sự kế tục của chủ nghĩa lề luật và nghi lễ Do Thái, và những người Thệ Phản mà họ đại diện sự mới mẻ Kitô giáo.

Cuộc luận chiến chống Công Giáo được liên kết với cuộc luận chiến bài Do Thái, vì những lý do khác nhau, cũng xuất hiện trong thế giới Công Giáo. Theo viễn cảnh này, Kitô giáo được hình thành trong sự đối lập – và không phải phát xuất từ Do Thái giáo. Bắt đầu với Ferdinand Christian Baur (1792-1860), lý thuyết về hai tâm hồn của Kitô giáo càng ngày trở thành phổ biến: Kitô giáo của Phêrô, như được diễn tả trong điều được gọi là “pro-catholicism - (Frühkatholizismus) “phò Công Giáo” – và Kitô giáo của Phaolô thường được diễn tả đầy đủ hơn trong Thệ Phản.

Xác tín này dẫn tới việc phân cách bao nhiêu có thể Kitô giáo khỏi Do Thái giáo. Người ta sẽ giải thích những học thuyết và những mầu nhiệm Kitô Giáo (bao gồm cả tước hiệu Kyrios – Chúa, và phụng vụ thánh thiêng dành cho Chúa Giêsu) như là kết quả của cuộc gặp gỡ với văn hóa Hy Lạp. Tiêu chuẩn được dùng để phân xét tính chân thực của một lời nói hoặc một sự kiện từ Tin Mừng là sự khác biệt của nó so với điều được chứng thực trong môi trường Do Thái thời đó. Nếu không phải là lý do chính yếu của giai đoạn bi thảm cho chủ nghĩa bài Do Thái, thì chắc rằng, kết hợp với lời tố cáo về tội giết Chúa, nó đã cỗ võ cho chủ nghĩa bài Do Thái khi cung cấp một võ bọc ngầm tôn giáo.

Đầu thập niên 70, có một sự thay đổi tận gốc rễ trong lĩnh vực này từ những nghiên cứu Kinh Thánh. Thật cần thiết phải nói điều gì đó để làm sáng tỏ tình trạng hiện hành của học thuyết Phaolô và Luther về sự công chính hóa được ban nhưng không nhờ đức tin trong Chúa Kitô. Vì bản tính và mục đích của bài chia sẻ, xin miễn cho tôi không trích dẫn những tên tuổi của những cây viết hiện đại đã dấn thân trong cuộc tranh luận này. Bất cứ ai am tường về chủ đề này sẽ không gặp khó khăn khi xác định những tác giả của những học thuyết được ám chỉ ở đây, nhưng đối với những người khác, tôi nghĩ rằng, những tên gọi không quan tâm cho bằng những ý tưởng của họ.

Người ta đề cập đến điều được gọi là “con đường thứ ba của cuộc nghiên cứu về Chúa Giêsu lịch sử” (gọi là “thứ ba” sau cuộc nghiên cứu tự do của những năm 1800s, sau đó là cuộc nghiên cứu của Rudolf Bultmann và các môn sinh của ông vào những năm 1990). Viễn cảnh mới này nhìn nhận Do Thái giáo như là nguyên thủy thực sự trong đó Kitô giáo được hình thành, khi bóc trần những huyền thoại của những khác biệt không thể bớt được của Kitô giáo so với Do Thái giáo. Tiêu chuẩn được dùng để đánh giá tính cái nhiên nhiều hoặc ít mà một lời nói hoặc một sự kiện về cuộc đời Chúa Giêsu đích thực đó là tính tương tự của nó với Do Thái giáo thời đó – không phải là tính bất tương đồng, như người ta nghĩ một thời.

Một số những lợi thế của lối tiếp cận mới này thì hiển nhiên. Tính kế tục của mạc khải được phục hồi. Chúa Giêsu được đồng hóa với thế giới Do Thái giáo theo đường hướng của các tiên tri Kinh Thánh. Nó cũng mang lại sự công bằng hơn cho Do Thái giáo vào thời Chúa Giêsu, khi minh chứng sự giàu có và đa dạng của nó. Vấn đề là tiếp cận này đi quá xa đến nỗi lợi ích của nó đã bị biến dạng thành một sự mất mát. Trong nhiều người đại diện của cuộc nghiên cứu thứ ba này, Chúa Giêsu đã bị hoàn toàn hòa tan trong thế giới Do Thái, mà không còn phân biệt nào, ngoài một ít chú giải đặc biệt của Torah. Người bị giảm thiểu là một trong những tiên tri Do Thái, một “người có đặc sủng lưu động”, “một người nhà quê Do Thái miền Đại Trung Hải,” như một ai đó đã viết. Tính kế thừa với Do Thái Giáo đã được tìm thấy, nhưng sự mới mẻ của Tân Ước lại biến mất. Cuộc nghiên cứu lịch sử mới đã làm phát sinh những nghiên cứu theo mức độ hoàn toàn khác biệt (chẳng hạn, nghiên cứu của James D. G. Dunn, trường phái Tân Ước tôi thích), nhưng trường phái mà tôi đã đề cập là bản dịch đã được phổ biến rộng rãi hơn ở mức độ bình dân và đã ảnh hưởng rộng lớn đến ý kiến của công luận.

Người đã soi sáng cho tính chất huyền ảo của tiếp cận này đối với mục tiêu của cuộc đối thoại nghiêm túc giữa Do Thái giáo và Kitô giáo chính xác là một người Do Thái, một rabbi người Mỹ, tên là Jacob Neusner. Bất cứ ai đọc sách của Đức Giáo Hoàng Biển Đức XVI, Đức Giêsu Nadarét, thì cũng đã quen với rất nhiều tư tưởng của rabbi này, người mà Đức Giáo Hoàng đối thoại trong những chương hấp dẫn nhất của cuốn sách này. Chúa Giêsu không thể được coi là một người Do Thái giống như những người Do Thái khác, Neusner giải thích, căn cứ vào điều Người đặt mình trên cả Môisê và tuyên bố rằng Người là “cũng là Chúa của ngày Sabbát.”

Nhưng nó đặc biệt liên quan đến thánh Phaolô mà “cuộc nghiên cứu mới” cho thấy sự không phù hợp của nó. Theo một trong những người đại diện nỗi tiếng nhất, tôn giáo của những việc làm mà chống lại điều mà thánh Tông Đồ khiển trách nặng lời như thế trong các thư của ngài, không tồn tại trong thực tế. Mặc dầu trong thời đại Chúa Giêsu, Do Thái giáo là một “chủ nghĩa duy giao ước”, nghĩa là, một tôn giáo dựa trên sáng kiến tự do của Thiên Chúa và tình yêu của Người; việc giữ các lề luật của Người là hệ quả của một tương quan với Thiên Chúa, chứ không phải là nguyên nhân. Lề luật nhằm giúp con người giữ giao ước hơn là đi vào trong giao ước. Tôn giáo Do Thái tiếp tục là tôn giáo của các tổ phụ và các tiên tri, và nền tảng của nó là hesed, ân sủng và đức từ bi của Thiên Chúa.

Như thế, người ta cần xem lại những mục tiêu khác nhau cuộc luận chiến của Phaolô: không phải “những người Do Thái” nhưng “những Kitô hữu gốc Do Thái”, hoặc một dạng của Do Thái giáo thuộc nhóm “zealot” mà ngài cảm thấy bị đe dạo bởi thế giới ngoại giáo xung quanh và ngài phản ứng theo cách thế của Maccabê – nói tóm tắt - đó Do Thái giáo của Phaolô trước khi ngài trở lại và điều đưa ngài tới bách hại những người tín hữu gốc Hy Lạp giống như Stephanô. Nhưng những giải thích này xuất hiện không thể chấp nhận được và rốt cuộc là làm cho tư tưởng của thánh Tông Đồ không thể hiểu được và mâu thuẫn. Trong phần trước của Thư ngài, thánh Tông Đồ nói lên một bản cáo trạng có tính hoàn vũ như bản tính con người vậy: “Không còn phân biệt nào nữa;… tất cả chúng ta đã phạm tội và bị loại khỏi vinh quang của Thiên Chúa” (Rm 3,22-23). Ba lần trong ba chương đầu của thư này, ngài lặp lại thành ngữ “Do Thái và Hy Lạp”, nghĩa là Do Thái và dân ngoại đều giống nhau. Làm sao người ta có thể nghĩ rằng đối với một sự tố cáo có tính hoàn vũ như thế sau đó có một sự áp dụng bị giới hạn vào một nhóm nhỏ của các tín hữu?

3- Công chính hóa nhờ đức tin: Một học thuyết của Phaolô hay của Chúa Giêsu?

Theo thiển ý, khó khăn đến từ sự kiện mà việc chú giải của Phaolô được thực hiện vào những thời điểm như thể học thuyết đã bắt đầu với ngài và như thể Chúa Giêsu đã không nói gì về vấn đề này. Học thuyết về ân sủng tự do của ơn công chính hóa nhờ đức tin không phải là phát minh của Phaolô nhưng là sứ điệp trung tâm của Tin Mừng của Chúa Kitô, trong mọi trường hợp nó được Phaolô biết đến: nhờ một sự mạc khải trực tiếp từ Đấng Phục Sinh hoặc nhờ “truyền thống” mà ngài nói là ngài đã đón nhận, nó chắc chắn không bị giới hạn với một ít ngôn từ liên quan đến kerygma (x. 1 Cr 15,3). Nếu nó không phải là như thế, những người này đã có lý khi nói rằng Phaolô, chứ không phải Chúa Giêsu, mới là người sáng lập đích thực của Kitô giáo.

Tuy nhiên, trung tâm điểm của học thuyết này đã được tìm thấy trong từ “tin mừng”, “tin lành” mà Phaolô chắc chắn đã không sáng chế từ hư không. Vào lúc khởi đầu sứ vụ mình, Chúa Giêsu đi khắp nơi loan báo rằng: “Thời kỳ đã mãn, và Triều Đại Nước Thiên Chúa đã đến gần. Anh em hãy sám hối và tin vào Tin Mừng” (Mc 1,15). Làm sao lời loan báo này có thể được gọi là “tin mừng” nếu nó chỉ là một lời kêu gọi đáng sợ để thay đổi đời sống con người? Điều mà Chúa Kitô hàm ý trong thành ngữ “Triều Đại Thiên Chúa” – nghĩa là, sự khởi xướng cứu độ bởi Thiên Chúa, ân huệ của Người về sự cứu độ cho toàn thể nhân loại – thánh Phaolô gọi đó là “sự công chính của Thiên Chúa,” nhưng ngài đề cập đến chính thực tại nền tảng. “Triều Đại Thiên Chúa” và “sự công chính của Thiên Chúa” được kết hợp với nhau bởi chính Chúa Giêsu khi Người nói rằng: “Tiên vàn hãy tìm kiếm Nước Trời và sự công chính của Người” (Mt 6,33).

Khi Chúa Giêsu nói: “Hãy sám hối, và tin vào Tin Mừng”, như thế, Người đang dạy sự công chính hóa nhờ đức tin. Trước Người, “sám hối” luôn có ý nghĩa là “quay trở về” như tiếng Do Thái diễn tả bằng từ shub; nó có nghĩa là quay trở về với giao ước đã bị phá vỡ, nhờ một sự tuân giữ được canh tân về lề luật. Do đó, “sám hối” có một ý nghĩa cốt yếu là khổ chế, luân lý, và ăn năn, và nó được thực hiện nhờ sự thay đổi thái độ của con người. Sám hối được nhìn như là một điều kiện cho ơn cứu độ; nghĩa là “hãy sám hối và anh sẽ được cứu độ; hãy sám hối và ơn cứu độ sẽ đến với ngươi.” Đây là ý nghĩa của “sám hối” đã được hiểu cho đến thời Gioan Tẩy Giả.

Khi Chúa Giêsu nói về sự sám hối, metanoia, ý nghĩa luân lý của nó chuyển sang chỗ thứ hai (ít nhất là khởi đầu sứ vụ rao giảng Người), liên quan đến một ý nghĩa mới mà trước đó chưa biết. Sám hối không còn có nghĩa là quay trở về với giao ước và giữ các lề luật. Thay vào đó nó có nghĩa là thực hiện một bước nhảy về phía trước, là đi vào giao ước mới, là chiếm lấy Triều Đại Thiên Chúa đã được bày tỏ, và đi vào trong đó. Và đi vào trong đó nhờ đức tin. “Anh em hãy sám hối và hãy tin” không còn là hai điều kế tục và khác biệt, nhưng là cùng hành động: sám hối có nghĩa là tin; sám hối nhờ tin! Sám hối không có nghĩa là “trở lại những con đường của một người” nhưng đúng hơn như là “nhận thức một điều gì” mới mẻ và suy nghĩ theo cách thức mới mẻ. Nhà nhân bản Lorenzo Valla (1405-1457), trong cuốn sách của ông Adnotations on the New Testament, đã làm sáng tỏ ý nghĩa mới này của từ metanoia trong bản văn Maccô.

Có vô số dữ kiện trong Tin Mừng, trong số đó những dữ kiện chắc chắn nhất gần với Chúa Giêsu, xác nhận sự giải thích này. Một trong những quả quyết của Chúa Giêsu về sự cần thiết phải trở nên giống trẻ thơ để vào Nước Trời. Đặc tính của trẻ thơ là chúng không có gì cho và chỉ có thể nhận. Chúng không đòi hỏi bất cứ điều gì từ cha mẹ, bởi vì chúng đã dành được nó nhưng một cách đơn giản chúng biết rằng chúng được yêu mến. Chúng chấp nhận sự cho đi nhưng không.

Tranh luận của Phaolô chống lại lời tuyên bố về việc được cứu độ nhờ việc làm của con người cũng không bắt đầu với ngài. Chúng ta cần phải phủ nhận sự vô tận của những dữ kiện, để loại trừ khỏi Tin Mừng mọi quy chiếu tranh luận tới một con số của lề luật của “luật sĩ, biệt phái và các tiến sĩ.” Chúng ta không thể không nhận biết trong dụ ngôn về người Biệt Phái và người thu thuế ở đền thờ là hai kiểu tôn giáo mà thánh Phaolô sau này làm đối lập: một người tin tưởng vào thành tích tôn giáo của mình và người khác tin tưởng vào lòng thương xót của Thiên Chúa và khi trở về nhà người này được “công chính hóa” (Lc 18,14).

Chúng ta không đề cập về khuynh hướng hiện nay chỉ trong một tôn giáo đặc biệt, nhưng trong mỗi tôn giáo, kể cả Kitô giáo nữa. (Các tác giả Tin Mừng đã không thuật lại lời nói của Chúa Giêsu để khiển trách nhóm Biệt Phái, nhưng là để cảnh báo các Kitô hữu!). Nếu Phaolô có mục đích nhắm tới Do Thái giáo, bởi vì đó là bối cảnh tôn giáo trong đó ngài và những người nghe sống, nhưng nó bao gồm cả một loại tôn giáo hơn là một sắc tộc. Những người Do Thái trong bối cảnh này, là những người không giống với những người ngoại giáo, họ được sở hữu ơn mạc khải; họ biết ý muốn của Thiên Chúa và khuyến khích bởi sự kiện này, họ cảm thấy mình an toàn với Thiên Chúa và có thể phán xét những người còn lại của nhân loại. Một dấu hiệu mà Phaolô đã chỉ ra một loại tôn giáo là điều mà Origene cũng đã nói trong thế kỷ thứ III rằng mục đích của những lời của Tông Đồ bây giờ là nhắm đến “đầu của Giáo Hội: các giám mục, các linh mục, và phó tế”, nghĩa là những người hướng dẫn, những thầy dạy của dân chúng.

Khó khăn trong việc hòa giải hình ảnh mà Phaolô cho chúng ta về tôn giáo Do Thái và điều mà chúng ta biết về nó từ những nguồn khác được dựa trên sự sai lầm nền tảng trong phương pháp. Chúa Giêsu và Phaolô nói đến những điều phải làm với cuộc sống chứng tá, với con tim; Ngược lại các nhà nghiên cứu nói đến những cuốn sách và những chứng nhân viết. Những tuyên bố bằng miệng hay được viết ra nói về điều mà những người biết phải là hoặc muốn trở nên, không cần thiết điều họ là. Người ta không thể ngạc nghiên khi tìm trong Kinh Thánh và trong những nguồn lề luật Do Thái về thời gian hoạt động và những khẳng định cảm động và chân thành về ân sủng, lòng từ bi và sáng kiến đến từ Thiên Chúa. Nhưng nó là một điều đề nói rằng điều Kinh Thánh nói và các thầy dạy truyền và những điều khác ở trong trái tim của con người và điều hướng dẫn những hành vi của họ.

Điều đã xảy ra trong thời đại của Cải Cách Thệ Phản giúp chúng ta hiểu tình hình vào thời đại của Chúa Giêsu và Phaolô. Trong thời Cải Cách, nếu một người nhìn vào học thuyết được dạy ở các trường thần học, những định tín cổ xưa chưa bao giờ được thảo luận, những trước tác của Augustinô đã có được sự trân trọng lớn lao, hoặc chỉ cuốn Gương Chúa Giêsu là cuốn được những tâm hồn đạo đức đọc hằng ngày cho, người ta sẽ thấy ở đó giáo huấn ý nghĩa về ân sủng và sẽ không hiểu ai là người mà Luther đang chống lại. Nhưng nếu một người nhìn vào điều đang xảy ra trong đời sống thực của người Kitô hữu, như chúng ta đã thấy, kết quả hoàn toàn khác biệt.

4- Làm sao để rao giảng sự công chính hóa nhờ đức tin hôm nay

Chúng ta có thể kết luận điều gì từ cái nhìn toàn cảnh về năm thế kỷ kể từ khi bắt đầu Cải Cách Thệ Phản? Quả thật, đây là sự sống còn mà việc kỷ niệm năm trăm năm Cải Cách không trở nên lãng phí, khi chúng ta vẫn còn là những tù nhân của quá khứ, và cứ cố gắng xác định điều đúng và điều sai, ngay cả với một cung giọng hòa bình hơn trong quá khứ. Tốt hơn chúng ta cần có một bước nhảy về phía trước, giống như khi một dòng sông chảy tới cửa cống, nó sẽ lấy lại dòng nước với mức cao hơn.

Tình hình đã thay đổi từ đó. Vấn đề đã đưa đến sự phân chia giữa Giáo Hội La Mã và Cải Cách vượt trên tất cả là những ơn toàn xá, và cách thức mà người tội lỗi được công chính hóa. Nhưng chúng ta có thể nói rằng đây có phải là những vấn đề mà đức tin của con người hôm nay đứng hay ngã chăng? Tôi nhớ đến Đức Hồng Y Kasper trong một dịp đã đưa ra nhận xét này: Đối với Luter vấn đề số một, hiện sinh là làm sao vượt qua ý nghĩa của tội lỗi và tìm thấy một Thiên Chúa khoan dung; ngày hôm nay vấn đề thì ngược lại như thế: làm sao phục hồi lại cho con người ý nghĩa đích thực về tội lỗi mà họ đã hoàn toàn đánh mất.

Điều này không có nghĩa là lơ là sự phong phú do Cải Cách mang lại hay muốn quay lại đằng sau, với thời đại trước. Đúng hơn nó có nghĩa cho phép tất cả mọi tín hữu của Kitô giáo sinh lợi từ nhiều thành tựu quan trọng, một lần được giải thoát khỏi những sự méo mó và thái quá phải làm nhờ bầu khí ấm áp của cơ hội này và nhờ nhu cần điều chỉnh những lạm dụng lớn.

Giữa sự thái quá phát xuất từ sự tập trung lâu đời về vấn đề công chính hóa của các tội nhân, với tôi xem ra là điều đang làm cho Kitô giáo Tây Phương trở thành một lời loan báo u buồn, tất cả được tập trung trên tội, mà văn hóa đời đã muốn kết liễu bằng việc chống lại và từ chối. Điều quan trọng nhất là không phải điều mà Chúa Giêsu nhờ cái chết của mình đã xóa bỏ khỏi con người – là tội lỗi – nhưng là điều Người ban cho họ, đó là Thánh Thần. Nhiều nhà chú giải hôm nay xem chương thứ ba của Thư gửi tín hữu Rôma về sự công chính hóa nhờ đức tin làm sao không thể tách khỏi chương tám về ơn huệ của Thánh Thần và tất cả liên kết thành một khối.

Ân sủng tự do của sự công chính hóa nhờ đức tin vào Chúa Kitô phải được rao giảng hôm nay bởi toàn thể Giáo Hội và với một sự sức mạnh hơn bao giờ hết. Tuy nhiên, không đối lập với “những việc làm” mà Tân Ước nói đến, nhưng đối lập với kỳ vọng của con người hậu hiện đại cho rằng có thể tự cứu độ mình nhờ khoa học và kỷ thuật hoặc nhờ một nền tu đúc ngẫu hứng và thoải mái. Đây là “những việc làm” mà con người hiện đại tin tưởng. Tôi xác tín rằng nếu Luther trở lại với cuộc sống, có lẽ đây là cách mà hôm nay ông rao giảng sự công chính hóa nhờ đức tin.

Có một điều khác mà tất cả chúng ta – Tin Lành và Công Giáo – phải học từ nhà khởi xướng Cải Cách. Như chúng ta thấy, đối với Luther, sự công chính hóa được ban nhưng không nhờ đức tin trước hết là một kinh nghiệm sống động và chỉ sau đó bị lý thuyết hóa. Tiếc thay, sau ông, sự công chính hóa nhờ đức tin càng ngày càng trở thành một luận đề thần học để bảo vệ hoặc chiến đấu và càng ngày càng ít đi kinh nghiệm giải thoát và cá vị để sống tương quan thân mật với Thiên Chúa. Tuyên bố chung năm 1999 ghi nhớ cách thích hợp rằng sự thỏa thuận đã đạt được từ Công Giáo và Tin Lành về những chân lý nền tảng của giáo huấn về sự công chính hóa phải có những hiệu quả và tìm thấy một sự so sánh, không chỉ trong sự giảng dạy của Giáo Hội nhưng cả trong đời sống của con người (số 43).

Chúng ta không bao giờ đánh mất tầm nhìn về điểm chính yếu của sứ điệp Thánh Phaolô. Điều mà Tông Đồ trên hết muốn quả quyết trong Thư gửi tín hữu Rôma 3 là không phải chúng ta được công chính hóa nhờ đức tin, nhưng chúng ta được công chính hóa nhờ đức tin vào Chúa Kitô; chúng ta cũng không được công chính hóa như nhờ ân sủng, nhưng chúng ta được công chính hóa nhờ ân sủng của Chúa Kitô. Chúa Kitô là trung tâm điểm của sứ điệp, hơn cả ân sủng và đức tin. Ngày nay, chính Người là tín khoản mà Giáo Hội đứng hay ngã: một con người, chứ không phải một học thuyết.

Chúng ta phải vui mừng vì điều này đang xảy ra trong Giáo Hối và có sức lan rộng lớn lao hơn người ta nghĩ. Trong những tháng gần đây tôi đã tham dự hai cuộc hội thảo: một ở Thụy Sĩ, được tổ chức bởi những người Thệ Phản với sự tham dự của nhiều người Công Giáo, và một ở Đức, được tổ chức do những người Công Giáo với sự tham dự của người Tin Lành. Cuộc hội thảo sau, diễn ra tại Augsburg vào tháng giêng vừa qua, với tôi xem ra đây thực sự là một dấu chỉ thời đại. Có 6,000 người Công Giáo và 2,000 người Tin Lành, phần lớn trong số họ là những người trẻ, đến từ khắp nơi trên nước Đức. Chủ đề của cuộc hội thảo là “Sự hấp dẫn thánh thiêng.” Điều đã hấp dẫn đám đông này là Chúa Giêsu Nadarét, đang hiện diện và hầu như có thể sờ được nhờ Chúa Thánh Thần. Bên trong những cố gắng này là một cộng đoàn của những giáo dân và một ngôi nhà cầu nguyện (Gebetshaus), nó đã được hoạt đồng nhiều năm và có sự hiệp thông tròn đầy với Giáo Hội Công Giáo địa phương.

Đây không phải là một sự đại kết dễ dãi. Có thánh lễ Công Giáo với nhiều hương trầm do tôi cử hành một lần và một lần được cử hành do giám mục phụ tá của Augsburg; vào một ngày khác, lễ Tiệc Ly của Chúa được cử hành bởi một mục sư Tin Lành với sự kính trọng đối với các nền phụng vụ của nhau. Tôn thờ, giảng dạy và âm nhạc: đó là một bầu khí mà chỉ những người trẻ hôm nay có thể tạo ra và có thể phục vụ như là một kiểu mẫu cho một số biến cố đặc biệt trong Ngày Giới Trẻ Thế Giới.

Một lần nữa tôi hỏi những người hữu trách có muôn tôi nói về sự hiệp nhất Kitô giáo. Họ trả lời: “Không. Chúng tôi thích sống sự hiệp nhất này thay vì nói về nó.” Họ có lý. Đó là những dấu chỉ của đường hướng mà Chúa Thánh Thần và cùng với Người, Đức Giáo Hoàng mời gọi chúng ta đi.

Cầu chúc mọi người mừng lễ Phục Sinh vui tươi và thánh đức!

Lm. Phêrô Nguyễn Văn Hương

Chuyển ngữ