ĐỜI THƯỜNG - CHỨNG NHÂN GIỮA GIÒNG ĐỜI

II.- LINH MỤC BENOIT LACROIX (TIẾP THEO VÀ HẾT)

MẸ GIÁO HỘI

Là linh mục từ bao năm qua và thấm nhuần lòng lân tuất của Chúa, không bao giờ tôi cảm thấy chán nản tuyệt vọng. Tôi luôn yêu thương. Yêu thương tha nhân. Yêu mến điều tôi làm. Nhưng còn Mẹ! Mẹ Giáo hội, Giáo hội hữu hình, Giáo hội qua lịch sử?

Ở Studendat Ottawa, Mẹ Giáo hội thật dễ thương. Chúng tôi sống trong sự yêu mến Mẹ Giáo hội, hiền thê của Chúa Giêsu, thân thể mầu nhiệm, đại gia đình của những kẻ được chọn. Mẹ Giáo hội vô ngộ, duy nhất, thánh thiện, Công giáo và tông truyền.

Vị sáng lập nên Giáo hội là Chúa Giêsu, được nổi danh vì những phép lạ. Ngài đã chiến thắng ngay cả với cái chết của Ngài. Điều không thể bác khước được là Chúa Kitô có thần tính, là Con Thiên Chúa. Người ta đã tôn sùng Ngài như là vị vua trên hết các vua: Chúa Kitô-Vua!

Nhưng còn Mẹ! Vâng chính Mẹ! Mẹ Giáo hội điều hành ở trần thế - Tòa Thánh Vatican, Banco Sancto Spiritu - người ta tìm thấy ở nơi Mẹ toàn những điều dạy bảo, luật lệ, tông thư, tông huấn, những tội lỗi được nêu danh trước, những điều cảnh cáo nghiêm khắc. Sau Thánh kinh và Thánh truyền mà chúng tôi đã say mê tổng hợp suốt học trình, lại còn quyền tuyên huấn có tính cách hồi tố mà không bao giờ hết trích dẫn cho đến độ làm lu mờ những Lời Hằng Sống của Chúa Kitô.

Ecce Ecclesia! Đây là Giáo hội! Chúa Giêsu ở trong thuyền, gió lớn nổi lên, còn Ngài thì ngủ. Ngài có ngủ thật không? Đi vào môi trường đại học vào thập niên 40, trà trộn trong thế giới những giáo sư thông thái và dần dần dấn thân vào thế giới náo động của nghệ sĩ cùng văn nhân được mệnh danh là khuynh tả, tôi đã học hỏi một cách thường khi vụng về những bộ mặt khác nhau của Giáo hội Công giáo La-mã của tôi.

Sau năm 1960, cơn vũ bão bắt đầu gầm thét: những phụ nữ thông minh đã công khai chống lại những mệnh lệnh do Đức Giáo Hoàng ban ra, những linh mục bạn tôi đã ra đi, dân chúng hoài nghi và trốn chạy Giáo hội. Bị chao đảo bởi một dư luận quần chúng ngày càng bất lợi, Giáo hội của tôi ở tỉnh bang Québec đã im hơi lặng tiếng.

Nhưng may mắn thay, theo ý kiến của tôi - thật là khó khăn, nếu không muốn nói là nan giải- phân biệt giữa sự hoài nghi của những người nầy và sự không hiểu biết của những người kia. “Đừng kháng cự lại trận cuồng phong, hãy đóng hết mọi cửa ngõ” như câu ngạn ngữ đã nói.

Phần tôi, tôi cố gắng dung hợp giữa đức tin nhận được và đức tin phải rao giảng. Lương tâm của tôi đã được báo động. Phải nói làm sao với những người ly dị, với những người nam cũng như nữ trong trường hợp nầy không được rước lễ khi họ đi xem lễ, với những nam nữ đồng tính? Phải nói làm sao về những đôi nam nữ sống chung mà không kết hôn, những hôn nhân thử nghiệm, về viên thuốc ngừa thai, về vấn đề phá thai, về sự tự do lựa chọn số con cái sinh ra, về những vụ mang thai bất đắc dĩ?

Lạy Chúa Giêsu, Chúa đang ở đâu? Chúa sẽ nói những gì khi ở vào vị thế của con? Chúa sẽ ứng phó như thế nào? Tôi vừa học hỏi, vừa cầu nguyện. Tôi liên tưởng tới Đức Maria ở thành Nazareth cũng từng bị chao đảo vì những công luận và sự đố kỵ của những thế lực chính trị đương thời.

Ai đến cứu giúp tôi đây? Hãy đoán xem đi! Không ai khác hơn là chị Thánh Têrêxa Hài Đồng Giêsu. Sáng suốt, chân thành, đôi mắt linh hoạt, chị đã mời gọi tôi duyệt xét lại mọi biến cố để suy tư chín chắn hơn. “Tôi rõ biết Giáo hội có một quả tim và quả tim đó bừng cháy tình yêu…Tôi rõ biết chỉ có tình yêu mới làm cho các phần tử Giáo hội hoạt động mạnh mẽ…Tôi rõ biết tình yêu ôm ấp hết mọi ơn gọi, tình yêu là tất cả.”

Bắt đầu từ đó, tôi đâm ra yêu mến Mẹ Giáo hội! Tôi yêu mến Mẹ Giáo hội vì đủ mọi lý do: vì sự trung thành của Mẹ trong việc vạch ra một con đường cho nhân loại đi qua, vì thị kiến toàn diện của Mẹ về nhân sinh và lịch sử, vì ý nghĩa của sự trường tồn cuộc sống Mẹ trên trần gian, vì sự gan lì linh thánh của Mẹ cũng như sự can đảm của Mẹ khi đối diện với những lời đồn đãi của người đời về Mẹ. Người đời sẽ không bao giờ cung kính Mẹ cho dù Mẹ đã không ngừng nghỉ ưu tư về họ. Và Mẹ luôn trường tồn qua không gian và thời gian! Thật là linh thánh!

Khi đọc lai hiến chế “Lumen gentium” (Anh sáng muôn dân) của Công Đồng Vatican II và sự giải thích rộng lượng của Mẹ Giáo hội, khi đối diện với sự tự do lương tâm, tôi cảm thấy Mẹ tôi càng lúc càng khơi nguồn cảm hứng, được huy động bởi những mãnh lực khác hơn là những sức mạnh mà qua đó Mẹ đã biểu lộ bằng sự mỏng dòn của nhân loại tính ở trong Mẹ.

Nhân loại tính của Mẹ Giáo hội làm tôi liên tưởng tới Chúa Kitô nghèo hèn, phải trốn lánh sang Ai-Cập, lạc mất ở trong Đền Thờ. Chúa Kitô đó đã rao giảng Tin Mừng và trao ban mạng sống mình cho đến chết đớn đau ở trên thập giá. Xuyên qua những dáng dấp đôi khi xem ra bối rối, mặc dù những vết thương và gãy đổ, Mẹ Giáo hội vẫn đứng vững không thể nào hủy diệt được. Qua Mẹ, Giao Ước được trường tồn, Lời Hứa của Thiên Chúa được thực hiện và Nước Trời được củng cố. Lại một lần nữa con người trở nên con đường đưa đến sự cứu rỗi của Chúa.

Một cảnh tượng mùa đông ở Bellechasse mà tôi thích hồi tưởng, đã giúp tôi thẩm định những ý kiến về Mẹ Giáo hội yêu dấu của tôi. Khi còn ở nhà, mặc dù thuộc thế hệ thứ ba ở thành phố Sant-Michel, chúng tôi cảm thấy bắt buộc - một sự bắt buộc linh thánh - là phải đi xem lễ Chúa nhật trong sáu mươi phút bằng xe trượt tuyết. Dù bão tuyết với gió lớn và tuyết ngập đầy đường, chúng tôi vẫn đi lễ. Ba tôi đã có những lời nói khiến chúng tôi an tâm: “Hỡi các con, hãy đi! Những mốc tiêu sẽ chỉ đường cho chúng ta.” Và đúng như vậy.

Những mốc tiêu là những tiêu điểm đã hướng dẫn chúng tôi một cách chắn chắn đi đến ngôi làng có nhà thờ. Không có những mốc tiêu đó, chúng tôi sẽ giống như những khách hành hương không có sơ đồ cho hành trình của mình. Mẹ Giáo hội hướng dẫn hành trình của bạn: bây giờ đến lượt bạn quyết định! Phải chăng Chúa Kitô đã không tự xưng là đường đi, là chân lý, là sự sống sao? “Ai theo tôi không bước đi trong tăm tối” (Gio 8,12).

HÃY LÀM VIỆC NẦY MÀ NHỚ ĐẾN THẦY

Thời gian tuyệt đỉnh cảm nhận sự hiện diện sống động của Chúa Kitô, trong sự kết hợp với Đức Thánh Linh được hứa hẹn cho mọi người thành tâm thiện chí, đó là những giây phút sống trước Mình Thánh Chúa. Vào mỗi ngày khi có thể được và điều đó đã xảy ra từ sáu mươi năm qua, chính Ngài, người bạn nghĩa thiết Giêsu của tôi, Con Thiên Chúa, đã đến và xác quyết với tôi một thực tế khá đặc thù bắt đầu từ những lời truyền phép - luôn luôn cũng chỉ những lời đó thôi bởi vì Ngài luôn luôn cũng chính một Đấng Cứu Thế duy nhất - Ngài đến bằng máu và bằng thịt.

Hãy làm điều nầy…” Sự sáng thế, trời đất, các thánh, người sống, kẻ chết, các thiên thần…tất cả đều có mặt ở đó. Sự chiến thắng bằng một Lời Nói đã có tác dụng ngay khi vừa được nói ra! Giáo hội van nài. Còn Ngài, kết hợp với Đức Thánh Linh, đang dẫn đưa Giáo hội về cùng với Cha. Thật là mầu nhiệm Đức Tin!

Ngay từ đầu cuộc sống linh mục của tôi, tôi lo lắng làm sao giữ đúng từng li từng tí những giòng chữ đỏ, làm vừa lòng cộng đoàn, đọc cho đúng những lời đó. Dần dần - phải có thời gian để trở thành thói quen - tôi nhận ra chân lý của phụng vụ Thánh Thể, cũng như sự điên rồ thánh khiết của Chúa Kitô đang say mến nhân loại nên mới cho chúng ta những buổi gặp gỡ thân tình như vậy.

Thật là một sự sửa đổi thích hợp do Công Đồng Vatican II mang lại để chấm dứt những thánh lễ riêng tư - những thánh lễ trong những khung thất đóng kín. Bắt đầu từ nay, tất cả cộng đoàn giáo sĩ đều được mời gọi dâng Thánh lễ chung. Chúa Kitô mong muốn tất cả chúng ta - nam cũng như nữ - trở nên một đại gia đình! Nhờ Ngài và với Ngài, nhân loại hiệp thông với nhau.

MỖI MỘT LẦN

Sự hiện diện thân tình của Chúa Kitô trong cuộc sống tôi không chỉ giới hạn khi cử hành Thánh Thể. “Thầy ở với anh em mọi ngày cho đến tận thế” (Mat 28, 20)…”Thầy không để anh em mồ côi đâu…Thầy sẽ gởi Đức Thánh Linh tới” (Gio 14, 18; 16, 17).
    Chúa ôi! Chúa đã có mặt ở đó khi có người đói khát, khi có khách lạ trần truồng, khi có người đau yếu, kẻ bị tù tội. Chúa hiện diện trong ly nước lã được trao tặng vì danh Thánh Chúa. Chúa đã ở với chị nữ sinh viên Rwanda với đầu quấn khăn tang tiếp theo sau trận chiến diệt chủng; Chúa đã hiện diện với thiếu nữ si tình bị bỏ rơi với con tim thổn thức tan nát; Chúa đã có mặt với chàng thanh niên hai mươi tuổi mắc bệnh liệt kháng, ngày đêm van nài mà hoàn toàn thất vọng vì không được đáp trả; Chúa đã ở với một chính tri gia khi xin con ban những nghi thức sau cùng.

    Chúa đã ở với Flora - một người đàn bà 50 tuổi - nằm trên giường bệnh ở trong nhà thương, không đứng ngồi được vì bị chứng bại liệt kinh niên. Bà ta sống hoàn toàn tùy thuộc vào người khác và đã xin con cho rước lễ nhân dịp sinh nhật của bà. Chúa đã ở với Marie-Marthe khi chị ngã vào người con lúc lên cơn động phong. Chúa đã đồng hành với anh Michel khi đi tới đâu thì rao giảng Tin Mừng của Chúa tới đó mà không hề mỏi mệt.

    Chúa đã ở với một giám mục khi lội ngược giòng và đau lòng chứng kiến những sự chao đảo của Giáo hội trong giáo phận ngài vì không được điều hướng tốt đẹp. Chúa đã có mặt với một thiếu nữ câm điếc chỉ biết ú ớ khi giao tiếp, cũng như với chị đan sĩ hằng ngày hát lên những Thánh vịnh tuyệt vời. Chúa có măt khi có người say mến lắng nghe Lời Chúa…

    Chúa đã hiện diện với bào thai khi còn ở trong bụng mẹ; Chúa cũng có mặt khi em bé được sinh ra. Con nói như thế khi nghĩ tới một con số gần như không thể tính toán được về những bí tích Thánh Tẩy mà con đã ban phát từ năm 1941. Trong mọi trường hợp, sự sinh hạ một em bé là dấu hiệu không thể bác khước về sự hiện diện linh thánh của Chúa. Xuyên qua những lễ nhạc cần thiết khi em bé đó chào đời, qua cha mẹ của em, đã thể hiện sự dịu dàng của Thiên Chúa là Cha của hết mọi người cha, là Mẹ của hết mọi người mẹ. Chúa ở đó, luôn luôn ở đó…
NHỮNG CHIẾC BÌNH SÀNH MỎNG DÒN

Hoàn cảnh linh mục không phải nhàn rỗi. Đó là một hoàn cảnh khó khăn nếu không muốn nói là hoàn toàn bất lực khi trở nên vị đại diện của Chúa Kitô, vì linh mục phải luôn luôn sống đời thiện hảo và xứng đáng, luôn luôn thành thật, xác hồn phải được thanh luyện, sống ở mức độ cân bằng với lý tưởng, phải trở nên hoàn thiện nhất và phải giữ gìn mỗi khi đi đứng nằm ngồi.

Vào lúc mười giờ sớm mai, một phụ nữ bị hành hung réo gọi. Mười hai giờ trưa lại một cú điện thoại khác của một người đàn ông uống thuốc quá liều; lúc bốn giờ chiều, phải làm phép cưới. Ngoài ra phải ban những nghi thức sau cùng vào bất cứ giờ giấc nào. Khi dâng Thánh lễ chôn cất cho một người thân - cha mẹ hay anh chị em…làm sao linh mục có thể ngăn nỗi những xúc động mà không khóc với người khóc?

Điều tế nhị nhất là bí tích hòa giải mà xưa kia gọi là xưng tội và ngày nay gọi là bí tích tha thứ. “Tôi cáo mình cùng Thiên Chúa…và cùng cha…”. Tôi không quen với công thức đó bao giờ. Có phải do sự ngại ngùng có tính cách trẻ con được kế thừa từ mẹ tôi hay mặc cảm tội lỗi của người trưởng thành với hành trang vào đời mang nặng tính chất trí thức: do quyền lực nào mà tôi có thể trao tặng sự tha thứ của Chúa cho một người thường khi sống tốt lành hơn tôi? “Hỡi thầy thuốc, hãy chữa lành chính ngươi đi.”

Mấy tháng trước khi qua đời vào ngày 13 tháng 9 năm 1969, ba tôi tới trước mặt tôi để xưng tội. Có phải ba tôi đã xem tôi như Thiên Chúa sao? Tôi run sợ. Tôi muốn độn thổ. Cuối cùng tôi hiểu rằng Chúa Kitô đã cho phép tôi…nhưng chao ôi, tôi không yêu thích chút nào. Có thể nói được rằng “kho tàng châu báu (tức cuộc sống chúng ta) được chứa đựng trong những chiếc bình sành” (Gióp 10.9), “…để chứng tỏ quyền năng phi thường phát xuất từ Thiên Chúa, chứ không phải từ chúng tôi” (2 Cr 4, 7).

Chúa ở đó

Trong thời gian và cùng với thời gian đang trôi qua mau, tôi luôn lặp lại lời nguyện tuyệt vời xưa kia thường hay hát vào giờ kinh tối: “Chúa ôi! Con xin trao phó linh hồn con trong tay Cha.” Đúng thế! Con trao phó hết mọi giấc mơ của cuộc sống, tất cả những thân tình mà con cầu mong được truờng tồn. Lòng lân tuất của Chúa vượt lên trên những sự kết án. Từ đó và mặc dù những sự mỏng dòn của con, khi màn đêm buông xuống và những nổi lo âu của con biến mất, con tin chắc Chúa đang có đó, luôn luôn có đó (Luc 24, 29). Con tin tưởng tình yêu mạnh mẽ hơn sự chết.

Đấng đã muốn tôi sinh ra và sống lâu dài đã có những kế hoạch phi thường cho tôi. “Nếu Thần Khí của Thiên Chúa đã làm cho Đức Giêsu sống lại từ cõi chết, thì Ngài cũng sẽ dùng Thần Khí của Ngài đang ngự trong anh em, mà làm cho thân xác của anh em được sự sống mới…Vậy còn phải nói gì thêm nữa? Có Thiên Chúa bên đỡ chúng ta, ai còn chống lại được chúng ta…Đúng thế, tôi tin chắc rằng: cho dầu là sự chết hay sự sống…hiện tại hay tương lai…không có gì tách được chúng ta ra khỏi tình yêu của Thiên Chúa thể hiện nơi Đức Kitô Giêsu, Chúa chúng ta.” (Roma 8, 11.31.38-39).

TIN TƯỞNG MÃI ! TIN TƯỞNG LUÔN !
    Chúa ôi! Con muốn được diện kiến Ngài. Con nương tựa vào Ngài, Người anh cả Giêsu của con…Khi con sẽ diện kiến Ngài, con biết rằng Mẹ Maria không ở xa đâu. Con tin tưởng mãi! Con tin tưởng luôn! Nơi nào tội lỗi tràn trề thì nơi đó lòng lân tuất của Chúa dẫy đầy. Con thường nhẩm đi nhẩm lại Lời của Chúa trong dụ ngôn người con hoang đàng, kiệt tác phẩm về lòng lân mẫn của Chúa Cha…Con nghĩ tới người trộm lành, người mục tử nhân hậu chạy theo sau con chiên lạc mất, người Samaritanô nhân lành.

    Con không bao giờ có thể chấm dứt việc truy tầm sự hiện diện linh thánh của Chúa, sự dịu dàng và tình yêu thương của Chúa. Con luôn cảm thấy sợ sệt, nhưng con đặt niềm hy vọng nơi Chúa. “Linh hồn con trông chờ Chúa, hơn lính canh mong đợi hừng đông” (TV 130, 6).

    Trong lúc chờ đợi, xin cho con được cầu nguyện, được mong đợi Chúa theo cách thức của chị nữ tu Đa-Minh Catherine de Sienne, theo cung cách những nữ đan sĩ của chị Thánh Têrêxa thành Lisieux và chị Elizabeth của Thiên Chúa Ba Ngôi. Mong một ngày kia, cùng với Chúa, với Chúa Cha và với Đức Thánh Linh, chúng con sẽ được sum họp để ca hát luôn mãi một ca khúc Alléluia muôn thuở, trong sự vô biên thăm thẳm mà ở đó con sẽ tan chìm trong đại dương bao la của Tình Ái!
(HẾT)