ĐỜI THƯỜNG- CHỨNG NHÂN GIỮA GIÒNG ĐỜI

II.- LINH MỤC BENOIT LACROIX (TIẾP THEO)

1950…

Tôi rời Canada để đi Au châu. Đó là giấc mơ của tôi! Tôi say mê thế giới tôn giáo thời Trung Cổ. Thật là những ngôi đại thánh đường khó quên! Ngôi đại thánh đường dòng Chartres không thể nào quên được! Đồng thời, tôi cảm thấy nỗi nhớ nhung quê nhà khi đi viếng những ngôi thánh đường nho nhỏ theo lối kiến trúc rôman và tôi cố gắng hằng ngày nhận diện bộ mặt nhân bản của Chúa Giêsu bằng cách đi xem bảo tàng viện nầy đến bảo tàng viện khác. Phải chăng đó là những điều ưa thích nhất đối với tôi?

Tôi đọc đi đọc lại các sách Phúc Am. Tôi cảm thấy mình quá xa vời đối với Chúa Kitô biết bao! Nhưng lại một lần nữa Chúa đã đến cứu giúp con. Chúa biết cách tiếp cận với con theo cách thức của Chúa, thật tài tình và hữu hiệu.

Ở Au châu, tôi thăm viếng nhiều nhà nguyện các Tiểu Muội Chúa Giêsu, thường gọi là “các Tiểu Muội của cha Foucauld”. Đâu đâu cũng một nếp sống đơn giản, buông bỏ, cũng dành một chỗ đặc biệt cho việc đọc Lời Chúa, cũng một sự tôn kính đối với sự hiện diện của Chúa Giêsu Thánh Thể ở trong nhà tạm.

Đó chính là nhà Nazareth ở trước ngưỡng cửa của tôi! Chúa Kitô không chỉ là Chúa Hài Đồng nằm trong máng cỏ, là cậu bé gương mẫu. Ngài không phải luôn luôn chết trên thánh giá vì tội lỗi chúng ta. Ngài không chỉ là vị đại ngôn sứ của mọi dân tộc, là đức vua của mọi thế hệ hay vị chúa tể chung chung.

Ngài không những là Con Thiên Chúa mà chúng tôi đã phân tích qua vài văn kiện bằng tiếng Latinh của thời Trung Cổ. Ngài không chỉ là nhân vật của những chiến thắng lớn lao theo ngôn ngữ tín lý liên quan đến những môn học ở bậc đại học của tôi...Tôi nhận ra rằng Ngài cũng có thể là một người bạn đơn giản nhất, dễ dàng tiếp cận nhất.

Tôi ghi nhận một cách hoàn toàn thích thú là các Tiểu Muội một phần nào đó là những con cái tinh thần của chị Thánh Têrêxa Hài Đồng Giêsu. Chỉ khác một điều là chị Thánh sống đời ẩn dật trong tu viện Cát-Minh, còn các Tiểu Muội sống giữa những người khó nghèo.

Bao nhiêu liên hệ của tôi với Chúa Kitô trong thời thơ ấu, khi còn học sinh và sinh viên, mang nặng tính chất lý thuyết hoặc có tính cách trí thức…giờ đây tôi được lôi cuốn vào những hành trình khác nhau, thường khi có tính cách bất ngờ, để gặp gỡ Đấng đã dẫm lên những nẻo đường xuyên qua xứ Galilée và Judée, đó là Chúa Kitô nhân bản.
    Là linh mục vào tuổi bốn mươi, linh mục càng ngày càng thông thái, làm sao con có thể cầu nguyện và thốt ra những lời linh thánh nếu Chúa ở xa cách quả tim con? Phải chăng con là người lao động vào giờ thứ mười một?
Vào năm 1953, tôi đi hành hương dòng Chartres với các sinh viên của nhiều nước khác nhau. Trong ba ngày chúng tôi đi từ Rambouillet đến nhà thờ chính tòa danh tiếng. Các bạn trẻ đó đã trở thành những bậc thầy của tôi. Họ đã dạy dỗ tôi theo cách thức riêng của họ. Sau đó, chúng tôi đã gặp lại nhau ở thành Assise, ở Roma, ở miền Cận Đông, tại Jérusalem, Bethléhem và Nazareth.

Ở Nazareth, đối với tôi là người đã yêu mến biết bao những thửa đất màu mỡ của vùng Bellechasse - nơi mà thời thơ ấu tôi không bao giờ quên được - giờ đây tôi phải dẫm chân lên trên một mảnh đất khô cằn, nắng cháy, một mảnh đất bị xâu xé bởi những cuộc tranh chấp bạo hành qua nhiều thế kỷ. Phải chăng đó chính là tổ quốc của Con Thiên Chúa đồng bản tính với Đức Chúa Cha? Có phải chăng đó đúng là xứ sở của Chúa Giêsu? Bỗng nhiên Chúa Kitô đối với tôi xem ra tầm thường và tôi kết luận rằng tôi còn phải đọc đi đọc lại Phúc Âm rất nhiều.
    Chúa ôi lần nầy con đã tỉnh thức và suy tư những biến cố rất thường ngày của cuộc đời Chúa. Con đã gặp gỡ Chúa và đã say mến Chúa. Con tái thẩm định Chúa ở chỗ Chúa yêu mến thiên nhiên, sông ngòi, hoa đồng cỏ nội, chim trời cá biển, mặt trời chiếu dọi trên người lành cũng như kẻ dữ. Con nhìn thấy Chúa cùng với Đức Mẹ đi ra khỏi nhà để đến phố chợ.

    Và sau nầy, dù gặp dư luận bất lợi, Chúa vẫn tiếp tục hành trình, luôn trung thành với Thánh Ý Đức Chúa Cha. Chúa là Đấng mà đôi khi người ta cho là điên rồ, mê ăn uống, đi đứng với người tội lỗi, cảm thông với những cô gái buôn phấn bán hương, sống xa lề luật, không giữ ngày sabbat.

    Nhưng Chúa đã không để cho mình bị quật ngã bởi những lời đồn đãi. Chắc Chúa cũng mệt mỏi lắm. Chúa đã khóc, đã than vãn, đã cầu cứu, ngay cả bị ma quỉ cám dỗ nữa. Càng lâu, con biết rằng Chúa ở gần chúng con, ở gần con, “tầm thường trong đời thường, như tất cả mọi người”. Con tạ ơn Chúa đã luôn có mặt ở đó!
1965…

Cuộc tiếp xúc với những tôn giáo khác đã một thời bắt buộc tôi tái thẩm định những kiến thức thâu thập được, đồng thời cũng xem xét lại một cách thân cận hơn đối với Kitô giáo và Đấng Sáng Lập chính là Chúa Giêsu thành Nazareth.

Năm 1961, ở Nhật Bản, hầu hết mọi sinh viên của tôi về môn cổ tự học Latinh là Phật tử. Vào năm 1965, ở Butare, nước Rwanda, mhiều sinh viên của tôi theo thuyết vật linh và một số là Hồi giáo. Tôi bắt đầu so sánh, trong tư cách là giáo sư được mời giảng dạy cũng như sử gia về văn hóa, và không phải với tư cách thừa sai hay linh mục Công giáo.

Trong khi đối thoại và quan sát, hình ảnh Chúa Giêsu hiện rõ dần. Càng lúc dưới con mắt tôi, Ngài xuất hiện như một nhân vật thế giới, vượt lên trên mọi biên cương. Sự đa dạng của nhiều tín ngưỡng đã kêu mời tôi định giá tất cả những gì là tình yêu, sự an bình và lòng lân tuất. Và trên tất cả là lòng bác ái!

Sự đối thoại giữa những con tim trở thành quan trọng hơn là sự so sánh có tính cách bác học giữa các nền văn hóa. Tất cả những niềm khát vọng hiệp nhất đó, như sự khao khát về bi, trí, dũng trong Phật giáo, lòng thương xót được thuật lại trong sách Coran, cậu sinh viên trẻ tuổi người Do-Thái ở Đông Kinh, vượt lên trên mọi thành kiến cố hữu, đã làm cho tôi yêu mến người đồng hương Do-Thái của cậu.
    Chúa ôi, chính Chúa đã cầu xin cho họ trở nên một. Con vui mầng đón nhận ngôn từ của Chúa luôn luôn có tính cách toàn bộ, cung cách của Chúa có tính cách đón mời và dạy bảo. Chúa là Đấng nối kết vĩ đại nhất những tâm hồn và những con tim của hết mọi thời đại. Con thấy vương quốc của Chúa càng lâu càng trải rộng qua hết năm châu bốn bể, hết mọi xứ sở và mọi tín ngưỡng.

    Chúa vẫn tiếp tục, vẫn phục sinh qua hết mọi tôn giáo lớn đã có từ bao nhiêu thế kỷ. Chúa là câu trả lời vĩ đại - nếu không muốn nói là duy nhất - đối với bí ẩn của sự chết cho hết mọi người thành tâm thiện chí. Con mong ước tình trạng nầy kéo dài mãi mãi! Con có niềm khát vọng không ngừng nghỉ về đời sống trường sinh bất tử!

    Chúa có mặt ở nơi mà những người mong ước điều tốt đẹp nhất cho chính họ và cho nhiều người khác. Chúa hiện diện ở nơi mà người ta cố gắng yêu thương và “tái yêu thương”. Chúng con sẽ đi về đâu? “Chúa có những lời ban sự sống đời đời” (Gio 6,68). Chúa muốn cho tất cả chúng con biết Chúa Cha, cho tất cả mọi người được cứu rỗi. Và con tin chắc họ sẽ được như thế.

    Trong chừng mực mà họ sống Phúc Am đó cũng như tất cả những giá trị của Phúc Am đó ở bên trong họ mà không nói ra bằng cửa miệng, hoặc không biểu lộ trên phương diện pháp lý, họ đều là con cái của Cha: “Họ từ đông phương và tây phương đến ngồi vào chỗ bàn tiệc.” (Mt 8,11)…”Ngoài ra, những gì là chân thật, cao quý, những gì là chính trực tinh tuyền, những gì là đáng mến, và đem lại danh thơm tiếng tốt, những gì là đức hạnh, đáng khen thì xin anh em hãy để ý tới.” (Phil 4,8), Cũng như họ, những người khác cũng không biết Chúa.
1973-1976

Từ năm 1973 đến 1976, tôi trở lại sống ở Au châu. Do sự an bài của Chúa Quan Phòng, tôi được mời phụ trách giảng dạy những lớp học về tiếng Latinh thời Trung cổ và lịch sử tỉnh bang Québec ở đại học Caen. Đó là xứ Normandie của tổ tiên tôi! Hai mươi lăm phút đi xe lửa là tới Lisieux! Những cuộc hành hương của tôi tới Buissonnets càng lâu càng nhiều. Tôi muốn biết hay nói đúng hơn là khám phá càng nhiều càng tốt tầm mức quan trọng của đời thường trong cuộc sống của vị “thánh nho nhỏ của tôi”. Tôi được thỏa mãn và yên tâm.

Lúc bấy giờ cuộc sống ở môi trường đại học không dễ dàng gì. Nước Pháp bị chia rẽ. Những giáo sư danh tiếng vào thời kỳ đó hầu hết đều thấm nhuần chủ nghĩa mác-xít. Những chọn lựa về cuộc sống của tôi dần dần được cụ thể hóa. Và Thánh Têrêxa có mặt ở đó, gần gũi với tôi hơn. Chị đã hứa và chị đã săn sóc tôi.

Một mình ở trong căn phòng nhỏ, tôi cảm thấy buồn chán. Nếu ham vui chơi với bạn bè thái quá, tôi quên mất Chúa đi. Lúc bấy giờ tôi lên Lisieux. Đan viện Cát-Minh cũng như Buissonnets, lại một lần nữa trở nên những nơi chốn ân phúc cho những suy tư của tôi.

Bởi nhiều lý do của đời sống mục vụ đối với giới trẻ ở đại học Caen, tôi càng khám phá ra rằng Chúa Giêsu - người anh của tôi - đúng là bạn hữu đồng hành với tôi luôn luôn nhẫn nại. Ngài ở bên kia dáng dấp đơn thuần của kiếp sống nhân sinh và Ngài đã không nỡ tắt cái mồi lửa còn bốc cháy. Ngài đã không phân chia tức khắc cỏ lùng khỏi những nhánh lúa tốt.

Ngài luôn quan tâm đến người thợ vào làm vườn nho trong giờ sau hết. Ngài đã không khinh bỉ những cô gái giang hồ hay tất cả những nạn nhân sa đọa về giới tính. Những sứ điệp của Ngài làm tôi say mê. Tôi lắng nghe các nữ tu Cát-Minh ngâm nga thánh vịnh. Tôi luôn luôn muốn tìm hiểu, đồng thời mở rộng nhận thức của tôi về Chúa Giêsu.

Dần dần tỏa rạng ở nơi tôi những bài diễn văn về thần học và tất cả những định nghĩa của các công đồng. Qua nhân loại tính của nhân vật phi thường đó, càng lâu tôi càng nhận ra Đấng đã sai Đức Thánh Linh xuống trên tôi và mạc khải Cha cho tôi. “Ngài là cánh cửa, là con đường đưa tới sự huyền bí” (xem Gio 10,9; 14,6).

Cũng như Thánh Têrêxa, tôi tự nhủ: “Nếu Thiên Chúa là Cha tôi thì tôi là con của Ngài.” Còn gì an tâm hơn nữa! “Chúng ta là con cái Thiên Chúa được hướng dẫn bởi Đức Thánh Linh: chúng ta đã không nhận lấy một thần khí làm cho chúng ta trở nên nô lệ và dẫn tới sự sợ hãi mà là một thần khí đã làm cho chúng ta trở nên những người con nuôi, nhờ đó chúng ta kêu lên: Abba, Cha ôi! Chính thần khí đó làm chứng cho chúng ta là con cái Thiên Chúa.” (Ro 8, 14-16).

1980…

Vào thập niên 1980, trước khi tôi rút lui vĩnh viễn khỏi môi trường sinh hoạt của đại học Montréal, tôi bị thu hút bởi nhân vật Giêsu đứng trên bình diện nhân bản nên tôi đã quyết định mọi liên hệ của tôi với Ngài sẽ mang một hình thức văn chương. Tôi biến Ngài thành người bạn đồng hành khi cầm bút.

Trong sách “Quelque part en Bellechasse”, tôi đã biến ngài thành một người hành khất, một người “ăn xin”, một người lang thang nhưng rộng lượng và lo lắng rao giảng Tin Mừng. Quyển sách đã thành công một phần nào.

Tội nghiệp người bạn lâu năm của tôi là Fernand Dumont (mất năm 1997), đã nhận xét bằng một nụ cười - có lẽ anh đã tiền cảm mình bị bệnh ung thư chăng? - là tôi quên nhắc tới cái chết của Chúa Kitô như một biến cố trọng đại nhất về sự ban tặng sinh mạng của Ngài cho nhân loại. Để bù lại, tôi viết “Marie de Saint-Michel”: Chúa Giêsu tắt thở khi đối diện với Mẹ Ngài.

Ngày nay tôi còn hứng thú viết lên một câu truyện khác, nhưng lần nầy chung quanh Chúa Giêsu thành niên có Mẹ Ngài đi theo và được đánh dấu bởi những quang cảnh thời thơ ấu của Ngài và dĩ nhiên đó cũng là cảnh trí của chính thời thơ ấu của tôi!
    Chúa ôi! Cùng một lượt, con bái chào Chúa ở nơi hết mọi thanh niên thế giới vì rồi đây họ sẽ tiếp nối sự nghiệp của chúng con. Con thấy Chúa ở Nazareth, trên mọi nẻo đường xứ Galilée và Judée: Chúa đến rồi đi, Chúa trở về thăm Mẹ Chúa rồi ra đi. Luôn luôn nhân danh một Lời hằng sống đã đeo đẳng Chúa, một ngọn lửa mà Chúa đã đến để “thắp sáng mặt đất” (xem Luc 12, 49). Chúa cảm thấy mình trách nhiệm trực tiếp. Cũng như Mẹ Chúa, Đức Maria: “Xin cứ làm cho tôi như lời sứ thần truyền” (Luc 1, 38). “Hãy làm những gì mà Ngài bảo các anh” (Gio 2,5).
Ở giữa mọi người nữ

Từ ngày 8 tháng 12 năm 1930 là ngày mà tôi dâng mình cho Đức Mẹ theo những nghi lễ thực hành ở trường cao đẳng Sainte-Anne-de-la-Pocatière. Tôi có thể nói được là Mẹ Maria đã hoàn toàn trở nên mẹ của tôi ở chốn trời cao, cũng như Ngài là Mẹ Chúa Giêsu. Ngày nay Mẹ được vinh danh cả xác lẫn hồn lên trời, Mẹ được chúc phúc ở giữa tất cả những người nữ. Mẹ là nguồn cảm hứng của tôi, Mẹ đã giúp đỡ tôi tận tình.

Có lẽ vì gắn bó với Đức Mẹ, tôi cũng cảm thấy gắn bó với mẹ tôi và qua đó là với hết mọi phụ nữ, như một nhà phân tâm học nổi tiếng đã nói như thế! Điều đó luôn luôn có thể được. Tại sao không? Tại sao phải xảy ra khác hơn? “Đừng phân rẽ điều gì Thiên Chúa đã kết hợp”: phân rẽ người đàn ông khỏi người đàn bà, người chồng khỏi người vợ, trẻ con khỏi mẹ mình, Benoit khỏi Mẹ Maria.

Tôi đã không nhận ra điều đó từ nhiều năm qua. Nhưng nhờ vào tất cả những hình ảnh, những dụ ngôn và ký hiệu mà Chúa Giêsu đã dùng đối với Mẹ Ngài, tôi cảm thấy được hứng khởi. Nắm men trong đấu bột, hạt thóc gieo vào lòng đất, lọ muối ở trên bàn ăn, ngọn đèn để trên bục gỗ: tại sao, khi nói như thế, không nên nghĩ tới cuộc sống ở Nazareth? Tại sao không quan tâm tới Mẹ Maria khi để ý đến Chúa Giêsu?

Chúa Giêsu đã gặp gỡ và thăm viếng nhiều phụ nữ, cho đến đỗi nhiều Thánh sử Phúc Am phải ngạc nhiên. Nhiều phụ nữ đó không phải là những thiên thần hay tất cả họ không giống như Mẹ Maria, Marthe và bà Maria kia.

Tuy nhiên, Ngài đã không nói với người phụ nữ xứ Samaritanie là chị hay thay lòng đổi dạ, là người đàn bà nhẹ dạ trắc nết, không tôn trọng những gì đã cam kết, hoặc chị mang dấu ấn của những định kiến về tôn giáo ở trong môi trường của chị. Ngài chỉ nói một cách đơn giản: “Chị hãy cho tôi uống nước.”

Chỉ cần một ít nước và Ngài đã bắt đầu trò chuyện với chị. Ngài đã không nói với cô gái giang hồ đó là một người lang bạt kỳ hồ, tọi lỗi và ô danh. Ngài đã kết luận là chị ta có nhiều may mắn vào nước Thiên Chúa hơn nhiều người bám víu vào của cải vật chất, vào kiến thức học được, vào danh thơm tiếng tốt, nghĩa là vào đức hạnh của họ.

Đối với Marie-Madeleine, Ngài đã không nói chị ta là người đàn bà ngoại tình say đắm trong tội lỗi của mình. Hoàn toàn không! “Tôi không kết án chị. Chị đừng phạm tôi nữa.” Nghĩa là chị phải cố gắng vươn lên.

Một phụ nữ khác đến đụng vạt áo của Ngài. Chị ta thật quấy rầy, không chút tế nhị nào. Ngài đã tìm thấy nơi chị ta một con người siêu phàm. Người ta nên bắt chước cử chỉ của chị.

Còn bà già kia đã bỏ vài đồng xu vào thùng dâng cúng Đền Thờ, sự dâng cúng vô nghĩa của bà đó có phải vô ích không? Không phải đâu! Bà đã dâng cúng nhiều hơn những người giàu có, những người xem ra thích hợp hơn đối với công việc của Đền Thờ.

Theo chân Chúa Giêsu mà tôi không tiên liệu lúc khởi đầu, do mọi hoàn cảnh đưa đẩy, nên từ năm 1945 một phần lớn đời sống linh mục của tôi đã liên hệ với giới phụ nữ. Làm thế nào để chu toàn mục vụ như thế bên cạnh những nữ sinh viên - thường khi rất trẻ và vài người trong họ xinh đẹp tuyệt vời, thông minh, có nhiều năng khiếu - và về sau nầy, đối với những phụ nữ với mọi trình độ tuổi tác mà tôi phải vượt lên trên tất cả…để giữ vững những lời đoan hứa sống đời thánh hiến trong bậc độc thân?

Dĩ nhiên, con đường rất dài ở giữa lý tưởng và thực tế, ở giữa hành trình và những bước đi. “Ai trong các ông không phạm tội hãy ném đá trước đi” (Gio 8,7). Cho đến ngày hôm nay, với Chúa Kitô - anh tôi - cùng với nữ giới và qua họ, tôi học được tặng phẩm lớn lao nhất: đó là sự tự do.

Sự tự do yêu thương. Yêu thương mà không làm sở hữu chủ, yêu thương mà không chiếm đoạt, yêu thương mà không giữ lấy cho mình. “Các con đã nhận lãnh một cách nhưng không, các con hãy ban tặng một cách nhưng không. Không có tình yêu lớn hơn cho bằng ban tặng sự sống mình cho những người mình yêu…” và cũng như thế “không có hạnh phúc nào cho bằng trao ban hơn là nhận lãnh” (Mat 18,8; Gio 15,13; CV 20,35). Thật khó khăn, nhưng có thể làm được. Phải học hỏi mãi!

(CÒN TIẾP)