ĐỜI THƯỜNG - CHỨNG NHÂN GIỮA GIÒNG ĐỜI -

II.- LINH MỤC BENOIT LACROIX
    Cha Benoit Lacroix sinh năm 1915 ở thành phố St-Michel-de-Bellechasse. Cha đã theo học những đại học danh tiếng ở Ottawa, Toronto, Paris và Havard. Ngoài ra, để trở thành linh mục Đa-Minh, cha còn theo đuổi ngành Trung Cổ học. Là thần học gia và sử gia, cha đã dạy học tại nhiều đại học như Montréal, Laval (Québec), Đông Kinh (Nhật Bản), Butare (Rwanda), Caen (Pháp).

    Cha cũng là một nghiên cứu gia và một văn sĩ đã cho ra đời nhiều tác phẩm. Cha còn là tác giả của hơn mười lăm bản chuyên khảo, bán chạy nhất là “La foi de ma mère, Bellarmin, 1999” (Đức tin của mẹ tôi) và “Alzheimer et spiritualité, Fides, 2000” (Alzheimer và đời sống tâm linh) và nhiều bài nghiên cứu về sự tương quan giữa dân chúng tỉnh bang Québec với tổ tiên thời Trung Cổ.

    Cha Lacroix là thành viên Hàn Lâm Viện khoa học luân lý và chính trị của tỉnh bang Québec Canada. Cha được trao tặng huân chương của quốc gia Canada, của tỉnh bang Québec, được lãnh giải thưởng Léon-Guérin, được cấp bằng tiến sĩ danh dự của Đại Học Sherbrooke. Cha thường xuất hiện trên vô tuyến truyền hình để điều khiển chương trình trong những dịp lễ tôn giáo.
NHỮNG CUỘC HỘI NGỘ CỦA TÔI VỚI CHÚA KITÔ

Trong sự tranh tối tranh sáng, những cuộc hội ngộ của tôi với Chúa Kitô nhiều khi thành công, nhiều khi thất bại. Trải qua hành trình đó, xen vào giữa chuỗi luận lý là một vài trực giác về đời sống thánh hiến và sự hâm mộ lễ nhạc. Cứ trung thành đeo đẳng mãi, những lời kêu mời đó vừa làm cho tôi ngạc nhiên vừa khích lệ tôi.

1915-1927

Trong chừng mực mà tôi còn nhớ, cuộc hội ngộ đầu tiên có tính cách cá nhân của tôi với Chúa Kitô đã xảy ra vào dịp lễ Giáng Sinh ở nhà thờ Saint-Michel-de-Bellechasse. Sau Thánh lễ nửa đêm, mọi người lên chào Chúa Giêsu Hài Đồng ở trong máng cỏ. Vừa tới nơi và vì sự thinh lặng tuyệt đối ở trong nhà thờ vào thời buổi đó, mẹ tôi dặn dò: “Joachim ơi, đừng thốt ra lời nào, Chúa Giêsu đang ngủ!” Lúc bấy giờ tôi được năm tuổi. Và tôi đã để cho Chúa Giêsu ngủ yên…cho tới khi tôi được mười một tuổi.

Ở trường học, ở nhà thờ, ở gia đình, tôi đều nghe nói Chúa Giêsu đã chết, “chết vì tội lỗi chúng ta”. Ngài chết trên cây thánh giá. Những cây thánh giá treo nhan nhản khắp nơi: ở nhà thờ, ở nghĩa địa, ở trong nhà, ở kho lẫm, ở ngã ba đường. Do đó, tôi được đặt tên là Lacroix (Thánh Giá)!

Dĩ nhiên không chút ác ý, tôi đã đối xử với Chúa Giêsu như người anh thinh lặng, vô hình và xa xôi vời vợi, “ẩn mình trong nhà tạm.” Khi tham dự thánh lễ, lúc đọc lời truyền phép, linh mục nâng Mình Thánh Chúa lên, chúng tôi cúi đầu nên chẳng thấy gì.

1927-1936

Khi ở nội trú trong trường trung học Sainte-Anne-de-la-Pocatière, tôi nghe nói Chúa Giêsu là một trẻ nhỏ vâng lời và hoàn toàn tuân phục cha mẹ. “Các em cũng phải làm như vậy và các em sẽ tiến xa hơn”, tôi được dạy bảo như thế. Tôi được mười lăm tuổi khi các linh mục đề cập với tôi một cách kín đáo về vấn đề ơn gọi. Tôi sẽ ra sao sau nầy đây?

Vào thời kỳ đó, điều mong ước lớn nhất của những thanh thiếu niên như tôi là ơn gọi làm linh mục. Tất cả các giáo sư của tôi đều là linh mục và có phẩm chất cao về mặt luân lý lẫn trí thức. Một câu nói trong Phúc Am thường được trích dẫn bởi các vị thuyết giảng nhân dịp tĩnh tâm để tìm hiểu ơn thiên triệu đã đánh động vào trí óc non nớt của tôi: “Chúa Giêsu đã phán với họ: Hãy theo Thầy! Và lập tức, họ đã theo Ngài.” Lập tức, xem ra hơi sớm đối với một đứa trẻ say mê thể thao và thích vui đùa với bạn bè như tôi.

Ngày 26 tháng bảy năm 1935, tôi đã giã từ mái ấm gia đình, cô bạn gái nho nhỏ ở góc đường và “lập tức”, trên con tàu độc hành, tôi đã đi vào nhà tập các cha dòng Đa-Minh, ở trên đường Girouard Ouest, ở Saint-Hyacinthe.
    Chúa Giêsu ôi! Con thấy Chúa đòi hỏi quá nhiều, cùng lúc con cũng cảm thấy quá “xa lạ” để tự giải thích cử chỉ mà con vừa mới thực hiện vì danh Thánh Chúa. Nói đúng ra, Chúa ơi, trong suốt thời gian đó, Chúa đã từ từ xích lại gần con mà thật ra con không hề hay biết.
1937-1940

Tại đại học của các linh mục Đa-Minh ở Ottawa, triết lý và thần học là hai môn nổi bật. Những giáo sư với kiến thức cao rộng đã dạy dỗ tôi và dẫn giải với một nghệ thuật điêu luyện những “chân lý đầu tiên” mà Quyển Giáo Lý bỏ túi của tổng giáo phận Québec đã ghi rành rành. Vì vậy tôi không có gì thắc mắc! Với những trích dẫn giáo lý và những quyết định của các công đồng - dĩ nhiên bằng tiếng La-Tinh - dần dần tôi được hội nhập điều mà tôi phải tin...và hiểu biết để trở thành một tu huynh thuyết giảng theo đúng nghĩa:
    Chúa Giêsu Kitô, sinh bởi Đức Maria Đồng Trinh, là con tự nhiên của Thiên Chúa và là ngôi thứ hai trong Ba Ngôi Thiên Chúa, theo đúng nghĩa đích thật của phần rỗi…Chúa Kitô là một trong Ba Ngôi Thiên Chúa với hai bản tính… Hai bản tính đó vẫn tồn tại sau khi Ngôi Hai Nhập Thể mà không pha trộn cũng như không biến đổi…

    Trong Chúa Kitô có hai ý chí và hai cách hành động tự nhiên, không san sẻ và cũng không pha trộn…Đức Kitô phải được tôn thờ ngay cả trong bản tính con người, vì sự kết hợp với Ngôi Lời (Logos)…Chúa Kitô, vừa là người, vừa là Thiên Chúa, là vua theo nghĩa cao quí nhất…Mẹ Maria thụ thai và sinh con mà không bị thương tổn đến sự trinh tiết và Mẹ cũng vẫn còn trinh tiết sau khi sinh con.
Chao ôi! Hãy xem một thiếu niên thuộc thế hệ thứ ba ở thành phố Saint-Michel, ít làm quen với những suy tư theo nhịp độ tiệm tăng như thế nên không hiểu ất giáp gì cả. Làm sao truyền đạt cho một thanh thiếu niên với những từ ngữ to lớn như thế, những từ ngữ hoàn toàn xa lạ trong cuộc sống hằng ngày?

Tôi có nhiều thiện chí. Tôi ra sức học tập và cầu nguyên. Tôi tìm kiếm một con đường, một hướng đi, để sống trọn vẹn ơn gọi cho đời thánh hiến. “Tự đặt mình trước mặt Thiên Chúa”. Đó là công thức tôi thường được nghe nói ở trường cao đẳng La Pocatière. Từ đó, tôi cương quyết thực hành việc sống trước mặt Chúa và tiếp xúc thường xuyên với Thiên Chúa Sáng Tạo - làm chủ không gian và thời gian. Điều đó xem ra tương đối dễ dàng hơn.

Những kỷ niệm còn nóng bỏng của thời thơ ấu ở trên vùng đất cạnh bìa rừng, những hình ảnh khó quên đối với phong cảnh huy hoàng của vùng Côte-du-Sud, con đường dọc theo bờ sông, hòn đảo Orléans, miền rừng xinh đẹp Laurentides, hình dáng ngọn núi Sainte-Anne…tất cả đã mời gọi tôi cảm tạ Thiên Chúa, ca tụng Ngài và khẩn cầu Ngài từ đó:
    “Ngài là Thiên Chúa của con, con ca tụng Ngài từ lúc rạng đông…Và khi con nhìn thấy những tầng trời, công trình sáng tạo của bàn tay Ngài, mặt trăng và các tinh tú mà Ngài đã tạo dựng…chim trời, cá biển…Thánh Danh của Ngài thật cao cả khắp mặt địa cầu” (Thánh Vịnh số 8).
Trong khi ở Ottawa tôi ngâm nga những Thánh Vịnh tuyệt vời ca tụng những kỳ quan của vũ trụ thì “Kinh Tin Kính của người nông dân” mà cha tôi thường hát lên - và hát hay biết mấy - đã trở về lại trong ký ức tôi:
    Thật là bao la! Những tầng trời, núi đồi và đồng bằng,

    Mặt trời chiếu tỏa sức nóng,

    Các cây thông xanh biếc mọc đầy núi đồi

    Là công trình của Ngài, ôi Thiên Chúa Sáng Tạo (…)

    Con tin vào sự cao cả của Ngài, con tin vào lòng nhân ái của Ngài.
Những buổi hát kinh của các tu sĩ Đa-Minh - được điều khiển tuyệt vời - và sự trang trọng của những bài Thánh ca grégorien bằng tiếng Latinh đã mau mắn hỗ trợ tôi về mặt phụng vụ để tôi được dễ dàng đặt mình trước mặt Thiên Chúa. Cùng lúc hài lòng về bổn phận đã làm trọn, tôi cảm thấy chắc chắn là tôi sẽ trung thành với ơn gọi của mình. Ngày 4 tháng tám năm 1940, với ý muốn luôn được hiện diện trước mặt Thiên Chúa, tôi đã hứa vâng lời Ngài…cho đến chết.

Cùng lúc, tôi đắm mình trong việc đọc những sách của Dom Marmion (+1993) như quyển “Le Christ, idéal du moine, 1922” (Chúa Kitô, lý tưởng của đan sĩ) và “Le Christ, la vie de l’âme, 1936” (Chúa Kitô, đời sống của linh hồn) đã làm tôi say mê. Đứng trên phương diện lý thuyết, tôi muốn nói:
    “Chúa là ai mà con không ngừng được lôi kéo về Ngài! Chỉ mình Chúa mới có thể trả lời cho con thỏa đáng. Con cảm thấy còn vụng về để viết lên điều đó ngày hôm nay đây, nhưng con tin chắc vào thời kỳ đó và kéo dài một thời gian lâu hơn nữa, Chúa luôn theo sát con mà con không nhận ra Ngài.”
1940-1950

Ở trường đại học Ottawa, tôi chuẩn bị kỳ thi cuối cùng về Kitô học. Như một sự tình cờ, tôi bắt gặp quyển sách nhan đề “Introduction à la sainteté” (Nhập môn về đời thánh hiến). Đó chỉ là một quyển sách nhập môn mà thôi sao? Tôi chắc chắn còn hơn như thế nhiều. Vả lại, đối với tôi, quyển sách đó ít nữa cũng đáng tin cậy vì được viết bởi một linh mục Đa-Minh ở Paris. Sách đó được phụ chú như sau khiến tôi e sợ: Cuộc phục hồi đời sống tâm linh. Cuộc sống khắc kỷ. Cuộc sống hoạt động. Cuộc sống kết hợp. Tác giả đã cảnh cáo trước như vậy.

Khi đọc “Introduction à la sainteté” của cha Henri Petitot, tôi nhận thấy cha đã lấy nguồn cảm hứng từ chị Thánh Têrêxa Hài Đồng Giêsu mà tôi có nghe nói sơ qua. Têrêxa Martin - tên gọi của chị khi còn con gái - được ra đời năm 1873. Chị vào tu dòng Cát-Minh năm 1888, lúc mới mười lăm tuổi. Chị qua đời lúc hai mươi bốn tuổi, cùng trạc tuổi với tôi lúc bấy giờ! Hơn nữa chị sống cùng thời với cha mẹ tôi vì cả hai đều được sinh ra vào đầu thập niên 1880.

Thích thú hơn nữa, tôi khám phá ra rằng chính cha Henri Petitot đã xuất bản vào năm 1925 - năm chị Têrêxa được phong thánh - quyển sách “Sainte Thérèse de l’Enfant-Jésus: une renaissance sprituelle” (Thánh Têrêxa Hài Đồng Giêsu: một sự phục hưng tâm linh). Quyển sách đó có thể tìm thấy ở Studendat tại Ottawa, khi được tái bản với tựa đề “Vie intégrale de sainte Thérèse de Lisieux” (Toàn bộ cuộc sống của Thánh Têrêxa thành Lisieux).

Quyển sách đó đã gây nên một sự xúc động nội tâm rất khó thẩm định đối với tôi, cho dẫu tới ngày hôm nay. Têrêxa Hài Đồng Giêsu trở thành người chị thiêng liêng của tôi, người tâm sự thầm kín của linh hồn tôi, người mà tôi tìm đến trong những lúc gặp khó khăn.

Tôi yêu mến chị, người đã yêu mến Chúa Giêsu cách nồng nàn và đã nói chuyện với Chúa Kitô một cách riêng tư, kêu tên Ngài khi cần, ưu tư với Ngài và khi chết đã thầm thĩ hai chữ quan trọng nhất của hết mọi nền văn hóa, đó là “tình yêu”! Tôi yêu chị cũng vì chị yêu thiên nhiên, hoa lá, biển cả. Chị mến chuộng Chúa Kitô trên tất cả.

Linh đạo của chị xem ra thích hợp với tôi hơn, theo ý nghĩa là thiếu nữ đó dần dần đã đặt niềm tín thác trọn vẹn vào lượng từ bi của Chúa. Tôi đọc đi đọc lại nhiều lần “L’Histoire d’une âme” (Truyện một tâm hồn). Thật lợi ích khi nói về Chúa Kitô, nhận biết ra Ngài và làm cho Ngài trở nên người bạn đồng hành, nhưng cũng không rơi vào những ảo tưởng mà quên đi những người mình phải yêu mến hết con tim, hết tâm hồn, hết sức lực.

Trong thế chiến thứ hai, vào năm 1941, tôi rời Studendat của các cha Đa-Minh ở Ottawa để đi Toronto theo đuổi ngành học chuyên môn. Tôi xa rời quỉ đạo của môn thần học để đi vào ngành học của thời Trung Cổ Latinh. Điều nầy cho phép tôi quan sát đức tin bình dân thời Trung Cổ và đồng thời so sánh với đức tin ngày nay.

Vào những năm 1944-1945, tôi đã xuất bản thầm lén dưới bút hiệu Michel de La Durantaye tác phẩm “Sainte Thérèse de Lisieux et l’histoire de son âme” (Thánh Têrêxa thành Lisieux và truyện tâm hồn ngài). Đó là quyển sách đầu tay của tôi nhưng không thành công mấy.

(CÒN TIẾP)