Tạp chí Christian Bioethics, tập 21 số 3, phát hành tháng Mười Hai năm 2015 có dành một số đề tài nói về Đức Phanxicô, trong đó có bài tìm hiểu vai trò của ngài đối với nền đạo đức sinh học Công Giáo, tác giả là Ana S. Iltis, thuộc Đại Học Wake Forest, Winston-Salem, North Carolina, Hoa Kỳ.

Một vị giáo hoàng rất khác

Theo Ana, khi Đức Hồng Y Jorge Mario Bergoglio được bầu làm giáo hoàng, cả thế giới chăm chú theo dõi. Ngài kế nhiệm Đức Bênêđíctô XVI, từ nhiệm vì lý do sức khoẻ, một vị giáo hoàng được nhiều người coi là bảo thủ. Thực vậy, dưới thời Đức Bênêđíctô XVI, nhiều người được bổ nhiệm vào các chức vụ quan trọng của Tòa Thánh là nhằm duy trì và phục hồi các giá trị, niềm tin và thực hành truyền thống. Như Đức Hồng Y Raymond Burke chẳng hạn, được cử đứng đầu tòa án tối cao của Tòa Thánh, một người từng lớn tiếng chỉ trích Đại Học Notre Dame đã trao tặng Barack Obama bằng tiến sĩ danh dự, dù ông này hết lòng ủng hộ phá thai và hôn nhân đồng tính, ngược với tín lý Công Giáo. Vị Hồng Y này cũng là người lên tiếng cho rằng Thượng Nghị Sỹ John Kerry không nên được rước lễ vì chủ trương phò phá thai của ông ta.

Ana tự hỏi chiều hướng trên liệu còn được tiếp tục hay không, hay Đức Phanxicô sẽ thay đổi nó, và thay đổi ra sao? Dù sao, thế giới cũng đã được giới thiệu một vị giáo hoàng rất khác. Ngài là một tu sĩ Dòng Tên, xuất thân từ Châu Mỹ La Tinh. Người ta lưu ý việc ngài đích thân đi trả tiền phòng và thu lượm hành lý sau khi đã được bầu làm giáo hoàng. Sau đó, ngài từ khước giáo hoàng xa bịt bùng và quyết định sống tại một căn hộ chung cư của Vatican, thay vì tại Tông Điện.
Nhất là ngài đã để người ta phỏng vấn và ăn nói một cách mà thế giới chưa từng thấy vị giáo hoàng nào trước đây nói như vậy. Thí dụ để các nhà báo phỏng vấn thỏa thích trên các chuyến bay, cử hành Thánh Lễ tại một bãi biển Ba Tây, và ăn trưa với các nhân viên Tòa Thánh tại một quán ăn.

Ana tự hỏi: tất cả những điều trên có phải là dấu mốc cho thấy một thay đổi thuộc bản chất hay không và sự thay đổi này có ảnh hưởng chi tới nền đạo đức sinh học Công Giáo?

Theo Ana, một số lời tuyên bố của Đức Phanxicô ngầm cho thấy một sự sẵn lòng muốn ủng hộ các ý niệm tương đối về tốt xấu và thôi không nhấn mạnh tới các giáo huấn luân lý truyền thống liên quan tới các vấn đề xã hội và y khoa. Tuy nhiên, không ai biết chắc chủ trương của Đức Phanxicô ra sao đối với các vấn đề quan trọng của đạo đức sinh học và chủ trương này tác động ra sao đối với Đạo Công Giáo.

Dù thế, cũng đã có một số dấu chỉ khiến người ta hy vọng sẽ có một vài thay đổi nào đó dù không hẳn là thay đổi về giáo huấn tín lý. Thí dụ, năm 2013, trong cuộc phỏng vấn của Eugenio Scalfari, chủ nhiệm tờ La Republica, Đức Giáo Hoàng Phanxicô nói rằng “mọi người đều có ý niệm riêng của mình về tốt xấu” và mọi người nên “theo điều tốt và tránh điều xấu theo như mình quan niệm”.

Ngài nói thêm với Ông Scalfari: “Cái xấu trầm trọng nhất hiện đang tác hại lên thế giới là nạn thất nghiệp của người trẻ và sự cô đơn của người già. Người già cần được chăm sóc và tình bè bạn; người trẻ cần việc làm và hy vọng nhưng cả hai đều không có những thứ ấy, và vấn đề là họ không còn tìm kiếm những thứ ấy nữa. Họ bị hiện tại vùi giập. Ông cho tôi hay đi: liệu ông có thể sống mà bị vùi giập dưới sức nặng của hiện tại không? Không có ký ức về quá khứ và không có ước muốn nhìn về tương lai bằng cách xây dựng một điều gì đó, một tương lai, một gia đình? Liệu ông có thể cứ mãi như thế hay không? Với tôi, điều này là vấn nạn khẩn cấp nhất mà Giáo Hội đang phải đối diện”.

Đối với Ana, quan điểm cho rằng các cá nhân phải dựa vào cảm thức tốt xấu riêng của họ và quan điểm cho rằng sự xấu lớn nhất thời ta là thiếu việc làm cho người trẻ và sự cô đơn của người già, hơn là việc liên tiếp hủy hoại mạng sống con người bằng phá thai, rõ ràng cho thấy một loại thay đổi nào đó đối với nền đạo đức sinh học Công Giáo.

Về việc thay đổi không nói tới các cam kết luân lý Công Giáo truyền thống, cũng trong năm 2013, ngài nói với Cha Antonio Sparado, Dòng Tên, như sau: “Ta không thể chỉ nhấn mạnh tới các vấn đề liên quan tới phá thai, hôn nhân đồng tính và việc sử dụng các phương pháp ngừa thai. Điều này không thể được. Tôi đã nói nhiều tới các điều này rồi, và tôi bị chỉ trích vì vậy. Nhưng khi ta nói tới những điều này, ta phải nói tới chúng trong ngữ cảnh.Về vấn đề này, giáo huấn của Giáo Hội rất rõ ràng và tôi là một người con của Giáo Hội, nhưng không cần phải nói tới các vấn đề này mọi lúc. Các giáo huấn tín lý và luân lý của Giáo Hội không tương đương như nhau. Thừa tác mục vụ của Giáo Hội không thể bị ám ảnh với việc chuyển giao một số tín điều rời rạc cần được áp đặt một cách khư khư”.

Ngài nói thêm rằng ta phải tập chú vào “những điều cốt yếu, những điều cần thiết” và Giáo Hội phải “tìm ra một quân bằng mới, nếu không cả tòa nhà luân lý của Giáo Hội chắc chắn sẽ sụp đổ như căn nhà làm bằng những quân bài, mất hết vẻ tươi mát và hương thơm của Tin Mừng”.

Các gợi ý của Đức Phanxicô khi cho rằng các giáo huấn của Giáo Hội Công Giáo về phá thai, ngừa thai, và hôn nhân đồng tính là các giáo huấn “rời rạc” (disjointed) làm những người Công Giáo vốn coi trọng các giáo huấn này như đã được đặt cơ sở vững chãi và rõ ràng trên nền thần học luân lý Công Giáo và trên sự hiểu biết về nhân vị và sự thiện phải ngạc nhiên. Gợi ý cho rằng các giáo huấn này không cốt yếu cũng làm họ ngạc nhiên không kém. Mặt khác, dù Đức Giáo Hoàng cho rằng “ta không thể chỉ nhấn mạnh tới các vấn đề liên quan tới…”, nhưng một số người Công Giáo còn sợ rằng ngài ít khi bàn đến chúng là đàng khác.

Thực ra, Đức Phanxicô có đề cập tới hậu quả kinh hãi của việc phá thai. Thí dụ, trong một bài diễn văn với thế giới vào năm 2014, ngài nhận định rằng “thật là hãi hùng chỉ cần nghĩ tới việc có những trẻ em, nạn nhân của phá thai, chưa bao giờ được thấy ánh sáng mặt trời”. Nếu đúng thế, thì khó mà thấy tại sao người ta không lên án nó một cách rõ ràng và thường xuyên và tại sao lại thôi không nhấn mạnh tới việc thảo luận về nó, vì chỉ cần hạ thấp giọng cũng đủ không giúp người khác nhận thức được giáo huấn về phá thai rồi. Bởi thế, có nhiều lối giải thích về sự im lặng của Đức Phanxicô về các vấn đề này.

Ana cho rằng dù Giáo Hội Công Giáo chưa thấy có sự thay đổi tín lý chính thức nào về các vấn đề nêu trên, nhưng có nhiều dấu chỉ cho thấy có một số giáo huấn về các vấn đề thuộc đạo đức sinh học ít được ai chú ý và bị coi là không quan trọng và gần như không còn thích hợp hoặc đáng tôn trọng nữa. Như John Gallagher đã nhận định, “sự thay đổi đánh dấu một chuyển tiếp từ điều bị cấm đoán qua điều có thể cho phép liên quan đến các vấn đề đạo đức học thường được đánh dấu bằng sự im lặng nhiều hơn là sự công bố”.

Và sự thay đổi về giọng điệu cũng có thể có những hậu quả đáng kể. Thực vậy, một số người thấy các tuyên bố và thái độ của Đức Phanxicô đầy hứa hẹn. Họ muốn Giáo Hội Công Giáo thay đổi. Họ muốn thấy Giáo Hội thừa nhận các giải thích cạnh tranh nhau về sự thiện, một điều nhiều người nghĩ được Đức Giáo Hoàng ủng hộ, căn cứ vào các lời tuyên bố của ngài về tốt xấu. Đối với những ai muốn có sự thay đổi về bản chất, điều họ thấy và nghe được nơi Đức Phanxicô là sự mở cửa đầu tiên để đối thoại. Chưa có một vị giáo hoàng nào gần đây đã để cửa mở như thế, công khai từ khước việc vẽ những đường ranh rõ nét và đưa ra các phán đoán không nao núng chống lại các thực hành bị coi là lỗi thời. Ít nhất, họ cũng thấy nơi Đức Phanxicô một người không nhấn mạnh tới việc nói đến những quan điểm và thực hành mà họ tin là được phép. Các nhận định ngài nói với Đức Hồng Y Timothy Dolan (New York), như chính Đức Hồng Y thuật lại, đã tăng cường quan điểm cho rằng Đức Giáo Hoàng Phanxicô có thể cởi mở đối với hôn nhân đồng tính. Đức Hồng Y cho biết Đức Phanxicô nói với ngài rằng “thay vì nhanh chóng kết án họ, ta hãy tự hỏi tại sao nó lại lôi cuốn một số người”. Ngài cũng từng nói rằng “nếu một ai đó đồng tính nhưng biết tìm kiếm Thiên Chúa và có thiện chí, thì tôi là ai mà dám phê phán?” Lẽ dĩ nhiên, ngài không nói các hành vi đồng tính và các cuộc kết hợp đồng tính là những điều được phép về phương diện luân lý, và thông điệp đầu tiên của ngài, tựa là Ánh Sáng Đức Tin, một thông điệp phần lớn đã được soạn thảo bởi vị tiền nhiệm của ngài là Đức Bênêđíctô XVI, khẳng định hôn nhân là giữa một người đàn ông và một người đàn bà.

Tuy nhiên, thay vì đặc điểm hóa các nhận định của mình như là để nhấn mạnh giáo huấn của Giáo Hội Công Giáo về đồng tính, ngài đã để ngỏ khả thể này: hoạt động đồng tính không phải là một “vấn đề lớn”. Ana cho rằng: đôi khi, điều không nói ít nhất cũng quan trọng như điều được nói ra, và khi không nói đến sự quan trọng của giáo huấn Giáo Hội về một vấn đề nào đó, người ta có thể cho rằng ngài đã đẩy nó qua một bên. Một số người coi việc này như một nguồn hy vọng lớn lao sẽ có thay đổi quan trọng.

Thay đổi giọng điệu và cách xử sự...

Nhiều người khác tỏ ra lo ngại. Họ cho rằng các giáo huấn luân lý truyền thống có thể bị bãi bỏ không hẳn bằng việc chính thức thu hồi mà bằng cách lãng quên chúng. Ấy thế nhưng, nhiều người khác lại không thấy Đức Phanxicô khởi xướng bất cứ sự cởi mở nào đối với việc thay đổi giáo huấn hoặc thực hành của Giáo Hội Công Giáo. Thay vào đó, họ chỉ thấy sự thay đổi trong nhấn mạnh và xử sự mà thôi. Giáo Hội Công Giáo vốn nói rõ ràng và mạnh mẽ về các vấn đề liên quan tới phá thai, an tử, ngừa thai, và đồng tính luyến ái. Không có điều gì thay đổi ở đây, có thể nói như thế, nhưng Đức Phanxicô muốn người ta chú ý tới các vấn đề luân lý và xã hội đã bị lãng quên. Theo cách nhìn này, không nên coi Đức Phanxicô là người gợi ý muốn thay đổi về tín lý hay giáo huấn, nhưng đúng hơn, ngài muốn mở rộng phạm vi các vấn đề năng được thảo luận và đề cập tới trong chính sách.

Nếu, trên thực tế, điều ở trước mắt chỉ là chuyện thay đổi nhấn mạnh, thì ta sẽ phải làm gì đối với chủ trương cho rằng nên nói ít hơn về những điều mà theo giáo huấn luân lý Công Giáo vốn là tội nặng? Nhất là đứng trước một nền văn hóa chỉ đưa ra các sứ điệp tích cực về phá thai, ngừa thai và an tử, và là một nền văn hóa vốn coi hôn nhân đồng tính là một quyền lợi và là một trong những cách khác nhau con người dùng để biểu lộ tình yêu của họ cho nhau, thì phải chăng đây thực sự là trường hợp Giáo Hội Công Giáo nên nói ít hơn? Há không cần một đáp ứng rõ ràng và nhất quán đối với nền văn hóa thế tục đó sao? Im lặng hay gần như im lặng trước việc người ta công khai hỗ trợ điều bị Giáo Hội Công Giáo coi là tác phong tội lỗi rất có thể bị coi như là đồng lòng với nền văn hóa thế tục hiện hành. Lời nhắn nhe có thể được hiểu như thế này: có thể những điều này không xấu đến thế; chắc chắn không cần nói đến chúng. Nếu đúng thế, thì sứ điệp thế tục đã thắng cuộc rồi. Do đó, việc quyết định không mạnh mẽ lên tiếng chống lại các thực hành này có thể bị coi là âm thầm bỏ cuộc chiến đấu. Một hậu quả như thế rất có thể có những hệ luận quan trọng đối với nền đạo đức sinh học Công Giáo. Thí dụ, các bệnh viện Công Giáo có thể thấy mình ít được Giáo Hội hỗ trợ khi họ tìm cách tuân giữ Các Chỉ Thị về Đạo Đức và Tôn Giáo cho Các Dịch Vụ Chăm Sóc Sức Khỏe Công Giáo (Ethical and Religious Directives for Catholic Health Care Services) năm 2009 của Hội Đồng Giám Mục Hoa Kỳ. Trên thực tế, dù Đức Giáo Hoàng Phanxicô muốn nói rõ ràng rằng các thực hành mà Giáo Hội Công Giáo cho là có tội nặng như phá thai, an tử, kết hợp đồng tính, và ngừa thai nhân tạo, đều là những điều sai lầm, thì cố gắng của ngài xem ra cũng sẽ không thành công. Dù sao, nhiều người cũng vẫn bị hoang mang bối rối trước cảnh người thì hân hoan khi thấy mình được Đức Giáo Hoàng hỗ trợ quan điểm thay đổi, người khác buồn rầu lo sợ vì mong mỏi sẽ không có thay đổi nào cả.

Tình huống trên hẳn khiến người ta đặt câu hỏi: nhà lãnh đạo phải làm gì trước cảnh hoang mang bối rối như trên? Xem ra không thể nghĩ rằng Đức Giáo Hoàng Phanxicô lại không biết gì tới sự kiện: các tuyên bố của ngài về các vấn đề này đang là đầu đề cho nhiều giải thích khác nhau. Một giải pháp có thể là làm sáng tỏ và tránh các kiểu nói trong tương lai khiến người nghe chỉ nghe những điều họ thích nghe.

Có lẽ việc dành chỗ để nghe sứ điệp cách khác nhau là một điều có tính chiến lược. Đức Giáo Hoàng rất có thể không nghiêng về phía làm sáng tỏ vấn đề đối với những người hiểu lầm nó. Nếu đúng như thế, thì tại sao không? Há không thích đáng hay sao khi nhà lãnh đạo của Giáo Hội Công Giáo, để tránh hoang mang bối rối cả cho các tín hữu lẫn những người ở ngoài cuộc, phân định rõ ràng điều Giáo Hội cho là mình biết chắc đó là sự thật? Nếu lời lẽ của ngài bị bóp méo bởi những người mong có sự thay đổi về bản chất, thì tại sao nhà lãnh đạo Giáo Hội Công Giáo lại chấp nhận lối giải thích ấy thay vì lên tiếng một cách rõ ràng?

... Để phúc âm hóa

Dĩ nhiên, theo Ana, chúng ta không thể biết chắc chắn trăm phần trăm đâu là ý định hay mục tiêu của Đức Phanxicô. Có thể, lý do khiến ngài nước đôi (equivocation) liên hệ tới mong ước của ngài muốn đem những người Công Giáo bỏ đạo trở về với Giáo Hội. Việc nhấn mạnh tới lòng thương xót và ý muốn không nhấn mạnh tới một số giáo huấn luân lý ít được lòng người rất có thể là một cố gắng mở cửa lều để đưa các người Công Giáo bỏ đạo “trở về nhà”, khuyến khích những người bỏ đi quay trở lại vì họ đã bác bỏ một số giáo huấn chuyên biệt nào đó của Giáo Hội hoặc vì họ cảm thấy bị ngột ngạt hoặc khó chịu cách nào đó. Nếu đúng như thế, người ta có thể hỏi có phải Đức Giáo Hoàng Phanxicô dụ người ta trở lại chỉ để sau đó nhắc nhở họ rằng đây vẫn là Giáo Hội họ đã bỏ đi, hay đây là Giáo Hội đã được cải tổ mới mẻ. Họ trở lại với thứ Giáo Hội nào? Với Giáo Hội sẽ không nói tới các điều họ không thích nhưng thay vào đó, tập chú vào các đề tài được lòng người hơn như công bằng xã hội để làm cho nhiều người càng hay cảm thấy dễ chịu? Nếu thế, phải chăng lời muốn nhắn nhe là: các giáo huấn không được ưa thích kia không hẳn là quan trọng hay sao? Giữa cảnh người ta ít lưu ý nhất tới các vấn đề này, có lúc nào, các giáo huấn này biến đi hay không? Liệu có còn số đông đáng kể người Công Giáo nào biết rằng Giáo Hội của họ từng coi phá thai và an tử là những điều xấu lớn lao hay chăng? Liệu họ có hiểu Giáo Hội vốn có giáo huấn về việc sử dụng các phương tiện ngừa thai và các hình thức khác nhau của kỹ thuật sinh sản vốn tách rời các khía cạnh kết hợp và sinh sản của hôn nhân ra khỏi nhau hay không?

Ai cũng đã rõ nhiều người Công Giáo bác bỏ giáo huấn của Giáo Hội họ về ngừa thai, về việc sử dụng các kỹ thuật sinh sản đa dạng như thụ thai trong ống nghiệm, phá thai, và nhiều vấn đề khác liên quan tới đạo đức sinh học. Với thời gian, nếu những điều này “không được nhấn mạnh” nữa, liệu họ có còn biết thực ra Giáo Hội Công Giáo dạy gì về các vấn đề này? Nếu lòng thương xót được theo đuổi mà phải giữ im lặng hay phải lưu ý tới các vấn đề khác, liệu giáo huấn này có mất đi hay không? Người bỏ đạo không hề được cho biết: các anh đã phạm tội, các anh hãy hồi tâm, ăn năn thống hối, và trở về nhà. Thay vào đó, xem ra họ được cho biết: đừng lo lắng gì cả, đây là một Giáo Hội nhân đạo hơn, nhân từ hơn và không phê phán; Giáo Hội này khác với Giáo Hội các anh đã bỏ đi. Liệu, với thời gian, thứ ngôn từ này có thay đổi nền đạo đức sinh học Công Giáo hay không? Đó là những câu hỏi mà các cộng tác viên của tờ Christian Bioethics trong số báo trên cố gắng thăm dò.

Theo tác giả John Gallagher trong bài “Pope Francis’ Potential Impact on American Bioethics”, người ta phải hiểu tác động của Đức Phanxicô đối với đạo đức sinh học trong bối cảnh các mục tiêu và quan tâm hàng đầu của ngài. Ngài không tập chú vào các vấn đề đạo đức sinh học. Trước hết và trên hết, ngài tập chú vào việc phúc âm hóa, hiểu như việc bầy tỏ cho người khác biết tình yêu của Chúa Kitô để họ cũng cảm nghiệm được tình yêu này và tìm được ý nghĩa và mục đích cho đời họ. Gallagher cho rằng hiểu được sự ưu tiên hóa việc truyền giảng Tin Mừng này sẽ đem lại nhiều hệ luận cho nền thần học của Đức Phanxicô. Và chính vì vậy, Đức Phanxicô sẽ lên khuôn cho nền đạo đức sinh học Công Giáo. Tác giả này nhận định thêm rằng sự im lặng tương đối của Đức Phanxicô đối với một số giáo huấn luân lý chuyên biệt cũng sẽ lên khuôn cho quan điểm Công Giáo về các vấn đề này, vì im lặng có thể dẫn người ta tới chỗ coi những thực hành từng bị cấm nay trở thành được phép.

Joseph Boyle thì khảo sát các tuyên bố có giới hạn của Đức Phanxicô liên quan tới các vấn đề đạo đức sinh học và cho rằng, trái với các mô tả của truyền thông thế tục, hiện không có một thay đổi nào sắp tới trong giáo huấn của Giáo Hội Công Giáo về đạo đức sinh học. Ấy thế nhưng “sẽ có những thay đổi trong văn phong và nhấn mạnh về đạo đức học sinh học Công Giáo” phản ảnh “các ưu tiên của ngài đối với Giáo Hội”. Giống Gallagher, Boyle cũng cho rằng tập chú của Đức Phanxicô là phúc âm hóa và ông tìm hiểu tác động của việc này đối với đạo đức sinh học. Theo ông, Đức Giáo Hoàng sẽ không bác bỏ hay xét lại các giáo huấn Công Giáo về các vấn đề đạo đức sinh học nhưng thay vào đó, sẽ “đặt giáo huấn luân lý và thực hành Kitô Giáo vào một bối cảnh bao quát hơn là hành động cứu chuộc của Chúa Giêsu và công bố chúng một cách hữu hiệu trong việc phúc âm hóa”...

Nền luân lý Kitô Giáo phải được đặt trong một bối cảnh rộng hơn, chứ sứ điệp Kitô Giáo không thể bị trình bầy “như một mớ tín lý và qui luật không liên hệ gì với nhau”. Theo Boyle, điều phải quan tâm là các lực lượng thế tục ở bên ngoài, tức các lực lượng luôn bác bỏ giáo huấn Công Giáo, có thể “đặt ra nhiều đe dọa có tính thúc đẩy nhằm vào việc phúc âm hóa cải tiến”. Điều này khiến chúng ta phải tự hỏi một lần nữa rằng liệu quyết định không nhấn mạnh tới các giáo huấn luân lý và tín lý và đưa ra các tuyên bố cho phép người ta có cớ để giải thích là được phép các thực hành xưa nay vốn bị Giáo Hội Công Giáo bác bỏ có thể sẽ đặt các giáo huấn của Giáo Hội về các vấn đề đạo đức sinh học vào thế nguy hiểm hay không.

Một chiến lược gây nghi vấn

Giống như Bolyle, khi chuyên biệt chú tâm vào giáo huấn của Giáo Hội Công Giáo về phá thai, Christopher Tollefsen cho rằng Đức Phanxicô “vẫn giữ sự liên tục với các vị tiền nhiệm của ngài”. Nhưng, dù tin rằng không có lý do gì để dự ứng bất cứ sự thay đổi nào trong giáo huấn của Công Giáo về phá thai, Tollefsen vẫn nhận rằng “phong cách thỏa hiệp của Đức Phanxicô và một số nhận xét cụ thể của ngài về chủ đề này khiến một số người cho rằng ngài không quan tâm tới việc phá thai như Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II chẳng hạn hay ngài muốn thôi không nhấn mạnh tới vấn đề này trong Giáo Hội nói chung”. Tollefsen cho rằng các nhận xét của Đức Giáo Hoàng Phanxicô về phá thai khiến người ta thắc mắc về sự cam kết của ngài đối với giáo huấn của Giáo Hội vốn là “một phần trong chiến lược rộng hơn nhằm đương đầu với các vấn đề luân lý gây đau đầu nhất của xã hội ngày nay”. Theo Tollefsen, dù có một kế hoạch, chiến lược của Đức Giáo Hoàng có tạo ra nghi vấn. Phương thức của Đức Giáo Hoàng có đủ không? Có đủ không khi tập chú vào vai trò của thương xót và vai trò cứu độ của Chúa Kitô mà không cần xem xét vấn đề “vào nước Trời cần có sự ăn năn”? Ông cho hay: khi nhấn mạnh tới tình yêu và thương xót, ta phải nhìn nhận rằng “mối nguy hiểm của việc thỏa hiệp mà thiếu lời giảng về Nước Thiên Đàng trong đó, mọi tạo vật sẽ được cứu chuộc mãi mãi nhưng người ta cũng có thể vĩnh viễn bị loại khỏi, không phải là điều không quan trọng”. Lời kêu gọi ăn năn thống hối là lời kêu gọi cốt yếu, và không có nó, sứ điệp của Đức Giáo Hoàng có thể bị hiểu lầm.

Còn Mary Margaret Mooney, PBVM, thì nhận định rằng phong thái của Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã kéo được sự chú ý đáng kể, nhưng bất cứ gợi ý nào cho rằng ngài sẽ thay đổi bản chất của các giáo huấn Công Giáo về các vấn đề như phá thai đều sai lầm. Thay vào đó, bà cho rằng, tập chú của ngài là về “việc công bố tin mừng” và về “công bằng xã hội” thay vì “các phong thói tính dục và việc sinh sản”. Bà cho rằng việc thay đổi tập chú này “kêu gọi sự chú ý đối với các vấn đề gây tác động tới đời sống của nhiều người hơn là việc phá thai, thụ thai trong ống nghiệm, và kết hợp đồng tính cộng lại” mà không loại bỏ đạo đức học tính dục và sinh sản ra khỏi việc xem xét luân lý. Đồng thời, bà ghi nhận rằng một số nhận xét của Đức Giáo Hoàng trong các khung cảnh chính thức và không chính thức cho thấy “quả có chỗ để khảo sát các vấn đề mà trước đây không lâu được coi là đóng kín. Đã có chứng cớ cho thấy có một sự chuyển động từ chủ trương ‘tâm trí tôi đã nhất định; đừng làm phiền tôi với các sự kiện’ qua ‘bạn nghĩ gì về điều này?’”. Chúng ta chưa biết việc này sẽ dẫn tới đâu trong tương quan với tương lai đạo đức sinh học, nhưng sự cởi mở này cộng với “việc ngài nhấn mạnh tới việc kính trọng người nghèo và việc phân phối các tài nguyên cách hợp tình hợp lý” cho thấy nền đạo đức sinh học của Công Giáo sẽ không y nguyên sau thời Đức Giáo Hoàng Phanxicô.

Cha Joseph Huneycutt coi sự cởi mở trên như lời mời “nền đạo đức sinh học Công Giáo bước một bước ra khỏi các vấn đề về tính dục, sinh sản, và phá thai, và cả việc quyết định chấm dứt sự sống… các chủ đề vốn chạm trán với nền văn hóa thế tục hiện hành”. Ngài còn cho rằng các nhận định của Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã tạo ra sự mơ hồ không những nơi các phương tiện truyền thông thế tục, mà, quan trọng hơn, còn cả nơi các tín hữu nữa. Khi đưa ra các tuyên bố “mây mờ” (nebulous), Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã tạo không gian cho người ta suy đoán, và sự suy đoán này tạo ra mơ hồ lẫn lộn. Theo cha, sự mơ hồ lẫn lộn này, cộng với lời mời gọi bước ra khỏi các giáo huấn luân lý của Giáo Hội nào xa lạ đối với nền luân lý thế tục, sẽ gây nhiều hậu quả sâu xa đối với “bộ mặt của nền đạo đức sinh học Công Giáo”.

Bốn đóng góp cuối cùng của số báo trên đồng ý với nhận định của Cha Huneycutt khi cha cho rằng Đức Giáo Hoàng Phanxicô có tiềm năng biến đổi nền đạo đức sinh học Công Giáo một cách có ý nghĩa. Mark J. Cherry cho rằng “nhiều tuyên bố công khai của Đức Giáo Hoàng Phanxicô về đạo đức sinh học… dường như đã chấp nhận… một chủ trương tránh việc trực tiếp nhấn mạnh tới quan điểm thần học luân lý chân thực về phương diện khách quan”. Khi đưa ra các tuyên bố về các vấn đề luân lý “mà không nhấn mạnh chút nào tới sự chắc chắn của tín lý” và khi cởi mở đối với các chủ trương mâu thuẫn với giáo huấn của Giáo Hội Công Giáo, Đức Giáo Hoàng có thể đang làm sói mòn đặc điểm hiện thời của nền luân lý và đạo đức sinh học Công Giáo. Cherry lý luận rằng mặc dù Đức Giáo Hoàng “cho tới nay, trên nguyên tắc (de jure), vẫn minh nhiên tránh thay đổi các cam kết tín lý và luân lý” bằng cách tránh nói tới các chủ trương không đúng về phương diện chính trị liên quan tới các chủ đề như phá thai, ngài đang để cho các giáo huấn “từ từ sói mòn đi và bị quên khuấy nơi người Công Giáo” vì “các thay đổi trong cung giọng nói năng cũng có thể dẫn tới những thay đổi có tính nền tảng”.

Bruce Foltz và Peter Schweitzer lý luận rằng các hành động và các tuyên bố của Đức Giáo Hoàng nêu lên “những câu hỏi về sự thành thật”. Lưu ý tới các điển hình vốn soi sáng cái hiểu của Đức Phanxicô về chân giả, Foltz và Schweitzer đã mở một cuộc thảo luận về “sự thật nước đôi” (double truth) và các hình thức của nó. Họ cho rằng việc Đức Giáo Hoàng sử dụng sự thật nước đôi và điều được Foltz và Schweitzer gọi là “sự thật nuớc đôi đảo ngược” và “sự thật nước đôi kép” (double double truth) đặt nội dung nền luân lý và đạo đức sinh học Công Giáo vào thế lâm nguy. Cho dù ngài có muốn duy trì và truyền bá các giáo huấn luân lý của Giáo Hội Công Giáo về các vấn đề liên quan tới đạo đức sinh học và có đưa ra các tuyên bố có thể được giải thích một cách cạnh tranh nhau nhằm lôi kéo người ta đi chăng nữa, thì con đường này vẫn đầy rẫy nguy hiểm. Các cố gắng nhằm làm an tâm loại này dẫn tới mơ hồ lẫn lộn thay vì dẫn tới sự rõ ràng. Thay vì dành chỗ cho mơ hồ lẫn lộn, theo Foltz và Schweitzer, Đức Phanxicô cần phải rõ ràng: “vào các thời điểm có nguy hiểm lớn lao, sự rõ ràng trong phán đoán và trong ngôn từ là điều cần thiết. Những thời điểm ấy đem lại một cơ hội, đúng hơn một mệnh lệnh, phải đồng thanh nhất trí lên tiếng rõ ràng, và định nghĩa lời sự thật cho cả số đông lẫn số ít. Người ta mong đợi điều này nơi các nhà lãnh đạo, cả phần đời lẫn phần đạo".

Bất cứ nhà lãnh đạo nào làm dễ dàng hệ thống nghe điều bạn muốn nghe đều có nguy cơ dẫn người ta ra xa chứ không tới gần sự thật.

Trong bài phân tích sau cùng của mình về bài diễn văn hồi tháng 11 năm 2014 của Đức Giáo Hoàng Phanxicô với các y sĩ Ý, Maurizio Mori cho rằng Đức Giáo Hoàng Phanxicô nói một số điều đúng về giáo huấn Công Giáo đối với việc phá thai nhưng cũng nói một số lầm lẫn quan trọng khiến ngài khác với truyền thống Công Giáo. Theo Mori, sự khác biệt này nói lên khá nhiều. Đức Giáo Hoàng Phanxicô nổi tiếng giữ im lặng về các vấn đề đạo đức sinh học, và trong bài diễn văn này, ngài nói rõ ràng rằng truyền thống Công Giáo bác bỏ phá thai, một tuyên bố được nhiều người coi như lời xác nhận rằng ngài sẽ không thay đổi một cách triệt để các giáo huấn luân lý Công Giáo về các vấn đề đạo đức sinh học. Nhưng theo Mori, lời giải thích được ngài đưa ra về lý do tại sao phá thai sai lầm thì lại đi ra ngoài truyền thống Công Giáo. Mori cho rằng vấn đề chính là Đức Giáo Hoàng Phanxicô bảo rằng phá thai sai lầm vì các khoa học gia nói với chúng ta: có một sự sống hiện diện trong tử cung. Ngài nói: phá thai không phải là một vấn đề triết lý hay tôn giáo mà là một vấn đề khoa học. Mori cho rằng khi biến phá thai thành một vấn đề khoa học và từ bỏ các lý lẽ triết lý và tôn giáo chứng minh phá thai sai lầm, Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã mở cửa cho việc thay đổi. Các khám phá khoa học trong các thời gian qua đã thay đổi nhiều chủ trương đã thành nhất định trước đây, và cùng việc này có thể diễn ra ở đây. Hơn nữa, khi từ bỏ các cam kết triết lý của truyền thống Công Giáo, Đức Giáo Hoàng đã “chạm trán” với truyền thống Công Giáo, trong đó, có các văn kiện do thánh bộ Giáo Lý Đức Tin ban hành. Mori chỉ rõ nhiều điều không rõ ràng trong chủ trương của Đức Phanxicô, khiến ông kết luận rằng việc làm của Đức Phanxicô kém xa việc làm của Đức Gioan Phaolô II.

Sau cùng, H. Tristram Engelhardt, Jr., cho rằng “Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã khởi diễn một thay đổi có tính cách mạng trong cách nói năng thần học chủ yếu của Đạo Công Giáo… mà không nói rằng ngài đã làm việc này”. Sự thay đổi khá quan trọng này, theo Engelhardt, có thể có nghĩa như sau: “Đạo Công Giáo đang rút lui khỏi vị trí trung tâm mà nó từng đảm nhiệm xưa nay trong cuộc chiến tranh văn hóa qua việc bảo vệ các quan điểm Kitô Giáo truyền thống liên quan tới tính dục, sinh sản, hôn nhân vốn đặt Đạo Công Giáo vào thế xa lạ đối với nền văn hóa thế tục”.

Tầm quan trọng của sự thay đổi trên có thể không được lượng giá vì nó được thi hành trong một tinh thần hiền hòa, mục vụ, khiến người ta không nhìn thấy sự “suy nghĩ yếu kém” hay “nền thần học yếu kém”. Engelhardt cho rằng không bao giờ nên bỏ qua các hệ luận của việc thay đổi ngôn từ của Đạo Công Giáo và do đó của nền đạo đức sinh học của Giáo Hội.

Số báo Christian Bioethics nói trên làm nổi bật một số viễn ảnh về điều Đức Giáo Hoàng Phanxicô có nghĩa ra sao đối với tương lai của nền đạo đức sinh học Công Giáo. Ngay đối với những người cho rằng ngài không chủ ý thay đổi bất cứ giáo huấn luân lý nào của Giáo Hội Công Giáo mà đúng hơn ngài chỉ muốn đem các vấn đề mới lên hàng đầu và đem đoàn chiên trở lại chuồng chiên, các điểm mơ hồ của ngài xem ra không làm người ta thoải mái. Cũng những điểm mơ hồ này đang được coi là có nhiều hứa hẹn đối với những người mong thấy có sự thay đổi, vì họ tin rằng đây là việc mở cửa cần thiết và chưa từng có cho tới nay. Tương lai của nền đạo đức sinh học Công Giáo đang được khai triển dưới triều Đức Phanxicô, và với thời gian, ta sẽ thấy những tiên đoán nào, những hy vọng nào hay những sợ sệt nào thành sự thật.