ĐỜI THƯỜNGCHỨNG NHÂN GIỮA GIÒNG ĐỜI

I.- ANH ROBERT DUTTON (Tiếp theo)

CUỘC GẶP GỠ THỨ BA

Tôi đã điều khiển công ty RONA lúc 35 tuổi. Công ty lúc bấy giờ thật bấp bênh và bối cảnh kinh tế không thuận lợi lắm. Chúng tôi đã trải qua những thách đố thật lớn lao cần phải vượt lên:
  • Những khó khăn trầm trọng liên hệ đến tương quan lao động.
  • Một tình hình kinh tế khá tế nhị.
  • Những thành viên tổ hợp mà tinh thần gắn bó bị tan rã dần.
Những quyết định khó khăn và phi thường phải được đưa ra một cách nhanh chóng. May mắn thay, để thi hành công tác đó một cách hữu hiệu, tôi đã dựa vào hai sức mạnh:
  • Một nhóm công nhân - nam cũng như nữ - cùng chia sẽ với tôi một thị kiến giống nhau, những giá trị như nhau và ôm ấp trong lòng cùng một thách đố giống nhau.
  • Đức tin và sự tín thác nơi Chúa Quan Phòng.
Mục tiêu trước tiên của chúng tôi là giải quyết những khó khăn do sự tương giao về lao động phát sinh mà phần lớn do sự giao tiếp có tính cách tồi tệ và vấn đề quản trị. Chúng tôi muốn làm mạnh và thực hiện những sự thay đổi bắt buộc, hòa nhịp cùng với toàn thể nhân viên. Để đạt được mục tiêu đó, chúng tôi phải học hỏi cho biết những nhân viên của chúng tôi muốn gì. Chúng tôi phải:
  • Tái lập sự giao tiếp giữa họ với nhau.
  • Làm cho sự hợp tác và sự tín nhiệm của họ đáng được tôn trọng.
  • Giải thích cho họ dự án của xí nghiệp, khuyến khích họ tham gia và trình bày cho họ thấy những lợi ích mà họ có thể rút ra từ đó.
Với ban giám đốc, lúc bấy giờ tôi đã quyết định đơn giản hóa cấu trúc và kỹ thuật quản trị. Chúng tôi đưa ra một loạt những phương án đối thoại trên bình diện công ty. Mỗi ngày, chúng tôi phải để thời giờ nghe ngóng nhân viên và đối thoại với họ. Rất quan trọng đối với chúng tôi là đừng che giấu những mục tiêu đang theo đuổi, đừng chơi trên những từ ngữ, tránh những bài diễn văn dài giòng và những tuyên ngôn chứa đựng những nguyên tắc trống rỗng. Nói tắt một lời, điều quan trọng là không mập mờ che giấu điều gì.

Những giá trị mà cha mẹ tôi truyền lại và sự cầu nguyện đã cho tôi nguồn cảm hứng trong việc thực hiện giai đoạn đầu tiên của kế hoạch phục hoạt công ty. Đối với tôi, điều quan trọng là phục vụ, có tinh thần trách nhiệm và dấy lên sự hiệp nhất nhờ vào niềm hy vọng và đức cậy trông. Lúc bấy giờ tôi cảm thấy bất lực trong việc thực hành công tác đó cho đến nơi đến chốn một mình được. Vì vậy tôi đã phó thác cho Chúa. Với Ngài và nhờ Ngài, tôi có thể thực hiện được sứ mệnh của tôi.

Đường hướng đó đã cho phép tôi đưa ra nguyên tắc đầu tiên trong việc quản trị: mỗi người mà tôi làm việc với họ và cho họ là một người con yêu của Chúa, vượt ra ngoài trăm ngàn thứ dị biệt khác nữa. Tôi có thể nhận ra Thiên Chúa trong mỗi một người của họ.

Sau vài tháng, tôi biết hết nhân viên của tôi. Và họ cũng bắt đầu biết tôi. Chúng tôi có thể gọi nhau bằng tên. Mỗi người trong xí nghiệp lúc bấy giờ được nhận diện bằng danh xưng. Chính nhờ Thánh ý Đức Chúa Cha mà mỗi người trong chúng tôi được nhận biết nhau qua nhân cách của nhau.

Độ một năm sau ngày tôi lên chức tổng giám đốc RONA, một nửa nhân viên trong nghiệp đoàn phát động một cuộc đình công bất hợp pháp. Nửa kia tín nhiệm ban giám đốc và ở lại với công ty.

Sau cuộc đình công khó khăn đó, mọi việc đều thay đổi. Những nhân viên ương ngạnh nhất đã ra đi. Chúng tôi đã bồi thường cho họ theo những điều kiện tự ý nghỉ việc một cách công bằng hợp lý. Một số nhân viên khác bị chế tài, nhất là bị giảm bớt thâm niên. Tất cả những nhân viên nào quyết định ở lại với công ty - bao gồm những nhân viên không tham gia vào cuộc đình công - chúng tôi cống hiến cho họ một sự cam kết hầu như vô điều kiện trong việc phục hoạt công ty.

Trật tự được vãn hồi, nhưng công ty chưa sinh hoạt bình thường trở lại - business as usual - như người Anh thường nói. Vì vậy chúng tôi quyết định gia tăng nỗ lực để nghe ngóng và chúng tôi cũng khám phá ra rằng không phải chúng tôi không đáng khiển trách.

Chính vào thời điểm đó mà chúng tôi đã tổ chức những buổi ăn sáng có tính cách gặp gỡ và tình trạng nầy kéo dài cho đến nay đã hơn mười năm. Trong những buổi gặp gỡ đó, chúng tôi đã mời nhân viên gợi ý và đưa ra những phát biểu khả dĩ đẩy mạnh những sinh hoạt công ty đến chỗ hoàn thiện hơn. Chúng tôi đã phân tích và tổng kết những điều gợi ý đó và đã đem ra thực hành những điều xem ra có hiệu quả nhất.

Ngay từ khi gặt hái được những kết quả đầu tiên, chúng tôi đã san sẻ một phần lợi nhuận với nhân viên. Trong thời kỳ đó, chúng tôi còn đưa ra những chương trình hoạt động khác, thực thi những nghĩa cử tốt đẹp khác, ở mọi giai tầng của công ty.

Chúng tôi cũng vấp phải một vài lỗi lầm…Nhưng một cách tổng quát, tôi rất hạnh diện về những phương án phục hồi đã mang lại cho công ty những kết quả tốt đẹp. Bốn năm sau, công ty đã có năng suất rất cao trên thị trường quốc tế trong lãnh vực hoạt động nầy. Tình hình tài chánh của chúng tôi rất khả quan và chúng tôi có thể tự tin để dấn thân vào những thách đố khác mà tương lai sẽ mang lại sự thịnh vượng cho 375 gia đình làm thành tổ hợp RONA.

Trong những năm đó, sự làm việc đã chiếm hết chỗ trong cuộc sống của tôi và điều đó đã làm cho cuộc sống của tôi xem ra không được quân bình lắm. Trên bình diện cá nhân, không có gì quan trọng xảy ra. Nhưng trên bình diện tâm linh, thì hoàn toàn ngược lại. Tôi luôn luôn đặt để một tầm mức quan trọng có tính cách sinh tử vào việc cầu nguyện.

Chính sự cầu nguyện đã đưa tôi vào sự tiếp cận với sự khôn ngoan duệ trí của Chúa. Tôi đã tìm kiếm sự gặp gỡ Đức Kitô. Tôi ao ước được nhận biết Ngài để hành động theo như Ngài gây niềm hứng khởi cho tôi ngõ hầu phục vụ Ngài càng ngày càng tốt đẹp hơn. Tôi mong muốn tất cả mọi quyết định mà chúng tôi đưa ra đều mang dấu ấn của sự công bình của Ngài và những quyết định đó tạo ra tinh thần hợp nhất ở chung quanh chúng tôi.

Trong thời kỳ đó, đặc biệt tôi phải đối đầu với những giới hạn và lo âu của tôi là những thứ cản trở tôi lớn lên trong tình bác ái. Khi gần đến bốn mươi tuổi - tứ thập nhi bất hoặc - là thời điểm mà tôi phải đưa ra một bảng tổng kết mới.

Tôi lại rơi vào một vị thế oái oăm: tôi đã thực hiện mọi ước mơ của tôi, trên bình diện cá nhân cũng như chức nghiệp. Khi điều đó xảy tới đối với những người khác, thông thường họ hướng về hoạt động chính trị…Nhưng đối với tôi, tôi không muốn chọn lựa con đường đó.

Vì tôi muốn tiếp tục vươn lên, muốn tìm kiếm những thách đố mới. Tôi luôn luôn có ý muốn phục vụ người khác và đặc biệt là những người bị thương tổn nhiều nhất. Luôn luôn xuất hiện ở trong đầu óc tôi đoạn Phúc Am theo Thánh Mat-thêu: “Nước Thiên Chúa thuộc về những ai chia sẻ với người nghèo, người đau yếu, kẻ tù tội, người đói khát…” Nhưng trong giới kinh doanh, tôi không gặp những người nghèo, người đau ốm, kẻ tù tội.

Tôi nóng lòng theo đuổi việc tìm kiếm một đời sống nội tâm thâm sâu hơn. Tôi tự vấn mình về những phương thức để đạt tới và tôi hy vọng một sự vượt thắng có ý nghĩa về mặt thiêng liêng cũng như một sự vươn lên trong đời sống chức nghiệp vậy. Tất cả những gì tôi biết về Chúa là do tôi học được khi ở bậc tiểu học, hoặc tìm kiếm một mình bằng cách đọc Lời Chúa hay qua trung gian việc làm ăn sinh sống trong cuộc đời thường, qua những người gặp gỡ hay qua những biến cố xảy tới.

Cho tới ngày đó, đời sống tâm linh của tôi chỉ là một kinh nghiệm bản thân mà tôi không chia sẽ với ai hết. Lúc bấy giờ tôi cảm thấy nhu cầu phải tiếp cận với Giáo hội. Tôi từ bỏ mọi của cải vật chất đã tạo thành một cản trở cho sự tiếp cận đó. Tôi đã bán căn nhà sang trọng đang ở, đã thay đổi xe hơi rẻ tiền hơn và tôi đã đưa ra một kế hoạch san sẻ với người khác. Đó không phải là một đường hướng tự bần cùng hóa mà là một phương cách giải thoát tôi khỏi của cải vật chất ràng buộc và đảm bảo sự tự do của tôi.

Lần đầu tiên trong đời, tôi quyết định chia sẻ cuộc sống nội tâm với những người khác. Tôi muốn gặp gỡ những người mà tôi có thể đồng hành với họ và ngược lại họ giúp đỡ tôi nhận ra điều mà tôi có thể dâng hiến cho Chúa và trao ban cho người thân cận nhiều hơn.

Thiên Chúa Quan Phòng đã dẫn đưa tôi đến với các linh mục Xuân Bích là những người có thể giúp tôi nhận chân điều đó. Tôi đã gặp gỡ những linh mục tỏ ra biết nghe tôi một cách nhẫn nại và không chút thành kiến. Tôi đã trao phó cho họ giấc mơ của tôi là được phục vụ Thiên Chúa hoàn toàn như Ngài mong muốn.

Những cuộc thảo luận đó đã giúp tôi ý thức rằng có một số trực giác của tôi cần kiểm chứng lại. Tôi không muốn khước từ điều gì với Chúa. Tôi muốn đi cho tới cùng đích. Nhờ sự hỗ trợ của chủ tịch hội đồng quản trị RONA, những thành viên của hội đồng đã cho tôi được nghỉ giả hạn không lương sáu tháng để cho phép tôi kiểm điểm lại cuộc sống và lấy những quyết định chín chắn hơn.

Các linh mục Xuân Bích đã mở rộng vòng tay đón tiếp tôi. Ở trong tòa nhà của họ, tôi khám phá ra đó là một nơi mà tôi có thể lợi dụng một chút thinh lặng và sự cô tịch, đồng thời đào sâu những kiến thức về thần học. Nhưng nhất là tôi được tự do và có thời giờ để suy tư về Thánh ý Thiên Chúa, về những trách nhiệm của người Kitô hữu, về những biến cố ảnh hưởng đến đời sống cá nhân, về việc điều hành xí nghiệp, về những thách đố lớn lao của xã hội chúng ta như môi sinh, phẩm giá phụ nữ, việc toàn cầu hóa v.v….

Khi được xem xét trên bình diện thuần túy kinh tế, việc toàn cầu hóa được nhận thức - đúng hay sai - như là một sự chi phối có tính cách thương mãi và tài chánh của thế giới trên sự phát triển về dân số, có tính cách nhân sinh và xã hội của quả địa cầu.

Nhưng nếu người ta xem xét với con mắt đức tin, sự toàn cầu hóa có thể là cơ duyên làm cho mọi người trên thế giới gần gũi lại với nhau. Việc toàn cầu hóa có thể ưu đãi sự học hỏi, sự giao tiếp, sự chia sẻ và cho phép chúng ta tiếp tay với những người nghèo hèn cùng cực nhất.

Qua những buổi suy tư có tích cách nội tâm đó, tôi nhận ra rằng Thiên Chúa đã trao phó cho tôi những trách nhiệm lớn lao đối với nhiều người. Tôi hiểu ra rằng khi đóng vai trò đứng đầu công ty RONA - với hết mọi khả năng của tôi nhờ vào những giáo huấn của Chúa Kitô - tôi đã đáp lại Thánh Ý của Ngài đối với tôi.

Vì vậy tôi phải trở lại với công việc trần thế của tôi, cho dù điều đó đòi hỏi nơi tôi rất nhiều trên bình diện thể lý, tâm lý và tâm linh nữa. Tôi cũng phải tiếp tục dấn thân vào những hoạt động của những cơ quan từ thiện mà tôi đã hỗ trợ từ vài năm qua. Nói tóm lại, tôi phải tiếp nối vai trò giáo dân của tôi là được mời gọi làm chứng nhân giữa giòng đời trước sự hiện diện của Chúa. Lúc bấy giờ tôi đã ôm ấp một chương trình hành động như sau:

1.- Tôi sẽ trở lại đời sống tư chức để vừa bảo vệ những nguyên tắc cá nhân và những giá trị Phúc Am. Tôi cũng muốn hiện thực hóa tinh thần hợp tác trong bối cảnh toàn cầu hóa.

2.- Tôi phải đưa lên hàng đầu những giá trị mà công ty phải tôn trọng như:

Sự tôn trọng nhân cách bằng cách:
  • Tạo những công ăn việc làm mà điều kiện làm việc là tôn trọng nhân cách đó. Sự tạo ra những công ăn việc làm còn là phương cách tốt nhất để chống lại sự nghèo đói và giúp đỡ những người cùng đinh trong xã hội.
  • Đầu tư trong việc phát triển tiềm năng của những nhân viên làm việc cho công ty.
Luôn luôn tìm kiếm sự công ích bằng cách mở rộng những nguyên tắc căn bản về tinh thần hợp tác qua những tương giao giữa những tổ viên, những cổ đông, những nhân viên, những khách hàng và những người hùn hạp…

Sự cần thiết làm cho công ty được thịnh vượng để san sẻ, nhưng không được phung phí, đối với những tổ viên, những cổ đông, những nhân viên và những người nghèo khổ trong xã hội.

Nói vắn tắt, tôi sẽ giúp đỡ những thành phần trong đại gia đình RONA để họ tìm kiếm sự công ích với sự tôn trọng nhân cách của họ và với tinh thần chia sẻ.

Tổ hợp của chúng tôi bao gồm 375 gia đình đã cùng nhau chung góp sự chuyên môn về mãi hóa và quản trị, về mãi lực và những khả năng của họ. Giúp một tổ viên RONA trở nên thịnh vượng là cho phép một gia đình được lớn lên trong nhiều thê hệ và củng cố những mối dây liên hệ nối kết những tổ viên lại với nhau. Điều đó cũng cho phép giới trẻ như tôi khám phá ra niềm vui được hoạt động trong một môi trường mang bầu khí gia đình.

Sự liên kết là một giá trị hằng đầu của tổ hợp chúng tôi. Những tổ viên cũng được khích lệ lớn lên trong những cộng đoàn của họ tùy vào bối cảnh kinh tế và sự cam kết trên bình diện xã hội. Sự liên kết và hợp nhất là những đức tính cốt yếu để nhân bản hoá sự toàn cầu hóa vì nếu để sự toàn cầu hóa tự phát triển một mình sẽ đe dọa nhân cách của những cá nhân.

Bốn năm sau khi tôi trở lại trong chức vụ tổng giám đốc RONA, bộ mặt của công ty đã có phần nào thay đổi. Trên bình diện tập thể, chúng tôi đã làm được những việc đáng kể sau đây:
  • Tạo hơn 2500 công ăn việc làm một cách trực tiếp hay gián tiếp.
  • Đặt ưu tiên vào việc tập sự và huấn nghệ để nhân viên chúng tôi thích ứng với nền kinh tế mới.
  • Chấp nhận một kế hoạch phát triển và mở mang để có thể phân phối một cách công bằng về tài nguyên ở ngay trong công ty và các tổ viên.
  • Đưa ra một chương trình tham gia của các tổ viên vào sự phát triển của công ty.
  • Lập quỹ RONA để giúp đỡ giới trẻ đang lâm vào hoàn cảnh khó khăn về mặt tài chánh.
Nói tóm lại, chúng tôi đã biết nhân bản hóa một thực thể tổ hợp và - cũng như bao nhiêu xí nghiệp khác - có thể đã hoạt động trong bầu không khí lạnh nhạt và vô hồn. Chúng tôi đã thắng cuộc bằng cách làm cho RONA trở thành một nơi cung ứng những dịch vụ tốt nhất và đồng thời xây đắp trên căn bản hằng ngày sự hãnh diện của các tổ viên và của toàn thể nhân viên.

Tôi muốn chia sẻ với quí bạn hai kinh nghiệm về sự tha thứ của công ty vào những năm 1998 và 1999 và đã minh họa sự ưu tư của chúng tôi liên hệ đến nhân phẩm.

Kinh nghiệm thứ nhất xảy tới khi hội đồng quản trị đã đáp lại lời thỉnh cầu của một tổ viên mong ước được trở về với tổ hợp. Tổ viên nầy đã rời bỏ tổ hợp năm năm về trước. Mặc dù những hoàn cảnh chua xót xảy ra khi sự đổ vỡ xuất hiện, các thành viên hội đồng đã kết luận rằng sự liên kết phải vượt lên trên mọi cảnh ngộ. Vì vậy họ đã chấp thuận sự trở về của tổ viên đó.

Kinh nghiệm thứ hai về sự tha thứ liên hệ đến những nhân viên thuộc trung tâm phân phối hàng hóa đã tham gia vào cuộc đình công bất hợp pháp trước kia. Bảy năm sau, sáu chục nhân viên đó đã đệ đơn xin ban giám đốc RONA khoan hồng cho họ - có nghĩa là bổ nhiệm họ vào lại những nơi mà họ đã bị mất việc trước kia, tiếp theo sau cuộc đình công, kể cả việc duy trì thâm niên. Muốn được như vậy, phải có sự chấp thuận của những nhân viên không đình công cũng đông đảo như những nhân viên đình công. Đơn thỉnh cầu đó không được chấp thuận ngay.

Cho dù sự chống đối của những chuyên viên về lao động, chúng tôi đã cùng nhau cố gắng suy nghĩ trên căn bản có tính cách tập thể đối với sự khoan hồng tha thứ. Sự suy tư đó không những được xem xét trên ý nghĩa của sự tha thứ tức thời mà còn theo ý nghĩa triết lý và thiêng liêng nữa.

Tiến trình vận động đó đã kéo dài chín tháng. Tôi thiết tưởng điều đó đã cho phép một sự suy nghĩ chín chắn hơn bởi vì căn cứ trên sự tôn trọng nhân cách của mỗi một người - nam cũng như nữ. Kết thúc tiến trình vận động đó, vào tháng mười năm 1999, 86% nhân viên chấp thuận duy trì thâm niêm của những đồng nghiệp cũ.

KẾT LUẬN

Theo văn hào Saint-Exupéry, kết hợp những con người lại với nhau là một nghề nghiệp cao đẹp nhất trên đời nầy. Tôi cảm thấy được ưu đãi vì đó là nghề nghiệp mà tôi đã và đang đảm trách.

Sự triển nở đời sống tâm linh của tôi giờ đây đặt căn bản trên nghệ thuật sống bao gồm việc sống một cuộc đời quân bình. Tôi nhận chân rằng tầm mức quan trọng không những phải hoạch định những kế hoạch cho cuộc sống cá nhân và nghề nghiệp, mà còn phải có một kế hoạch cho cuộc sống thiêng liêng, siêu việt lên trên đời sống của chính bản thân tôi.

Xét trên bình diện đó, tất cả những gì tôi sống, tôi nói, tôi làm, trao tặng hay chia sẻ chỉ làm tung lên một lớp bụi mờ mà thôi. Mỗi ngày, tôi cố gắng để nhắc nhở mình rằng, bằng cách kết hợp với Chúa Kitô và Đức Thánh Linh, tôi sống trên đời nầy để phục vụ một cách khiêm tốn các anh chị em tôi. Tôi cũng cố gắng nhắc nhở tôi là khi tôi sẽ trình diện trước mặt Chúa, với đôi tay dang ra, tôi sẽ thấy rằng vinh quang lớn lao nhất của tôi là được làm con cái Ngài.