CÔNG ÁN TRONG THƠ THIỀN TÍNH DU TỬ LÊ



đất thinh lặng--như chưa từng cất tiếng,

chỉ tại tôi nhấc nhổm, mưu toan.

lòng nhiễu sự: gây bao điều thất thiệt,

đổ oan cho số, phận mọi vui buồn.

nước thinh lặng, tựa tấm gương trong, suốt--

có màu đâu! mà phân biệt trắng / đen.

như hạnh phúc những tưởng rằng vĩnh cửu!?!

đâu biết rằng khoảnh khắc trước vô biên.


TUYỂN TẬP THƠ THIỀN TÍNH

Những lời thơ trên trong tập thơ mới xuất bản "Qua Môi em: Tôi Thở Biết Bao Đời" của Du Tử Lê đã như bỗng mở ra một tầm nhìn mới, mà thật cũng rất cũ xưa.

Cuối một thế kỷ, cuối một ngàn năm, cuối một vòng xoay của một chấm nhỏ li ti trong giải ngân hà, loài người ngồi tính sổ, rốt cục rồi cũng phải buông một câu như tiếng thở dài với Du Tử Lê: hoa nào tin quả đắng đến không ngờ.

Mấy chữ ngắn gọn mà có sức mạnh như một công án, san bình địa tất cả để mở ra một khoảng trống. Giữa những đầy đặc ngột ngạt mà có được một khoảng trống thì cần thiết biết chừng nào. Cái khoảng trống mà nhà tiên tri thời đại là Kahlil Gibran hé ra trong cuốn Tiên Tri (The Prophet): “Hãy để giữa lòng bạn một khoảng trống cho gió trời có thể nhảy múa thênh thang.”

Tôi muốn ngồi tĩnh lặng nhặt lấy một câu công án qua lời thơ Du Tử Lê như cây gậy thiền sư gõ vào cái đầu loạn tưởng, làm vang lên vài tiếng lênh kênh dội vào tâm thức:

Mây kiệt sức kéo chiều lên đỉnh núi

Mặt trời rơi, hẫng, nhớ nhung / đen /

Cát xúc động xô sông về / mắt / cuối /

Sóng lênh đênh / oải / muộn / lãng quên, quen.

Dẫu điểm đứng chỗ nào trong vũ trụ

Em cách gì một lúc: - ở hai nơi

Chỉ tôi biết: -tôi vô cùng loãng, nhẹ

Sống phân thây từng miếng / vụn / hôi / mùi

Búp nghi hoặc: -có chăng đời lá: chết!

Hoa nào tin quả đắng đến không ngờ.


Ðúng vậy. Dẫu điểm đứng chỗ nào trong vũ trụ, thì “tôi” vẫn đang đi tìm “tôi”, cái phân thây từng miếng / vụn / hôi/ mùi đi tìm cái toàn mãn, cái hữu hạn đi tìm cái vô hạn.

Dẫu điểm đứng chỗ nào thì cũng thấy mình phải khởi đi vào cuộc chuyển biến từ cái tôi nhỏ nhen tù túng mà hòa nhập cái Ta đại thể vô biên. Hay nói theo kiểu nét văn hóa người mình: cái vuông đi tìm cái tròn để có thể tròn đầy sung mãn, mẹ tròn con vuông. Ðây là cuộc hành trình “tìm về quê nhà đã mất”, nối lại được vào cuống nhau từ bụng “mẹ” đã một lần từ giã. Quê mẹ đây có thể là chính người mẹ sinh ra mình, mà cũng có thể là quê hương hằng thể, vượt không gian và thời gian, vượt bờ sinh tử. Niềm khao khát tìm về này như phảng phất tâm tình đầy chất đạo trong ca dao Việt:

Chiều chiều ra đứng ngõ sau

Trông về quê mẹ ruột đau chín chiều.


LM Trần Cao Tường

(thay Lời Tựa cho Tuyển Tập Thơ Thiền Tính 2001-2004 của Du Tử Lê)

Xin mời ghé thăm Trang Liên Mạng của Lm. Trần Cao Tường: www.vietcatholic.net/caotuong, và trang Ảnh Nghệ Thuật và Chiêm Niệm/Thiền: www.vietcatholic.net/PhotoArt