ĐỜI THƯỜNG

CHỨNG NHÂN GIỮA GIÒNG ĐỜI - BÀI 1
    Việc sống Đức Tin giữ giòng đời là một thực tế, nhằm mục tiêu thánh hóa bản thân và tha nhân. Đức Tin sống động phải thể hiện bằng sự hiện hữu đích thực trong đời thường. Ảnh hưởng của Đức Tin sống động đó được gọi là ‘chứng nhân’, dựa trên sự hội nhập toàn diện con người và sức sống.

    Để dấn thân như thế, không chỉ mang danh xưng Kitô hữu mà đủ, còn phải là Kitô hữu nữa. Cũng không phải hài lòng với việc là Kitô hữu mà còn phải áp dụng một lối sống để có thể mỗi ngày trở nên Kitô hữu một cách hoàn hảo hơn.

    Chỉ công bố Phúc Âm như là phần rỗi cho thế giới cũng chưa đủ, phải chứng minh cho thế giới thấy sự sống động của Phúc Âm đang cứu rỗi nhân loại. Muốn như vậy, trước tiên phải phúc âm hóa tư tưởng, hành động, con tim, cử chỉ, điệu bộ và toàn diện con người của mình. Chứng nhân vừa là phương tiện để truyền đạt chân lý mạc khải, vừa thể hiện sự nghiêm túc của những lời nói được trao ban…
    René Latourelle
KITÔ GIÁO LÀ MỘT TÔN GIÁO ĐANG HẤP HỐI?

Kitô giáo còn có điều gì để cống hiến cho thế giới hiện đại nữa không? Cho dù phải đối diện với nhiều trào lưu thế tục dâng lên như ngọn thủy triều, trên hai tỷ người Kitô hữu trên khắp thế giới - trong đó có mấy triệu tín hữu ở tỉnh bang Québec Canada là nơi phát sinh Kitô giáo ở vùng Bắc Mỹ - đã trả lời “có” đối với câu hỏi căn bản trên đây. Với những người đó, Đức Kitô vẫn còn là trọng tâm và trung tâm của nhân sinh và vũ trụ nầy. Đó là niềm cậy trông không mai một bao giờ.

Tuy nhiên ở tỉnh bang Québec, từ khi có cuộc Cách Mạng thầm lặng, Kitô giáo đã đi từ chỗ suy đồi đến tồi tệ hơn. Những người tham dự Thánh lễ Chúa nhật không ngừng sút giảm và những cộng đoàn tu trì Kitô giáo chỉ còn lại những mái đầu bạc phơ mà thôi. Giới trẻ thì thấy Giáo hội chán ngấy, lỗi thời và nền luân lý khắt khe của Phúc Am không còn thích hợp với thời đại nầy nữa. Vì vậy mà rất nhiều khối óc nặng suy tư đã quả quyết chắc chắn rằng Kitô giáo đó, Giáo hội Công giáo đó, đã làm xong vai trò lịch sử của mình rồi.

Không nhằm mục đích đi ngược lại trào lưu hiện đại - cũng như không mù quáng hay ngây ngô - chúng tôi nhận thấy lối phán đoán đó không chính xác, chỉ phản ảnh tư duy của một thiểu số trí thức - phần đông là những baby-boomers, những người lãnh đạo dư luận quần chúng rất có thế giá trên những phương tiện truyền thông và những trung tâm gây ảnh hưởng dư luận đối với quần chúng - đã khuất phục trước những trào lưu tư duy không được lành mạnh và có tính cách thế tục, nhằm mục tiêu duy nhất là chống đối lại chế độ giáo sĩ trị, trong những thập niên vừa qua.

Chúng tôi thiết nghĩ những nhà trí thức và lãnh đạo dư luận quần chúng đó đã phần nào bị sa lầy trong một thứ hỗn hợp ý thức hệ có tính cách triết lý và tôn giáo định vị trong những biên vực bao gồm những tác nhân sau đây: một chủ nghĩa triết học có tính cách tương đối đặt tất cả trên một chuẫn mực giống nhau, cái đúng cũng như cái sai; một thứ chủ nghĩa có tính cách chủ quan sôi động mà ở đó cái tôi được thần thánh hóa đã trở thành mẫu mực cho mọi sự và mọi việc; một thứ lảnh đạm có tính cách tôn giáo và luân lý thuộc môn phái bất khả tri; một thứ linh đạo pha trộn và chỉ có bề mặt, được chuyên chở bởi nhóm New Age…Ngoài ra còn rất nhiều thứ nữa, kể ra không bao giờ hết được.

Chúng ta nên nghe lời Thánh Phaolồ xưa kia cũng đã phải đối diện với một thực tế phũ phàng như thế, vào thời đại của Ngài: “Hãy coi chừng chớ để ai gài bẫy anh em bằng mồi triết lý và những tư tưởng giả dối rỗng tuếch theo truyền thống người phàm và theo những yếu tố của vũ trụ chứ không theo Đức Kitô.” (Cô-Lô-Xê 2,8).

Thật ra sai lầm căn bản của những tư tưởng gia thuộc thế hệ nầy là muốn thoát ra ngoài cái vòng luẩn quẩn được gọi là sự Đại Đen Tối của một chế độ thống trị vừa có tính cách chính trị vừa có tính cách giáo quyền và muốn làm lại tất cả trên những căn bản đổi mới, vô hình chung đã đưa tới việc loại bỏ Thiên Chúa ra ngoài vũ trụ tư duy của họ, đẩy lui Ngài ra khỏi định hướng và cuộc đời của họ. Vô tình, chính quan niệm cổ thời về Do-Thái giáo và Kitô giáo của con người và cuộc sống, đặt căn bản trên Phúc Am và lấy nguồn cảm hứng từ Phúc Am, không còn chỗ đứng trong lòng xã hội hiện đại.

Nói tóm lại, thế giới hiện đại cũng như xã hội tân tiến của tỉnh bang Québec hiện đại được xây đắp trên sự khước từ Thiên Chúa một cách có hệ thống và tiệm tiến, hiện tượng mà người ta thường gọi là bội giáo. Trên phương diện tập thể, bằng cách khước từ mãnh lực siêu nhiên như An Sũng (được lãnh nhận qua các bí tích của Giáo hội), chúng ta chỉ nhắm tới những thế lực trần thế như Tối Huệ Quốc, bao gồm chính trị, kinh tế và tiền tài là một thứ chúa tể mới.

Trên bốn mươi năm sống dưới chế độ đó, người ta có thể quả quyết không chút sai lầm là tín hữu tỉnh bang Québec đã và đang phải trả một giá rất đắt cho sự bội giáo của mình, đứng trên phương diện tâm linh: nhân tâm ly tán đưa tới sự tuyệt vọng và thảm trạng tự tử. Những điều đó là kết quả của một thực tế vắng bóng ánh sáng, niềm vui và sự an bình mà chỉ một mình Chúa Giêsu Kitô, Đấng hằng sống và đã phục sinh có thể ban tặng mà thôi. Ngài đã chiến thắng mọi “mãnh lực của sự tối tăm”.

KITÔ GIÁO : MỘT Ý THỰC HỆ GIỮA NHỮNG Ý THỨC HỆ KHÁC

Theo thiển kiến, Kitô giáo rất ít được tín thác trong xã hội hiện đại bởi vì Kitô giáo đã bị một nhóm người ưu tú trong xã hội tân tiến giản lược để trở thành một thứ ý thức hệ như bao ý thức hệ khác, giản lược vào một hệ thống bao gồm những tín điều, giáo điều và những phương châm luân lý, kế thừa từ giòng lịch sử xa xưa, từ ý thức hệ tôn giáo mà nền tảng - như biến cố có tính cách lịch sử và siêu nhiên của “Chúa Giêsu” - sẽ trở nên khó chấp nhận trong bối cảnh duy lý khoa học của xã hội hiện đại.

Tuy nhiên một sự nhận thức về Kitô giáo như thế đã sai nhầm rất lớn. Chúng tôi muốn nhắc nhở những vị luôn tìm cách đối kháng giữa đức tin và lý trí - tức chủ nghĩa hiện đại hóa - về Tông Thư Fides et Ratio (1998) của Đức Thánh Cha Gioan Phao lồ Đệ Nhị. Thứ “suy lý cực đoan” đó, mới xem qua, chỉ nhằm mục đích làm mất sự tín nhiệm của Kitô giáo ngay trên chính nền tảng của Kitô giáo, xem ra không hợp lý mấy!

Mặt khác, điều quan trọng hơn nhiều, Kitô giáo trước hết không phải là một hệ thống, hay nói đúng hơn, điều đó chỉ thứ yếu mà thôi. Trên tất cả, Kitô giáo là một sự gặp gỡ có tính cách cá nhân với Thiên Chúa hằng sống như đã được mạc khải bởi Chúa Giêsu Kitô cho trần thế.

Nhận định như thế, Kitô giáo trước tiên có tính cách hiện sinh và thực nghiệm. Kitô giáo đã cống hiến một kinh nghiệm sống, một hạnh phúc phải nắm bắt, trước khi liên kết bằng lý trí và con tim - tức Đức Tin - với những chân lý siêu nhiên, huyền nhiệm và thâm sâu vượt lên trên nhãn quan của kiếp nhân sinh vì đặc tính linh thiêng của nó.

Vì vậy Kitô giáo là một sự mạc khải về Thiên Chúa cho nhân loại một cách tiệm tiến qua trung gian của dân Do-thái, dựa trên kinh nghiệm đặc biệt có tính cách sáng lập mà Chúa Giêsu vừa là thừa kế vừa là Đấng hoàn thành viên mãn!

(CÒN TIẾP)