PHÁT HIỆN NHỮNG TẤM BẢN ĐỒ TRONG NỘI TÂM. ..

1.-CHỨC NĂNG CỦA BẢN ĐỒ

Sau bao nhiêu năm xa cách, về lại thăm viếng bà con xa gần ở Sàigòn, tôi cần phải luôn luôn mang theo trên mình một tấm bản đồ, để nhận ra những con đường, tìm kiếm những địa chỉ...Trái lại, khi có bạn bè hoặc người thân cùng đi, tôi không cần ôm theo lè kè những phương tiện định hướng như vậy. Sau nhiều năm sinh sống và di chuyển, họ đã hội nhập tấm bản đồ của Thành Phố trong đầu óc họ. Tôi chỉ cần hỏi họ, để có thể quyết định đi tới hay là trở lui, quẹo qua tay trái hay là chọn hướng bên phải...

Trong lãnh vực gia đình và nghề nghiệp, chính trị cũng như tôn giáo hay là xã hội, rất nhiều người cũng có xu thế « tấn phong » kẻ khác làm tấm bản đồ chỉ đường cho mình như vậy. Và trên mỗi đường đi nước bước, họ nhắm mắt đi theo, không cần xét lại làm gì cho nhọc thân nhọc trí. Lợi dụng và lạm dụng cơ hội, một số người khác đã biến thân thành người « chỉ đường chuyên nghiệp », thậm chí trong những vấn đề không thuộc về chuyên môn và khả năng hiện hành của họ. Chẳng hạn người làm chính trị lại khoác vào mình vai trò chỉ đạo, trong địa hạt tôn giáo. Người làm công tác tôn giáo lại hô hào đá đảo bên nầy, lật đổ phía kia, xuống đường, biểu tình, tuyệt thực, đập phá...

Thông thường, đối với những người « chỉ đường và chỉ đạo như vậy », khi có một vấn đề xảy ra trong lòng xã hội và Quê Hương, nguồn gốc hay là nguyên nhân tạo ra vấn đề luôn luôn nằm ở đằng trước, phía bên kia, nơi kẻ đối phương và người đối diện. Còn họ : họ coi mình là con người luôn luôn trong trắng và vô tội. Họ chỉ là nạn nhân của bao nhiêu người đang có mặt trên giới tuyến « phản động, ác ôn côn đồ » hay là « mặt trận của Bóng Tối ».

Để tránh những ngộ nhận có thể xảy ra do vấn đề sử dụng ngôn ngữ, tôi xin phân biệt : Chỉ đạo là điều khiển, lèo lái, áp đặt hoặc cưỡng chế từ trên hoặc từ ngoài, một cách độc tài, đơn phương và độc lộ. Trong địa hạt giáo dục, trái lại, người có trách nhiệm như cha mẹ, thầy cô... chỉ làm công việc soi sáng và hướng dẫn. Họ tạo điều kiện cho con cái và học sinh càng ngày càng trở nên tự lập và trưởng thành. Nhờ đó, từ từ con cháu của chúng ta có khả năng hội nhập, chuyển biến những bài học thành xương da, máu thịt và hơi thở ra vào của mình.

Trong tinh thần ấy, có bao giờ những người « chỉ đạo từ trên và từ ngoài » biết dừng lại, thay vì đưa tay lên, trỏ thẳng vào mặt phe bên kia để qui lỗi và tố cáo ? Có bao giờ họ đặt lại câu hỏi, để thú nhận một cách bình tâm và trung thực : « Tôi có thể lầm đường lạc lối, vì tấm bản đồ, mà tôi đang mang lè kè trong đáy sâu của nội tâm, đã lỗi thời, lạc hậu, không còn thích ứng với tình huống ở đây và bây giờ » ? Tôi không tìm ra đường và địa chỉ ở Sàigòn, phải chăng vì tôi đã cầm lộn tấm bản đồ Hà Nội, khi đi ra khỏi nhà ? Hay là tấm bản đồ tôi đang sử dụng đã được xuất bản cách đây hơn một nửa thế kỷ ? Bao nhiêu tin tức mới mẽ chưa có mặt trên đó. Tệ hại hơn nữa là tôi nói về Quê Hương và anh chị em đồng bào của mình, bằng cách qui chiếu vào những tấm bản đồ được phát hành ở những thủ đô của Nước Ngoài như Paris, Rome, Moscou, Bắc Kinh và Washington...

2.-TẤM BẢN ĐỒ TRONG NỘI TÂM

Trong lãnh vực làm người, hay là trong những quan hệ với anh chị em đồng bào, chúng ta cũng thường gặp nhiều vấn đề tương tự, với những tấm bản đồ không được cập nhật hóa của chúng ta. Bao nhiêu hiện tượng tranh chấp, xung đột, hận thù và chiến tranh đang ngày ngày xảy ra giữa tôi và người khác, phải chăng đều xuất phát từ những tấm bản đồ nội tâm không còn tính hiện thực, trong điều kiện và hoàn cảnh hiện nay.

Lối nói « Tấm bản đồ nội tâm » đã được nhà tâm lý người Anh Kenneth CRAIK sử dụng lần đầu tiên, vào những năm thuộc thập niên 1940. Lúc ban đầu khi mới thành hình, tấm bản đồ là những lối nhận thức, những cách thuyên giải hay là những kết quả suy luận có mặt trong sinh hoạt hằng ngày của một người. Vì được lặp đi lặp lại nhiều lần, những hoạt động tâm linh nầy đã từ từ trở thành một tập tục tin tưởng, hay là một định kiến, thuộc loại trí nhớ dài hạn. Khi có một hay nhiều yếu tố dẫn khởi tương tự như trước đây tái xuất hiện trong môi trường, cả một kinh nghiệm thuộc quá khứ được đánh thức và ào ạt chỗi dậy, trấn áp toàn bộ nội tâm của con người, một cách tự động và máy móc.

Trên bình diện ngôn ngữ, những tấm bản đồ bên trong có thể toát ra bên ngoài bằng những lời tố cáo, phê phán, những cách chụp mũ, gắn nhãn hiệu... có sẵn ở đầu môi chót lưỡi của mỗi người trong chúng ta.

Theo cách giải thích và trình bày của tác giả Peter SENGE, loại bản đồ nội tâm làm bằng nhiều hình ảnh, nhiều giả thuyết chưa được kiểm chứng. Có thể đó là những câu chuyện, những điệp khúc. .. được lặp đi lặp lại, được kể lui kể tới nhiều lần, mỗi khi chúng ta nói về mình, về người khác hay là về môi trường sinh thái bao quanh chúng ta. Tấm bản đồ nội tâm thường được so sánh như những cặp kính tôi mang trên hai mắt. Nếu mặt kính có màu đen, mọi sự vật tôi nhìn thấy, đều nhuộm màu đen. Trái lại, khi mặt kính của tôi có màu đỏ, đối với tôi toàn thể cảnh vật lúc bấy giờ đều mang màu đỏ.

Cũng y hệt như vậy, tấm bản đồ có mặt trong nội tâm có tác dụng bóp méo, xuyên tạc lối nhìn hay là cách thức tôi thuyên giải sự vật và con người đang có mặt ở đằng trước hay là bao quanh tôi. Thuyên giải một sự cố hay là tác phong của một người, có nghĩa là khoác vào cho sự cố và tác phong ấy một ý nghĩa chủ quan, thể theo cách nhận thức, lề lối tư duy hay là tâm tình vui buồn đang xảy ra trong hiện tại của tôi.

Nói khác đi, những tấm bản đồ nội tâm đang điều hướng và điều hợp mọi đường đi và nẻo về của chúng ta trong lòng cuộc đời. Khi thay đổi tấm bản đồ nội tâm, chúng ta sẽ có cơ may và khả năng tác động, gây ảnh hưởng trên toàn diện con người của chúng ta, nhất là trong năm địa hạt : tác phong, ngôn ngữ, lối nhìn, xúc động và quan hệ giữa người với người.

3.- TẦM ẢNH HƯỞNG SÂU RỘNG CỦA TẤM BẢN ĐỒ NỘI TÂM

Nhằm xác định tầm ảnh hưởng rộng lớn của tấm bản đồ nội tâm trên toàn diện cuộc sống hằng ngày của con người, tôi cần cả một tác phẩm dài hơn 300 trang hay là nhiều hơn nữa. Trong khuôn khổ của bài chia sẻ nầy, tôi chỉ muốn nhấn mạnh một vài điểm then chốt sau đây :

THỨ NHẤT : Tấm bản đồ nội tâm là kết quả của một tiến trình học tập, từ ngày chúng ta sinh ra làm người. Xuyên qua tấm bản đồ, chúng ta ghi nhận, tiếp thu và hội nhập tất cả những kinh nghiệm, mà chúng ta đã kinh qua. Tấm bản đồ ấy phản ảnh một phần nào những định luật đang chi phối cuộc sống, trong môi trường bao quanh chúng ta.

Tuy nhiên, tấm bản đồ không thể đồng hóa với xứ sở hay là thực tế cụ thể và bao la, đang có mặt chung quanh chúng ta.

Trên tiến trình học tập, chúng ta đã sử dụng ba cơ chế, để thiết lập tấm bản đồ nội tâm ấy.

- Cơ chế thứ nhất là TỔNG QUÁT HÓA . Từ hai ba sự kiện mà chúng ta ghi nhận, quan sát, chúng ta rút ra một định luật thường hằng và bất biến. Chẳng hạn, có dịp tiếp xúc với ba hoặc bốn người Bắc, tôi thấy họ ăn nói khéo léo và làm ăn rất tài tình. Từ đó, tôi kết luận : người Bắc - bất cứ ở chỗ nào, bất cứ vào thời buổi nào - luôn luôn ăn nói khéo và làm ăn giỏi.

- Cơ chế thứ hai là GẠN LỌC. Nói về người Bắc, tôi chỉ đưa ra hai tư cách là ăn nói khéo và làm ăn giỏi. Kỳ thực, tôi đã vô tình hay hữu ý bỏ qua mọi yếu tố khác, có khi còn quan trọng và đáng được lưu ý hơn, trong những lãnh vực khác như chính trị, tôn giáo hay là nghệ thuật.

- Cơ chế thứ ba là CHỦ QUAN HÓA. Với tôi, người Bắc toát ra hai đặc điểm vừa được tôi đề cao và nhấn mạnh lui tới nhiều lần, khi có dịp trình bày ý kiến hay là quan điểm. Một người bạn khác ở sát cạnh nhà tôi có một kinh nghiệm khác và đề xuất một ý kiến khác, hoàn toàn ngược lại với lối nhìn của tôi. Tuy nhiên cả người ấy và tôi, không một ai SAI hoàn toàn một trăm phần trăm. Và cũng không một ai có khả năng chiếm hữu sự thật một cách toàn diện và tuyệt đối. Mỗi người đều dựa vào một số sự kiện cụ thể và khách quan, để rồi suy diễn, rút ra một kết luận hoàn toàn tổng quát, có khi xa rời khỏi thực tế được ghi nhận lúc ban đầu.

THỨ HAI : Tấm bản đồ nội tâm là một dụng cụ cần thiết cho cuộc sống của con người.

Với bao nhiêu hạn chế ắt có, tấm bản đồ nội tâm vẫn là một bàn đạp hay là một điểm tựa đầu tiên, cho phép tôi càng ngày càng đi xa hơn, trên con đường học tập và hiểu biết. Không biết một, làm sao tôi có thể biết mười.

Hẳn thực, nhờ biết một, tôi có thể so sánh điều tôi đã biết với bao nhiêu điều còn lại, để bổ túc, kiện toàn hay là sửa sai.

Trái lại, nếu mỗi ngày phải bắt đầu từ số không, tôi không bao giờ có một cơ sở vững chắc, để tiếp xúc và trao đổi qua lại hai chiều với những người chung sống hai bên cạnh và chung quanh tôi, để thu hóa những bài học mới.

Chúng ta hãy nhìn, quan sát và lắng nghe một em bé vừa mới bặp bẹ học nói. Lúc ban đầu, em chi biết gọi lui gọi tới : mẹ mẹ. Không nói được tiếng « Mẹ », làm sao em có thể học nói thêm tiếng « Ba »...Dựa trên cơ sở ấy, em sẽ ngày ngày tiếp tục học, để gọi tên Trời, tên Đất và tên của cả Vũ Trụ Càn Khôn.

THỨ BA : Mọi tấm bản đồ đều bất toàn và phiến diện.

Để có thể càng ngày càng tiến xa hơn, trên con đường học tập, làm người và tu luyện nhân cách của mình, chúng ta cần ý thức một cách rõ ràng và chắc chắn về tính cách bất toàn và phiến diện của mọi loại bản đồ đang có mặt trong nội tâm của chúng ta.

Khi ý thức về điều quan trọng nầy, chúng ta sẽ biết lắng nghe và cẩn trọng người đang tiếp xúc, trao đổi và trò chuyện với chúng ta.

Hẳn rằng tôi có một câu chuyện phản ảnh tấm bản đồ nội tâm của tôi. Nhưng người khác cũng có một câu chuyện độc đáo của họ. Cả hai có thể bổ túc, kiện toàn hay là sửa sai cho nhau, thay vì khai trừ, loại thải hay là xung đột lẫn nhau.

Đàng khác, tuy dù bất toàn và phiến diện, tấm bản đồ nội tâm đang ngày ngày điều hướng mọi chương trình hành động. Khi ý thức về điều ấy, chúng ta sẽ không ngừng tìm mọi phương tiện, để làm mới, đánh sáng lại tấm bản đồ trong nội tâm của chúng ta.

Người Xưa đã thường nhắc lui nhắc tới về bài học và trách nhiệm cập nhật hóa ấy, nhất là trên con đường làm người và trong mỗi quan hệ trao đổi với anh chị em đồng bào. « Nhật tân, nhật nhật tân, hựu nhật tân », phải chăng đó là gia tài và gia sản, mà Tổ Tiên và Cha Ông đã cô động và trối trăng lại cho chúng ta. Và ngày nay, chúng ta có bổn phận truyền thừa lại cho con cái và cháu chắt sau này. Mỗi ngày, đổi mới. Ngày ngày không ngừng đổi mới. Đổi mới hôm nay. Và ngày mai lại tiếp tục đổi mới tấm bản đồ nội tâm hay là lối nhìn của chúng ta. Tự khắc lúc bấy giờ, chúng ta sẽ trở nên « con người mới » có khả năng xây dựng Quê Hương và phục vụ anh chị em đồng bào,một cách thiết thực và hữu hiệu hơn.

Lausanne, Thụy sĩ

(Còn tiếp)