VẠN XUÂN CHI KẾ, THỤ THIÊN (Tiếp theo)

(CƯU MANG TRỜI để trở nên Bất Tử và xây dựng quan hệ Đối Thoại với anh chị em)

GIAI ĐOẠN NĂM: ĐỐI THOẠI

Khi thảo luận, tôi đặt công việc và thành quả lên hàng ưu tiên số một ( Putting first things first), bởi vì tôi có nhu cầu giải quyết một vấn đề, cố gắng đề xuất những quyết định hợp lý và hợp tình, chọn lựa một đường hướng hành động thích ứng với hoàn cảnh hay là thực tế. Tư tưởng đồng qui vừa là dụng cụ, vừa là mục tiêu, trong địa hạt thảo luận có tính khoa học.

Khi đối thoại trái lại, quan hệ trở thành ưu tiên thượng đẳng. Con người ở trước mặt tôi có giá trị hơn tất cả những điều mà người ấy đang bộc lộ ra ngoài, thậm chí khi họ còn bám trụ vào giai đoạn phản ứng bốc đồng và tự động.

Tuy nhiên, trên năm bình diện - tác phong, thể thức ghi nhận sự kiện, ngôn ngữ, lối nhìn, xúc động - vì tôi đang kết dệt những quan hệ đối thoại, tôi cần đảm nhiệm bốn chiều kích đóng góp cho người đang có quan hệ với tôi : Nhận và Cho, Xin và Từ Chối. Và người ấy cũng đang đóng góp cho tôi, bằng cách nầy hoặc cách khác, trong bốn địa hạt ấy. Cũng giống như tôi, họ đang Xin và Cho, Nhận và Từ Chối. Nói một cách vắn gọn, người ấy vừa dạy cho tôi, vừa học với tôi. Đồng thời, tôi cũng vừa dạy cho họ, vừa học với họ.

Tôi học CHO, khi tôi ý thức rằng tôi đang làm cha mẹ, đối với nhiều người đang cần tôi. Hiện tại, tôi có rất nhiều điều để cho. Khi cho, tôi có thể chọn lựa, hay là thay thế cái này bằng cái khác

Tôi học NHẬN bằng cách vui mừng đón lấy từ tay một người, một quà tặng. Đón lấy không có nghĩa là cướp giật, tước đoạt.

Khi XIN, tôi ý thức mình là người không có và cần sự giúp đỡ của một người đang có. Khi xin như vậy, tôi ý thức rằng người kia có thể cho và cũng có quyền từ chối. Xin không phải là ép buộc, đòi hỏi. Và Xin cũng không có nghĩa là lệ thuộc, quị lụy, luồn cúi.

TỪ CHỐI một điều là khẳng định rằng điều ấy trong hoàn cảnh hiện tại không thích hợp với nhu cầu và thực tế của tôi. Tôi từ chối một điều, khi tôi không cần.

Tác giả St. COVER sử dụng một lối nói khác, nhưng nội dung vẫn tương tự : Quan hệ hài hòa hay là đối thoại bao gồm ba chiều kích thiết yếu :
  • Một là lắng nghe để tìm hiểu, hơn là đòi hỏi người đối diện phải hiểu mình,
  • Hai là sáng tạo, tìm mọi cách để người khác có điều kiện làm người có giá trị và nhân phẩm giống như tôi, ngang hàng tôi. Nói khác đi, thái độ và lối nhìn « Người Thắng-Tôi Thắng » là nguyên lý đang soi sáng và điều động quan hệ của tôi.
  • Ba là tương sinh tương thành. Trong tiếng Anh, đó là ý nghĩa sâu xa của lối nói « Synergizing ». Khi mọt cọng với một, trong quan hệ đối thoại, số thành không phải chỉ là hai, nhưng là « Thiên thủ, Thiên nhãn ».
Những bài học nầy, tôi đã thu hóa suốt thời gian dạy học cho trẻ em khuyết tật, chậm trí, tự bế...trong vòng gần 2O năm. Đành rằng tôi không bao giờ khinh thường những phương thức tư duy có tính khoa học. Tuy nhiên, nếu tôi phải chờ đợi học sinh của tôi hội nhập những bài học về năm nấc thang Suy Diễn, để rồi mới thiết lập với các em ấy những quan hệ tích cực, xây dựng và hài hòa, chắc hẳn tôi đã phải bỏ cuộc vì trầm cảm và thất vọng, trong tuần lễ đầu tiên, khi mới tiếp xúc.

Trong tinh thần và chiều hướng đối thoại với các em ấy, tôi đã ngày ngày áp dụng phương pháp và dụng cụ sư phạm của L. S. VYGOTSKY. Để phục vụ trẻ em, tôi phân chia lãnh vực quan hệ thành ba vùng học tập. Thứ nhất là vùng tự lập. Thứ hai là vùng chuyển tiếp hay là trung gian. Thứ ba là vùng xa lạ.

Trong vùng tự lập, trẻ em đã biết làm và thích làm.

Trong vùng xa lạ, trẻ em không bao giờ dám đi vào. Lo sợ đã khống chế và làm tê liệt mọi ý thích mạo hiểm. Nếu tôi cưỡng ép trẻ em đi vào đó, các em sẽ từ chối. Nếu tôi vẫn khư khư cưỡng ép, trẻ em sẽ thoái hóa. Phản ứng lo sợ ban đầu dần dần biến thành cố định hay là một hội chứng « rối loạn tác phong ».

Nhằm tạo điều kiện cho các em có thể học và thích học, tôi cần sáng tạo một vùng giao tiếp hay là trung gian, bằng cách thêm vào vùng tự lập một yêu cầu nho nhỏ ngang tầm thực hiện của các em. Nhờ có quan hệ yêu thương và kính trọng, đã được xây dựng, vun bón... trong quá trình tiếp xúc và trao đổi, từ trước cho tới nay, trẻ em chấp nhận cùng làm với tôi, một cách dễ dàng. Trẻ em càng làm, càng biết làm và càng thích làm, cho đến khi có thể làm một mình. Vùng tự lập nhờ đó càng ngày càng nới rộng ra. Và vùng xa lạ càng ngày càng lùi dần.

Nhằm minh họa, tôi xin đan cử một vị dụ cụ thể :

Em La chỉ biết xé giấy một cách tài tình. Ngày học đầu tiên, nhân có điện thoại gọi, tôi đi ra trước cửa lớp học để trả lời. Trong vòng chưa đầy hai phút, em La đã xé nát những sách và tài liệu được sắp xếp trên một kệ sách, gần chỗ bàn viết của tôi.

Tôi chớp thời cơ, xem việc xé giấy là một khả năng tự lập và thuần thành của Em La.

Vùng chuyển tiếp do tôi sáng tạo, để giúp em La học tập, bao gồm những yêu cầu từ từ đi lên, theo cấp độ từ dễ đến khó. Nói cách khác, tôi xin em La một vài điều mà em có thể cho, vì yêu thương tôi :
  • "La ơi, em tới đây xé giấy với Thầy",
  • "Xé giấy với Thầy, trong chỗ nầy, em không xé ở ngoài"
  • "Hãy xé với bạn Tú đang ngồi bên cạnh em",
  • "Xé xong, hãy đặt những mảnh giấy vụn vào trong chiếc giỏ nầy",
  • "Xé xong rồi, em đem cất giỏ giấy vào góc lớp"...
Và cứ như vậy, em La càng tiến bộ, tôi càng nâng cao yêu cầu. Độ khó của bài học càng ngày càng gia tăng.

Trong địa hạt thực tập Đối Thoại, phải chăng đó cũng là cách dạy và cách học, trong những nhóm sinh hoạt khác nhau ? Bài học Đối Thoại phải được « thái nhỏ », lúc bấy giờ học viên bất kể thuộc lứa tuổi nào mới có khả năng « nhai và nuốt » một cách ngon lành và dễ dàng.

Vì thiếu những bài học cụ thể về đối thoại như vậy, chúng ta đang chứng kiến một hiện tượng rất phổ biến. Khắp nơi, trong mọi môi trường chính trị, nghề nghiệp cũng như tôn giáo, ai ai cũng hô hào, đòi hỏi « Phải đối thoại ». Nhưng chính những người hô hào, rao giảng về đối thoại, lai là những người áp đặt mệnh lệnh từ trên, từ ngoài, trong cuộc sống thường ngày.

Sau đây tôi xin đan cử một vài bài học thái mỏng :
  • Thực tập sứ điệp ngôi thứ nhất, để nói về mình, thay vì ra lệnh : « Tôi thấy em đang khóc, thay vì : Nín đi, đừng khóc như con nít ».
  • Ghi nhận sự kiện, thay vì phê bình : « Sáng nay tôi thấy bạn đến trễ 5 phút », thay vì : « Bạn đến trễ như vậy là một thói quen rất xấu ».
  • Tôn trọng ý kiến của người khác : « Về hành vi vắng mặt của em A, chị cho tôi biết tin tức là em A bị bệnh cúm. Bà hiệu trưởng lại nói với tôi cách đây năm phút : Mẹ em A xin phép cho em A nghỉ một tuần ».
Với những cách làm cụ thể nầy, toàn thể các thành viên trong nhóm học tập về đối thoại, sẽ dần dần ý thức một cách sâu sát về vai trò và trách nhiệm của họ :
  • Tôi cùng với những nhóm viên khác đang làm nên một tổng thể,
  • Trong nhóm, tôi chia sẻ kinh nghiệm độc đáo của tôi. Sau đó, tôi lắng nghe chị A, anh B chia sẻ ý kiến của họ.
  • Cả nhóm không loại trừ một ai xây dựng một tiến trình tư duy : « Trong 15 phút thảo luận vừa qua, Em chưa nghe chị C cho biết ý kiến của chị. Bây giờ, em muốn nghe chị C nói ».
  • Phân biệt lối nhìn và xúc động : « Nửa giờ vừa qua, mỗi người đã trình bày quan đỉểm của mình. Bây giờ tôi muốn lắng nghe xúc động của mỗi người, trước sự việc mà chúng ta đã bàn tới ».
  • Ý thức về « CHÚNG TA » : « Tôi đã phát biểu. Mười lăm anh chị khác cũng đã nói lên tiếng nói của mình. Chúng ta còn 45 phút. Chúng ta có thái độ gì, với tư cách toàn nhóm, về sự việc ấy. Toàn Nhóm đã đề xuất 3 cách làm. Theo ý kiến của nhóm, trong 3 cách làm ấy ưu tiên số 1 là gì ? »
Với ý thức càng ngày càng được vuốt nhọn như vậy, đối thoại không phải là một lý thuyết. Đối thoại cũng không phải là một kỹ thuật cần được áp dụng một cách vô hồn. Đối thoại là sống với nhau, sáng tạo với nhau, làm người với nhau. Khi nầy, chúng ta Cho và Xin nhau. Khi khác, chúng ta Nhận một cách vui tươi, hay là Từ Chối một cách thanh thảnh và bình tĩnh.

Lausanne, Thụy Sĩ Mùa Trung Thu 2004

(Còn tiếp)