VẠN XUÂN CHI KẾ, THỤ THIÊN (Tiếp theo)

(CƯU MANG TRỜI để trở nên Bất Tử và xây dựng quan hệ Đối Thoại với anh chị em)

6.-NHỮNG GIAI ĐOẠN THĂNG TRẦM TRƯỚC KHI ĐỐI THOẠI

Đối thoại với bốn động tác cụ thể và bốn nguyên lý điều hợp vừa được trình bày, không phải là thành quả của một ý chí toàn năng « muốn là được ngay lập tức ».

Đối thoại cũng không bao giờ là một khoa học kỹ thuật cần được áp dụng một cách máy móc, tự động, vô hồn và vô thức.

Sau khi hội nhập hay là nhận làm của mình, một cách thuần thành và nhuần nhuyễn, bốn động tác do tác giả W. ISAACS đề xuất và giới thiệu, chưa hẳn chúng ta đã thâu đạt khả năng đối thoại, một cách vĩnh viễn, hay là biến thành xương da, máu thịt của mình.

Sai một ly, có thể đi một dặm. Chỉ cần một giây lát thiếu tĩnh thức, cấu trúc Hạnh Nhân - thuộc Hệ Viền, nằm ở trung tâm Não Bộ hay là Hệ Thần Kinh trung ương - đã lên cơn sốt và nhả ra trong đường máu những chất độc tố mang tên chuyên môn là Adrénaline... con người chúng ta đã đánh mất bình tĩnh và an lạc. Hệ Tân Vỏ Não - có phần vụ điều hướng mọi cơ quan trong con người - lúc bấy giờ bị khống chế. Mọi hoạt động bình thường của Tư duy bị tê liệt. Ở trong tình huống nầy, tuy có mắt, chúng ta không còn thấy. Tuy có tai, chúng ta không còn nghe... Bao lâu chất độc tố chưa hoàn toàn tan biến trong đường máu, hoặc được bài tiết ra ngoài, chúng ta còn gặp phải bao nhiêu chướng ngại, để tái lập quân bình và an toàn nội tâm.

Một vài nhận xét về Hệ Thần Kinh Trung Ương như vậy cho chúng ta cảm nghiệm một phần nào : con đường hay là tiến trình đối thoại có thể dễ dàng thoái hóa, trong bất kỳ tình huống nào, với bất kỳ một người nào, lớn bé, già trẻ, trí thức, vua chúa, nhà lãnh đạo, thành phần bình dân...

Sau đây, vì lý do sư phạm, tôi muốn giản lược tiến trình đối thoại thành những giai đoạn tiếp nối nhau trên một đường thẳng. Trong thực tế của cuộc sống, tiến trình đối thoại có thể đi lên đi xuống, đi tới đi lui. Hoặc giả, hai giai đoạn khác nhau có thể chồng chéo, xen kẽ vào nhau.

GIAI ĐOẠN MỘT : TỰ VỆ VÀ GIỮ KHOẢNG CÁCH

Khi hai người bắt đầu đến với nhau, ngồi lại với nhau, để trao đổi chuyện trò, họ thường kinh qua một thời gian trong tư thế xã giao, tự vệ, giữ khoảng cách. Trong nhiều trường hợp, họ giữ thái độ câm nín, vì không thể tìm ra điểm hội tụ, để xích lại gần nhau. Bầu khí giữa họ có thể trở nên càng lúc càng ngột ngạt, nặng nề, căng thẳng.

GIAI ĐOẠN HAI : NHỮNG VA CHẠM ĐẦU TIÊN, KHI NHỮNG LỐI NHÌN KHÁC BIỆT BẮT ĐẦU XUẤT HIỆN.

Bầu khí xã giao và thái độ giữ khoảng cách sẽ từ từ nhường bước, khi có một công việc hay là một đề tài thảo luận qui tụ và tập hợp hai người lại với nhau. Tuy nhiên, chính lúc họ bắt đầu trao đổi và chia sẻ, lập tức những ý kiến khác biệt từ từ xuất hiện. Những sự kiện do người nầy ghi nhận không ăn khớp với những sự kiện được người kia trình bày. Hệ quả đương nhiên là hai lối nhìn có thể đối kháng lẫn nhau. Từ đó, mỗi người có thể co rút và khép mình lại trong vỏ ốc xúc động riêng tư. Hứng khởi lúc ban đầu khả dĩ mở đường trong chiều hướng chia sẻ, góp chung lại hay là trao đổi qua lại, đang gặp phải chướng ngại. Bao lâu câu chuyện chưa đi vào vùng trọng tâm và phần thiết yếu, mỗi người còn kiểm soát mình. Xung đột chưa bùng nổ. Tuy nhiên, mặt ngoài của mỗi người không còn phản ảnh mặt trong. Tác phong khách quan bên ngoài không còn ăn khớp với tiến trình và trạng thái của nội tâm. Phân tán và phân hóa là nguy cơ đang thành hình.

GIAI ĐOẠN BA : TRANH CHẤP VÀ XUNG ĐỘT, VÌ NHẢY VỌT LUNG TUNG.

Vì thiếu hiểu biết do thiếu người hướng dẫn và soi sáng, chúng ta không phân biệt bốn thành tố khác nhau có mặt trong mỗi tiến trình tư duy:

Thành tố Số 1 :Sự kiện cụ thể và khách quan,

Thành tố Số 2 : Giả thuyết hay là cách thuyên giải,

Thành tố Số 3 : Kết luận cuối cùng

Thành tố Số 4 : Chương trình hành động.

Thay vì từ từ leo lên từng nấc thang, trước mặt chứng kiến của người đối diện, từ số 1 đến số 4, một cách bình thản và có thứ tự, chúng ta nhảy vọt lung tung, lộn xộn. Chúng ta đồng hóa giả thuyết với sự kiện. Chúng ta kết án, nghĩa là rút ra một kết luận, trước khi trình bày giả thuyết hay là kiểm chứng tính khách quan của các sự kiện được ghi nhận. Thêm vào đó, chúng ta áp đặt chương trình hành động, một cách tùy tiện, thay vì dựa vào một nhu cầu có mặt trong thực tế cụ thể và khách quan của môi trường sinh thái hiện tại.

Bao nhiêu ngộ nhận và xung đột đều phát xuất từ tình trạng thiếu hiểu biết khoa học, trong lãnh vực tư duy hay là suy diễn.

Tệ hại hơn nữa là xung đột không bao giờ được khoanh vùng một cách rõ rệt, trong địa hạt tư duy. Xung đột tràn qua đời sống xúc động, dẫn khởi một dây chuyền dài thòng lòng bao gồm những phản ứng giận hờn, bực bội, căng thẳng, trầm cảm, xao xuyến, loạn động, đứng ngồi không yên nguôi...

Lo sợ là xúc động đầu đàn kéo lôi và lèo lái toàn bộ đội ngũ nầy. Lo sợ tấn công, đập phá tất cả những gì có liên hệ đến tình người, tình thương, tình đồng bào.

Nếu không tĩnh thức, để tức khắc dừng lại, thay đổi, chuyển hóa bản thân, những hiện tượng như bạo động và hận thù trong tác phong và quan hệ, sẽ là hệ quả thường tình và tất yếu.

GIAI ĐOẠN BỐN : CHUYỂN HƯỚNG, CHỌN LỰA PHƯƠGN THỨC THẢO LUẬN KHOA HỌC.

Nhờ được trang bị bằng những kiến thức khoa học về con đường tư duy,

Nhờ có Tình Thương làm động cơ thúc đẩy từ bên trong nội tâm,

Nhờ vai trò can thiệp của một nhân vật có khả năng làm trung gian và phản ảnh,

Nhờ những kinh nghiệm khổ đau có tác dụng luyện kim, mà chúng ta đã kinh qua, trong lòng cuộc đời...chúng ta có thể chuyển đổi hướng đi.

Hẳn thực, khi cảm nghiệm những tranh chấp, xung đột đang thành hình trong nội tâm và từ từ xuất hiện ra ngoài trong câu chuyện trao đổi, tức khắc chúng ta biết DỪNG LẠI, chuyển hướng, chọn lựa con đường tư duy có tính khoa học, bao gồm những bước đi lên sau đây :

BƯỚC THỨ NHẤT : nắm vững bốn nấc thang của tư duy khoa học, vừa được nói tới trên đây.

BƯỚC THỨ HAI : Diễn tả ra ngoài bằng ngôn ngữ thể thức lý luận và suy diễn của mình, một cách rõ ràng, trong sáng và có hệ thống, xuyên qua năm động tác :

Tôi ghi nhận những sự kiện khách quan.. .

Tôi đề xuất giả thuyết...

Tôi kiểm chứng sự kiện và chứng minh giả thuyết,bằng những phương tiện...

Tôi rút ra kết luận cuối cùng...

Tôi dự kiến những hành động...

BƯỚC THỨ BA : Kêu mời, lắng nghe và trân trọng những đóng góp, nhận xét của người đối diện, nhằm sửa sai, bổ túc và kiện toàn thể thức suy luận mà tôi đã trình bày và biện hộ.

Sau khi trình bày và biện hộ lý luận của mình một cách khoa học, tôi cần sự đóng góp và nhận xét của người đối diện, là vì kinh nghiệm và khổ đau trong lòng cuộc đời đã dạy cho tôi những bài học quí hóa như sau :

THỨ NHẤT : Thực tế và thực tại của môi trường sinh thái có tính bao la và phức tạp. Thực tế ấy không ngừng chuyển biến, tuy dù bộ mặt bên ngoài có những sắc thái bất biến và bất động, trước con mắt của tôi. Những gì tôi ghi nhận chỉ có tính cách phiến diện, phản ảnh một phần, một khía cạnh hạn hẹp của thực tế bao la. Đương khi đó, một người khác, đứng ở vị thế khác, có thể ghi nhận nhiều sự kiện khác, thoát khỏi tầm nhìn và tầm ý thức của tôi.

THỨ HAI : Khi nêu lên những giả thuyết, rút ra những kết luận và tiên liệu những hành động, tôi chỉ làm công việc cố gắng XÍCH LẠI GẦN sự thật. Sự thật toàn bích toàn diện, trái lại, thoát khỏi tầm nắm bắt của tôi. Nói khác đi, tôi không bao giờ chiếm hữu toàn quyền về sự thật. Cho nên, thay vì tố cáo, phê phán, kết án người đối diện và gán cho họ những nhãn hiệu sai lầm, gian manh, láo khoét, phản bội... tôi hãy khiêm cung lắng nghe, tìm hiểu, đặt câu hỏi, cẩn trọng ý kiến và lối nhìn của họ.

Như trước đây tôi đã nhấn mạnh, khi thảo luận có tính khoa học, tôi làm công việc « Mặc khải mình », chia sẻ tiếng nói trung thực, đảm nhận tính chủ thể, thay vì áp đặt, nói thay, nói thế, cả vú lấp miệng em.

Lausanne, Thụy Sĩ

Mùa Trung Thu 2004

(Còn tiếp)