VẠN XUÂN CHI KẾ, THỤ THIÊN (Tiếp theo)

(CƯU MANG TRỜI để trở nên Bất Tử và xây dựng quan hệ Đối Thoại với anh chị em)

3.- NHỮNG BÀI HỌC TRÊN TIẾN TRÌNH LÀM NGƯỜI

Thể theo những lối nhìn mới, thuộc ngành giáo dục và sư phạm đương đại, sáu giai đoạn thành nhân trên đây, phải được hiểu là sáu động tác cụ thể, cùng nhau phối hợp và tạo lập một tiến trình Thụ Nhân và Thụ Thiên.

Hẳn thực, phải đợi đến tuổi bảy mươi mới bắt đầu Tùng Tâm, thì đã quá muộn màng.

Trái lại, chính ngày hôm nay, ở đây và bây giờ, chúng ta cần thực tập và tôi luyện những bài học như sau:
  • Lắng Nghe (Nhĩ Thuận),
  • Thuyên Giải các hiện tượng của Trời Đất (Tri Thiên Mệnh),
  • Ý Thức về những lỗi lầm của mình và tìm cách Hóa Giải (Bất Hoặc), nhất là trong những trao đổi chuyện trò hằng ngày, khi tiếp xúc với kẻ khác, ở trên ở dưới, ở trong và ở ngoài,
  • Tự lập và Sáng Tạo con đường đi cho chính mình, trong mọi tình huống có lợi hay là bất lợi,
  • Dấn bước trên Con Đường Tình Thương (Tùng Tâm) bất kỳ với ai, trong bất kỳ hoàn cảnh nào.
Một cách đặc biệt, năm bài học ấy phải được dạy bằng nhiều phương thức và dụng cụ khác nhau, khi một em bé vừa đi ra khỏi lòng mẹ.

Sở dĩ con người ngày nay, thuộc thời đại Nghìn Năm Thứ Ba, không biết lắng nghe nhau, không đối thoại với nhau, ngày ngày lôi cuốn nhau đi vào những vòng mê cung bạo động, hận thù, kỳ thị và chiến tranh... phải chăng bởi vì không có một cơ sở học đường nào, cũng như không có một giáo viên nào có khả năng dạy cho học sinh và con em chúng ta năm bài học làm người và làm Trời rất quan trọng trên đây ?

Trong khuôn khổ hạn hẹp của bài chia sẻ nầy, tôi không có tham vọng đề xuất một chương trình đại qui mô về thể thức Cưu Mang Trời trong cõi lòng làm người. Ý hướng của tôi là mạo muội giới thiệu cho những ai đang lắng nghe tôi, một vài đường nét chấm phá về Con đường Đối Thoại, tràn đầy chông gai và hiểm trở.

Một đàng, chúng ta cần ngày ngày tôi luyện những động tác cụ thể nào, khi đối thoại ?

Đàng khác, bao nhiêu chướng ngại đang chờ đợi và bủa vây chúng ta trên những bước đường nầy là những gì ? Làm sao có thể khắc phục và hóa giải ?

4.- BỐN ĐỘNG TÁC CƠ BẢN THUỘC TIẾN TRÌNH ĐỐI THOẠI

Theo cách hướng dẫn của tác giả W. ISAACS, khi dấn bước vào con đường đối thoại với người khác, chúng ta chỉ cần thực hiện lui tới, một cách nhuần nhuyễn và thuần thục, bốn động tác cụ thể và cơ bản sau đây :

* THỨ NHẤT là lắng nghe người đang tiếp xúc và chia sẻ với chúng ta (listening),

* THỨ HAI là tôn trọng tính chủ thể của con người đang trao đổi và chuyện trò (respecting),

* THỨ BA là mang ra vùng ánh sáng những gì đang có mặt trong nôi tâm, can đảm đặt lên bàn, trước mặt của người đối diện, để họ có thể khảo sát, tìm hiểu, nêu lên những câu hỏi hay là trình bày những thắc mắc, sau khi tiếp thu và ghi nhận những điều do chúng ta phát biểu. Để diễn tả động tác nầy, W. ISAACS sử dụng hai từ trong tiếng Anh : suspending và surfacing. Suspending có nghĩa là treo lên trước mặt mọi người. Surfacing là mang lên trên bề mặt. Với cách làm nầy, chúng ta tránh tối đa thái độ úp mở, giấu đầu hở đuôi hay là quanh co, nói bóng nói gió, không đi thẳng vào câu chuyện cần đề cập. Không ngụy trang hoặc xuyên tạc những tin tức, dữ kiện.

* THỨ BỐN là diễn tả con người trung thực của mình (voicing). Chúng ta phát biểu, bằng cách sử dụng sứ điệp ngôi thứ nhất « TÔI » để nói về chính mình, thay vì tố cáo, phê phán, qui lỗi người trước mặt... áp đặt cho họ những lối nhìn, những quan điểm hay là những mệnh lệnh từ ngoài và từ trên, như : Mày phải... mày không có phép... mày nên... Diễn tả, theo lối nhìn của W. ISAACS, là mặc khải mình, chia sẻ một tấm lòng, trang trải ra ngoài cái « chân như » của chúng ta : nguyên liệu kết tạo nên con người tôi là như vậy. Đồng thời, chúng ta tránh tối đa những xu thế tự nhiên như bóp méo, phóng đại, gạn lọc theo kiểu « tốt khoe, xấu che ».

5.- BỐN NGUYÊN LÝ ĐIỀU HƯỚNG VÀ ĐIỀU HỢP

Để có thể thực hiện bốn động tác cơ bản trên đây, chúng ta cần qui chiếu vào bốn nguyên lý soi sáng và điều hướng :

* THỨ NHẤT , tôi lắng nghe người đối diện, vì người ấy và tôi là hai thành tố thuộc về một Cấu Trúc Tổng Thể, một Toàn Diện rộng lớn, vượt ra ngoài tầm nhìn của chúng ta (Wholeness). Theo cách nói của Huyền Sử Việt Nam, tất cả chúng ta đều được cưu mang trong cùng một bào thai của Mẹ Au Cơ. Dòng máu Trời đang luân chuyển trong huyết quản của chúng ta.

* THỨ HAI , tôi tôn trọng tính chủ thể của con người đang chia sẻ và trao đổi với tôi. Tôi không nói một đàng, làm một nẻo. Tôi không phân chia con người của tôi thành bốn mảng tách lìa khỏi nhau hoặc chưởi bới nhau (Coherence). Bốn địa hạt - hành động cụ thể, lối nhìn, xúc động và đời sống quan hệ - tất cả ăn khớp vào nhau và đồng loạt phản ảnh con người toàn diện hay là tính chủ thể của tôi. Khi đảm nhiệm công việc tôn trọng người khác như vậy, tôi đang tôn trọng chính mình tôi. Tôi vươn mình lên thấu tận Trời. Tôi cưu mang Trời.

* THỨ BA , tôi gọi ra ánh sáng tất cả những gì đang xuất hiện trong nội tâm, bằng cách trình bày ra ngoài cho người đối diện, bao nhiêu quan điểm, lập trường, tin tưởng và dự kiến, cũng như những phản ứng thuộc về địa hạt xúc động. Đằng sau mỗi xúc động, một hay nhiều nhu cầu của tôi đang ẩn núp. Chúng ta hãy học tập nhìn thẳng mặt chúng nó, gọi tên và tìm cách lắng nghe, đáp ứng (Awareness).

Khi thực thi động tác thứ ba, một đàng tôi đảm nhiệm và nhìn nhận con người thực sự của tôi. Chứ không phải con người « ngẫu tượng », bày vẽ, sơn son thếp vàng. Tôi không tránh né hoặc chối từ những gì phát xuất từ nội tâm của tôi.

Đàng khác, khi người đối diện đóng góp thêm những nhận xét về phía họ, tôi có thêm một nguồn ánh sáng mới. Nhờ vào đó, tôi có thể đánh sáng và mài nhọn ý thức về mình, hay là Bản Sắc của tôi. Tôi biết « Tôi là ai ? ». Tôi hiện đang ở đâu ? Tôi đi về đâu ? Tôi mang trong mình những năng động và bị động như thế nào ? Trên đường đi tới, tôi cần củng cố những điểm tích cực nào ? Đồng thời, tôi phải chuyển hóa những gì, trước khi những điều ấy đóng lớp rêu phong và trở thành những trở ngại khó khắc phục.

* THỨ BỐN , tôi khẳng định bản sắc và đóng góp tiếng nói làm người và làm Trời của mình. Tôi chia sẻ tấm lòng bao la và cao cả (Unfolding).

Hẳn thực, trong nhiều trường hợp, người khác đang cần ý kiến của tôi. Vai trò và trách nhiệm của tôi là lãnh đạo, đề xuất những đường hướng và kế hoạch hành động.

Khi khác, đối chất là công việc tôi cần phát huy và đặt lên hàng đầu. Đối kháng, đối chất không có nghĩa là đập phá, tấn công, phản động, lật đổ, tố cáo, bạo động. Nhưng là đưa ra một lối giải quyết hoàn toàn độc đáo và mới lạ, trước một vấn đề đang trở thành bế tắc, vì hiện thời tôi có cơ may đang đứng ở một vị trí khác, có nhiều dữ kiện khác, với một tâm trạng không bị đóng khung và ràng buộc vào một cấu trúc hiện hành.

Hai cách đóng góp khác không kém phần quan trọng : Một là ủng hộ, củng cố một lập trường đã có mặt và đang trên đà đi lên. Hai là phản ảnh, cơ hồ một tấm gương soi. Trong đó, người lãnh đạo độc tài có thể thấy rõ bàn tay lông lá và bộ mặt trâu ngựa của mình, để giật mình, tĩnh thức, chuyển hóa. Thêm vào đó, nhờ vai trò phản ảnh của tôi, một người dân ngày ngày lam lũ trên đồng ruộng, một người phu quét đường phố, một bà già ngồi ăn xin bên vệ đường, một trẻ em ngày ngày đến trường với bụng đói hoành hành...từng mỗi cá nhân ấy đang được lắng nghe, chiếu cố và coi trọng, như một con người toàn diện và toàn phần.

Nói tóm lại, bốn chiều kích đang kết tinh kết tụ trong bản sắc làm người của tôi : Hướng dẫn, Đối chất, Củng cố và Phản ảnh.

Khi khẳng định mình và đóng góp tiếng nói như vậy, tôi sử dụng sứ điệp ngôi thứ nhất, để trình bày những gì chính tôi đã thực sự ghi nhận, một cách cụ thể và khách quan, với năm giác quan của tôi : tôi thấy, tôi nghe, tôi đụng đến...Nếu không làm như vậy, tôi sẽ chập chờn, nhảy vọt lung tung, cơ hồ vượn chuyền cành, từ một giả thuyết không bao giờ được kiểm chứng đến những lời đồn thổi vô căn cứ được nhai đi nhai lại. Hay là tôi tố cáo, phê phán, bói đoán, suy bụng ta ra bụng người. Nói cách khác, tôi chỉ phản ứng một cách máy móc, bốc đồng, loạn động...thay vì thanh thản và bình tĩnh làm chủ tình hình, sáng tạo bản thân, bằng con đường tư duy có hệ thống và tính khoa học.

Lausanne, Thụy Sĩ

Mùa Trung Thu 2004

(còn tiếp)