"VẠN XUÂN CHI KẾ, THỤ THIÊN"

(CƯU MANG TRỜI để trở nên Bất Tử và xây dựng quan hệ Đối Thoại với anh chị em)

1.- NHẬP ĐỀ : TRỒNG LÚA, TRỒNG CÂY VÀ GIÁO DỤC CON NGƯỜI

Người xưa đã dạy chúng ta :

- « Nhất niên chi kế, thụ cốc.

- « Thập niên chi kế, thụ mộc.

- « Bách niên chi kế, thụ Nhân ».

Theo cách thuyên giải của tôi,

Để lên kế hoạch trong vòng một năm, vấn đề cần đặt lên hàng đầu trong cuộc sống làm người, là TRỒNG LÚA, nhằm thỏa mãn nhu cầu lương thực hằng ngày của chúng ta.

Để lên kế hoạch trong vòng mười năm, không gì hữu hiệu hơn là TRỒNG CÂY, nhằm lành mạnh hóa môi trường sinh thái và mang lại bóng mát cho những ai kết dệt quan hệ với chúng ta, trong lòng Quê Hương và Nhân Loại.

Để lên kế hoạch trong vòng một thế kỷ, con đường tất yếu và trách nhiệm của những ai đang làm người, là TRỒNG NGƯỜI, nghĩa là phát huy tính người và trang trải tình người, trên mỗi đường đi nẻo về của cuộc đời.

Thể theo nền văn hóa của Con Rồng Cháu Tiên, từ thời kỳ nguyên thủy cho tới ngày hôm nay, Tổ Tiên Cha Ông còn muốn mở rộng câu nói ấy, bằng cách thêm vào một chiều kích mới:

« Vạn Xuân chi kế, THỤ THIÊN »,

có nghĩa là :

Để có thể trở nên cao cả và bất diệt, chỉ có một con đường chúng ta cần phải ngày ngày tôi luyện và dấn bước, đó là tâm hồn Hướng Thượng, hay là kế hoạch CƯU MANG TRỜI trong cõi lòng của mình. Nhờ đó, chất Trời sẽ từ từ thấm nhuần và toát ra trong ngôn ngữ, hành động, lối nhìn và mọi hình thức quan hệ giữa chúng ta với tha nhân. Nhờ Cưu Mang Trời, chúng ta mới có khả năng ĐỐI THOẠI với Anh chị em đồng bào, trong lòng Quê Hương, Đất Nước. Nói khác đi, đối thoại với ai có nghĩa là nhìn nhận Chất Trời đang có mặt trong người ấy. Chất Trời là sợi giây nối kết hai người lại với nhau.

2.- THẾ NÀO LÀ CƯU MANG TRỜI ?

Xuyên qua những lời dạy bảo ấy, Người Xưa muốn nhấn mạnh thêm rằng : Trên con đường làm người, nếu có Chất Trời làm động cơ thúc đẩy từ bên trong nội tâm, chúng ta sẽ từ từ kinh qua những giai đoạn phát triển và tăng trưởng như sau :

Chung quanh mười lăm tuổi, chúng ta sẽ hứng thú và chuyên chăm học tập, để tiếp thu và hội nhập những nguyên lý sáng soi cuộc đời. Theo lối nói thời trang ngày nay, đó là những cấu trúc, những qui luật hay là « những loại bản đồ nội tâm », khả dĩ cho phép chúng ta xác định phương hướng hành động và tìm ra những điểm mốc, những địa chỉ, để tiến tới, trên những nẻo đường xuôi ngược của nhân loại. Giai đoạn đầu tiên nầy mang tên là : « Thạp ngũ nhi chí vu học ».

Nhờ biết học tập và tôi luyện như vậy, vào tuổi ba mươi, chúng ta sẽ có khả năng tự lập và bước đi một cách vững vàng ngang dọc, trên những chặng đường trưởng thành và phục vụ xã hội. Đó là giai đoạn thứ hai : « Tam thập nhi lập ».

Qua tuổi bốn mươi, chúng ta sẽ dần dần biết chuyển hóa bao nhiêu lỗi lầm và thiếu sót có mặt khắp nơi, trong hai địa hạt ngôn ngữ và hành vi, khi tiếp xúc với tha nhân. Đồng thời, chúng ta bắt đầu có khả năng khám phá nhiều tầng lớp ý nghĩa khác nhau của mỗi biến cố và sự kiện, đang ngày ngày diễn ra trước mặt và chung quanh chúng ta. Đó là giai đoạn thứ ba : « Tứ thập nhi bất hoặc ».

Vào tuổi năm mươi, sau khi trải qua bao nhiêu thăng trầm, chìm nổi, trong lòng cuộc đời, chúng ta bắt đầu tìm hiểu và coi trọng Ý Trời, trong những thời điềm hoặc tai họa, hay là những hiện tượng tự nhiên như bão tố, lụt lội, động đất, hạn hán...Đó là giai đoạn thứ bốn : « Ngũ thập nhi tri Thiên Mệnh ».

Từ tuổi sáu mươi trở lên, chúng ta biết lắng nghe mình và lắng nghe người anh chị em. Từ thái độ lắng nghe nầy, chúng ta biết kính trọng quan điểm và lập trường của những người đang chung sống và hoạt động cùng với chúng ta. Nhờ biết cẩn trọng, chúng ta có khả năng trao đổi, chia sẻ và đối thoại. Qua tác phong đối thoại, chúng ta biết diễn tả, khẳng định bản sắc đích thực và cao cả của mình. Đồng thời, chúng ta cũng có trách nhiệm tạo điều kiện thuận lợi, để cho kẻ khác cũng có khả năng bộc lộ, diễn tả tính chủ thể của họ, giống như chúng ta, ngang hàng chúng ta, với chúng ta và nhờ chúng ta. Đó là giai đoạn thứ năm : « Lục thập nhi nhĩ thuận ».

Với tuổi bảy mươi, chúng ta bước vào giai đoạn cuối cùng của cuộc sống : « Thất thập nhi tùng tâm ». TÙNG TÂM, trong câu nói nầy, có nghĩa là : đi theo con đường của Tình Thương, một cách hoàn toàn tự do và tự nguyện. Chúng ta không còn bị một ai hay là một luật lệ nào ép buộc, lèo lái, thúc đẩy hay là chỉ đạo từ bên trên hoặc từ bên ngoài.

Trong lăng kính và ý hướng vừa được trình bày, Tùng Tâm đồng hóa với Tri Thiên Mệnh. Nói khác đi, Trời là tiếng nói và là con đường của Tình Thương. Cả hai - Trời và Tình Thương - đang hòa nhập, để trở thành xương thịt, máu huyết và hơi thở ra vào trong con người toàn diện của chúng ta. Lúc bấy giờ, cõi lòng của mỗi người chính là ngôi đền, là nơi trú ngụ của Trời hay là của Tình Thương. Chính vì lý do nầy, trong lời Người Xưa được trích dẫn trên đây, không thể có thành quả « Thụ Nhân », nếu con người không được nuôi nấng và dạy dỗ, sáng soi và nâng đỡ trên con đường « Thụ Thiên », từ khi vừa ra khỏi lòng mẹ và kinh qua các đoạn đường chìm nổi trong cuộc sống.

Thụ Nhân và Thụ Thiên đan chéo vào nhau một cách chằng chịt và không ngừng tác động qua lại hai chiều trên nhau.

Hẳn thực, khi không có bàn tay con người để thực hiện Trời,

Khi không có hai chân con người để bước tới với nhịp điệu và vận tốc của Trời,

Khi không có hai con mắt con người để nhìn ngắm, quan sát và hội nhập cách làm của Trời,

Khi không có quả tim con người để trân trọng và đón nhận Trời...

Trời lúc bấy giờ chỉ là một khái niệm duy tâm cực đoan, hoàn toàn lý thuyết và vô tưởng, vượt khỏi tầm nắm bắt của chúng ta.

Tắt một lời, không cưu mang Trời trong tư duy và hành động, con người chỉ là « muông sói » đối với đồng bào, đồng loại. Không có Trời làm gạch nối và kết hợp chúng ta lại với nhau, làm sao chúng ta có thể đến gần nhau ? Ai, cái gì có thể tạo nên gắn bó giữa chúng ta ? Yếu tố nào thúc giục chúng ta cùng nhau sáng tạo và xây dựng Quê Hương ? Quan hệ Đối Thoại, Yêu Thương, Hiểu Biết và Tha Thứ...chỉ là những ngôn từ rỗng tuếch, nếu Trời không phải là điểm tựa và đòn bật, trong tâm hồn và cuộc đời.

Chính vì bao nhiêu lý do vừa được trình bày, nhiều Danh Hiệu khác cũng thường được áp dụng cho Trời : Tiếng Nói của Tình Thương, Lối Nhìn Bao Dung và Thứ Tha, Quan Hệ Đồng Cảm... Trong lăng kính và tinh thần ấy, Thụ Thiên phải chăng là khả năng Đối Thoại giữa hai con người biết ngồi lại với nhau, lắng nghe nhau, tôn trọng nhau, cùng nhau suy nghĩ, sáng tạo và hợp tác ? Kết quả là chúng ta trở thành « thiên thủ thiên nhãn », có ngàn con mắt để nhìn, có ngàn cánh tay để làm, có ngàn đôi chân để tiến tới. Một cách đặc biệt, chúng ta có ngàn con tim để yêu thương. « Thiên Thủ Thiên Nhãn » cũng còn có thể khởi động một ý nghĩa khác : Chúng ta đang trở thành Tay và Mắt của Trời.

Lausanne, Thụy Sĩ

Mùa Trung Thu 2004

(Còn tiếp)