b. Xin lễ và bổng lễ

Đây là việc tế nhị dù rằng có quy định rõ ràng của Giáo Hội và của đấng bản quyền địa phương, nhưng giáo dân vẫn cảm thấy như có một cái gì đó ngăn họ đến với Thiên Chúa khi nói đến số tiền (bổng lễ) mà cha sở quy định cho giáo dân. Giáo dân hiểu rất rõ rằng không thể dùng tiền để mua thánh lễ, vì đó là phạm thánh và là gương mù để cho những người ghét Giáo Hội có cớ để nói xấu và chỉ trích Giáo Hội của mình.

Cũng vì chuyện xin lễ và bỗng lễ mà có nhiều giáo dân không đến nhà thờ, và đối với họ việc xin lễ và bổng lễ là một cách giúp đỡ cho Giáo Hội và cha sở của mình sinh sống, không có gì phải nói, nhưng cái mà họ không mấy phấn khởi khi đi xin lễ nơi cha sở là vì cha sở có những quy định mà -đối với họ- giống như mua bán thánh lễ, làm mất đi ý nghĩa cao quý của việc xin lễ.

Tại giáo xứ nọ, giáo dân hầu hết là nghèo khổ chưa ăn bữa trưa đã lo bữa tối, giáo dân phần đông làm nghề nuôi tôm, nhưng gặp lúc thất mùa vì mưa lụt, lại càng khổ hơn. Có giáo dân bòn mót được năm mươi ngàn đồng (VN) giữ lại hai chục ngàn để mua gạo cho gia đình, vị giáo dân này đến cha sở để xin lễ giổ giáp năm cho ba mình, cha sở từ chối không nhận tiền lễ ba mươi ngàn đồng, người giáo dân năn nỉ với ngài là nhà hết gạo rồi bán tháo bán đổ mẻ tôm mất mùa được năm chục ngàn, con giữ lại hai chục ngàn để mua gạo cho gia đình, nhưng cha sở đã không động lòng thương xót đòi cho bằng được bỗng lễ năm chục ngàn, vị giáo dân nghèo khổ này đành phải về nhà đem nốt hai mươi ngàn đồng bạc để mua gạo ấy đến xin lễ giỗ cho ba của mình...

Tôi được biết là người giáo dân hơn bốn mươi tuổi có hiếu với ba mình này đã rơm rớm nước mắt, vì thương ba và tủi cho cảnh nghèo của mình, và chắc chắn trong tâm họ sẽ nghĩ không tốt về cha sở của mình.

Giáo luật về bổng lễ Giáo Hội chỉ định rất rõ ràng, nhưng có một vài cha sở đã không làm đúng như luật Giáo Hội dạy. Giáo luật dạy rằng : “Hết sức khuyên nhủ các linh mục hãy dâng lễ theo ý chỉ của các tín hữu, nhất là những người nghèo cả khi không có bổng lễ” (1) . Không một ai nhẫn tâm trước cảnh khốn khó của người khác, huống chi là một linh mục của Chúa Giêsu, làm linh mục không bao giờ đói cả, mà nếu ngài có đói một ngày cũng không sao, hơn là cả gia đình giáo dân phải nhịn đói để xin lễ giỗ cho ba của mình. Tấm lòng của giáo hữu với cha sở thì quá lớn nhưng cha sở trên đây tính từng đồng và -nói theo tu đức- ngài đã không có tâm hồn thương xót người nghèo như là một người cha nhân từ và một mục tử chân chính của Chúa Kitô.

Đạo lý của Chúa Giêsu là ở chổ biết yêu thương người thân cận như chính mình, giúp đỡ người nghèo đói là giúp đỡ cho Ngài, điều này các linh mục hiểu rõ hơn bất cứ người nào trên mặt đất này, và sự giúp đỡ yêu thương này các linh mục rất có nhiều cơ hội để thực hiện, cụ thể là vui vẻ dâng lễ cho những giáo dân nghèo không có tiền làm bổng lễ để xin lễ cho người thân của mình.

Có một vài linh mục mà tôi quen biết đã rất hào phóng làm việc bác ái với giáo dân của mình, các ngài không nhận bổng lễ khi giáo dân có đám tang, đám cưới, bởi vì quan niệm của các ngài là : họ là con chiên của mình, đời người có một lần (đám ma, đám cưới) mình là cha sở phải chia buồn (đám ma) và chia vui (đám cưới) với họ bằng cách dâng lễ và cầu nguyện cho họ, đó là bổn phận của một cha sở... Ôi, tâm tình đầy yêu thương giáo dân của các linh mục này đã làm cho tôi suy nghĩ và quyết tâm học theo gương của các ngài khi làm linh mục, và bây giờ tôi đã và đang thực hiện điều ấy : không bao giờ nhận bổng lễ hoặc bất cứ lễ vật nào khác của giáo dân khi có đám cưới hoăc đám tang. Đó cũng là một cách truyền giáo rất thực tế mà chúng ta- các linh mục trẻ- cần phải khai thác với tất cả sự yêu thương.

Có một vài cha sở lại bày ra luật lệ của mình để chất gánh nặng lên vai giáo dân : các ngài ấn định lễ có hát và lễ không có hát với bổng lễ khác nhau, lễ nhiều tiền là làm ngay theo ý người xin, và lễ ít tiền thì bỏ vào cái hòm phía trước nhà thờ mỗi tuần cha sở mở ra một lần để làm lễ theo ý họ.

Đành rằng tiền chi phí điện nước, ca đoàn, giúp lễ là phải có (nên công khai danh mục chi phí này để họ biết mà làm theo đó, lâu ngày thành thói quen) nhưng phần bổng lễ dành cho cha sở thì nên vui vẻ chân tình nói với họ rằng người chết là giáo dân của tôi, tôi có bổn phận phải dâng lễ cầu nguyện cho họ nên không nhận bổng lễ, nếu mỗi cha sở biết làm như thế thì không những ngài có uy tín với giáo dân, lại còn là một mục tử tốt lành dưới con mắt họ, bởi vì không phải ngày nào cũng có người chết cũng như không phải ngày nào cũng có đám cưới mà sợ không có gì ăn !

Có một vài cha sở trẻ rất là không tế nhị về điểm này : có vị thì lên tòa giảng nói khéo để giáo dân xin lễ, có vị nói thẳng lớn tiếng với giáo dân là không biết giữ đạo vì không biết xin lễ, lại có vị thì chỉ trích thẳng mặt với giáo dân có thân nhân ở nước ngoài là keo kiệt vì họ chỉ xin đúng số tiền quy định.v.v... nếu không tế nhị và nếu không có tâm hồn quảng đại thì chúng ta -các linh mục- sẽ là người gây chia rẻ trong giáo xứ của mình về việc bổng lễ : người giàu và người nghèo, mà người phân biệt đối xử trước nhất chính là cha sở khi ngài quy định lễ hát, lễ không hát và lễ ít tiền trong giáo xứ của mình.

Giáo dân không có tiền để xin lễ hoặc xin lễ không đúng với số bổng lễ quy định thì đã sao, bởi vì không một tiền bạc vật chất nào trên thế gian này có thể mua nổi một thánh lễ Misa, thì tại sao chúng ta lại đòi cho đúng năm mươi ngàn đồng khi gia đình giáo dân ở nhà con cái thiếu ăn ? Nếu không vì lễ giáp năm của bố mình thì chắc chắn người giáo dân ấy sẽ không xin lễ với giá không đúng với số tiền đã quy định, nhưng vì chữ hiếu mà xin lễ và vì con cái không có cơm ăn mà phải giữ lại gần nửa số tiền đã bán tôm. Chúa Kitô đã chết trên thánh giá để trở nên của lễ toàn thiêu vô giá dâng lên Chúa Cha xin Ngài tha tội cho thế gian, tại sao chúng ta lại kỳ kèo với người giáo dân nghèo của mình cho đúng với số tiền đã quy định chứ ?

Chúng ta là linh mục tức là những mục tử của giáo dân, mà mục tử thì phải hy sinh -có khi hy sinh tính mạng- để đàn chiên được béo tốt, là đi tìm nơi nào có đồng cỏ tươi tốt để cho chiên ăn chứ không phải bắt chiên mà ăn thịt.

Giáo dân Việt Nam chúng ta có thói quen tốt lành là xin lễ rất nhiều đến nổi có cha sở làm không hết lễ cho một năm, cho nên có những lúc tôi và các anh em linh mục trong dòng nói đùa với nhau rằng : làm linh mục ở Việt Nam sướng hơn ở ngoại quốc, mà đúng như thế, vì giáo dân Việt Nam chúng ta rất kính trọng các linh mục, kính trọng quá mức. Còn giáo dân ở nước ngoài thì họ vẫn kính trọng linh mục theo cách của họ, họ vẫn yêu thương các linh mục của họ, dù cha sở của họ là người bản địa hay là người ngoại quốc họ đều yêu quý như nhau, nhưng họ ít có thói quen xin lễ như ở Việt Nam, có giáo xứ quanh năm cha sở chỉ làm vài lễ theo ý giáo dân xin, có giáo xứ mỗi tuần cũng có xin lễ vài ba ngày.v.v... cho nên -xét cho cùng- cha sở ở Việt Nam sung sướng hơn làm cha sở ở ngoại quốc nhiều, xét về mặt xin lễ.

Giáo xứ của tôi phụ trách là một giáo xứ có thể nói được là có tổ chức quy mô và dân trí cao của giáo phận, vì vị trí của giáo xứ gần các trường đại học nổi tiếng nên đa số các giáo sư công giáo đều ở tại giáo xứ của tôi, tri thức vì trình độ trên đại học và tiến sĩ, thạc sĩ của giáo dân chiếm ¾ giáo xứ, còn lại là đang học đại học hoặc trung học. Tri thức là như thế, nhưng giáo lý thì không thể so với các giáo dân ở Việt Nam chúng ta, và việc xin lễ thì càng hiếm hơn nữa, bởi vì họ ít có thói quen xin lễ...

Nói như thế để cho các linh mục trẻ của chúng ta hiểu rằng, ở Việt Nam, nếu một năm các cha sở trẻ làm “miễn phí” một vài lễ thì chắc chắn là không chết đói so với giáo dân của mình đem năm chục ngàn đến xin lễ mà trong nhà không có gì ăn.

Có giáo dân nói với tôi là cha sở của họ rất là phân biệt người nghèo người giàu, bởi vì thấy người lao động chân lấm tay bùn vào nhà xứ xin gặp cha sở thì ngài không có thái độ vồn vã chào hỏi, ghi sổ lễ xong là nói : tôi bận. Nhưng nếu có người giàu có trong giáo xứ vào gặp ngài thì ngài rất vồn vã, tự tay rót nước mời khách và ngồi trò chuyện rất lâu.v.v...

Có lẽ cha sở có việc của ngài, và giáo dân nghèo có lẽ mặc cảm với cái nghèo của mình nên nghĩ ra như thế chăng ? Tuy nhiên đây là một thực tế có thật mà giáo dân rỉ tai nhau nói như thế.

Con người ta nhân vô thập toàn, các linh mục cũng thế, nhưng cái mà mỗi người chúng ta cần phải đạt cho đến trong cuộc sống của mình, đó là nên thánh, các linh mục tu sĩ nên thánh trước và kéo theo giáo dân nên thánh với mình, đó là bổn phận và trách nhiệm của người tu hành mà cụ thể là các linh mục, tu sĩ nam nữ. Giáo dân kính trọng các linh mục và các linh mục tu sĩ nam nữ là ở chổ họ luôn luôn nêu gương sáng cho mọi người, mà người Trung Hoa có câu như sau : “dĩ thân tác tắc” nghĩa là lấy mình làm gương, mà muốn “dĩ thân tác tắc” thì chúng ta nên công khai cuộc sống của mình, công khai cuộc sống của mình là hoà đồng với hết mọi người, giàu cũng như nghèo, là tiếp đón vui vẻ với mọi giáo dân không phân biệt một ai, bất luận họ đến nhà xứ với lý do gì thì cũng đều coi họ như người trong gia đình : thân tình tự nhiên mà không kiểu cách đạo mạo như ông chủ...

Hãy nói nguyên tắc làm việc của mình cho rõ ràng với giáo dân, bởi vì nguyên tắc nào cũng phải làm cho giáo dân càng ngày càng đến gần Thiên Chúa hơn, cho nên chẳng còn gì vui thích bằng khi giáo dân nói cho nhau nghe : Cứ tới cha sở đi, đừng ngại gì cả, vì ngài rất bình dân hoà đồng và sẵn sàng ngổi toà giải tội lúc nào cũng được. Chúng ta đừng sợ giáo dân quấy rầy mình, bởi vì họ rất tôn trọng các linh mục, nếu họ có đến thì chỉ có những dịp này : xin xưng tội, hôn phối, an táng và đem quà đến chia sẻ với cha sở của mình mà thôi, không một giáo dân nào ngày ngày đều đến nhà cha sở trò chuyện, cũng không có giáo dân nào quý cha sở đến mức ngày ngày đến hầu chuyện với ngài...

Xin lễ là việc đạo đức thánh thiện và bày tỏ lòng quảng đại của giáo dân đối với Giáo Hội, cũng như đối với các cha sở và cha phó hay bất cứ linh mục nào của Giáo Hội, nhưng việc xin lễ sẽ mất đi ý nghĩa của nó nếu chúng ta -các linh mục- không đặt tình thương yêu trên số tiền xin lễ của giáo dân, bởi vì của lễ thì không thể nào quý trọng bằng tâm hồn yêu thương của người xin lễ...

(còn tiếp)

------------------

(1) Giáo luật về “bổng lễ”, điều 945 tiết 2.