b. Cử hành bí tích.

Hồi tôi còn giúp xứ, cha sở của tôi (cũng là Lm nghĩa phụ) đã chỉ cho tôi cách làm bản đồ địa bàn giáo xứ và ghi chú rất cặn kẻ chi tiết tên tuổi, địa chỉ, tên đường, hẽm, số nhà và đánh dấu những ký hiệu thật dễ nhớ, ngài giải thích : “Phải chi tiết như thế, để khi có ai kêu đi xức dầu bệnh nhân thì hỏi rõ tên và tự mình đi cũng được, khỏi phiền giáo dân”. Và quả thật phương pháp này rất có lợi cho cha sở cũng như cho tôi là thầy giúp xứ biết rõ hơn về giáo dân trong họ đạo...

Giáo dân nhờ các linh mục để lãnh nhận các bí tích mà Chúa Giêsu đã lập ra, để chuyển ban ơn cứu độ của Ngài cho họ, cho nên cũng có thể nói cách chắc chắn rằng : làm linh mục là vì phần rỗi của giáo dân.

Đời sống tâm linh của giáo dân rất cần đến các bí tích chữa lành, cứu sống và kiện khang, đó là bí tích Giải Tội, bí tích Thánh Thể và bí tích Xức Dầu bệnh nhân. Ba bí tích này chỉ có các linh mục mới được cử hành, cho nên chúng ta -các linh mục- cần phải đáp ứng nhu cầu của giáo dân khi họ mong muốn lãnh nhận các bí tích này.

Có một vài cha sở từ chối thẳng thừng với giáo dân khi họ gõ cửa xin ngài ngồi toà giải tội ngoài giờ quy định. Tại sao chúng ta từ chối không ban bí tích Giải Tội cho họ chứ, tại sao chúng ta từ chối một tội nhân muốn làm hoà với Thiên Chúa chứ, tại sao chúng ta từ chối đón nhận họ trở về với đời sống mới trong bí tích hoà giải chứ ? Có một vài giáo dân đã nhiều năm không đến toà cáo giải, nay nhờ ơn Thiên Chúa giúp họ ăn năn hối cải trở về với Ngài, nếu chúng ta từ chối ban bí tích hoà giải cho họ, thì vì mặc cảm, vì tức giận, vì thất vọng họ lại sa ngã trong tội thì sao ? Càng suy nghĩ tôi càng thấy sợ hãi vì vai trò của linh mục là chữa lành, là cứu sống, là hoà giải tội nhân với Thiên Chúa, bây giờ lại từ chối người anh em đang cần đến mình để về với Thiên Chúa là cha nhân từ !

Chúng ta là mục tử nhưng chúng ta không học gương Chúa Giêsu đi tìm con chiên lạc trở về, chúng ta là thầy thuốc tâm hồn nhưng chúng ta không học gương Chúa Giêsu là nhân ái và chữa lành bệnh tật trong tâm hồn của giáo dân, giáo dân gọi chúng ta là cha nhưng chúng ta chưa bày tỏ cho họ thấy lòng quảng đại của người cha như ý Thiên Chúa muốn.

Dù cho giáo xứ có quy định giờ ngồi toà cáo giải, dù cho mỗi ngày chúng ta -linh mục- ngồi toà trước và sau thánh lễ, thì chúng ta cũng cần phải luôn vui vẻ, sẵn sàng khi có giáo dân đến xin xưng tội ngoài những giờ ấy, bởi vì những quy định ấy phần nhiều là dành cho giáo dân thường xuyên đi đến nhà thờ hoặc giáo dân nhiệt tình, nhưng không phải giáo dân nào cũng đợi đúng giờ mới đi xưng tội, mà trong giáo xứ vẫn còn có những giáo dân thánh thiện muốn đi xưng tội ngay sau khi đã ăn năn thống hối tội mình.

Linh mục nghĩa phụ (bố đỡ đầu) của tôi đã dạy tôi rằng : “Sau này thầy làm linh mục thì đừng bao giờ từ chối giáo dân khi họ đến xin xưng tội hoặc mời đi xức dầu bệnh nhân bất kể giờ giấc nào trong ngày, bởi vì làm linh mục là để ban bí tích và phục vụ, mà khi giáo dân cần đến mình thì tại sao lại từ chối, thế thì làm linh mục để làm gì ?” Lời dạy này của ngài vẫn ngày ngày ở trong tâm hồn tôi và càng suy nghĩ thì càng thấy là thấm thía, cho nên từ đó, khi đã làm linh mục thì hể nghe chuông điện thoại reo có người mời đi xức dầu hoặc đưa Mình Thánh Chúa cho bệnh nhân, là tôi vội vàng đi ngay dù đang tiếp khách hay làm việc viết lách, hoặc chuông cửa reo có người muốn xưng tội là tôi vội vã xuống ngay nhà thờ với nụ cười trên môi, để cho họ thấy là mình không làm phiền cha sở.

Và đó là bí quyết để giáo dân thích đến toà cáo giải hơn khi họ có vấn đề nan giải với Thiên Chúa và với tha nhân.

Thiên Chúa là tình yêu, tình yêu này được thể hiện rõ ràng nhất nơi các linh mục nói chung và các cha sở cha phó nói riêng, bởi vì linh mục là Chúa Kitô thứ hai, nghĩa là nơi các ngài phải có một tình thương yêu mọi người, nhất là những người đau yếu linh hồn, như Chúa Giêsu đã tỏ lòng thương yêu đám đông dân chúng theo Ngài...

Một linh mục trẻ nói với tôi với giọng chưa hết tức tối : “Anh coi, mở mắt là kêu là réo, họ không biết giờ này là em đang đọc kinh sao, xưng tộì thì từ từ, chết liền đâu mà sợ”, tôi cũng thấy một linh mục trẻ đã không mau mắn ngồi toà cho một giáo dân vì ngài đang bận tiếp khách, đến khi tiễn khách về thì không thấy người giáo dân ấy nữa, vì ông ta đợi quá lâu...

Thánh Vinh Sơn dạy rằng : “Đức ái cao hơn mọi việc, bỏ Chúa thì được Chúa”. Ý nghĩa của câu nói này thì cha Vincent Lebbe (1) giải thích cho các con cái ngài như sau : “Cầu nguyện là công việc cần thiết nhưng Đức Ái thì cao hơn, khi các con đang cầu nguyện (đọc kinh phụng vụ, lần hạt Mân Côi...noi tắt là cầu nguyện) mà nếu có người muốn gặp các con để xin giúp đỡ, để xin xưng tội, để bàn việc khẩn cấp.v.v... thì các con hãy tạm ngưng cầu nguyện nhưng đồng thời nội tâm vẫn kết hợp với Thiên Chúa để đi thi hành bác ái, vì tha nhân mà phục vụ”. Câu nói đầy tinh thần bác ái này của thánh Vinh Sơn thiết tưởng rất thích hợp cho các cha sở, cha phó và những người làm công tác truyền giáo, bởi vì khi chúng ta “tạm bỏ Chúa” để thi hành bác ái vì danh Ngài thì hiệu quả càng cao, và chúng ta lại được Thiên Chúa không phải nơi kinh nguyện nhung là nơi tha nhân, là những hình ảnh sống động của Ngài...

Từ chối người tội lỗi đến xin hòa giải với Thiên Chúa trong bí tích Giải Tội, là linh mục tự tay mình xô hối nhân xuống hố tội lỗi, và trách nhiệm này các linh mục phải trả lời trước mặt Thiên Chúa trong ngày thẩm phán của Ngài, bởi vì chính các linh mục là người hiểu rất rõ về tình yêu của Thiên Chúa và sự công bằng của Ngài hơn các giáo dân.

--------------------------------------------

(1) Linh mục Vincent Lebbe là đấng sáng lập 4 cộng đoàn tu hội : 1. Hội dòng Tiểu Đệ thánh Gioan Tẩy Giả (CSJB). 2. Hội dòng Tiểu Muội thánh Têrêxa Hài Đồng (CST). 3. Hội Trợ Tá truyền giáo – Bỉ (SAM). 4. Hội Vincent Lebbe quốc tế phục vụ (ICA).

(còn tiếp)