1. Thiếu nhi

Một kinh nghiệm nho nhỏ xin chia sẻ với các linh mục trẻ về công tác thiếu nhi trong giáo xứ của mình.

Các em thiếu nhi là mầm non của Giáo Hội, là những đoá hoa làm cho giáo xứ rộn rã tiếng vui cười và sinh động hẳn lên, nhất là vào những ngày chủ nhật khi các em đến nhà thờ để theo học các lớp giáo lý của mình.

a. Các lớp giáo lý.

Hồi tôi còn giúp xứ ở một nhà thờ tại Saigon, trong giáo xứ chỉ có cha sở và tôi làm hết mọi công việc, vì nhà thờ nghèo, giáo dân cũng nghèo mà đa phần là dân vùng kinh tế mới trở về, tệ nạn là số một của Saigòn nên việc dạy giáo lý cho các em là một vấn đề lớn, quy tụ các em lại thì càng khó hơn, bởi vì không có sân chơi, không có các điều kiện để các em sinh hoạt, nhưng cha sở vẫn cứ tin tưởng mà giao cho tôi dạy tất cả các lớp giáo lý từ lớp giáo lý vỡ lòng cho đến lớp giáo lý hôn nhân, tôi đều phụ trách, sau này các em lớn đã trở thành giáo lý viên phụ giúp tôi dạy các lớp nhỏ, tôi vẫn còn nhớ cha sở đã nói với tôi như thế này : “Có hai lớp giáo lý quan trọng nhất mà thầy phải đích thân dạy, đó là lớp giáo lý vỡ lòng và lớp “giáo lý bao đồng”, bởi vì lớp vỡ lòng là các em bắt đầu làm quen với Chúa Giêsu và giáo huấn của Ngài, lớp bao đồng là vì các em đã lớn dễ dàng bị cám dỗ với những thói xấu của xã hội, nên thầy phải đích thân dạy để giúp các em trong hai giai đoạn này”.

Giáo lý cho trẻ em, đó là điều quan trọng bậc nhất của cha sở; giáo lý cho trẻ em, đó là chìa khoá mở tâm hồn trong sáng của các em đón nhận Chúa Thánh Thần, cho nên cha sở đừng tiếc công tiếc của đầu tư vào các “ngân hàng” rất có ích cho tương lai sau này của xã hội và Giáo Hội. Đừng coi thường việc dạy giáo lý cho trẻ em, nhưng hãy tôn trọng Chúa Thánh Thần đang ở trong tâm hồn của các em, vì chính Ngài chứ không ai hết, sẽ là Đấng làm cho các em dễ dàng đón nhận những điều mà Chúa Giêsu đã dạy qua Giáo Hội và -quan trọng hơn- qua cha sở và những người cộng tác với ngài trong việc dạy dỗ cho các em.

Mà quả thật như thế, sau này làm linh mục đến giáo xứ nào tôi cũng chú trọng đến hai lớp giáo lý này, dù cho đã có các giáo lý viên, nhưng không phải khoán trắng cho họ, bởi vì chính họ -các giáo lý viên- cũng không muốn như thế, cái họ muốn là cha sở thường xuyên ghé đến họ ít nữa là một tháng một lần.

b. Thánh lễ trẻ em.

Đa phần các linh mục trẻ đều nói : giảng lễ cho tụi nhỏ khó hơn giảng cho người lớn. Đó là một thực tế mà nếu không “khổ tâm” nghiên cứu thì khó mà thu hút trẻ em để cho chúng đó không xầm xì trò chuyện lúc tham dự thánh lễ.

Thánh lễ cho trẻ em là một vấn đề quan trọng của cha sở, bởi vì hầu như chúng ta chỉ chú tâm đến những thánh lễ dành cho người lớn mà quên đi, hoặc không chuẩn bị gì cho thánh lễ trẻ em, như thế là một thiếu sót lớn không thể chấp nhận được.

Đành rằng chúng ta có đội ngũ giáo lý viên giỏi, đành rằng chúng ta có nhiều phương tiện để giảng dạy Lời Chúa, nhưng chúng ta -cha sở, cha phó- không trực tiếp đứng lớp để dạy giáo lý cho các em thiếu nhi, cho nên chúng ta cần phải lợi dụng thánh lễ trẻ em này, để giáo huấn và truyền đạt những việc cần làm của thiếu nhi trong giáo xứ chúng ta, để thống nhất một chương trình từ người lớn đến trẻ em.

Thánh lễ trẻ em, thì xin giao hoàn toàn cho các giáo lý viên chuẩn bị, và cha sở chỉ can thiệp khi các giáo lý viên lúng túng trong các lễ nghi hay giáo lý mà thôi, ngoài ra còn phải để cho các giáo lý viên hướng dẫn các em, và trong thánh lễ cha chủ tế đừng làm gì ngoài chương trình mà các giáo lý viên đã chuẩn bị, cũng đừng “cắc cớ” hỏi các em về những gì mà các em chưa học hay chưa biết, bởi vì như thế là làm “bẻ mặt” các giáo lý viên và hạ giá các giáo lý viên trước mặt các em. Cứ hồn nhiên đưa ra những câu hỏi mà các em đã thuộc và đã biết để hướng dẫn các em thực hành trong cuộc sống, đó chính là điều cần thiết hơn là đem kiến thức thần học của linh mục ra hỏi trẻ em...

Tôi đã thấy một linh mục trẻ nọ (học chưa xong chương trình nhưng được chịu chức chui) được cha sở của tôi mời phụ trách dâng thánh lễ cho trẻ em mỗi chủ nhật lúc tám giờ sáng, khi giảng thì ngài khoe với các em rằng ngài học rất giỏi biết ba thứ ngoại ngữ, nào là tiếng La Tin, tiếng Pháp và tiếng Anh, rồi sau đó thì chọc cho các em cười mà không nghe ngài nói gì về nội dung của bài Phúc Âm hoặc đưa các em đi vào nội dung của thánh lễ...

Giảng cho trẻ em không phải là việc dễ làm, cho nên nếu thấy mình không thích hợp với các em thì cha sở (cha phó) nên mời một linh mục khác có năng khiếu giảng cho trẻ em đến dâng lễ, đừng để thánh lễ trẻ em thành một lớp thần học hay một buổi cầu nguyện theo kiểu của các tu sĩ... bởi vì như thế các em sẽ không phấn khởi tham dự thánh lễ của các em.

Theo kinh ngiệm của tôi, các linh mục trẻ (tốt nhất là lúc đang còn học trong chủng viện) nên tham dự các khoá huấn luyện của hướng đạo sinh, các khoá huấn luyện về sinh hoạt trong các đoàn thể như Thiếu Nhi Thánh Thể.v.v... thì các ngài sẽ gặt được nhiều thành quả trong cách sinh hoạt với thanh thiếu niên, và như thế thánh lễ thiếu nhi sẽ sinh động và thu hút các em hơn.

Một kinh nghiệm nho nhỏ nữa xin chia sẻ với các linh mục trẻ là : đối với các em đừng bao giờ chấp tay sau lưng trợn mắt nạt nộ các em, đừng bao giờ làm ra vẻ đạo mạo với các em khi chúng nó đang đùa giỡn, nhưng hãy làm cho các em thấy cha sở là người hiền hoà như Chúa Giêsu, yêu thương và chăm lo cho các trẻ em.

Ở Việt Nam chúng ta, có những nơi trẻ em sợ cha sở hơn sợ...ông kẹ, bởi vì chúng nó đã thấy cha sở bặm môi bạt tai các thanh thiếu niên, chứ chúng nó chưa thấy cha sở của mình có thái độ thân thiện với trẻ em mà chỉ có nhéo tai và hăm doạ, có em thấy cha sở đi đường kia thì lo chạy trốn, không phải các em làm sự tội mà trốn, nhưng các em chạy trốn vì sợ cha sở, dù cái sợ này các em cũng không hiểu tại sao mà sợ. Một ngày nọ, tôi đi đến một nhà thờ lớn để coi người ta trang hoàng như thế nào nơi bàn thờ thánh cả Giuse để bắt chước, khi dắt xe đạp vào trong sân nhà thờ rộng lớn thì thấy một tốp các em nhỏ khoảng 10, 12 tuổi ôm cặp sách chạy tán loạn, vừa chạy vừa la to : “Ông cha ra đó, ông cha ra đó...” và quả thật tôi nhìn vào thì thấy cha sở của nhà thờ đang vừa đi vừa chỉ tay về phía các em hăm doạ không cho chúng nó vào sân nhà thờ chơi giỡn...

Giáo dục trẻ em thì có rất nhiều cách, nhưng cách hay nhất vẫn làm là dịu dàng và vui vẻ với các em, các em rất dễ thân thiện nhưng đồng thời cũng khó quên những cái bạt tai và những cái nhéo tai của người lớn không phải là bố mẹ của các em.

(còn tiếp)