Nhìn lại lịch sử

Cuộc chiến Việt Nam kéo dài từ 1945 đến 1975 vẫn còn là một đề tài hấp dẫn đối với các nhà nghiên cứu lịch sử vì còn rất nhiều bí ẩn chưa được làm sáng tỏ và có rất nhiều bài học có thể rút tỉa.

Giáo sư Lê Xuân Khoa vừa cho xuất bản cuốn “Việt Nam 1945 - 1995, Chiến Tranh, Tỵ nạn và Bài học lịch sử” Tập I. Trong tập này, ông đã đề cập đến “Tị nạn 1954 và Bài học Bốn Cuộc Chiến”.

Trong gần 30 năm tị nạn, người Việt đã viết khá nhiều tài liệu về cuộc chiến Việt Nam, từ hồi ký, các bài tường thuật đến các tài liệu nghiên cứu. Nhưng như chúng tôi đã nói nhiều lần, các tài liệu này thường ít được các nhà nghiên cứu và sinh viên Hoa Kỳ xử dụng vì các lý do chính sau đây:

  • (1) Viết không đúng theo phương pháp khoa học: Thay vì sưu tập và trình bày các sự kiện đã xẩy ra rồi phân tích và nhận xét, đa số đã đưa ra kết luận trước rồi đi tìm những tài liệu hay sự kiện để chứng minh kết luận của mình là đúng, bất chấp tài liệu hay sự kiện đó có chính xác hay không và có những bằng chứng ngược lại hay không.
  • (2) Viết dưới dạng thức một bản cáo trạng hay một biện minh trạng: Khi không đồng ý về một tổ chức hay một cá nhân nào, họ chỉ dùng những tài liệu hay những sự kiện để buộc tội và loại ra những tài liệu hay những sự kiện có lợi cho đối tượng. Đa số sách chống cộng đều viết theo lối này. Trái lại, khi muốn biện minh cho một tổ chức hay một cá nhân nào, họ chỉ dùng những tài hiệu hay sự kiện gỡ tội, và loại ra những tài liệu hay sự kiện có hại cho đối tượng. Họ viết sử như viết một bài cãi trong một vụ án!
  • (3) Bỏ qua những sự kiện có thể gây đụng chạm hay làm mất lòng, mặc dầu đó là những sự thật rất quan trọng.
  • (4) Không dùng các tài liệu hay sự kiện để trình bày một biến cố mà chỉ xử dụng những lời nguyền rủa hay kết án.
  • (5) Dùng những sự kiện hay tài liệu ngụy tạo để xuyên tạc hay bóp méo lịch sử.
  • (6) Viết theo một định hướng được chọn: ta luôn luôn đúng, địch luôn luôn sai; ta lúc nào cũng thắng, địch lúc nào cũng thua...
  • (7) Đề cao “cái tôi” không có trong thực tế.
Những lối viết như thế hoàn toàn trái với phương pháp sử học.

Nhưng hôm nay khi đọc cuốn “Việt Nam 1945 - 1995” của Giáo sư Lê Xuân Khoa, chúng tôi thấy lối viết hoàn toàn khác hẵn. Cứ nhìn số lượng sách và tài liệu mà tác giả đã chọn để tham khảo khi viết cuốn sách chưa đầy 600 trang này, chúng ta cũng có thể thấy đây là một công trình nghiên cứu công phu, tốn kém rất nhiều thời giờ và tiền bạc. Mỗi biến cố hay nhận xét được đưa ra đều được tác giả dẫn chứng bằng những tài liệu hay sự kiện. Dù đồng ý hay không đồng ý với tác giả, chúng ta cũng phải nhìn nhận rằng tác giả đã cố gắng viết thật khách quan và khoa học.

Điều này cũng dễ hiểu thôi. Giáo sư Lê Xuân Khoa đã từng giảng dạy tại Đại Học Văn Khoa Sài Gòn và các đại học Đà Lạt, Minh Đức và Vạn Hạnh. Chức vụ cuối cùng là Phó Viện Trưởng Đại Học Sài Gòn. Qua Mỹ, ông làm Chủ Tịch Trung Tâm Tác Vụ Đông Nam Á (SEARAC) và đã góp phần khá nhiều vào các chương trình tỵ nạn của người Việt tại Hoa Kỳ. Sau đó, ông làm việc cho Bộ Ngoại Giao trong Ủy Hội về An Ninh và Hợp Tác ở Âu Châu, làm Giáo sư thính giảng Cao Học về Nghiên Cứu Quốc Tế thuộc Đại Học Johns Hopkins... Với một trình độ và quá trình hoạt động như vậy, ông đủ hiểu biết để trình bày và nhận xét về cuộc chiến Việt Nam.

Xin mời độc giả cùng Lữ Giang lược qua một số sự kiện lịch sử quan trọng được mô tả trong sách và cách nhìn của tác giả.

NHỮNG NGÀY ĐEN TỐI CỦA VNCH

Sau khi tổ chức đảo chánh lật đổ và giết chết Tổng Thống Ngô Đình Diệm và ông Ngô Đình Nhu, ngày 14.11.1963 Đại Sứ Cabot Lodge đã gởi về cho Washington một bản báo cáo, trong đó có đoạn như sau: “Chuyên gia nào mà từ lâu nay từng chống lại cuộc đảo chánh và những ai đã từng nói “chiến thắng với ông Diệm” thì bây giờ có thể nói rằng cuộc đảo chánh này có nghĩa là chiến tranh có thể rút ngắn một cách đáng kể”.

Nhưng mọi sự đã không xẩy ra như lời ông Lodge đã báo cáo. Chúng ta hãy nghe Giáo sư Lê Xuân Khoa trình bày về giai đoạn này:

Cuộc đảo chánh tháng Mười Một với cuộc thảm sát hai ông Ngô Đình Diệm và Ngô Đình Nhu và vu ám sát Tổng Thống Kennedy ba tuần sau đó càng làm cho miền Nam bị suy yếu về chính trị và quân sự. Các tướng cầm đầu đảo chánh chỉ lo tranh giành lãnh đạo và cũng cố vây cánh hơn là chiến đấu cống cộng. Đảng Lao Động và MTGPMN đã khai thác tối đa tất cả những dược điểm của VNCH và thu được kết quả thuận lợi. Đầu năm 1964, khoảng một nữa dân số và đất đai vùng quê miền Nam đã nằm dưới sự kiểm soát của MTGPMNVN ở những mức độ khác nhau. Sau chuyến đi Việt Nam vào tháng 12, 1963, Bộ Trưởng Quốc Phòng McNamara báo cáo với Tổng Thống Johnson: “Tình hình thật đáng lo ngại... Cái đà này, nếu không đảo ngược được trong vài ba tháng thì sẽ đưa tới khá lắm là tình trạng trung lập hay, nhiều phần chắc hơn, một quốc gia do Cộng Sản kiểm soát.”

Trước tình thế bất lợi đó, Tổng Thống Lyndon Johnson, người kế nhiệm Kennedy, phải thiết lập một chiến lược mới để đối phó, chuẩn bị cho giai đoạn tham chiến trực tiếp của Hoa Kỳ. Tháng Hai 1964, Johson chấp nhận một kế hoạch hành động bí mật mang tên là OPLAN 34A do McNamara và ban tham mưu quốc phòng đề nghị với mục đích “thuyết phục Bắc Việt hãy vì quyền lợi của chính họ mà bỏ ý định xâm lược miền Nam.” Khác với các hoạt động do CIA điều khiển mấy năm trước, OPLAN 34A là một chương trình mười hai tháng do giới chỉ huy quân sự Mỹ phụ trách gồm ba giai đoạn. Theo Hồ sơ Ngũ giác đài, giai đoạn 1 (đầu tháng Hai đến cuối tháng Năm) thâu thập tin tức do máy bay thám thính U-2 vá các hoạt động tình báo và tâm lý chiến như thả truyền đơn, máy thu thanh, chương trình phát thanh. Ngoài ra còn dự liệu khoảng 20 hoạt động phá hoại trong khả năm của VNCH vừa gây thiệt hại vật chất vừa khủng bô tinh thần đối phương. Giai đoạn hai và ba cũng gồm những loại hoạt động này nhưng nhiều và mạnh hơn, và các đối tượng phá hoại được mở rộng tới những mục tiêu thiết yếu của đời sống kinh tế và kỹ nghệ ở miền Bắc.

Mặc dù kết quả của bốn tháng thí nghiệm OPLAN 34A (giai đoạn 1) bị coi là “bước đầu chậm chạp” (slow beginning), Johnson cho phép tiến hành kế khoạch này thêm bốn tháng nữa. Trong mọi trường hợp, mọi hoạt động đều do VNCH thực hiện, Hoa Kỳ chỉ cố vấn kỹ thuật và cung cấp phương tiện mà thôi. Tuy nhiên, chính sách này thay đổi hẵn khi có biến cố Maddox xẩy ra vào đầu tháng Tám đã đưa tới Nghị Quyết Vịnh Bắc Việt của Quốc Hội Hoa Kỳ “chấp thuận và ủng hộ quyết định của Tổng thống xử dụng mọi biện pháp cần thiết để đẩy lui bất cứ một cuộc tấn công vũ trang nào chống lại các lực lượng của Hoa Kỳ và để ngăn ngừa sự gây hấn nữa.” Đoạn 2 của Nghị quyết còn nói rõ là Tổng thống có quyền “sử dụng mọi phương tiện, kể cả quân lực, để giúp đỡ bất cứ một quốc gia hội viên hay ở trong vòng bảo vệ của Minh Ước Liên Phòng Đông Nam Á, nếu Hoa Kỳ được yêu cầu giúp đỡ để bảo vệ tự do cho nước đó.” Nghị quyết này được thông qua tối đa ở cả Hạ viện (416-0) lẫn Thượng viện (82-2), chính thức cho phép quân lực Hoa Kỳ trực tiếp tham chiến và mở đầu cho một thời kỳ khốc liệt nhất của chiến tranh Việt Nam (1965-1973) dưới hai đời Tổng thống Johnson và Nixon. (tr. 284 - 286)

Nhưng tình hình miền Nam vẫn ngày càng xấu đi. Tác giả viết tiếp:

Đại sứ Maxwell Taylor báo cáo tuyệt vọng về lãnh đạo chính trị ở miền Nam. Tướng William Wesrmoreland (Westy) đã bi quan nhận định rằng “trừ phi thấy có triển vọng vể sự ra đời rất sớm của một chính phủ có hiệu lực, hành động tấn công của Mỹ dù lớn đến đâu, ở trong hay ở ngoài miền Nam Việt Nam, cũng không thể hy vọng tự một mình nó đảo ngược được tình trạng tan rã đang diễn ra.”

Tình hình đó, thêm vào vụ tấn công quy mô của cộng sản ở Bình Giã (Ba Rịa) hồi đầu tháng Giêng 1965, gây thiệt hại nặng cho quân đội VNCH, đã khiến cho McGeorge Bundy, Phụ tá đặc biệt của Tổng Tống về An ninh, cùng với Bộ trưởng Quốc phòng McMamara “kết luận một cách đau buồn và miễn cưởng rằng đã đến lúc phải thay đổi phương sách hành động.” Trong thư nội bộ (memorandum) gởi Tổng thống Johnson ngày 27 tháng Giêng, hai ông đã nhấn mạnh vào điểm đó, và đề nghị hai sự lựa chọn cho Tổng thống quyết định:

“... cả hai chúng tôi đều tin chắc rằng chính sách hiện thời của chúng ta chỉ có thể đưa tới thất bại. Điều chúng ta hiện đang làm cốt yếu là chờ đội và hy vọng có một chính phủ vững vàng. Những chỉ thị trong tháng Mười Hai của chúng ta cho biết rất rõ là các hoạt động chống cộng sản không được mở rộng hơn trừ khi chúng ta có được một chính phủ như vậy. Trong sáu tuần qua, nỗ lực đó đã không thành công và Bob (McNamara) cũng như tôi đều tin rằng không thật sự có hy vọng thành công trừ khi và cho đến khi chính sách và những ưu tiên của chính chúng ta được thay đổi.

“... không ai còn hy vọng rằng sẽ có một chính phủ vững vàng trong lúc chúng ta cứ ngồi yên. Kết quả là chúng ta bị kẹt cứng trong một chính sách cứu trợ ban đầu cho những chính trị gia ưa cãi lộn và trong cách phản ứng thụ động trước những biến cố mà chúng ta không muốn kiểm soát. Hay có vẻ như vậy.

“Chúng tôi thấy có hai sự lựa chọn. Thứ nhất là sử dụng sức mạnh quân sự của chúng ta ở Viễn Đông và ép buộc cộng sản phải thay đổi chính sách. Thứ nhì là vận động mọi nguồn lực của chúng ta vào con đường đàm phán, nhằm cứu vãn chút gì còn giữ được mà không làm gia tăng những nguy cơ quân sự hiện thời. Bob và tôi nghiêng về lựa chọn thứ nhất, nhưng chúng tôi tin rằng cả hai cần được nghiên cứu cẩn thận và những chương trình thay thế khác đều phải được thảo luận kỹ càng trước sự hiện diện của Tổng Thống.”
(tr. 289 - 290)

VỤ TẾT MẬU THÂN

Về biến cố Tết Mậu Thân, tác giả đã cho biết như sau:

Tình báo quân sự Mỹ được tin tức về những vụ chuyển quân của cộng sản và dự đoán sẽ có những cuộc tấn công trước hay sau Tết nhưng không lượng định được rằng đây là trận đánh quyết định ở mức độ toàn diện. Ngày 10 tháng Giêng, Tướng Frededric C. Wayand, Tư lệnh Lực lượng Chiến trường vùng II, được sự chấp nhận của Tổng Tư Lệnh Westmoreland, bắt đầu chuyển quân chiến đấu về vòng đai Sài-gòn, tăng cường lực lượng bảo vệ thủ đô từ 14 lên 27 tiểu đoàn. Theo đề nghị của Tướng Westmoreland, Tổng thống Thiệu và Đại tướng Cao Văn Viên giảm thời gian hưu chiến ngày Tết từ 48 xuống 36 tiếng đồng hồ và duy trì 50 phần trăm quân đội trong tình trạng báo động...

Trận công kích Sài-gòn bị thất bại mau chóng vì giới lãnh đạo Bắc Việt quá chủ quan, tin tưởng quân giải phóng sẽ chiếm giữ hay phá hủy được những cơ sở trọng yếu về hành chánh và quân sự của VNCH và Hoa Kỳ, nhất là chiếm được Dinh Độc Lập và tòa Đại sứ Mỹ để gây tiếng vang quốc tế, trong khi dân chúng thủ đô sẽ ồ ạt xuống đường biểu tình ủng hộ cuộc cách mạng giải phóng chống ngụy quyền và đế quốc Mỹ. Tất cả những mục tiệu của cuộc tấn công đều không đạt được, trừ việc đốt phá một phần kho đạn ở Long Bình, cách Sài-gòn khoảng 200 dặm...

Mặt trận ở Huế diễn ra ác liệt nhất. Chỉ trong vài ngày đầu tiên, cố đô đã bị quân Giải phóng chiếm gần hết. Quân đội VNCH và Hoa Kỳ phải chiến đấu rất khó khăn để giàng lại từng căn nhà, từng góc phố như hình ảnh chiến tranh trong các thành phố ở châu Âu thời đệ nhị Thế chiến. Ngày 25 tháng Hai, sau khi quân giải phóng hoàn toàn rút khỏi Huế, thành phố đã bị phá hủy gần một nữa, 116.000 người trong tổng số 140.000 dân không có nơi trú ngụ. Tài liệu của Mỹ về thiệt hại nhân sự cho thấy có trên 5.000 quân giải phóng bị giết, 89 bị bắt, còn con số bị thương rất lớn nhưng không biết rõ. Phía VNCH có 384 chết và 1.830 người bị thương, Mỹ có 216 chết và 1.354 bị thương. Đáng nói hơn hết là những nạn nhân dân sự bị giết gồm công chức, trí thức, lãnh tụ tôn giáo, chính trị và các “phần tử phản động”, tổng số tìm thấy trong các mồ chôn tập thể là 2.810 mgười. Một số giáo sư ngoại quốc hợp tác với Viện Đại Học Huế cũng bị tàn sát trong trận này...

Sau trận công kích trên toàn miền Nam, lực lượng quân địa phương của MTGPMN bị tiêu diệt gần hết và việc tuyển quân để bù đắp rất khó khăn. Từ nay cho đến khi chiến tranh chấm dứt, Quân đội Nhân dân miền Bắc là thành phần chủ lực trong tất cả các trận đánh. Tính đến cuối tháng Ba, tổng số binh sĩ tử trận: phía quân GPMN 58.000; phía VNCH 4.954; Hoa Kỳ 3.895 và các nước đồng minh 214. Tổng số thường dân miền Nam bị chết là 14.300 người... (tr. 295 - 297).

Tuy nhiên, trận Mậu Thân đã đem lại cho Hà Nội một thắng trận chính trị rất lớn ở Hoa Kỳ. Hình ảnh tòa Đại sứ Mỹ bị tấn công cùng những cảnh tượng xung đột và xác chết nạn nhân được phơi bày trên màn ảnh truyền hình và báo chí mỗi ngày, kèm theo những lời bình luận chỉ trích chính quyền đã khiến cho uy tín của Johnson bị suy giảm trầm trọng. Thêm vào đó, sự bế tắc trong các nỗ lực chấm dứt chiến tranh bằng thương thuyết do thái độ cứng rắn của Hà Nội, đồng thời với những khó khăn trầm trọng về nội bộ đã khiến Johnson phải quyết định rời bỏ chính trường. Tâm trạng của Johnson được biểu lộ rõ khi ông than phiền với Doris Goodwin, người viết tiểu sử của ông:

Ngay từ đầu tôi đã biết rằng dù hành động cách nào tôi cũng sẽ bị chỉ trích. Nếu tôi bỏ người yêu thật sự của tôi - tức chương trình “Xã Hội Vĩ Đại” - để dan díu với con điếm chiến tranh ở bên kia bán cầu thì tôi sẽ mất hêt mọi thứ trong nước... Nhưng nếu tôi từ bỏ cuộc chiến đó và để cho Cộng Sản chiếm miền Nam Việt Nam thì tôi sẽ bị coi là một kẻ hèn nhát và nước Mỹ là kẻ nhựợng bộ, và chúng ta sẽ không còn có thể làm được chuyện gì cho bất cứ ai ở bất cứ nơi nào trên toàn thế giới.” (tr. 299)

VỤ HIỆP ĐỊNH PARIS

Như chúng ta đã biết, giữa Hoa Kỳ và VNCH đã có những sự bất đồng lớn về bản văn Hiệp Định Paris. VNCH không muốn hiệp định đó trở thành một văn kiện bán đứng miền Nam Việt Nam. Chúng ta hãy nghe tác giả mô tả về sự bất đồng đó:

Sang tháng Giêng 1973, Nixon liên lạc với Thiệu bốn lần nữa để yêu cầu chấp thuận bản hiệp định với một vài sửa đổi nhỏ, cam đoan rằng “Hoa Kỳ sẽ phản ứng bằng tất cả sức mạnh cần thiết nếu có sự vi phạm của Bắc Việt” và “tôi sẽ giữ vững lời cam kết ủng hộ nền tự do và tiến bộ của VNCH và ý định kiên quyết của tôi là tiếp tục viện trợ đầy đủ về kinh tế và quân sự cho Nam Việt Nam.” Vì Thiệu vẫn không chịu thay đồi lập trường, lần thứ ba Nixon đe dọa:

Văn bản hiệp định này không phải là lý tưởng nhưng không thể đòi được gì hơn trong hoàn cảnh hiện tại... Việc Ngài bác bỏ hiệp ước này sẽ có hậu quả không thể cứu vãn được là hủy hoại khả năng của chúng tôi giúp đỡ xứ sở của Ngài. Quốc Hội và dư luận dân chúng bắt buộc chúng tôi như vậy.”

Lần này, sau khi họp Hội Đồng An Ninh Quốc Gia ngày 20, Thiệu đồng ý trả lời với Nixon nhưng yêu cầu có điều khoản về việc cả hai miền Nam, Bắc đều giải ngũ quân sĩ trên căn bản đồng đều và những người giải ngũ sẽ phải trở về nguyên quán của mình. Ngày hôm sau, Nixon trả lời dứt khoát:

Chính phủ của tôi sẽ ký tắt bản Hiệp định với Hà Nội vào ngày 23. Tôi cần được biết xem Ngài có sẵn sàng đồng ý với chúng tôi hay không và chúng tôi cần được Ngài trả lời ngày 21 tháng Giêng, lúc 12:00 giờ, giờ Washington.”

Nixon thêm rằng quá thời hạn này “khả năng viện trợ của Hoa Kỳ cho VNCH được Quốc Hội chấp thuận sẽ giảm sút nghiêm trọng.” Thiệu đành phải trả lời:

Để bảo tồn đoàn kết giữa hai chính phủ của chúng ta và căn cứ vào những điều cam kết vững chắc của Ngài về sự tiếp tục ủng hộ và giúp đỡ của Hoa Kỳ, tôi chấp thuận lịch của Ngài về ký kết bản Hiệp định ngày 23 tháng Giêng.”

Kết quả như thế nào? Trong một tập hồi ký, Tổng Thống Nixon cho biết:

“Ngay từ đầu tháng Hai 1973 - hiệp định đình chiến ký ngày 27 tháng Giêng - các phi cơ thám sát của chúng ta nhận ra một đoàn 175 quân xa Bắc Việt vượt qua vùng phi quân sự và 223 xe tăng trên đường mòn Hồ Chí Minh tiến về phía Nam Việt Nam. Chẳng bao lâu, những chuyến đưa quân sĩ và vật liệu chiến tranh từ Bắc vào Nam được diễn ra với một nhịp độ chưa từng thấy, vượt quá mức xâm nhập trước cuộc tổng tấn công năm 1972”.

Sử liệu quân đội Bắc Việt cũng ghi nhận:

“Từ tháng Giêng đến tháng Chín 1973, số vật liệu tiếp viện từ Bắc vào Nam lên đến 140.000 tấn, gấp bốn lần trong năm 1972... Ngoài ra, còn có 10.000 tấn vũ khí trử ở các nhà kho dọc theo đường Trường Sơn. Trên 100.000 binh sĩ và cán bộ gồm hai sư đoàn bộ binh, hai trung đoàn pháo binh, một sư đoàn pháo phòng không, một trung đoàn thiết giáp, một trung đoàn công binh và nhiều đơn vị tăng cường khác tiến từ miền Bắc vào chiến trường miền Nam.” (tr. 307 - 308)

RỒI MỌI CHUYỆN RA SAO?

Ngày 23.4.1975, Tổng Thống Ford đọc diễn văn ở Đại học Tulane, tiểu bang New Orleans, cho thấy rằng đối với ông chiến tranh Việt Nam đã chấm dứt:

Ngày nay, nước Mỹ có thể lấy lại được niềm hảnh diện đã có trước (chíến tranh) Việt Nam. Điều đó không thể nào đạt được bằng cách trở lại một cuộc chiến đã chấm dứt đối với nước Mỹ. Theo tôi, đã đến lúc cần nhìn về phía trước vào một chương trình cho tương lai để đoàn kết, để hàn gắn những vết thương của Quốc gia, và để phục hồi lại sức khỏe và lòng tự tin lạc quan của xứ sở.”

Mặc dầu sau buổi nói chuyện ở Tulane, Ford đã cho thông báo với giới truyền tin rằng ông vẫn giữ nguyên lời yêu cầu Quốc Hội chấp thuận ngân khoản viện trợ 722 triệu cho Việt Nam, điểm xác định này chỉ là một cố gắng ngăn chận hậu quả tai hại của lời tuyên bố “chiến tranh Việt Nam đã chấm dứt”. Nhưng vô ích... (tr. 312)

Chuyện đáng cười ra nước mắt là ngày 1 tháng Năm (1975), một ngày sau khi Sài-gòn thất thủ, Hạ Viện Mỹ bác bỏ lời Tổng thống Ford trước đó yêu cầu chấp thuận số tiền 327 triệu để chi phí cho công cuộc di tản người tỵ nạn Đông Dương, một việc làm đã được thực hiện khẩn cấp suốt ngày đêm bằng máy bay vận tải, trực thăng và chiến hạm Mỹ từ những ngày cuối tháng Tư.” (tr. 313)

RÚT ĐƯỢC BÀI HỌC GÌ?

Tác giã đã viết về phần nhận xét và bài học có thể rút ra từ cuộc chiến Việt Nam rất dài, từ trang 314 đến trang 485. Có lẽ đây là mục tiêu chính của cuốn sách. Sau đây là một vài điểm chính:

Người Mỹ vốn là một dân tộc năng động, ưa đôi mới và thiếu kiên nhẫn. Lập quốc trên một lục địa nằm giữa hai đại dương với tài nguyên phong phú, người Mỹ còn có khuynh hướng biệt lập (isolationism), không thích tham gia hay can thiệp vào tình hình thế giới bên ngoài. Ngay cả sau khi đã bị lôi cuốn vào hai trận Thế chiến, Hoa Kỳ vẫn chỉ muốn trở về với chủ trương biệt lập khi cuộc chiến chấm dút. Nhưng khi Chiến Tranh Lạnh khởi sự do mối đe dọa của Liên Xô và chủ nghĩa cộng sản quốc tế, Hoa Kỳ nhận thấy không thể giao phó nhiệm vụ duy trì hòa bình thế giới cho Liên Hiệp Quốc. Trong cuộc tranh đua với quốc tế cộng sản, Hoa Kỳ phải từ bỏ khuynh hướng biệt lập để giữ vai trò “lãnh đạo thế giới tự do”, tham gia vào những cuộc chiến tranh cục bộ trên thế giới...

Với một sứ mạng đương nhiên như thế, các nhà lãnh đạo chính trị và quân sự Hoa Kỳ thường tự hào về các giá trị tự do dân chủ hàng đầu của mình và tin tưởng ở sức mạnh vô địch vê tiền bạc và vũ khí của Hoa Kỳ. Vì vậy, tuy không muốn trực tiếp can thiệp vào những vụ tranh chấp bên ngoài nhưng một khi đã nhảy vào vòng chiến thì Hoa Kỳ thường tin tưởng sẽ chiến thắng mau chóng do lực lượng quân sự hùng hậu của mình. Những yếu tố tâm lý đó đã tạo thành cơ sở của chính sách đối ngoại chung cho cả hai đảng cộng hòa và dân chủ, chỉ khác biệt ở mức độ áp dụng bảo thủ hay cởi mở, cứng rắn hay ôn hòa... (tr. 317 - 318).

Trong quan hệ với những quốc gia nhận viện trợ, Tổng thống và Quốc hội Hoa Kỳ thường nhiệt tình ủng hộ người lãnh đạo đã được Hoa Kỳ lựa chọn hay chấp nhận, cho đến khi người đó không chịu nghe theo những lời khuyến cáo của Hoa Kỳ. Đến lúc đó thì chính phủ Mỹ sẽ tìm mọi cách, kể cả bạo lực nếu cần, để thay thế người lãnh đạo đó... Như Thomas J. McCormick đã xác nhận: “Nếu có một sự ngạo mạn nào đó trong thái độ của những nhà lãnh đạo Hoa Kỳ thì đó là sự ngạo mạn của chính nghĩa và quyền lực.”... (tr. 318)

Hoa Kỳ đưa quân vào Việt Nam không phải là để chiến đấu thay cho quân đội VNCH mà để tăng cường lực lượng chống cộng khi cuộc khủng hoảng lãnh đạo kéo dài ở miền Nam Việt Nam ảnh hưởng tai hại tới tinh thần chiến đấu của binh sĩ. Sau khi tình hình chính trị đã ổn định với sự ra đời của Đệ nhị Cộng Hòa năm 1967 và một bộ máy chính quyền hợp hiến, hợp pháp, việc tổ chức và khả năng chiến đấu của quân đội VNCH mới lại có hiệu lực... (tr. 323).

Điểm tai hại lớn nhất trong chương tình “Mỹ hóa” chiến tranh là quân đội VNCH bị đẩy xuống vai trò phụ thuộc, giúp cho Hà Nội có chính nghĩa để động viên tinh thần nhân dân và quân đội trong cuộc “chiến tranh giải phóng” chống đế quốc Mỹ”...

Ngoài ra, chương trình “Mỹ hóa” chiến tranh còn phạm phải ít nhất hai sai lầm quan trọng khác:

- Vì quá tin tưởng ở sức mạnh của mình và coi thường khả năng của quân lực VNCH, Hoa Kỳ không trang bị cho họ vũ khí hiện đại. Chẳng hạn, quân Mỹ vào Việt Nam từ tháng Ba 1965 nhưng mãi tới tháng Sáu 1968, sau trận Tết Mậu Thân, Hoa Kỳ mới cung cấp súng M-16 cho binh sĩ VNCH trong khi bộ đội cộng sản miền Bắc đã xử dụng loại súng tối tân AK-47 từ mấy năm trước. Hầu hết máy bay trực thăng rất cần thiết trong các cuộc hành quân đều do phi công Hoa Kỳ lái và chỉ chịu mệnh lệnh của cấp chỉ huy người Mỹ.

- Quân đội Hoa Kỳ chỉ quen với chiến tranh quy ước không thích hợp với những điều kiện chiến đấu chống du kích trong núi rừng nhiệt đới. Nhưng Hoa Kỳ vẫn tin rằng sẽ thắng bất cứ loại chiến tranh nào bằng cách xử dụng hỏa lực thật mạnh và thật nhiều. Lối đánh trận kiểu nhà giàu này quá phí phạm, coi thường sinh mạng của dân chúng mà thường không đem lại kết quả mong đôi. Trái với mục tiêu “tranh thủ nhân tâm”, lối đánh trận này chỉ làm cho dân chúng có cảm tình với chủ trương “chống Mỹ cứu nước” của cộng sản. Đó cũng là nguyên nhân của nhiều trường hợp bất đồng ý kiên giữa các cố vấn Mỹ và các cấp chỉ huy người Việt.

Tóm lại, quyết định “Mỹ hóa” chiến tranh rõ ràng là một quyết định sai lầm về cả mặt chính trị và quân sự. (tr. 328 - 329).

Vì có sức mạnh, Hoa Kỳ cứ quyết định theo ý muốn của mình và coi thường địch thủ, không chịu tìm hiểu kỹ những ưu khuyết điểm của kẻ địch (và đồng minh của mình nữa), nhất là những trở ngại địa phương về tâm lý, địa lý và chính trị. Nhược điểm này được cựu Bộ Trưởng Quốc Phóng McNamara xác nhận là kinh nghiệm bản thân của ông và giới lãnh đạo Hoa Kỳ khi quyết định tham chiến ở Việt Nam:

“Tôi chưa bao giờ đi thăm Đông Dương mà tôi cũng không hiểu gì về lịch sử, ngôn ngữ, văn hóa và các giá trị của những xứ này. Điều này cũng đúng ở những mức độ khác nhau trong trường hợp của Tổng thống Kennedy, Bộ trưởng Ngoại giao Dean Rusk, Cô vấn An ninh Quốc gia McGeorge Bundy, Cố vấn Quân sự Maxwell Taylor, và nhiều người khác nữa. Khi bàn đến vấn đề Việt Nam, chúng tôi đã lập chính sách cho một miền đất lạ.”

Do thái độ tự tôn ấy, Hoa Kỳ trước tiên chỉ muốn làm theo ý mình, không chấp thuận những giải pháp dung hòa, cho nên khi muốn dùng tới thì đã muộn và chịu thiệt. (tr. 330).

TOLE ET LEGE

Nhìn chung, trong Tập I của cuốn “Việt Nam 1945 - 1995”, tác giả muốn đưa ra một tầm nhìn bao quát về cuộc chiến Việt Nam và những bài học lịch sử có thể rút tỉa được. Tác giả tránh đi vào những vấn đề đang tranh luận, những vấn đề hóc búa, những bí ẩn đàng sau của cuộc chiến... Với một lối viết nhẹ nhàng và khúc chiết, với những tài liệu được đánh giá và lựa chọn kỹ càng, tác giả muốn rút ra từ cuộc chiến những bài học hữu ích. Trong lời mở đầu, tác giả đã viết:

“Ôn lại lịch sử là để “trả lại cho César cái gì của César”, tức là phục hồi sự thật trong tinh thần bình thảm vô tư của những người đã vượt lên khỏi những xúc động và phản ứng chủ quan trong những tình huống nhất định. Trong tinh thần đó, kiểm điểm những sự việc đã qua không phải để kích động lại những mâu thuẫn và hận thù cũ, mà để nhận ra được những kinh nghiệm đau thương, những sai lầm cần phải tránh. Đáng chú ý là những sai lầm quan trọng thường được phát xuất từ phe có sức mạnh hoặc phe đã thắng trận nhiều hơn là phe yếu thế và bại trận. Bởi vậy, nếu trong sách này công việc phân tích và nhận định sai lầm có phần nặng hơn về phía các nhà làm chính sách của Hoa Kỳ và các nhà lãnh đạo miền Bắc Việt Nam thì cũng không nên bị chê trách là thiên vị hay thiếu công bằng. Quan trọng hơn hết vẫn là “ôn cố tri tân”, học kinh nghiệm quá khứ để làm được chuyện tốt hơn cho hiện tại và tương lai...”

Lữ Giang thường chỉ đọc những sách có thể giúp học hỏi thêm hay giải trí. Lữ Giang không bao giờ đọc những loại sách lập thuyết vớ vẫn hay những lập luận dao to búa lớn nhưng nội dung rổng tuếch. Đọc cuốn “Việt Nam 1945 - 1995”, Lữ Giang đã tìm được trong đó nhiều điều hữu ích. Vì thế, Lữ Giang xin mượn thành ngữ Latin sau đây để nói về quyển sách này: “Tole et lege”. Hãy cầm lấy và đọc.